Những cán bộ khoa học chia sẻ gian khó với đồng bào Tây Nguyên
Thỉnh thoảng có gặp nhau trên đường đi công tác nhưng chưa bao giờ nói chuyện công việc, lần này hò hẹn mãi mới gặp, anh Nam, tên đầy đủ là Nguyễn Sơn Nam, giờ là Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, anh bộc bạch: Vèo một cái chúng ta đã trở thành ông, thành bà. Nhớ những ngày gian khó, anh em ở Viện đã lặn lội về từng buôn làng, có khi nằm cả tháng trời để theo dõi, để phòng và chống dịch. Anh em hầu hết "lạ nước, lạ cái", song vẫn bám trụ rất nhiệt tình để lo chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Nay tất cả đã trưởng thành, vững vàng trong cương vị công tác.
Tây Nguyên, một vùng đất rất đỗi xa lạ với những cán bộ vừa mới tốt nghiệp đại học mà quê của các anh, các chị đều ở miền bắc, như Ðặng Tuấn Ðạt, Hoàng Anh Vường, Ðoàn Văn Tập, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Nam Sơn, Lý Thị Vi Hương... cùng đoàn cán bộ của Bộ Y tế lên đường vào Tây Nguyên, mà cụ thể là Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) xây dựng viện vào những năm đầu đất nước vừa thống nhất. Ngày ấy, Tây Nguyên nghèo lắm, dịch bệnh xảy ra khắp nơi, nhất là vào mùa mưa, lại thêm tình hình an ninh còn phức tạp, bọn Phun-rô quấy phá khắp nơi. Nhưng, với tinh thần không để cho dân chết vì dịch, đoàn cán bộ nòng cốt của Viện Vệ sinh dịch tễ lúc bấy giờ vừa đặt chân đến vùng đất mới đã vừa lo công tác tuyển dụng cán bộ, vừa triển khai công tác phòng dịch ở cơ sở.
Làm cán bộ khoa học thì phải nắm được tình hình, am hiểu cơ sở và luôn dõi theo diễn biến sức khỏe của cộng đồng, như anh em thường nói với nhau, làm nghề này phải "sống chết vì những trận dịch ở cơ sở, cương quyết đưa nó ra khỏi cộng đồng", mà vùng Tây Nguyên như chúng ta đã biết, rất hay xảy ra những dịch bệnh, có những dịch bệnh khó lường do trình độ nhận thức và cũng do chế độ sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Do vậy, trong suốt 30 năm qua, không nơi nào trên vùng đất Tây Nguyên này thiếu vắng bóng dáng cán bộ của viện về cơ sở để điều tra, nghiên cứu, để giám sát, để chống dịch. Những đề tài nghiên cứu khoa học cũng xuất phát từ đó, cán bộ của viện hôm nay trưởng thành, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ cũng từ những thực tế của vùng Tây Nguyên này. Và cái được lớn nhất là nhiều công trình khoa học được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực. Tất nhiên, thành công này phải nói đến sự giúp đỡ của Bộ Y tế, của các ngành ở T.Ư và cơ sở liên quan. Xin nêu một vài con số để chứng minh: Nếu những năm 1991 - 1995, ở vùng Tây Nguyên, tỷ lệ mắc bệnh dịch hạch trung bình trên trăm nghìn dân có 17,98% người mắc bệnh thì đến năm 2003, trên địa bàn không có người dân nào mắc bệnh nữa. Rồi bệnh tiêu chảy, bệnh sởi, thương hàn... đã được khống chế một cách hữu hiệu.
Có được kết quả trên là nhờ hàng loạt các biện pháp được Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên triển khai thực hiện, như cùng các ngành chức năng lo cho dân dùng nước sạch, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giám sát và can thiệp vào môi trường sống, môi trường lao động, nghiên cứu và công bố các mẫu nước, đất, không khí và các yếu tố khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hàng loạt các xét nghiệm đã góp phần cho công tác chẩn đoán, giám sát, chống dịch, nghiên cứu khoa học, đây là một trong những lĩnh vực mà viện rất quan tâm.
Nói đến nghiên cứu khoa học, Phó Viện trưởng Nguyễn Sơn Nam cho biết: Từ những năm 80 của thế kỷ trước, lãnh đạo viện đã chỉ đạo hoạt động khoa học phải đi vào chiều sâu, giảm các nghiên cứu mô tả, tăng ứng dụng và can thiệp vào những vấn đề y tế dự phòng có tính chất trọng điểm trong khu vực mà các nhà khoa học trong nước và quốc tế đang quan tâm. Chính nhờ bước đi này mà trong 30 năm qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên triển khai thực hiện ba đề tài cấp Nhà nước, bốn đề tài nhánh cấp Nhà nước, một đề tài liên Bộ Y tế - Quốc phòng, 23 đề tài cấp bộ và tương đương cùng gần 300 đề tài cấp cơ sở. Ðây là đóng góp đáng kể trong lý luận cũng như thực tiễn cho y học dự phòng vùng Tây Nguyên.
Không những Viện có quan hệ tốt với cơ sở và các sở y tế trong khu vực mà còn quan hệ chặt chẽ với các viện khác trong nước, nhất là các viện về y tế dự phòng và ngoài cơ quan đại diện WHO, UNICEF. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã có hợp tác, trao đổi khoa học với các nhà khoa học ở các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới.
Khó có thể nói hết những gì cán bộ, công nhân viên chức của viện đã làm được trong 30 năm qua, điều ai cũng ghi nhận là viện đã gắn bó với đồng bào Tây Nguyên, kể cả trong gian khó, trong suốt ngần ấy năm và viện đã giúp đồng bào đẩy lùi dịch bệnh, điều mà Tây Nguyên chưa làm được trong nhiều thập kỷ qua, công lao đó đã được người Tây Nguyên ghi nhận. Ðiều lớn hơn là nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, viện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, đây là vinh dự cho ngành. Ðồng thời, trách nhiệm của viện là phải khắc phục những khó khăn, thiếu sót, vươn lên xứng đáng là viện quốc gia phụ trách khu vực về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguồn: nhandan.com.vn 17/12/2005