Nhà nghiên cứu nghiệp dư có bảy bằng sáng chế
Gặp anh vào một buổi sáng trong quán cà phê trên con phố nhỏ, anh đưa tôi xấp hồ sơ, tài liệu về những phát minh của mình. Ngồi nghe anh giải thích từng phát minh một, tôi càng ngạc nhiên khi biết anh mới chỉ học hết lớp 12 nhưng anh có thể thao thao bất tuyệt về những định luật toán, lý, về kiến thức khoa học, thậm chí về triết học và cả câu chuyện, tiểu sử của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới.
Người “hâm” của gia đình
Những người trong gia đình gọi anh là Ngọc “hâm”, bởi anh không theo con đường truyền thống của các anh chị em để học lấy bằng kỹ sư, tiến sĩ mà đi theo con đường riêng của mình. Năm 21 tuổi, Ngọc đi hợp tác lao động tại Tiệp Khắc (cũ). Đó cũng là khoảng thời gian anh “nghịch” nhiều hơn làm. Không có niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào chính mình, Ngọc về nước, lao vào cuộc sống ở quê hương Đác Lắc cũng như TP Hồ Chí Minh với đủ mọi nghề từ lái xe... đến buôn chuyến.
Cũng có lúc anh muốn làm một điều như những người thân trong gia đình, nên anh cắp sách ôn thi vào Trường Đại học Luật năm 1992. Hai năm trên ghế trường luật nhưng giảng đường đại học cũng không thể giữ chân anh lâu hơn. Ngọc bảo: “Lúc đó tôi nghĩ việc học là muôn đời, tôi đã từng xem một bộ phim mà người đi học và thi là ông lão 70 tuổi, tôi tin mình sẽ đi học lại, cái mà tôi thiếu lúc này là kiến thức cuộc đời”. Anh cùng một số bạn bè mở công ty kinh doanh máy tính.
Đến năm 1998, Ngọc cùng bạn bè làm trang trại tại Đắk Lắk để trồng cây công nghiệp. Qua rồi cái tuổi “ngông cuồng và mơ hão” nên anh lao vào làm, làm như say - như điên, người anh sạm lại cùng cái nắng, cái lạnh, cái gió của vùng đất cao nguyên hùng vĩ nhưng khắc nghiệt. Kết quả, anh lại thất bại bởi nóng vội và thiếu kinh nghiệm. Tất cả như “xà quần” trong đầu anh “chàng hâm” trẻ tuổi.
Đến những sáng chế bất ngờ
Qua những lần thất bại, đôi lúc Ngọc nản lòng nhưng tình cờ anh phát hiện ra nguyên nhân thất bại rồi đúc kết: “Các loài thực vật bị bệnh chí tử thường rơi vào mùa khô, các loài động vật từ bậc thấp đến bậc cao cũng vậy khi thiếu nước. Nước là cội nguồn của sự sống”.
Từ khi còn nhỏ anh đã đến với nghề nông, nên thiên nhiên, cây cỏ có sức hút kỳ lạ với Ngọc. Anh không chịu bó tay mà tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và trả lời những câu hỏi do chính mình và thực tế công việc đặt ra... Cứ âm thầm với thời gian, vậy mà đùng một cái, người thân trong gia đình, bạn bè “hết hồn” khi Ngọc cho ra đời những sáng chế đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng hẳn hoi.
Anh đưa cho tôi xem những trăn trở, ý tưởng mà anh ấp ủ suốt 10 năm trời được anh cô đọng, viết ra trên 10 trang A4: “Tôi mong đưa sản phẩm đã sáng chế ứng dụng ngay vào cuộc sống ở Việt Nam cũng như mọi nơi trên hành tinh với mục đích làm cho mọi người hết cảnh đói nghèo, môi trường ngày càng bền vững cho hôm nay cũng như cho tương lai”.
Xanh hóa hành tinh và khát vọng toàn cầu
Những sáng chế của anh có tính thực tiễn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Như loại phin cà phê sử dụng một lần, được thiết kế giống phin uống cà phê truyền thống của người Việt nhưng được điều chỉnh cà phê, đường, sữa sẵn trong phin (thành bánh nén), được sản xuất bằng nhựa, sử dụng một lần rồi bỏ vừa nhanh, tiện vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có những lời đề nghị hợp tác sản xuất đại trà nhưng Ngọc vẫn chờ đợi. “Đây là những giải pháp đơn giản nhưng rất hữu dụng nếu ứng dụng vào thực tế sẽ đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần cải tạo môi trường rất lớn, người hưởng lợi nhiều nhất trước hết là người dân đất Việt và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người khắp thế giới, làm cho hành tinh này ngày càng xanh hơn”. Anh thí nghiệm, thực nghiệm những sáng chế phục vụ canh tác cây trồng ở những nơi có khí hậu khắc nghiệt và địa hình khó khăn như: nơi khô hạn, hạn hán, núi rừng, đồi, sa mạc, hoang mạc, trong nhà, tường nhà, mái nhà... Tất cả đều đem lại kết quả ngoài sự mong đợi.
Theo chân anh, tôi đến tận nhà để chứng kiến tận mắt những thí nghiệm từ các sáng chế của Ngọc. Tất cả đơn giản đến không ngờ nhưng không phải ai cũng có thể “nặn óc” ra như thế được. Ngọc đem những chậu cây nhỏ mà anh đang thí nghiệm ra giải thích: “Thiết bị xới đất bằng rung động địa chất sẽ tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh trưởng của cây trong từng giai đoạn sinh trưởng của rễ, thân, lá, hoa và quan trọng là sẽ thay thế sức lao động của nông dân.
Tức trong quá trình phát triển của cây, không cần sự tác động của nông dân mà cây vẫn phát triển, ra hoa, kết trái tốt... Với thiết bị giữ ẩm cây trồng, dưới một rễ cây sẽ có bộ phận giữ ẩm trong thời gian tính toán hợp lý để cây đủ lớn. Sử dụng thiết bị này, chúng ta có thể trồng cây trong mọi địa hình, cây sẽ không bao giờ thiếu nước và có thể phủ xanh mọi nơi trên trái đất”. Anh tiết lộ thêm: “Tôi đã đăng ký bản quyền ba sáng chế ở cục sở hữu trí tuệ thế giới và đang chờ kết quả”.
Ngọc tính toán, thống kê và đưa ra các con số mà anh dày công khảo cứu thị trường và ứng dụng vào 10 ha đất trồng các loại cây của anh tại TP Hồ Chí Minh trong bốn năm với những kết quả khá thuyết phục. Quan trọng hơn là nông dân sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm điều chỉnh hạn hán, thoát úng, tiết kiệm được 50% sức lao động, 60% năng lượng phục vụ sản xuất, giảm đầu tư trang bị máy móc hơn 60% và mang lại năng suất xanh cao hơn 25% so với phương thức canh tác hiện tại.
Điều mà anh trăn trở nhất là các sáng chế chỉ được bảo hộ từ 10 đến 20 năm, thiếu nguồn vốn đủ chuẩn để thực hiện và ứng dụng các sản phẩm một cách nhanh, mạnh và phổ biến đại trà. Anh nói: “Đây là một điều giản dị như một trò chơi, khi có đông người chơi tất tiềm năng và nguồn lực tăng lên dẫn đến tính phổ biến, hiệu quả kinh tế”.
Nguyễn Quang Ngọc muốn chuyển đến tất cả những người mong muốn làm giàu cho mình và xã hội hợp sức lại để cùng nhau thực hiện khát vọng “xanh hóa hành tinh” của mình...
Nguồn: Người lao động; nhandan.com.vn28/8/2006