"Nhà khoa học nông dân"
Tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội năm 1972, rồi lên đường nhập ngũ. Ra quân, tiếp tục học ở khoa Toán - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông về nhận công tác tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp Dạy nghề tỉnh Hải Dương.
Với nhiều sáng kiến gây ngạc nhiên cho bạn bè ngay từ thời sinh viên, nhưng gặp ông, ai cũng gọi với cái tên thân mật “nhà khoa học nông dân”, đúng với phong cách gần gũi, chất phác của ông.
Từ năm 2001-2003, ông Tiến đã có sáu sản phẩm nghiên cứu khoa học với chín giải thưởng sáng tạo kỹ thuật. Với những kết quả đó, cuối năm 2005 ông là một trong những cá nhân xuất sắc của tỉnh Hải Dương vinh dự được tham gia Đại hội Thi đua toàn quốc tại Hà Nội.
“Gà mái điện tử”
Kể về “gà mái điện tử”, một sản phẩm KH-CN do ông sáng chế được áp dụng rộng rãi trong tất cả các trang trại gia cầm ở Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, ông nói nó đến với ông một cách tình cờ. Khi chứng kiến “tham vọng” làm giàu của những người nông dân quê mình đầu tư nhiều vốn liếng vào ấp nở gia cầm nhưng đều thất bại, vì tỷ lệ nở chỉ đạt 20 – 30%, bỏ công ra nghiên cứu, ông phát hiện người nông dân ấp trứng bằng đèn dầu, bằng điện, thiếu đi một “luận cứ” khoa học và ông đã “bắt mạch” được những hạn chế trong phương pháp ấp nở thủ công này.
Để thực hiện thành công ý tưởng, ông buộc phải “chuyển giao công nghệ” bằng cách tháo tung cả chiếc chăn điện của Nga để lấy linh kiện. Rồi tìm kiếm những phụ liệu rẻ tiền trong nước để lắp ghép hệ thống ấp nở, năm 2001, ông chế tạo thành công “gà mái điện tử”. những con gà được ấp nở bằng hệ thống này chiêm chiếp chào đời, có lẽ đó là hạnh phúc vô bờ của ông sau những ngày kiên trì thực hiện đề án.
Gà điện tử ban đầu chỉ ấp được 200 con/mẻ, ông dần cải tiến lên 3000/mẻ, và đến nay là 5000 con/mẻ, tỷ lệ ấp nở đạt 90 – 100%.
Phát minh này mang về cho ông giải khuyến khích Sáng tạo KHCN Việt Nam . Có thể nói máy ấp trứng tự động là một con gà mái điện tử, một robot thực hiện nhiệm vụ ấp trứng, mang lại hiệu quả kinh tế tuyệt vời cho nông dân các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
“Soạn giáo trình”, chống ăn cắp điện
“Nhà khoa học nông dân” Nguyễn Duy Tiến còn là “cha đẻ” của nhiều sáng chế hữu ích khác, như máy ép mùn cưa công suất 4 thùng/giờ hoặc ép than cám thành than tổ ong công suất 2401 viên/giờ, máy tăng âm triển khai kiêm đồ dùng dạy học đồng thời là đồ chơi rèn tính sáng tạo cho trẻ em…
Gần đây nhất, ông đã chế tạo thành công chấn lưu kỹ thuật số dùng cho đèn huỳnh quang tiết kiệm điện. Sáng chế của ông giúp tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ bóng đèn huỳnh quang lên gấp 1,5 lần so với chấn lưu bình thường. Với chấn lưu kỹ thuật số, ông được VTV đưa lên chương trình “Mỗi ngày một ý tưởng”.
Nhưng ông lại tâm đắc hơn cả khi tự mình soạn được giáo án chống lại nạn “điện tặc”. Sáng kiến này đến với ông cũng như một cơ duyên. trong quá trình chế tạo máy ấp trứng thì vấn đề quan trọng là phải giảm mức tiêu thụ điện năng đến mức tối thiểu, nhưng các chủ lò ấp trứng khác thì không quan tâm đến điều đó, bởi họ có khả năng biến điện Nhà nước thành điện năng “chùa” với những chiêu thức “câu điện” lành nghề, khó bị phát hiện. Ông ghi lại tất cả mánh khóe ăn cắp điện mà các chủ lò “vô tình” tiết lộ, từ đó hệ thống lại thành các bài giảng chi tiết.
Có giáo trình về điện, ông xin được “lên lớp” cho các cán bộ quản lý điện lực nông thôn do điện lực Hải Dương tổ chức. Từ những kiến thức trong bài giảng của ông Tiến, các cán bộ quản lý bắt đầu quan tâm đến lượng điện hao hụt một cách không bình thường tại các địa phương. Nhiều hợp tác xã quản lý điện đã “áp dụng” bài giảng triệt phá thủ đoạn tiêu hao điện năng, giảm tổn thất chung trên mạng lưới khoảng 4% so với trước.
Gặp lại ông vào những ngày đầu mùa hạ, ông cho biết đang tiến hành nhiều ý tưởng sáng tạo khác, chỉ có điều “không phải dịp tiết lộ với nhà báo vì nó chưa được nghiệm thu” – ông Tiến hóm hỉnh cất lời.
Nguồn: nhandan.com.vn 13/7/2006