Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 01/02/2024 14:34 (GMT+7)

Những bất cập trong áp dụng Quy chuẩn Việt Nam

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xây dựng và áp dụng các quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kể từ khi được giao nhiệm vụ từ năm 2022, Tổng hội đã thực hiện khảo sát thực trạng áp dụng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn cả nước với các đối tượng, như: đơn vị tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và một số doanh nghiệp… Kết quả khảo sát chỉ ra nhiều tồn tại bất cập như hầu hết QCVN đều được các địa phương ít nhiều áp dụng, nhưng chỉ có 9/16 QCVN được sử dụng thường xuyên với tần suất 50% trở lên, một số còn lại rất ít được sử dụng.

tm-img-alt

TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Qua quá trình thực hiện nghiên cứu, khảo sát cho thấy việc áp dụng quy chuẩn vẫn còn nhiều tồn tại và vướng mắc, cụ thể: quan điểm về các quy định đưa ra trong QCVN còn giao thoa trùng lắp giữa các Bộ, ngành quản lý, chưa được cập nhật thường xuyên, hoặc có cập nhập thì không đồng bộ, chưa tính đến điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế giữa các vùng miền, chưa bao trùm hết các lĩnh vực.

"Một số nội dung quy định trong hệ thống tiêu chuẩn lại được đưa vào nội dung quy chuẩn, dẫn đến một số quy định trong quy chuẩn trở nên cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế. QCVN được biên soạn dựa trên nhiều nguồn tài liệu của các quốc gia khác nhau nên chưa đồng bộ với hệ thống TCVN. Văn phong gây khó hiểu và một số quy định chưa phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Công tác kiểm soát và chế tài về việc thực thi QCVN thiếu chặt chẽ, dẫn đến buông lỏng và vi phạm trong các hoạt động xây dựng”, TS. Đặng Việt Dũng cho biết.

Cũng theo TS. Đặng Việt Dũng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định có thêm một loại hình quy chuẩn đó là quy chuẩn địa phương (QCĐP). Theo quy định, QCĐP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình đặc thù của địa phương và yêu cầu cụ thể về kiểm soát an toàn, môi trường cho phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu, thủy văn và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Một số ý kiến tham luận đề nghị cân nhắc việc xây dựng QCĐP vì diện tích mỗi tỉnh của Việt Nam không lớn trong khi các QCVN đã bao phủ phần lớn hoạt động xây dựng. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng một số quy định trong QCVN chỉ thích hợp áp dụng ở những thành phố lớn, đông dân, một số địa phương muốn nâng chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện địa phương rất cần ban hành QCĐP. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có Hà Nội ban hành được 01 QCĐP còn lại các địa phương đều gặp khó khăn khi ban hành QCĐP”, TS. Đặng Việt Dũng chia sẻ.

Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng công trình dân dụng và công trình công nghiệp của Việt Nam, ThS. Trần Thị Thanh Ý- Ban Khoa học công nghệ, Tổng hội Xây dựng Việt Nam một lần nữa cho thấy rõ hơn những bất cập, tồn tại được trong việc áp dụng QCVN cho rằng, quy chuẩn chỉ nên điều tiết các vấn đề chung nhất về các công trình xây dựng, còn các đối tượng công trình cụ thể do tiêu chuẩn điều tiết. Bởi nếu điều tiết trực tiếp các công trình cụ thể thì hệ thống QCVN còn thiếu rất nhiều, như quy chuẩn về công trình công nghiệp, bệnh viện, trường học… 

Lý giải việc QCVN khó áp dụng trong thực tế, ThS. Thanh Ý cho rằng một trong những nguyên do là ngay từ khi xây dựng tiêu chuẩn hay quy chuẩn, chúng ta hoàn toàn dựa trên cơ sở nghiên cứu của các quốc gia đi trước nhưng chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Theo bà thì "lẽ ra các quy chuẩn quốc gia phải tính đến các điều kiện tự nhiên và phải phù hợp với công nghệ, yêu cầu quản lý nhà nước của quốc gia đó nhưng đôi khi thực tế công trình lại được đầu tư bằng vốn và áp dụng quy chuẩn nước khác”. Đưa ra dẫn chứng, ThS. Thanh Ý cho biết QCVN 08/2018 công trình tàu điện ngầm (do Viện Khoa học công nghệ Xây dựng biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 11/2018/TT-BXD ngày 26.12. 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng), được biên soạn dựa theo tiêu chuẩn của Nga, nhưng dự án xây dựng tàu điện ngầm lại của nhà đầu tư Nhật hoặc nước khác.

Ngoài ra, theo ThS. Thanh Ý cho biết thêm, hiện nay một số nội dung trong QCVN được quy định quá chi tiết, quá cụ thể, bao gồm cả công thức tính toán, dẫn đến một số quy định trong quy chuẩn trở nên cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế, chỉ thích hợp với một số công nghệ xây dụng nhất định, trong khi các giải pháp công nghệ khác có thể giải quyết đảm bảo tốt các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn cho phép. Việc QCVN đưa ra những quy định cụ thể mang tính giải pháp sẽ làm hạn chế những sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới và là rào cản kỹ thuật trong quá trình hội nhập.

Về nguyên tắc, quy chuẩn là căn cứ để ban hành tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn được coi là giải pháp để thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn, tuy nhiên sự liên thông, kết nối giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa rõ ràng.

Do sản phẩm xây dựng có đặc thù riêng biệt khác với một số sản phẩm hàng hóa, cụ thể, có liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau nhưng hiện nay còn thiếu liên kết giữa các bộ chuyên ngành, chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các văn bản.

Còn đối với QCĐP, theo ThS. Trần Thị Thanh Ý thì sau khi nghiên cứu và khảo sát cho thấy hầu hết các QCĐP rất ít, còn nhiều hạn chế và chủ yếu tập chung ở một số lĩnh vực. Hoặc TCĐP như là một tiêu chuẩn để công bố cho một sản phẩm cụ thể của địa phương. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những sản phẩm gỗ thì địa phương sẽ công bố những tiêu chuẩn về gỗ của địa phương đó.

tm-img-alt

TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng

Còn đối với ý kiến của TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng việc xây dựng QCĐP phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của từng địa phương. TS Thuận cũng đưa ra những con số cho thấy thực trạng áp dụng QCVN hiện nay còn hạn chế. Cụ thể như QCVN 01:2021/BXD là QCVN về quy hoạch xây dựng sử dụng thường xuyên trên 70%; QCVN 02:2021/BXD là QCVN về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng được sử dụng thường xuyên chưa tới 50%... Thậm chí QCVN08:2021/BXD là QCVN về công trình tàu điện ngầm sử dụng thường xuyên chỉ hơn 15%, ít sử dụng gần 30%. Như vậy, gần như 60% không dùng tới quy chuẩn này.

"Quy chuẩn là những cái phải đạt được và tiêu chuẩn là cách để đạt được. Quy chuẩn là công cụ quản lý việc ban hành tiêu chuẩn. Quy chuẩn để quản lý, còn tiêu chuẩn là để dân thiết kế theo tiêu chuẩn. Khi người dân thực hiện theo tiêu chuẩn này là đã đáp ứng được quy chuẩn. Như vậy không cần phải hai cái song song. Và rất rõ ràng, nó không chèn lên nhau. Nếu quy chuẩn cũng đưa vào cho dân áp dụng thì nó mâu thuẫn nhau và gây ra những khó khăn trong thực hiện” – GS-TSKH. Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chia sẻ. Về QCĐP ông cũng cho rằng địa phương chưa đủ năng lực để làm các quy chuẩn, cho nên việc giao cho địa phương cần xem lại thận trọng, không nên vội vàng.

TS. Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cho rằng cần có tầng bậc quy chuẩn trung ương và địa phương. Theo ông, trung ương chỉ nên ban hành quy chuẩn khung, ở địa phương làm chi tiết. Là người tham gia vào việc soạn thảo quy chuẩn, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho rằng số lượng quy chuẩn càng ít càng tốt và chỉ ban hành những quy chuẩn thực sự cần thiết và thuộc chức năng của Bộ Xây dựng. Ông lấy ví dụ như tàu điện ngầm thuộc trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải. Không chỉ về tàu điện ngầm mà còn có rất nhiều nội dung không thuộc công tác quản lý của Bộ Xây dựng cho nên cần co lại các mục quy chuẩn.

TS. Nguyễn Trung Hoà, Phó Chủ tịch Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, cho rằng do trước đây các chức năng nhiệm vụ của các Bộ chưa được làm rõ nên nhiều nội dung của Bộ khác nhưng vẫn chịu trách nhiệm bởi Bộ Xây dựng.Vì vậy ông Hoà đề xuất nội dung nào không phải của Bộ Xây dựng thì loại bỏ, trả về đúng đơn vị phụ trách, đồng thời biên soạn lại các quy chuẩn hiện không phù hợp. Ví dụ như QC08:2018/BXD là quy chuẩn có nội dung về công trình tàu điện ngầm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương…

Về QCĐP, TS. Nguyễn Trung Hoà cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đưa ra QCĐP là dựa trên mô hình của nước Mỹ. Nhưng nước Mỹ có 51 bang họ cũng chỉ có 26 bang có QCĐP. Malaysia, Ấn Độ… có nhiều bang cũng chỉ có một bộ quy chuẩn/tiêu chuẩn. Trung Quốc rộng lớn như thế với nhiều loại hình thổ nhưỡng và khí hậu… cũng chỉ dùng một bộ quy chuẩn. Cho nên, theo ông Hoà thì không cần thiết phải có QCĐP và có thì địa phương cũng không đủ năng lực để thực hiện.

Nói chung, cần thiết lập một cơ chế để phản ánh được các ý kiến của các ngành kinh tế, người tiêu dùng và các bên liên quan trong hoạt động biên soạn và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Có cơ chế phù hợp để thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn hợp để nâng cao chất lượng công trình xây dựng và quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ chế thúc đẩy áp dụng quy chuẩn.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng quy chuẩn, thúc đẩy xây dựng các quy chuẩn địa phương. Cần có sự hỗ trợ đầy đủ, tích cực của các bộ, ngành, hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức khoa học, doanh nghiệp.

Đẩy nhanh việc số hóa và xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý lĩnh vực này để phù hợp với chủ trương tiếp cận nền kinh tế số để kết nối dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp, khả thi và đồng bộ

tm-img-alt

Các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi và đưa ra ý kiến về QCVN tại hội thảo do Tổng hội Xây dựng tổ chức

Cần có sự điều chỉnh Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trong đó cần làm rõ quy định về nội dung thẩm định quy chuẩn địa phương, bởi theo quy định: quy chuẩn địa phương phải phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; không chồng chéo về quy định kỹ thuật, yêu cầu quản lý hay vi phạm các quy định của QCVN tương ứng? Trong khi đó quy chuẩn địa phương cần phải phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thủy văn, trình độ phát triền kinh tế - xã hội của địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương. Chính vì điều này mà hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khó đi vào cuộc sống, mặc khác lại hạn chế khả năng ban hành quy chuẩn của các địa phương.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.