Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/03/2003 22:07 (GMT+7)

Nhà khoa học, nhà văn hoá lớn Hoàng Xuân Hãn

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 14 tháng giêng năm 1908, nguyên quán tại Kẻ Trổ (tên chữ là Bình Lỗ), xã Nhân thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, nay là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán và Quốc ngữ trong gia đinh rồi vào Trường tiểu – trung học Vinh (học tiếng Pháp). Sau khi đỗ Thành chung năm 1926, ông chuyển ra Hà Nội, thi vào trường Trung học Bưởi, học được một năm lại chuyển sang học chuyên ban Toán ở Trường trung học Albert Sarraut. Năm 1928, ông đậu tú tài toàn phần và được sang Pháp du học. Với tinh thần khổ công cầu học, muốn thâu thái kiến thức mới mẻ nhất để trở về giúp ích cho nước nhà, ông đã lần lượt thi đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng của nước Pháp lúc ấy, như Trường Cao học Ulm, Trường Bách khoa, Trường Cầu cống và khoa cử nhân Toán học của Đại học Sorbonne. Ông đã vượt qua tất cả các môn học khó vào bậc nhất ở những trường này một cách xuất sắc, và lĩnh nhiều văn bằng sau khi ra trường, như cử nhân khoa học, kỹ sư cầu cống, thạc sĩ toán học.

Trở về nước vào năm 1936, nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn đã không chịu nhận chức vụ Giám đốc công chính do Pháp gợi ý với điều kiện phải nhập quốc tịch Pháp. Ông vui lòng nhận chức giáo sư trung học Trường Bưởi, lương thấp hơn, nhưng là một nghề ông yêu thích vì để đào tạo những thanh niên Việt Nam và được làm người Việt Nam. Ông còn được mời giảng môn toán ở các trường đại học Công chính, Canh nông và Đại học Hà Nội... lúc bấy giờ. Thiết tha mong mỏi mở mang kiến thức khoa học cho thanh niên ta trong những năm này, ông cùng với một số bạn bè như giáo sư Nguyễn Xiển, giáo sư Tạ Quang Bửu sáng lập tạp chí Khoa học trong đó ông giữ các chuyên mục đố và giải những bài toán vui, rất hấp dẫn tuổi trẻ và cũng liên quan đến đời sống thực tiễn, đến thiên văn, địa lý, lịch sử, văn hoá của phương Đông và Việt Nam. Muốn nâng cao từng bước nền tảng chung của khoa học nước nhà, theo ông, phải tìm cách dành cho được điều kiện dạy và học khoa học bằng tiếng Việt. Vì thế ông bắt tay soạn tập sách Danh từ khoa học, dùng tiếng Việt diễn đạt hàng loạt những khái niệm khoa học thuộc các bộ môn toán học, lý học, hoá học, cơ học và thiên văn học vốn chưa có bao nhiêu từ ngũ bằng tiếng Việt lúc ấy. Cuốn sách ra đời đã đem lại một không khí phấn khởi, tự hào và niềm hy vọng cho nhiều nhà khoa học từng thao thức nhiều năm về hiện đại hoá đất nước. Năm 1943, sách được giải thưởng của Hội khuyến học Nam kỳ với ý nghĩa một công trình mở đường cho việc xây dựng khái niệm và thuật ngữ khoa học của Việt Nam.

Cũng trong năm 1943, khi Hội truyền bá Quốc ngữ thành lập, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tham gia với tư cách một thành viên chính thức. Ông đảm nhận chức Trưởng ban tu thư và cùng một vài người khác cho công bố rất sớm cuốn sách Phương pháp học i tờ, đổi mới hẳn cách học chữ Quốc ngữ theo lối đánh vần a, b, c, giúp người học nắm được chữ Quốc ngữ nhanh chóng hơn nhiều. Cuốn sách đã được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, và từ sau Cách mạng Tháng Tám, khi phong trào “diệt giặc dốt” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và được hưởng ứng trong cả nước, phương pháp học chữ Quốc ngữ của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trở thành một phương pháp chủ đạo, giúp cho hàng triệu người có thể thoát nạn mù chữ chỉ trong vòng từ ba đến sáu tháng.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng một số trí thức tiêu biểu, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Tháng 4-1946, Hội nghị Việt – Pháp ở Đà Lạt mở, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được cử làm Chủ tịch Tiểu ban chính trị trong Phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà... Sau Hội nghị, trở về Hà Nội, ông tham gia giảng dạy các bộ môn kỹ thuật quân sự cho các khoá huấn luyện của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn bị kẹt lại trong lòng Hà Nội. Trong những năm này, gia đình ông trở thành một cơ sở ở nội thành bí mật liên lạc với kháng chiến và ủng hộ tài chính, thuốc men. Đến năm 1951, gia đình ông sang cư ngụ ở Paris, Pháp. Từ đây, một mặt ông tiếp tục công việc của một nhà khoa học - kỹ thuật, đi sâu vào lĩnh vực nguyên tử và thi lấy bằng kỹ sư nguyên tử ở Saclay (1956). Mặt khác, ông dồn tâm huyết vào những công trình tầm cỡ, giá trị soi sáng trên nhiều bình diện cho văn hoá Việt Nam. Ông tham gia tổ chức Việt kiều yêu nước ở Pháp, hăng hái hoạt động tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như cho phong trào hoà bình thế giới. Ông đã đến Giơ-ne-vơ, gặp phái đoàn Việt Nam trong những ngày Hội nghị Giơ-ne-vơ nhóm họp. Rồi suốt những năm nhân dân ta chiến đấu chống Mỹ , cũng với tinh thần yêu nước trước sau như một, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã luôn luôn có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc trên diễn đàn của Hội Việt kiều yêu nước tại Paris mà ông là một uỷ viên Đoàn Chủ tịch...

Cả cuộc đời của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là tấm gương sáng về lẽ sống làm người, về phẩm chất của người trí thức chân chính. Có thể nói, ông là một nhà khoa học bách khoa, đã cống hiến sáng tạo không biết mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực. Là một nhà thiên văn và lịch pháp học, ông đã dành rất nhiều năm để nghiên cứu Lịch và Lịch Việt Nam, khảo sát công phu và chuẩn xác sự chuyển đổi giữa Dương lịch và Âm lịch trong hàng thiên niên kỷ, chứng minh có những thời kì lịch của nước ta khác với lịch Trung Quốc, chứ không phải hoàn toàn giống như quan niệm của nhiều người. Nhờ đó, ông đã tạo một cơ sở khoa học xây dựng lịch pháp Việt Nam (Cụm công trình về Lịch và Lịch pháp Việt Nam của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt 1).Là một nhà khảo cổ học, ông đã phát hiện nhiều di chỉ và di vật có giá trị, theo dõi, góp ý kiến với ngành khảo cổ học nước ta, gợi ý về những địa điểm mà trước kia ông đã tìm thấy. Trên cơ sở này, Viện Khảo cổ học đã phát hiện ra một số di chỉ khảo cổ... Là một nhà sử học, sau bảy năm nghiên cứu ròng rã các tài liệu thực địa và thư tịch về Lý Thường Kiệt và nhà Lý, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã công bố một công trình khoa học rất có giá trị về Lý Thường Kiệt trong hai năm 1949-1950. Bộ sách trình bày cặn kẽ, chuẩn xác về cuộc kháng chiến oanh liệt của quân dân nhà Lý chống quân xâm lược Tống, cũng như về đời sống văn hoá - xã hội của một triều đại cách chúng ta hơn chín thế kỷ, làm nổi bật những nét cấu trúc tinh thần truyền thống của xã hội Việt Nam, truyền thống “quật cường của dân tộc Việt”, bản sắc con người Việt Nam, bản sắc văn hoá Việt Nam. Bộ sách, như đã khẳng định trong “Lời nói đầu” của nó, góp một tiếng nói hưởng ứng “cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc” trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Là một nhà tư liệu học, có trong tay rất nhiều tài liệu cổ kim mà ông đã dày công thu thập, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng đã khảo cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biên giới, góp công sức vào việc xác nhận chủ quyền của nước Việt Nam đối với những vùng lãnh thổ này. Là nhà nghiên cứu văn học, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã từng về quê hương nhà thơ Nguyễn Thiếp, người đồng quận và là ông tổ bên ngoại của mình, tìm được tập Hạnh Am di cảo cùng các đạo sắc mang thủ bút của Quang Trung, nhờ đó đã viết lên cuốn La Sơn phu tử (1952),làm sáng rõ khá nhiều điểm về một giai đoạn quan trọng – giai đoạn Lê Mạt – Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam và về một nhân cách trí thức chân chính, nhân cách La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, người đã giúp Anh hùng Nguyễn Huệ với tư cách là cố vấn trong buổi nhiều nhương của đất nước. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng đã sưu tầm được bảy bản dịch Chinh phụ ngâm khúc trong đó có văn bản liên quan mật thiết đến tiểu sử và văn nghiệp của Phan Huy ích, và cho ra mắt công trình nghiên cứu so sánh Chinh phụ ngâm bị khảo, nêu lên một giả thiết khá sắc sảo về người dịch bản Chinh phụ ngâm hiện hành, làm xao động dư luận học giả trong thời gian dài (Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người dịch bản Chinh phụ ngâm hiện hành là Đặng Trần Côn chứ không phải Đoàn Thị Điểm như nhiều người vẫn nghĩ).

Có thể nói, công trình nào của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng có giá trị thuyết phục cao, nhờ sự kết hợp giữa tư liệu xác chứng và luận điểm mới mẻ nhưng điều quan trọng hơn cả là tác giả luôn luôn mong muốn gửi gắm trong đó sự kết hợp nhuần nhị giữa khoa học và tình yêu Tổ quốc. Một cuốn Song Tinh Bất Dạ bằng chữ Nôm, tiếng nói hiếm hoi của miền cực nam đất nước ở thế kỷ thứ XVIII, rất có thể đã thành tro bụi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nếu không có Giáo sư Hoàng Xuân Hãn biết kịp thời sao lại... Một lời thề của Lê Lợi ở Hội thề Lũng Nhai trước ngày Lam Sơn khởi nghĩa chắc chắn sẽ không được các nhà Nôm học chú ý nhiều nếukhông có Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ hơn năm thập kỷ trước đây đã để mắt đến, lục tìm ra và phiên âm chính xác các từ vựng cổ. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng rất lưu tâm nghiên cứu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ngay từ trước khi Viện Văn học có bản Lưu hương ký, ông đã có khá đầy đủ một tiểu sử của nhà nữ sĩ thời kỳ ở Yên Quảng cùng với những vần thơ rất đẹp của bà đề vịnh Vịnh Hạ Long...

Trong những năm cuối đời, tuy sức đã yếu nhiều, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn vẫn cặm cụi hoàn thành công trình khảo đính Truyện Kiều, cố gắng khôi phục một văn bản gần nguyên tác nhất của Nguyễn Du. Cái chết quá bất ngờ (ngày 10/3/1996, tại bệnh viện Orsay, Paris, Pháp) đã không cho ông kịp hoàn thành trọn vẹn công trình tâm huyết này.

Xét công lao to lớn của ông trong các lĩnh vực: chính trị, khoa học, văn hoá, giáo dục của đất nước, ngày 13/3/1996, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lê Đức Anh đã quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn...

* Bài viết đã đăng trên Báo Nhân dân ngày 16/3/1996.

* Những chữ trong ngoặc đơn do Ban Biên tập chú giải.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.