Những dịch bệnh liên quan đến nền văn minh nhân loại
Sau dịch SARS, cúm gia cầm là căn bệnh truyền nhiễm mới nhất hiện nay. Mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng là liệu virus H5N1 có thể truyền trực tiếp từ người sang người hay không. Để hiểu rõ hơn về dịch bệnh do virus H5N1 gây ra, các nhà khoa học đã quay ngược dòng thời gian để xem xét 3 đợt dịch bệnh lớn nhất từng xảy ra trong thế kỷ 20. Đó là các dịch cúm 1918, 1957 và 1968. Mới đây, họ đã có những phát hiện quan trọng và rất đáng lo ngại. Thứ nhất, gien của virus cúm H1N1 (hay còn được gọi là cúm Tây Ban Nha), từng giết chết khoảng 40 triệu người vào những năm 1918-1919, đã được các nhà khoa học tái tổ hợp lại. Khác với virus gây dịch cúm năm 1957 (H2N2) và năm 1968 (H3N3), virus H1N1 không cần kết hợp những thành tố gien của chim hoặc gia cầm với người để gây bệnh cho người. Liệu virus H5N1 có giống như thế không? Tại New York (Mỹ) từng xảy ra việc lây lan bệnh cúm từ ngựa sang chó và sau đó là trực tiếp từ chó sang chó. Nếu điều đó đã xảy ra giữa những chú chó thì hoàn toàn có thể xảy ra giữa người với người.
Theo Giáo sư A. J. McMichael, khoảng những năm 1997-1998, virus SARS bắt đầu xuất hiện ở Nam Trung Quốc. Tại Malaysia từ năm 1997-2000, virus Nipah đã gây ra dịch bệnh với những biểu hiện tương tự như triệu chứng cúm tại các trang trại nuôi lợn. Và nay là dịch cúm gia cầm H5N1. Tất cả đã thể hiện một bức tranh đầy đủ về tình hình dịch bệnh hiện nay.
Trong 3 thập kỷ gần đây, trên phạm vi thế giới đã xuất hiện rất nhiều bệnh truyền nhiễm, bao gồm bệnh lyme, HIV/AIDS, viêm gan C, bò điên... Những căn bệnh truyền nhiễm tồn tại từ trước đó như sốt rét, ho lao, tả, sốt xuất huyết chẳng những không bị tiêu diệt mà còn có xu hướng quay trở lại, thậm chí gia tăng cả về phạm vi cũng như mức độ nguy hại. Điều này hoàn toàn trái ngược với những dự báo rất chắc chắn của các nhà y học trong những năm 70 của thế kỷ trước, rằng những căn bệnh đó sẽ sớm được loại bỏ triệt để. Cơ sở cho những nhận định trên là sự ra đời của kháng sinh, sự xuất hiện và ngày càng hoàn thiện của rất nhiều loại vaccine, khả năng kiểm soát côn trùng (như muỗi), khả năng kiểm soát dịch bệnh cao hơn vào giữa thế kỷ 20. Điều đáng tiếc là nhận định đó lại không đúng với những gì đang xảy ra.
Trên thực tế, rất nhiều hoạt động của con người đã dẫn tới sự xuất hiện các bệnh truyền nhiễm. Khoảng 10.000 năm trước đây, khi con người rời bỏ cuộc sống săn bắn hái lượm để chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt, sự thay đổi này đã tạo điều kiện để vi trùng từ động vật lây sang người. Từ đó, các bệnh dịch cũng xuất hiện bao gồm cúm, rubela, tả, ho gà, cúm thông thường, ho lao và nhiều căn bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.
Khi dân số thế giới gia tăng nhanh chóng trong thiên niên kỷ vừa qua, thương mại, du lịch phát triển thì cũng là lúc dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng. Sự lan truyền này bắt đầu từ các cộng đồng dân cư nhỏ và nhanh chóng lan ra các cộng đồng khác lớn hơn.
Ngày hôm nay, lịch sử dịch bệnh dường như lại lặp lại nhưng ở phạm vi rộng hơn, tốc độ lớn hơn dưới tác động của những biến đổi môi trường do con người tạo nên, do khả năng di chuyển của con người gia tăng và xu hướng tình dục tự do và do những tác động khác của chính nền y học hiện đại (chẳng hạn như kỹ thuật truyền máu, cấy ghép tạng hay sự lạm dụng kháng sinh). Khi dịch SARS bùng nổ, tại nhiều quốc gia, các biện pháp ngăn ngừa đã được triển khai, như kiểm soát dịch bệnh ngay tại các cửa khẩu đường bộ cũng như hàng không. Một phương pháp phổ biến là khử trùng và khám phát hiện bệnh. Nhưng thực tế cho thấy điều này dường như là vô ích khi mà thời gian ủ bệnh kéo dài mâu thuẫn với tốc độ di chuyển của con người thông qua các phương tiện vận tải hiện đại. Điều này có nghĩa là tốc độ lây lan bệnh dịch khó lòng kiểm soát.
Dịch cúm gia cầm chủ yếu xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc, Indonesia ... nơi người ta chăn thả gia cầm, gia súc gần nơi ở của con người và tạo nên cơ hội cho sự pha trộn về gien của virus cúm. Sự xuất hiện của bệnh SARS liên quan tới việc buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới ở quy mô lớn tại Đông và Đông Nam Á. Cũng như trước đây, virus Nipah gây bệnh phát triển rất nhanh thành dịch do nạn chặt phá và đốt rừng, khiến virus lây từ dơi ăn quả sang các trang trại chăn nuôi. Sự lây lan này không chỉ dừng lại ở dây chuyền từ dơi sang lợn mà từ lợn, bệnh đã lây sang người gây ra dịch trong những năm 1997-2000.
Ngày nay, thảm họa của việc phá rừng, ô nhiễm nguồn nước, khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng trở nên nguy hại hơn khi hậu quả của nó là sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều bệnh truyền nhiễm rất nhạy cảm đối với nhiệt độ, độ ẩm và lượng nước bề mặt. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, các bệnh như tả, sốt rét, viêm não và viêm loét dạ dày đã có những thay đổi rất lớn nhờ “thích nghi” với những thay đổi khí hậu. Với sự trợ giúp của máy tính, các nhà khoa học đã dự báo rằng, sự thay đổi khí hậu có thể dẫn tới những xáo trộn về mặt địa chất , làm bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở Australia . Khí hậu nóng lên sẽ khiến sốt rét trở thành căn bệnh phổ biến hơn ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Trong 10 năm qua, ở châu Phi, bệnh sốt rét đã gia tăng gấp 4 lần. Khí hậu nóng lên cũng là điều kiện tốt để các côn trùng phát triển và làm gia tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Bệnh cúm gia cầm hiện là mối đe dọa khẩn cấp đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng đối phó. Tuy nhiên, để có thể chống lại căn bệnh đó một cách hiệu quả, phải hiểu rõ lịch sử lâu dài của quá trình tương tác giữa con người và vi trùng. Vi trùng cũng giống như chúng ta, đã được thiên nhiên lập trình để có thể tồn tại và sống sót nhờ vào sự thích nghi. Điều kiện cho sự thích nghi này phần lớn do nền văn minh của con người tạo ra. Trong thế giới ngày nay, khi những hoạt động tương tác giữa các cộng đồng diễn ra một cách nhanh chóng và quy mô thì thiên nhiên lại càng bị xáo trộn hơn nữa và hậu quả là quá trình phát sinh dịch bệnh sẽ tiếp diễn. Nhân loại cần sẵn sàng để đối phó với điều này .
Nguồn: thanhnien.com.vn 11/11/2005