Nhìn lại những tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam
Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, trung tâm Văn hóa Heritage Space và Diễn đàn Sách xưa đã cùng phối hợp tổ chức triển lãm, giới thiệu các tác phẩm sách báo quốc ngữ giai đoạn từ 1865-1965.
Các tác phẩm sách – báo được trưng bày trong triển lãm đều là những bản in cổ, rất quý giá, đã được sưu tầm, lưu giữ cẩn thận bởi những con người đầy tâm huyết.
Các tác phẩm báo chí nổi bật được đem triển lãm có thể kể đến như Gia Định Báo, Tri Tân, Đông Phong, Tiểu thuyết thứ 7, Nhi đồng họa bản, Thanh niên tạp chí, Tiếng Dân, Phong Hóa, Phụ nữ Tân Văn…
Tại triển lãm, người xem có thể thấy nhiều thể loại báo chí rất đa dạng, như Phụ nữ Tân văn, Bình đẳng nhật báo… là những ấn phẩm đầu tiên chuyên dành cho phụ nữ; Thanh niên tạp chí, Khai trí tiến đức tập san… dành cho thanh niên cấp tiến và giới trí thức; Tiểu thuyết thứ 7, Văn học tạp chí… dành cho người yêu văn chương, v.v…
Có thể thấy ở đây sự đa dạng của báo chí ngay từ thuở “khai sinh”. Những tờ báo giấy với hình thức giản dị, minh họa bằng tay, cách sắp đặt – dàn trang đôi khi còn vụng về nhưng đã cho thấy một nền báo chí tuy còn non trẻ so với nhiều quốc gia khác, nhưng ngay từ điểm khởi đầu đã mang trong mình khát khao lớn mạnh, vượt trên mọi hoàn cảnh khó khăn để cho ra đời nhiều đầu báo phong phú về thể loại và nội dung.
Hình ảnh một số ấn phẩm báo chí được trưng bày tại triển lãm:
Các đầu báo đa dạng được trưng bày tại triển lãm
Những tờ báo mang đậm dấu ấn của một thời kỳ kháng chiến – cứu quốc
Có nhiều bản in còn ở tình trạng gần như hoàn hảo
Những tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ
Những tờ báo thể hiện tinh thần quyết chiến – quyết thắng của quân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến
Tạp chí dành cho người yêu văn học