Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 03/09/2014 20:22 (GMT+7)

Nhà khoa học lo khi cho phép cây trồng biến đổi gene vào đồng ruộng

  GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã lo ngại như vậy khi hay tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) phê duyệt 4 giống ngô biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đó là các giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).

Theo GS Long:"Việc này sẽ tạo ra sự độc quyền của các tập đoàn nước ngoài như Monsanto, Syngenta giúp các hãng này ngày càng mở rộng thị phần về giống của mình. Đây là một quyết định cần suy nghĩ".

Cây biến đổi gene đã bước thêm một bước

Theo quyết định của Bộ NN&PTNT, đây là bốn giống ngô biến đổi gene đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, đồng thời là giống cây trồng biến đổi gene đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, cây ngô biến đổi gene có khả năng tự kháng sâu bệnh, cỏ dại, chịu hạn, chịu lạnh, chịu mặn, giàu dưỡng chất… năng suất lại cao hơn 10-20% so với các giống bắp truyền thống.

Bộ NN&PTNN cho biết, giấy xác nhận phê duyệt này được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi biến đổi gene.

Tuy nhiên, để có thể đưa vào sản xuất, 4 giống cây ngô biến đổi gene này vẫn phải chờ quyết định phê duyệt về an toàn sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo của Bộ NN &PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 2,33 triệu tấn ngô, giá trị nhập khẩu đạt 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.Do đó việc cấp phép cho ngô biến đổi gene đang được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc nhập khẩu về ngô.

Tuy nhiên, theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, các giống ngô biến đổi gene của các hãng nước ngoài khảo nghiệm tại Việt Nam như Monsanto, Syngenta thực chất chỉ kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu bọ mà thôi, nó không giải quyết được vấn đề tăng năng suất. Thậm chí, sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung giống đắt đỏ cũng như thuốc trừ sâu và phân bón là nội dung chính ẩn chứa đằng sau việc đưa ngô biến đổi gene vào trồng đại trà.

"Việc này sẽ tạo ra sự độc quyền của các tập đoàn nước ngoài như Monsanto, Syngenta giúp các hãng này ngày càng mở rộng thị phần về giống của mình. Đây là một quyết định cần suy nghĩ".

GS.VS Trần Đình Long nhấn mạnh, đặc tính chính của các giống ngô Việt Nam hiện nay khả năng chịu hạn, rất hợp với Việt Nam bởi 85% ngô là không tưới, nếu sử dụng ngô biến đổi gene sẽ làm mất đi quyền tự chủ về giống của Việt Nam.

Với ngô biến đổi gene không để giống được, vụ nào biết vụ ấy, khi vào vụ, nông dân phải đi mua giống về trồng. Sự độc quyền về giống đẩy Việt Nam đến nguy cơ sang vụ sau, nếu công ty nước ngoài không cung cấp hạt giống nữa thì nông dân chỉ còn đường... mếu. Đó là chưa kể, Việt Nam sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài từ quy trình chăm sóc đến sử dụng phân bón.

"Nông dân Việt sẽ phải mua thuốc trừ cỏ của nước ngoài, mà khi đã dùng thì rất hại cho đất", ông Long chỉ rõ.

Lo phụ thuộc

GS.TSKH Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô cũng khẳng định, ông không chấp nhận việc sử dụng cây trồng bến đổi gene bởi nó không giải quyết được bất cứ việc gì.

"Ngô biến đổi gene không giúp tăng năng suất được, đồng thời sẽ có những biến dị không thể biết trước được. Nhiều công ty giống nước ngoài đang cổ vũ rất mạnh để đưa ngô biến đổi gene vào sản xuất, thực chất là để nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ".

Từng lên tiếng trước đông đảo nhà khoa học tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khi phản biện về cây trồng biến đổi gene, ThS Lê Thị Phi Vân, chuyên gia của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cũng đưa ra hàng loạt số liệu thống kê giật mình: cây biến đổi gene là sản phẩm độc quyền của các công ty xuyên quốc gia. Hàng năm các sản phẩm này góp phần mang lại cho các công ty này hàng chục tỷ đô la doanh thu và hàng tỷ đô la lợi nhuận.

Năm 2010 doanh thu bán hàng ròng của Monsanto là 10,5 tỷ USD, của Syngenta là 11,6 tỷ; lợi nhuận ròng của Monsanto là 1,1 tỷ, của Syngenta là 1,4 tỷ USD. Cây biến đổi gene giúp cho các công ty này tối đa hóa lợi nhuận bằng cách làm cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ.

"Monsanto đã đăng ký bản quyền và nắm trong tay hơn 11.000 hạt giống trên thế giới. Nông dân phải ký hợp đồng với Monsanto trong đó quy định chỉ được sử dụng thuốc Roundup và phải mua hạt giống mới mỗi vụ. Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, bất cứ nông trại nào bị nhiễm giống của Monsanto đều là vi phạm và phải tiêu hủy hết tất cả hạt giống trên đó.

Từ năm 1998-2000, Monsanto đã kiện 9.000 nông dân và buộc tội họ ăn cắp hạt giống biến đổi gene của Monsanto. Tất cả nông dân này sau đó “bắt buộc” phải dùng giống của Monsanto vì giống của họ đã bị tiêu hủy sạch và nếu không dùng giống của Monsanto thì cũng lại bị nhiễm và lại phải ra tòa", ThS Lê Thị Phi Vân cho biết.

Theo GS.TSKH Trần Hồng Uy, rất nhiều nước trên thế giới không ủng hộ việc sử dụng cây trồng biến đổi gene. Ông dẫn chứng một số bang ở phía Tây nước Mỹ trồng 1 triệu ha ngô biến đổi gene sau đó người dân phản đối. Việc này cũng diễn ra tương tự trong Liên minh châu Âu, Ấn Độ...

Trước đó GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) từng bày tỏ quan điểm của các nhà khoa học đối với cây trồng biến đổi gene. Theo đó các nhà khoa học thuộc VUSTA thừa nhận những ưu điểm vượt trội của cây trồng biến đổi gene như: cho năng suất cao, kháng bệnh, chống chịu thuốc trừ cỏ…

Tuy nhiên vẫn còn nhiều e ngại và thách thức khi phổ biến cây trồng BĐG ra sản xuất. Theo GS Minh, người ta lo ngại rằng phát triển cây trồng BĐG có thể làm tổn hại đến những sinh vật không được biến đổi gene bằng công nghệ di truyền, làm giảm tác dụng của các thuốc trừ dịch hại, có thể lai chéo với các giống, loài cây trồng và các họ hàng gần của cây biến đổi gene, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới môi trường.

Hơn nữa, việc áp dụng đại trà các giống biến đổi gene sẽ thu hẹp và làm mất dần nguồn gene bản địa, làm tăng tính lệ thuộc của người nông dân vào các công ty sản xuất giống biến đổi gene… Ngoài ra, nhiều người nghi ngại rằng “gene lạ” được đưa vào cây trồng có thể sản sinh ra protein lạ gây dị ứng và có thể gây tác hại lâu dài đến sức khỏe và thậm chí kể cả duy trì nòi giống của người tiêu dùng.

Cùng quan điểm này, nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam cũng lo lắng, nếu sử dụng ồ ạt cây trồng BĐG mà không khảo nghiệm một cách thận trọng sẽ rất nguy hiểm bởi nó liên quan đến vận mệnh của đất nước. “Chúng tôi biết rằng ngành nông nghiệp muốn phát triển nhanh, mạnh, giải quyết vấn đề an ninh lương thực, nhưng với cây trồng BĐG dù không phản đối nhưng không thể xem nhẹ việc nghiên cứu và hiểu rõ về nó trước khi dùng đại trà”, bà Bình nói.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.