Nhận thức về nhân dân của Đặng Huy Trứ
Từ đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa Tư bản phương Tây phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới và vùng viễn Đông nói riêng với mục đích mở rộng thị trường, tìm nguồn khai thác nguyên liệu, từng bước thực hiện mưu đồ xâm lược. Tư bản Pháp bằng những họat động liên tục của công ty Đông Ấn và Hội truyền giáo nước ngoài từ các thế kỷ trước đã có được nhiều ưu thế ở Việt Nam . Từ nửa sau của thế kỷ XIX, lợi dụng sự suy yếu của nhà Nguyễn, những biến động xã hội đặc biệt là chủ trương cấm đạo của vua Nguyễn đã tạo thêm điều kiện cho Pháp mạnh bạo hơn trong việc thực hiện kế hoạch đánh chiếm Việt Nam .
Cơ sở tạo nên sự nhận thức về nhân dân của Đặng Huy Trứ
Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tĩnh Trai sinh ngày 15/5/1825 ở làng Thanh Lương nay thuộc xã Hương Xuân huyện Hương Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình Nho học nghèo ở nông thôn. Ông nội và cha đều làm nghề dạy học. Đặng Huy Trứ lớn lên trong sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình và tiếp nhận sự giáo dục mẫu mực của gia đình đó là những giá trị tinh thần, tình cảm yêu thương đùm bọc lẫn nhau, là đạo đức và học vấn, là danh dự gia đình và phẩm chất cá nhân.
Nói về sự giáo dục dạy dỗ của gia đình trong tác phẩm “Đặng Dịch trai ngôn hành lục” Đặng Huy Trứ viết năm 1868 có đoạn: “Cha tôi truyền dạy cho ý chính tường chương, lý lẽ từng đoạn rõ ràng như dạy đứa trẻ chưa biết chữ nào, thỉnh thoảng lại đem những điều nghe biết được trước kia ra hỏi, yêu cầu phải trả lời ngay sau tiếng gõ của cha tôi, nếu ngần ngừ không trả lời ngay được hoặc trả lời không rõ ràng, rành mạch đều bị quở trách” (2)
Trước khi ra đảm đương việc nước, việc dân, Đặng Huy Trứ đã có 10 năm dạy học. Mười năm ấy cũng là mười năm phục vụ nhân dân trong một lĩnh vực. Qua dạy học, Đặng Huy Trứ có điều kiện tiếp xúc gần gũi với nhân dân và nắm bắt những diễn biến của đời sống xã hội là tiền đề để ông có được những nhận thức đúng về nhân dân.
Là một nhà giáo nhưng khác với các nhà giáo đương thời bởi quan điểm và phương pháp giáo dục tiến bộ, dân chủ của ông: học để trở thành người tài, có ích cho dân cho nước vì vậy không thể dạy và học theo lối cũ được. Đặng Huy Trứ là người đề ra phương pháp dạy học theo kiểu “Vấn nan” và chủ trương “sư đệ tương trưởng” nhằm xây dựng mối quan hệ thầy trò bình đẳng cùng trưởng thành trong việc dạy và học thời bấy giờ:
“Việc học của học trò
Vấn nan cầu chính xác
Trò rằng: hiểu rõ thêm
Thầy càng thêm uyên bác.
Dạy học cần gắng sức
Thầy trò không vướng chân
Cùng nhau đi thuận bước”
Đặng Huy Trứ là một nhà nho cấp tiến có lòng yêu nước, thương dân nồng nàn. Trước cảnh đất nước mất dần vào tay thực dân Pháp, ông càng ý thức được sâu sắc cái khổ, cái nhục của người dân mất nước và trăm đường tai vạ sẽ giáng xuống đầu người dân vô tội. Ông xác định trách nhiệm vì nước, vì dân trước hiện tình đất nước:
“Ăn lộ ta càng lo việc nước,
Tính sao? Hòa, chiến, giữ hay nhường?”
Đặng Huy Trứ đã xác định nhiệm vụ trọng đại nhất của đất nước lúc này là chống Pháp để bảo vệ độc lập, bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân. Trong bài viết thay mặt Văn thân Quảng Nam viếng quan Hữu thâm tư Bộ lễ sung toàn tu Quốc sử quan Phạm Trọng Vũ, Đặng Huy Trứ đã nói lên được nhiệm vụ của quốc gia, triều đình và tầng lớp trí thức Nho học lúc bấy giờ là: “Ngày nay điều hệ trọng nhất của quốc gia chỉ có việc người Tây Dương. Vấn đề lớn nhất bàn bạc ở triều đình cũng chỉ là vấn đề người Tây Dương. Sự việc to lớn Sử quán ghi chép cũng chỉ là việc người Tây Dương”. Và ông “mong mỏi có người trung nghĩa, dũng cảm đứng lên giết sạch chúng” (Bọn Pháp xâm lược-VXĐ ghi chú).
Là một nhà Nho yêu nước, lòng yêu nước của Đặng Huy Trứ thể hiện ở chí căm thù quân xâm lược Pháp giày xéo quê hương, ở tình cảm và nhận thức đúng về nhân dân và về trách nhiệm của bản thân trước thời cuộc. Đó là những cơ sở cơ bản, quan trọng góp phần tạo nên sự nhận thức trong tư tưởng của Đặng Huy Trứ về nhân dân một cách đúng đắn, tạo cơ sở cho hành động và nhận thức của ông trong suốt cuộc đời với nghị lực phi thường mà nhiều nhà nho, quan lại đương thời không thể sánh được.
Những nội dung cơ bản trong nhận thức về nhân dân của Đặng Huy Trứ
Vấn đề thứ nhất trong việc nhận thức về nhân dân của Đặng Huy Trứ là thấy được vai trò và sức mạng của nhân dân. Đặng Huy Trứ là một nhà nho yêu nước tiến bộ nên ông đã sớm tiếp thu những tư tưởng truyền thống, những quan điểm về dân và vai trò của nhân dân trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước, Song, ở một cấp độ nào đó, sự nhận thức về sức mạnh vủa nhân dân ở Đặng Huy Trứ có nét mới, có sự khái quát lớn. Nếu như ở Nguyễn Trãi khi nói về sức mạnh của dân: “úp thuyền mới rõ sức dân như nước” (3)hay: “mến người có nhân là dân mà chở thuyền và làm lật thuyền cũng là dân” (4)thì nhận thức của Đặng Huy Trứ được thể hiện như sau:
“Ngô nhân tự hữu hồi thiên lục
ngao cực lô khôi vị túc khoa”
(Dân ta đủ sức xoay trời lại
Chẳng đáng khoe chi chuyện vá trời)
Sức mạnh đủ để “xoay trời lại”, một sự khái quát cao xa, trừu tượng song cũng đầy tính thuyết phục để nhận thức về sức mạnh của nhân dân. Một chút ví von, so sánh thể hiện sự hiểu biết của ông về văn hóa Trung Hoa qua sự tích Bà Nữ Oa đội đá vá trời đối với sức mạnh “xoay trời lại” của dân ta thì chuyện ấy chẳng có gì đáng khoe, thể hiện ở đây lòng tự hào dân tộc, tự hào về sức mạnh của nhân dân”.
Về vai trò, vị trí của nhân dân, Đặng Huy Trứ nhận thức rất xác thực: Định an nguy, điều mà ngày nay ta thường nói: người quyết định sự thành bại của cách mạng là nhân dân thì cách đây gần hai thế kỷ ông viết: “Dân duy huyết mạch hệ an nguy” (nhân dân quyết định sự an nguy)
Đặng Huy Trứ cũng đã nhận thức được nguồn gốc sức mạnh của nhân dân rõ nét so với sự nhận thức của tầng lớp trí thức nho học trước đó. Các yếu tố tạo nên sức mạnh của cộng đồng để chiến thắng kẻ thù, để tạo nên của cải vật chất được đặt theo trình tự: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa song với Đặng Huy Trứ thì nhân hòa là trước hết, là yếu tố quyết định của sức mạnh:
“Tự cổ nhân hòa đề nhất nghĩa
Thiên thời, địa lợi tận do chi”
(Muôn thuở nhân hòa xem trọng nhất
Mới ra địa lợi với thiên thời)
Vấn đề thứ hai trong nhận thức về nhân dân của Đặng Huy Trứ là tấm lòng yêu thương nhân dân, cảm thông với nối khó nhọc để kiếm sống của dân lao động như thợ cày, thợ cấy, những ông lão vác than, những cô gái chăn tằm, những ông đồ bán chữ:
“Giờ dần đã tính kế sinh nhai
Ăn vội cơm đèn bữa sáng mau.
…
Thợ cày thoáng nhận nhau qua bóng
Cơm trắng còn vương dính ở môi”
Ông thông cảm với nỗi bất hạnh của người dân khi thiên tai, đói kém, chết chóc xảy ra:
“Sinh mệnh của dân quý nhất hột thóc
Đã mất mùa dồn thêm giáp hạt
Dân tội gì đâu mà họa thảm khốc”
Hay:
“Con côi vợ góa ngàn đau xót
Nhà đổ, thuyền trôi, vạn đắng cay.
Thần bảo rửa thù sao lắm vậy
Dân nghèo gặp nạn đáng thương thay”
Và:
“Ngoài kia kêu khóc bao người đói
Cám cảnh dân đen những chạnh lòng”
Đối với người dân chết vô thừa nhận và những mồ hoang không người thừa nhận, ông xót thương, tìm đất lập nghĩa trang, thu gom hài cốt để mai táng.
Vấn đề thứ ba trong nhận thức về dân của Đặng Huy Trứ là từ chỗ thấy đước vai trò, vị trí, sức mạnh của nhân dân và tình cảm yêu thương nhân dân sâu đậm của ông đưa đến việc xác định trách nhiệm đối với dân khi ông là một quan chức của nhà nước Nguyễn.
Với nhận thức “khí mạnh của nước là lấy dân làm gốc. Bồi bổ cái gốc đó mới là thầy thuốc giỏi”, Đặng Huy Trứ đã thấy nhiệm vụ của người làm quan là phải giúp dân. “Không giúp được gì cho dân thì đừng làm quan”. Tư tưởng tiến bộ này của Đặng Huy Trứ đã được thể hiện trọng cuộc sống làm quan của ông. Tận tụy làm việc vì lợi ích của nhân dân là đạo đức, tiêu chuẩn của người làm quan.
Làm việc “đến canh khuya mới đi nằm và dậy trước nha lại. Ăn thì qua quít cho xong, chia sẻ gian khổ với dân” và nếu vì quyền lợi của nhân dân mà bản thân ông có bị triều đình xử phạt ông cũng không ngần ngại.
“Muốn dân được lợi cần quyền biến,
Tội vạ riêng mang há sợ gì”
Ông xác định phải cống hiến đã rồi mới hưởng thụ: “Người quân tử là người làm việc trước đã, sau mới ăn”
Trong mối quan hệ giữa quan với dân, Đặng Huy Trứ đã có được sự nhận thức hết sức đúng đắn cho đến hôm nay giá trị nhận thức ấy vẫn còn nóng bỏng và thiết thực đối với chúng ta: “Thiệt cho mình, ích cho dân, dân sẽ tin yêu. Đào khoét dân để cho mình no béo, dân sẽ ta thán. Dân ta thán hay tin yêu đều do mình”
Qua đó ta thấy quan điểm làm quan của Đặng Huy Trứ không phải để được lương cao bổng hậu, để vinh thân phì gia mà phải lo cho dân, ích cho dân để cho dân giàu và nước mạnh. Ông đanh thép khẳng định: “Không muốn làm lợi cho dân thì đừng làm quan” và khi đã làm quan thì phải “Cốt ở yên dân”, “Đừng có nhiễu dân”, “Chí công vô tư”. Tận tụy với công việc: “Mong sáng để mau làm việc”.
“Thức đến tàn canh dậy trước lại
Ăn rành một món, khổ cùng dân”
Đặng Huy Trứ căm ghét và lên án, thẳng tay trừng trị bọn nha lại đục khoét, nhũng nhiễu dân khi ở cương vị ngự sử mặc cho bọn họ là bạn bè hay họ hàng thân thích. “Bọn chúng vẫn còn tham nhiều lắm, cho dù thân thích bút không dung”. Quyết “Không thể đem bán cái ngay thẳng của mình đi, để trở thành kẻ nịnh hót”.
Nhận thức về nhân dân của Đặng Huy Trứ còn thể hiện ở lòng biết ơn nhân dân của ông, chính nhân dân đã nuôi mình “Thấy chăng vợ cấy chồng cầy. Vì ta phải chịu đắng cay muôn vàn”. Vì vậy, theo ông quyền lợi của nhân dân phải được quan tâm đến trước. Quan lại chỉ là còn của dân “Thứ dân chi tử”, nếu không được dân chăn sóc thì không nên làm quan. Suy ngẫm những điều chúng ta đang thực hiện “Cán bộ là công bộc của dân”, là “đầy tớ trung thành của nhân dân” làm cho chúng ta càng thấy cái lớn lao, chuẩn mực trong tư tưởng của Đặng Huy Trứ. “Dân không chăm sóc chớ làm quan” có khác gì cán bộ không được nhân dân ủng hộ, tin yêu thì còn xứng đáng làm người cán bộ hay không , điều mà chúng ta đang suy nghĩ, rèn luyện hàng ngày.
Đặng Huy Trứ đã chỉ ra được cái khác nhau giữa quan với dân là ở thái độ trách nhiệm, ông đề cao trách nhiệm của quan lại:
“ Chức phận không tròn, kém loài vật
Vẹn tròn chức phận mới là người”
Và quan lại phải luôn giữ gìn đạo đức “giữ mình cho thẳng”, “Đừng có nhiễu dân”. Đặng Huy Trữ cũng đã nêu ra được những nguyên tắc của quan lại để gần được dân. “Trọng nhân tình, sống giản dị, làm điều này mới dễ gần dân” và phải siêng năng, có khí phách, có sáng tạo thì mới lo cho dân, cho nước được. “Anh hùng khí phách sao cho trọn, chớ học lang vườn nệ một phương”.
Qua tìm hiểu nhận thức về dân của Đặng Huy Trứ ta thấy tư tưởng nhân dân của ông là cầu nối giữ tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trái với nhận thức đúng về dân của ông và với quan điểm nhân dân của thời đại Hồ Chí Minh.
Đặng Huy Trứ còn nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực tư tưởng khác như văn hóa, giáo dục, quân sự, kinh tế và tư tưởng nhân dân của ông đã quán triệt được trên tất cả các mặt hoạt động của ông làm cho sự nghiệp của ông ngày càng có giá trị. Dân là gốc của nước, dựa vào dân, nuôi dưỡng sức dân để chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và canh tân đổi mới đất nước là những tư tưởng và hành động vượt thời đại của Đặng Huy Trứ đã đóng góp vào tiến trình lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc.
Ngày nay chúng ta nghiên cứu, khai thác di sản quý báu của Đặng Huy Trứ nhằm góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đất nước, điều mong ước của Đặng Huy Trứ gần hai thế kỷ trước đây ngày càng tiến nhanh làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
(1) Trương Thị Yến: Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam-Những gương mặt tiêu biểu, NXB-VHTT, H., 1998, tr.185
(2) Nhóm Trà Lĩnh: Đặng Huy Trứ -Con người và tác phẩm, NXB TP Hồ Chí Minh, 1990, tr.62
(3) Nguyễn Trãi, toàn tập, NXB KHXH, Hà Nội, xuất bản lần thứ 2, 1976, tr.291
(4) Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, NXB Sự thật, H., 1961, tr.87
Nguồn: Xưa &Nay số 240 tháng 7/2005