Nhà sáng chế... “tay ngang”
Nhãn hàng cửa cuốn Thanh Long đã trở nên quen thuộc với các nhà thầu xây dựng lớn. Tuy vậy, danh tiếng và sản phẩm của ông chỉ được người trong giới truyền miệng cho nhau. Và chúng tôi trong một lần tò mò đã biết đến, đại loại rằng: “ Tay đó về cơ khí, không có thứ gì không nghĩ ra và không làm được”.
Tôi đến tìm ông trong căn nhà khang trang ở khu phố 8, Bình Hưng Hòa, Bình Tân - TP.HCM và hết sức bất ngờ khi chứng kiến những sản phẩm, những ý tưởng mới lạ cũng như những thăng trầm về cuộc đời của một nhà sáng chế tay ngang! Ông là Nguyễn Thanh Long, 40 tuổi, người con của vùng đất Điện Bàn - Quảng Nam.
Từ mong ước làm cho cha một chiếc cày mới
Giữa tiếng chuông điện thoại của bạn hàng réo liên tục, tiếng hàn xé tai và khách khứa ra vào liên tục, giọng ông ngắt quãng khi nói về thời thơ ấu của mình.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần nông, đông con. “ Nhìn nhà người ta giàu có, sắm được con trâu, cái cày, còn cha tôi thì làm ruộng chỉ bằng cái cuốc và sức người” - ông trầm giọng nhớ lại. Mười tuổi, cậu bé ốm quắt queo ngồi đợi cha đi làm đồng về mà trong lòng luôn day dứt. Không chia sẻ được gánh nặng với cha, cậu mày mò lắp ghép những mảnh sắt vụn với mong ước làm... chiếc cày. Chiếc cày thành công nhưng chỉ bé đến độ, cài vào con chó như trong chuyện cây khế để cày. Cha cười, độ lượng nhìn cậu con bé nhỏ. “ Cha rất vui, con cứ mày mò nghiên cứu, nếu thích, lớn lên nhất định sẽ làm được nhiều thứ“.
Giữa vùng quê nghèo ấy, cứ đến vụ lúa, cậu lại sáng chế ra một thứ gì đó, lúc thì cái máy xúc, khi thì cái máy tuốt, bé xíu. Nhưng cha cậu vẫn cứ khuyến khích con.
Tốt nghiệp THPT, kinh tế gia đình không cho phép cậu học lên. Cố gắng lắm, Long mới ra học ở Nhà máy Chế tạo máy và công cụ số 1, Hà Nội được 3 năm. Khi đã cứng tay nghề, ông trở về quê và đã chế tạo thành công máy xúc, máy tuốt lúa.
Nhưng những chiếc máy ấy thành công vẫn không biết bán cho ai. Cụt vốn, nợ nần, ông theo bạn bè sang Lào làm công nhân xây dựng. Sau 5 năm làm thuê trở về, trả hết nợ nhưng đời sống vẫn không thoát ra khỏi cái nghèo. Năm 1997, ông quyết định khăn gói vào TP.HCM với ý nghĩ: “ Ở trong ấy kinh tế phát triển, nếu mình chế tạo ra được thứ gì chắc chắn sẽ có người mua bản quyền và ứng dụng vào sản xuất”. Cả gia đình đều phản đối. Còn ông thì quyết chí lên đường.
Làm đủ nghề để tồn tại
Đến bây giờ, mọi ngõ ngách của đất Sài thành không ở đâu mà ông không biết. Chỉ vì lúc mới đặt chân đến, ông sống bằng nghề chạy xe ôm hằng đêm, ban ngày ai kêu gì làm nấy. Tiền thu được từ chạy xe, ông thuê phòng trọ và chi dùng cho gia đình 5 miệng ăn. Tiền công làm ban ngày ông dành dụm lại cho đến khi mua được những chiếc máy cắt, tiện, hàn. Và ông quyết định chọn cửa cuốn làm sản phẩm khởi nghiệp. Không có trường lớp đào tạo, ông tự mày mò, bí đến đâu tìm tài liệu học đến đấy. Đi lục tìm kiến thức riết, thành ra nhà sách lớn, bé ở thành phố này ông đều biết. Cuốn sách nào giá tương đối, ông tậu về, cuốn nào quá đắt thì ông lân la đọc ké.
Ham học hỏi và say mê nghiên cứu, sản phẩm cửa cuốn Thanh Long chào hàng đã được các nhà thầu xây dựng chú ý vì tính năng vượt trội. Lực kéo nhẹ hơn và độ êm cao hơn so với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại, trong khi giá thành “mềm” hơn nhiều.
Đến nay, sản phẩm của ông đã chiếm lĩnh thị trường và có mặt ở nhiều công trình xây dựng lớn, như trường đua Phú Thọ, chợ Tân Bình, chợ Tân Trụ, chợ Tân Định, chợ Phú Nhuận và một số nhà văn hóa...
Chỉ trong vòng chưa đầy 6 năm, từ hai bàn tay trắng, ông đã gầy dựng được một cơ ngơi khang trang và hệ thống 30 đại lý phân phối sản phẩm.
Đam mê sáng tạo
Làm bất cứ việc gì, ông cũng trăn trở làm sao cho hiệu quả tốt và nhanh nhất. Từ những năm tháng cơ hàn hành nghề xe ôm kiếm gạo, ông cứ trăn trở trước ý nghĩ làm sao hạn chế tối đa mức tiêu hao nhiên liệu của động cơ. Loay hoay mãi vẫn không tìm ra, cho đến một lần đi dự tiệc, ông nhìn thấy nồi lẩu được nấu bằng cồn khô.
Về nhà, ông mua cồn khô về thử nghiên cứu tính chất hóa học và nhận ra cồn có nhiều thành phần có tính năng giống xăng. Ông bắt tay chế tạo bộ tiết kiệm xăng cho xe gắn máy từ cồn khô. Thiết bị này đã được Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng TP.HCM kiểm định và cho biết kết quả giảm được 10,39% so với mức tiêu hao nhiên liệu bình thường.
Bỏ nghề xe ôm, thiết bị tiết kiệm xăng cũng được xếp lại, ông khuếch trương sản phẩm cửa cuốn và mở rộng sản xuất sang lĩnh vực ghế, giường xếp. Và cũng trong một lần tình cờ khi chiếc điện thoại di động hư bộ rung, ông mang ra thợ sửa. Ngồi nhìn anh thợ tháo chiếc điện thoại ra, ông thấy không đến nỗi phức tạp. Thế là ý tưởng chế tạo ghế massage được hình thành từ đấy.