Nhận diện một khuynh hướng nghiên cứu văn hoá Việt Nam
Để nghiên cứu văn hoá dân tộc, nếu chỉ dựa vào những định nghĩa về khái niệm văn hoá, “đúng về cá nhân chứ chưa đúng về xã hội” là chưa đủ, mà phải xác định khái niệm “nền văn hoá dân tộc”, “nền văn hoá Việt Nam” bởi văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng chứ không phải của “con người” chung chung, một yếu tố cùng một gốc có thể có ý nghĩa khác nhau ở những tộc người khác nhau, ở những quốc gia khác nhau.
1. Văn hóa dân tộc là một hiện tượng khách quan
1.1. Trên đất nước Việt Nam , từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, cùng chung sống với người Việt còn có hơn 50 tộc người. Mỗi tộc người là một cộng đồng văn hóa, một bản sắc văn hóa độc đáo.
Nhưng muốn tồn tại và phát triển, số phận lịch sử đã buộc các tộc người phải liên kết với nhau thành một cộng đồng lớn hơn, chặt chẽ và bền vững, cộng đồng quốc gia dân tộc, để đủ sức mạnh vượt qua những thách đố khắc nghiệt của tự nhiên và những mưu toan xâm lược của các thế lực bên ngoài.
Hình thành trong những hoàn cảnh khác nhau, các quốc gia dân tộc đã và đang tồn tại như một hiện tượng lịch sử khách quan trong tiến trình nhân loại. Có dân tộc, đương nhiên có văn hóa dân tộc. Có một nền văn hóa với tính thống nhất dân tộc tất yếu trong sự đa dạng tộc người.
Nghiên cứu tổng thể văn hoá Việt Nam là nghiên cứu những vấn đề tổng quát của một nền văn hoá quốc gia dân tộc thống nhất trong đa dạng. Đó là sự thống nhất giữa văn hoá các tộc người, các địa phương, các nhóm dân cư hình thành lâu dài trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Sự thống nhất ấy gắn liền với vai trò của tộc người chủ thể, nhưng không đồng nhất với văn hoá của tộc người chủ thể, dù văn hoá của tộc người này có vai trò định tính và định hướng cho sự phát triển của văn hoá cộng đồng dân tộc. Sự thống nhất ấy cũng gắn liền với vai trò của cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu hành chính, cơ chế quyền lực, vai trò của Nhà nước và hệ tư tưởng trong từng thời kì lịch sử nhất định.
Không có công thức chung cho tính thống nhất dân tộc ở mọi nơi, mọi lúc. Sự gắn kết dân tộc ở mỗi quốc gia, mỗi thời đại mang tính đặc thù và là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố đã nảy sinh và tồn tại lâu dài trong quá trình lịch sử. Khi các tộc người đã chung lưng đấu cật khai phá mảnh đất để cùng nhau sinh sống, đã trả bằng giá máu từ thế hệ này đến thế hệ khác để dựng nước và giữ nước thì Tổ Quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, số phận lịch sử là chất keo gắn kết cộng đồng bền chặt. Sự tồn vong của quốc gia được thử thách qua sóng gió lịch sử càng lâu dài gian khổ bao nhiêu, thì sự thống nhất của cộng đồng dân tộc càng bền vững bấy nhiêu.
1.2. Vấn đề văn hoá quốc gia dân tộc ít được giới nghiên cứu văn hoá phương Tây chú ý. Trong thời đại hiện nay, một số nhà văn hoá học Mĩ nói đến sự đụng độ giữa các nền văn minh mang tính khu vực và tôn giáo, hoặc khích lệ bản sắc tộc người như những lực li tâm trong mỗi quốc gia, hoặc nhìn nhận văn hoá dân tộc, nguồn lực hướng tâm tạo nên sức bền của nền độc lập quốc gia dân tộc như là trở ngại của xu hướng toàn cầu hoá.
Chính vì “Dân tộc” gắn với “Quốc gia”, nên vấn đề văn hoá dân tộc không chỉ có nội dung văn hoá mà còn có nội dung chính trị. Nghiên cứu văn hoá dân tộc có những chủ đề và định hướng khác với nghiên cứu văn hoá tộc người.
2. Nghiên cứu tổng thể văn hóa dân tộc - bước phát triển của khoa học văn hóa
2.1. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và nhu cầu chiếm lĩnh những miền đất mới, môn nghiên cứu tộc người (Ethnography, Ethnology) đã rất thịnh hành ở phương Tây. Môn học ấy chủ yếu được dành cho việc nghiên cứu các xã hội sơ khai, các xã hội ngoài châu Âu.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khoa học phương Tây hướng đến những vấn đề nhân học văn hoá, xã hội học văn hóa, hoặc nghiên cứu các nền văn minh. Quốc gia dân tộc được xem là những “liên kết kinh tế và chính trị hơn là văn hóa” (E. Shils), “Những cấp trung gian võ đoán và bất ổn” (Huntington), hoặc chưa phải là “một đơn vị có thể hiểu được bằng trí tuệ” (Arnold Toynbee).
2.2. Sự ra đời khuynh hướng nghiên cứu tổng thể nền văn hoá dân tộc là một bước phát triển của khoa học văn hoá. Sự ra đời của khuynh hướng này ở Việt Nam là một tất yếu.
Việt Nam, cũng như tất cả những nơi mà sự nghiệp dựng nước và giữ nước buộc toàn dân phải đoàn kết lại, tiến hành cuộc chiến đấu một mất một còn với các thế lực ngoại xâm thì chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc là một tình cảm thiêng liêng. Chính ở đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đời sống xã hội đặt lên vai các nhà khoa học trách nhiệm và vinh dự xây dựng môn nghiên cứu văn hoá dân tộc.
Những năm ba mươi của thế kỉ XX, Đảng Cộng sản Đông Dương và chủ nghĩa Mác-Lênin đã là một nhân tố quyết định chiều hướng vận động của xã hội Việt Nam . Nhu cầu nâng cao dân trí đòi hỏi nhận thức lại cả quá khứ, hiện tại và tương lai dân tộc dưới ánh sáng triết học Mác-xít. Tác phẩm Việt Nam văn hoá sử cươngcủa GS Đào Duy Anh ra đời trong bối cảnh này.
Là người khởi dựng môn nghiên cứu tổng thể văn hoá Việt Nam , GS Đào Duy Anh không chỉ miêu tả diện mạo văn hoá tộc người mà suy nghĩ về vận mệnh của nền văn hoá quốc gia dân tộc. Sử dụng tư liệu dân tộc học về tộc người Việt, kết hợp với việc vận dụng các khái niệm xã hội học, ông phác thảo mô hình cấu trúc nền văn hoá - xã hội Việt Nam, đề cập đến nhiều nội dung cần nghiên cứu, từ chủ thể văn hoá, không gian văn hoá, quá trình hình thành cộng đồng dân tộc, đến những cộng đồng văn hoá cơ bản, văn hoá gia đình, văn hoá làng, văn hoá đô thị, từ văn hoá dân gian đến văn hoá bác học, hệ tư tưởng và diện mạo các giai đoạn lịch sử của văn hoá dân tộc, từ văn hoá cộng đồng đến văn hoá cá nhân, căn cước làng xã của con người Việt Nam.
2.3. Được chuẩn bị về mặt lí luận với “Đề cương văn hoá” từ năm 1943, sự ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1945, nền văn hoá dân tộc bước vào một thời đại mới, cũng là định hướng mới cho khoa học về văn hoá.
Luận điểm cơ bản xuyên suốt đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ tư tưởng giữ vai trò cốt lõi trong một nền văn hoá. Được diễn đạt khác nhau trong những văn cảnh khác nhau, nhưng lí tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội luôn luôn là thước đo chất lượng sản phẩm của văn hoá và nghiên cứu văn hoá.
2.4. Trong giai đoạn 1945-1975, việc nghiên cứu văn hoá ở hai miền Nam , Bắc có những khác biệt. Lần đầu tiên ở miền Bắc xuất hiện những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các khoa học xã hội phục vụ mục tiêu của công tác tư tưởng và văn hoá. Văn học và sử học, những bộ môn “vừa thể hiện trình độ học thuật của xã hội, vừa làm nhiệm vụ của hệ tư tưởng” đứng ở vị trí hàng đầu.
Trong hoàn cảnh đầy biến động và phức tạp ở miền Nam , nhiều nhà nghiên cứu trở về với văn hoá dân tộc, tìm kiếm chân giá trị sự nghiệp của mình.
2.5. Những năm cuối thế kỉ XX, Việt Nam bước vào thời kì đổi mới trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Khi “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” thì nghiên cứu văn hoá dân tộc trở thành một khoa học mũi nhọn.
Một tác nhân quan trọng thúc đẩy sự tăng tốc khuynh hướng nghiên cứu này là sự hưởng ứng tổ chức UNESCO phát động ba thập kỉ thế giới phát triển văn hoá mà thập kỉ thứ ba là những năm 1988- 1997.
Có thể nói đã bùng nổ một giai đoạn khoa học xã hội và nhân văn rầm rộ tiến vào văn hoá học và văn hoá Việt Nam: hàng loạt hội nghị, hội thảo khoa học về văn hoá cấp quốc gia và quốc tế; nhiều chương trình cấp Nhà nước; nhiều đề tài nghiên cứu văn hoá cấp quốc gia, cấp bộ, cấp địa phương; sự tăng trưởng đột biến số lượng tác giả và tác phẩm viết về văn hoá Việt Nam, phong phú về nội dung, đa dạng về chủng loại; văn hoá Việt Nam được đưa vào chương trình giảng dạy đại học, xuất hiện mã số đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ văn hoá học... là những sự kiện tiêu biểu.
3. Những chủ đề chính trong nghiên cứu tổng thể văn hóa Việt Nam
3.1. Cùng với nhận thức chuyên sâu từng lĩnh vực riêng biệt trong văn hoá Việt Nam, việc nghiên cứu “cái tổng thể”, tìm hiểu những đường nét cốt lõi hình thành diện mạo và bản sắc văn hoá dân tộc, quá trình phát triển và đặc điểm lịch sử của nó đang là nhu cầu thiết thực của xã hội hiện nay, trước hết là tầng lớp thanh niên sinh viên. Nhiều cuốn sách viết về “cái tổng thể”, về “chân dung”, về “bản sắc” văn hoá đặc biệt là các giáo trình “Cơ sở văn hoá Việt Nam” nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Nếu nhận thức về văn hoá Việt Nam vận động trong thời gian là tìm hiểu quá trình hình thành, những quy luật biến đổi và phát triển, vai trò của phương thức sản xuất và hệ tư tưởng đối với việc hình thành diện mạo văn hoá dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử, thì nhận thức một nền văn hoá quốc gia dân tộc vận động trong không gian là nghiên cứu nó trong bối cảnh khu vực và quốc tế.
Nghiên cứu văn hoá Việt Nam là nghiên cứu sự đa dạng của các vùng văn hoá, vai trò của các thể văn hoá cộng đồng: văn hoá gia đình, văn hoá làng, văn hoá vùng, văn hoá đô thị cấu thành văn hoá quốc gia - dân tộc. Các công trình của GS Trần Quốc Vượng, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, GS Đinh Gia Khánh, PGS.TS. Nguyễn Chí Bền, và nhiều nhà nghiên cứu từ những góc độ khác nhau, vượt qua giới hạn chuyên môn hẹp của mình đã tiếp cận các chủ đề này.
Đồng thời, văn hoá Việt Nam không chỉ là văn hoá cộng đồng mà còn là văn hoá cá nhân, những mẫu hình nhân cách văn hoá hình thành trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc. Bản sắc văn hoá Việt Nam, xét cho cùng cũng chính là bản sắc con người Việt Nam . Chính họ, những người mang vác các giá trị văn hoá dân tộc tiếp nối và trao truyền qua các thế hệ đã và đang khẳng định và phát sáng một nhân cách Việt Nam, một bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Đó là những chủ đề cơ bản trong nghiên cứu tổng thể văn hoá Việt Nam .
3.2. Bản sắc dân tộc của văn hóa là chủ đề thu hút sự quan tâm rộng rãi, được nhiều nhà nghiên cứu “bàn đến”, “tìm về”, “nhận diện”...…
Từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã sáng tạo huyền thoại Thạch Sanh. Sức sống trường tồn và tiềm năng vật chất của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước là niêu cơm gạo tẻ đủ cho mười tám đạo quân ăn uống no đủ để ngoan ngoãn ra về. Người Việt chiến thắng mọi kẻ thù, đập tan ý chí xâm lược của chúng không phải bằng sức mạnh súng gươm, mà bằng tiếng đàn, tiếng nói của đức khoan dung và lòng nhân ái. Đó cũng là bản sắc Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam .
3.3. Tộc người và văn hóa tộc người đã tồn tại nhiều nghìn năm trên đất Việt Nam . Sự hình thành cộng đồng dân tộc là quá trình lâu dài, với những điều kiện tự nhiên và lịch sử cụ thể. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam , ý thức dân tộc ngay từ đầu đã gắn liền với ý thức quốc gia. Sự nghiệp dựng nước và giữ nước ngoan cường của cộng đồng dân tộc đa sắc ở Việt Nam là cơ sở lịch sử để ngay từ thế kỉ XV, lần đầu tiên, nhân loại có một tuyên ngôn về nền độc lập dân tộc, một định nghĩa về nền văn hóa dân tộc. Nhân danh nền văn hóa ấy, Nguyễn Trãi đã viết về một chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam trong “Bình Ngô đại cáo”.
3.4. Hệ tư tưởng và diện mạo lịch sử của văn hóa dân tộc là một chủ đề phong phú và hấp dẫn. Phản ánh sâu sắc các quan hệ xã hội trong đời sống thực tại, hệ tư tưởng chi phối toàn diện các lĩnh vực văn hóa tinh thần. Văn hóa như là hình thái biểu thị của tư tưởng, và tư tưởng như là linh hồn của hệ giá trị văn hóa. Văn hóa gắn với tư tưởng như mối quan hệ triết học giữa hình thức và nội dung.
Mỗi dân tộc có những đặc điểm tư duy - tư tưởng riêng, được quy định bởi chính lịch sử của dân tộc đó. Mặt khác, diện mạo lịch sử của văn hóa dân tộc ở mỗi thời đại gắn với vai trò những hệ tư tưởng khác nhau. Một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam chính là chủ nghĩa yêu nước trở thành tiêu chuẩn giá trị của tư tưởng. Vai trò của mọi hệ tư tưởng được xem xét qua thái độ, quan niệm đối với sự tồn vong của dân tộc.
3.5. Nghiên cứu văn hóa dân tộc phải đặt trong bối cảnh một nền văn minh khu vực và trong giao lưu quốc tế. Văn hóa Việt Nam thuộc bối cảnh Đông Nam Á, thậm chí ở vị trí địa lí trung tâm và là một Đông Nam Á thu nhỏ. Nhưng trong quá trình dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta đã lựa chọn phương án tiếp nhận văn hóa Hán, đi vào quỹ đạo một nền văn minh Trung Hoa hóa. Tuy nhiên, từ cội nguồn Đông Nam Á, Việt Nam không chỉ bảo lưu bản sắc của mình trong “cơ tầng”, mà còn “khúc xạ cái cơ chế Hán”, tạo ra một văn hóa Việt Nam khác Hoa, khác Ấn. Sự khác biệt ấy không chỉ trong văn hóa dân gian mà cả trong văn hóa bác học, không chỉ trong văn hóa nghệ thuật mà cả trong văn hóa chính trị.
Cuối thế kỉ XX, Việt Nam là thành viên hiệp hội ASEAN. Một lần nữa lại là sự chủ động lựa chọn định hướng phát triển cho tương lai dân tộc. Giới nghiên cứu phương Tây gọi đây là một nền văn hóa chuyển đổi với tất cả những bất lợi, những khó khăn trước mắt và lâu dài. Điều này không hoàn toàn đúng.
Là cầu nối giữa Đông Á và Đông Nam Á, văn hóa Viêt Nam đang đứng trước vận hội mới trong xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu.
3.6. Văn hóa vùng là một thực thể tồn tại khách quan trong cộng đồng quốc gia dân tộc. Trong văn hóa Việt Nam , từ ngàn xưa và cả hôm nay, những “xứ”, những “trấn” đã ghi nhận cảm hứng dân gian về sự đa dạng đầy hấp dẫn của từng vùng văn hóa khác nhau. Vùng văn hóa là sản phẩm của một đất nước đa dạng tộc người, gắn bó máu thịt với từng miền quê có nhiều nét riêng về môi trường tự nhiên và xã hội, đã tạo nên cả một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, một thế giới biểu tượng thỏa mãn nhu cầu an sinh cả phần xác lẫn phần hồn.
Nghiên cứu văn hóa vùng, khai thác, tạo dựng và phát huy truyền thống văn hóa của từng địa phương có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước hiện nay.
3.7. Văn hóa làng là một chủ đề trung tâm trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam . Không một công trình nào nghiên cứu văn hóa Việt Nam lại không đề cập đến văn hóa làng. Làng như những “cấu kiện đúc sẵn” hình thành nền văn hóa cổ truyền Việt Nam . Từ làng đến nước, ý thức quốc gia khởi phát từ hệ tư tưởng làng xã. Làng là nơi đồn trú những giá trị văn hóa truyền thống khi đất nước trải qua những biến động lịch sử.
Nghiên cứu văn hóa làng còn giải đáp những mặt mạnh và mặt yếu, những thuận lợi và khó khăn của quá trình đô thị hóa nông thôn, quá trình chuyển biến từ người nông dân trong nền kinh tế tự cấp tự túc trở thành người nông dân trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
3.8. Từ xưa đến nay, đô thị bao giờ cũng là bộ mặt của quốc gia, của vùng miền. Nhìn vào diện mạo văn hóa đô thị có thể thấy cả quá khứ, hiện tại và tương lai, những đặc điểm lịch sử và xu hướng vận động của nền văn hóa dân tộc.
Văn hóa đô thị Việt Nam, từ “đô” đến “thị”, từ đô thành đến thị cảng, theo dòng chảy lịch sử, phản ánh những thăng trầm của diễn trình văn hóa dân tộc, phản ánh mối quan hệ giữa văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn, văn hóa đô thị và văn hóa cung đình, truyền thống và đổi mới, dân tộc và quốc tế. Đô thị là cửa khẩu tiếp nhận văn hóa ngoại nhập và cải hóa nó trong từng bước để trở thành tài sản văn hóa dân tộc. Đô thị cũng là nơi kiểm chứng nội lực của văn hóa cổ truyền.
Là “mặt tiền” của văn hóa quốc gia, tiêu biểu cho xu thế vận động của văn hóa thời đại, văn hóa đô thị giữ vai trò đi đầu trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
3.9. Trong văn hóa Việt Nam , “Nước” gắn liền với “Nhà”, gia đình là nền tảng của xã hội. Văn hóa gia đình là môi trường cơ bản hình thành nhân cách con người Việt Nam .
Nếu quan hệ gia đình Trung Hoa phản ánh trật tự xã hội “tôn ti luận”, thì quan hệ gia đình Việt Nam có xu hướng mở rộng thành quan hệ xã hội. Ý thức về bổn phận trong gia đình là cơ sở để phát triển thành ý thức về bổn phận xã hội của mỗi con người. Từ đó hình thành lối sống tình nghĩa như một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam .
Gia đình là khâu nối giữa cá nhân và xã hội, vừa mang tính di truyền sinh học, vừa mang tính di truyền văn hóa. Đạo lí “giấy rách giữ lấy lề’’, “sống vì mồ mả, không ai sống vì cả bát cơm”, ý thức “con dòng cháu giống” là một thứ vô thức tập thể trong văn hóa gia đình, ngoài mặt hiện hữu còn có mặt tâm linh. Những giá trị tâm linh ấy như một hằng số của văn hóa gia đình, là nhân tố chủ yếu để gia đình được duy trì như một thực thể sinh học văn hóa mà chỉ ở con người mới có.
Với người Việt Nam , hạnh phúc gia đình là căn bản của đời sống tinh thần, nhưng “nước mất” đi liền với “nhà tan”, số phận gia đình gắn liền với vận mệnh đất nước. Vì vậy, muốn hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam, trước hết phải hiểu văn hóa gia đình Việt Nam .
3.10. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam không chỉ có văn hóa cộng đồng mà còn có văn hóa cá nhân, những nhân cách văn hoá đã hình thành trong lịch sử dân tộc. Diễn trình văn hóa Việt Nam qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn là một cấu trúc văn hóa, biểu hiện cụ thể thành một diện mạo văn hóa riêng, hình thành một mẫu hình nhân cách tiêu biểu. Thông qua những nhân cách văn hóa này có thể đọc được diễn trình văn hóa dân tộc. Hơn nữa, khi mà di sản vật thể và phi vật thể của văn hóa cộng đồng còn lại không nhiều, lại khó phân định rạch ròi cả tiêu chí không gian và thời gian, thì chính các mẫu hình nhân cách văn hóa trong lịch sử lại có khả năng mách bảo nhiều hơn.
Nhân loại đã từng biết đến văn hóa Việt Nam thông qua những danh nhân tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, và đặc biệt là Hồ Chí Minh, người kết tinh những giá trị cao đẹp nhất của văn hóa dân tộc. Quả là non sông đất nước ta đã sinh ra Người, và chính Người làm rạng rỡ non sông đất nước ta.
3.11. Để nhận thức “cái tổng thể” cần xây dựng một cơ sở lí luận không chỉ dừng lại ở văn hoá học chung chung, xuất phát từ sự lí giải văn hoá là gì, mà quan trọng hơn là lí giải văn hoá cộng đồng quốc gia dân tộc là gì. GS. Lê Thành Khôi đã đúng khi nhận xét những định nghĩa văn hoá “đúng về cá nhân chứ không đúng về xã hội”, rằng “một yếu tố cùng một gốc có thể có một ý nghĩa khác từ nước này sang nước khác, từ tộc này sang tộc khác. Văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng chứ không phải của “con người”: con người là ai? Có thể tách rời xã hội được không?”. Đây là nhược điểm của những công trình viết về văn hoá Việt Nam nhưng không phân biệt rõ ràng bản sắc dân tộc khác với bản sắc tộc người, không phân định rõ ràng không gian và thời gian hình thành một cộng đồng văn hoá quốc gia dân tộc khác với lịch sử một tộc người hay một nền văn minh khu vực.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu tiếp cận “cái tổng thể” từ những góc độ chuyên môn hẹp khác nhau nên khó có một hệ thống lí luận nhất quán. Trong thực tế, nhiều công trình sử học, dân tộc học, xã hội học, tâm lí học lấy “đô thị”, “làng”, “gia đình” làm đối tượng nghiên cứu, chứ chưa hẳn đã viết về văn hoá đô thị, văn hoá làng, văn hoá gia đình như những thể văn hoá cộng đồng cấu thành nền văn hoá quốc gia dân tộc.
Tương tự như vậy, một số mẫu hình nhân cách văn hoá Việt Nam được hình dung từ những công trình viết về nhân vật lịch sử, chân dung nhà khoa học, chưa có nhiều công trình nghiên cứu văn hoá cá nhân, nghiên cứu nhân cách văn hoá Việt Nam trong tiến trình lịch sử được viết trên một cơ sở lí luận nhất quán.
4. Một số nhà khoa học đã khởi dựng và phát triển khuynh hướng nghiên cứu tổng thể văn hoá Việt Nam
4.1. Nhận diện khuynh hướng nghiên cứu tổng thể văn hoá Việt Nam cũng đồng thời là nhận diện những nhà khoa học đã khởi dựng và phát triển khuynh hướng nghiên cứu này. GS. Đào Duy Anh, PGS. Phan Ngọc, GS. Trần Quốc Vượng là những nhà khoa học hàng đầu có nhiều đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu tổng thể nền văn hoá quốc gia dân tộc Việt Nam .
GS. Đào Duy Anh, với tác phẩm Việt Nam văn hoá sử cươnglà người đặt nền móng cho khuynh hướng nghiên cứu “cái tổng thể”. Mặc dù có tên gọi là đại cương lịch sử văn hoá Việt Nam , nhưng trong thực tế, GS. Đào Duy Anh không tiếp cận theo hướng nghiên cứu lịch sử của cái tổng thể, mà thông qua tư liệu dân tộc học về người Việt, vận dụng các khái niệm xã hội học về nền văn minh để phác thảo đại cương về văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, công trình của ông không phải chỉ là “một mớ tài liệu để tham khảo”, mà thực sự là tác phẩm mở đầu khuynh hướng nghiên cứu tổng thể văn hoá Việt Nam.
Ông trở thành một nhà khoa học lớn không phải bằng con đường đào tạo chính quy ở các trường đại học, bằng công việc ở các viện nghiên cứu đầy đủ phương tiện, mà bằng con đường tự học, nhưng trước hết, bằng tinh thần yêu nước và sự tỉnh táo đến với triết học Mác xít.
Nhà khoa học Đào Duy Anh là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, khi cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam đã bước sang một thời kì mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ông là một trong số những người đầu tiên trình bày văn hóa Việt Namdưới ánh sáng triết học Mác, đồng thời thông qua văn hóa Việt Nam để quảng bá chủ nghĩa Mác.
4.2. Những năm cuối thế kỉ XX, Việt Nam bước vào thiên niên kỉ mới trong nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Văn hóa được hiểu là nhân tố cơ bản của sự phát triển, chiến lược xây dựng nền văn hóa dân tộc được hiểu là xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, nghiên cứu đối tượng ấy đòi hỏi một hệ thống lí thuyết với những khái niệm công cụ thích hợp và hữu hiệu. Các công trình của PGS. Phan Ngọc nhằm đáp ứng yêu cầu này. Ông là người dũng cảm đi theo hướng lập thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam .
Với những khái niệm “sự lựa chọn”, “độ khúc xạ”, PGS. Phan Ngọc tìm một hướng tiếp cận mới đối với văn hoá Việt Nam , hướng tiếp cận mà ông gọi là “thao tác luận”. Hệ khái niệm “tổ quốc, gia đình, thân phận, diện mạo” có thể chưa nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong giới nghiên cứu, nhưng đó không phải là những khái niệm miêu tả văn hoá tộc người, mà chỉ có thể là công cụ để tìm hiểu văn hoá quốc gia dân tộc.
4.3. Chức năng xã hội và sức hấp dẫn của một khoa học thể hiện ở sự thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ, nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Khuynh hướng nghiên cứu tổng thể văn hóa Việt Nam là một khoa học như vậy. Trong số các tác giả viết về cái tổng thể, GS. Trần Quốc Vượng, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp này và đem lại vinh dự cho nó, là một tên tuổi lớn.
Ông đã khởi thảo nhiều hướng tiếp cận văn hoá Việt Nam , đặc biệt là tiếp cận địa - văn hoá. Những ý tưởng và phát hiện, cả những đam mê và trăn trở của ông đáng để cho các thế hệ tiếp nối tìm tòi và suy ngẫm.
5. Triển vọng của khuynh hướng nghiên cứu tổng thể văn hóa Việt Nam
5.1.Một khoa học chỉ là khoa học khi có đối tượng riêng, có phương pháp nghiên cứu với hệ thống khái niệm công cụ thích hợp. Khuynh hướng nghiên cứu tổng thể nền văn hóa dân tộc là lĩnh vực mới, và theo chúng tôi là “hàng nội”, chủ yếu được xây dựng bởi công sức các nhà khoa học trong nước.
Khuynh hướng nghiên cứu tổng thể nền văn hóa Việt Nam đang thu hút ngày càng đông các nhà khoa học nhiều thế hệ, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Số lượng tác giả và tác phẩm viết về văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, trong đó có không ít những nhà khoa học hàng đầu, những tên tuổi lớn, những người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp này.
5.2. Phải khẳng định rằng, chính những thành tựu nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ góc nhìn tổng thể đã góp phần đáng kể vào việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và nói chung, góp tiếng nói tích cực cho lời giải những vấn đề thời sự quốc gia và quốc tế.
5.3. Văn hóa dân tộc là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi cá thể trong cộng đồng. Vốn hiểu biết cơ bản và có hệ thống về văn hóa Việt Nam là hết sức cần thiết và bổ ích trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, hình thành nhân cách văn hóa, bản lĩnh chính trị và cả tiềm lực chuyên môn. Văn hóa Việt Nam phải là môn học bắt buộc và hữu ích không chỉ trong chương trình đại học, cao đẳng, dạy nghề, mà trước hết trong các cấp học phổ thông.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Thành Khôi (2003), Đọc“ Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam ", Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 4.
2. Huntington Samuel (2003), Sự va chạm giữa các nền văn minh,(Bản dịch của Nguyễn Phương Sửu...). Nxb. Lao động
3. Nguyễn Xuân Kính (2003), Con người, môi trường và văn hoá, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
4. Đỗ Lai Thuý (2002), Chân trời có người bay, Nxb. Văn hoá - Thông tin
5. Ngô Đức Thịnh (2005), "Một cách tiếp cận về lịch sử văn hoá Việt Nam ", Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2
6. Nhiều tác giả (2000), Khuvực hoá và toàn cầu hoá, hai mặt của tiến trình hội nhập quốc tế, H., Viện Thông tin Khoa học xã hội