Nhà Ấm với hành trình hơn một năm phục vụ cộng đồng
Nhà Ấm bắt đầu từ buổi gặp mặt đầu tiên của các bạn tình nguyện viên vào ngày 22/7/2013, với những đêm cùng nhau lập kế hoạch, những ngày rong ruổi khắp các chợ đồ cũ, các chùa, nhà thờ, khu người thu gom đồng nát...và vô vàn những nơi mà ở đó có thể tìm thấy người có thu nhập thấp để khảo sát. Tiếp đó ngày 18/11/2013, Fanpage Nhà Ấm ra đời, rồi đến ngày 11/12/2013, bạn sinh viên đầu tiên ủng hộ đồ dùng cho Nhà Ấm. Ngày 3/1/2014, Nhà Ấm tổ chức gây quỹ đầu tiên tại khu công nghiệp Đình Trám, Việt Yên, Bắc Giang. Tháng 11/2014, Nhà Ấm công bố chính thức danh sách 10 em nữ sinh nhận học bổng Nhà Ấm và 2 em nữ sinh do Nhà Ấm kết nối.
Một trong ba sáng lập viên của Nhà Ấm là chị Nguyễn Thanh Phương - một người phụ nữ đa - zi - năng, nhiều năng lượng, lúc nào cũng tất bật với công việc và luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu tới cùng. Nhờ chuyến tập huấn tại Mỹ vào cuối năm 2012, chị may mắn biết đến mô hình YWCA khá mới (nhận đồ dùng ủng hộ => bán hàng gây quỹ => thực hiện chương trình tăng quyền năng cho phụ nữ), thấy Việt Nam chưa có tổ chức nào làm mảng này nên chị đã cùng hai anh chị khác: Ngô Thị Thu Hà, Phạm Hải Bình với sự hỗ trợ tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), một nhóm sinh viên các trường đại học hỗ trợ khảo sát, lập kế hoạch kinh doanh và 2 tháng sau đó mô hình doanh nghiệp xã hội Nhà Ấm ra đời.
Bằng sự tâm huyết, nỗ lực của anh em mà hơn 1 năm hoạt động Nhà Ấm đã chia sẻ được nhiều vật dụng cho bà con, gây quỹ học bổng cho nữ sinh nghèo phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đây còn là địa điểm yêu thích của các bạn sinh viên cùng sự tin tưởng của tất cả mọi người vào mô hình.
Chuẩn bị cho buổi bán hàng đồng giá. Ảnh: Nhà Ấm
Những hoạt động từ thiện của Nhà Ấm tại những vùng đồng báo dân tộc nghèo đã để lại nhiều cảm xúc trong các bạn tình nguyện viên. Tham gia chuyến đi từ thiện “Vươn cao nụ cười trẻ thơ” do Nhà Ấm phối hợp tổ chức, bạn Tuyết Nhung, một tình nguyện viên cho biết: “"Chuyến đi Mù Căng Chải (Yên Bái) đã khép lại, nhưng vẫn còn đây những cảm xúc… Là tình cảm khi chúng tôi trao tận tay những món quà nhỏ, là việc mang lại niềm vui, sự ấm áp cho bà con dân nghèo miền núi. Điều đó đã để lại trong tâm hồn tôi những suy nghĩ, cảm xúc về tình yêu thương giữa con người với con người, về sự sẻ chia và biết đến những mảnh đời nghèo khó.
Nhằm chia sẻ và bù đắp những khó khăn của người dân tộc thiểu số, đặc biệt là các em học sinh, mong muốn các em có động lực học tập và vươn cao ước mơ, đoàn chúng tôi đã trao tặng những bao gạo, những chiếc chăn ấm, đôi tất len nhỏ, thùng sữa… mong muốn người dân cùng các em nhỏ nơi đây có mùa đông ấm áp đầy đủ hơn khi cái lạnh khắc nghiệt của vùng núi cao đang tới gần. Chuẩn bị cho chuyến đi này, chúng tôi đã chuẩn bị từ mấy tháng trước. Ai cũng háo hức chuẩn bị, trong suốt chuyến đi, chúng tôi vượt qua nhiều đoạn đường khó khăn hiểm trở, có đôi chút mệt mỏi nhưng các thành viên trong đoàn đều rất vui vẻ, và đặc biệt hơn khi nhìn thấy người dân, các em nhỏ học sinh vui vẻ chào đón làm bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan. Không chỉ có một đêm giao lưu văn nghệ đáng nhớ, mà lần đầu tiên, chúng tôi đã được cảm nhận cuộc sống về đêm vùng núi Yên Bái, cảm nhận cái lạnh buốt đêm đông đầy khắc nghiệt tại đây, đồng thời cũng có cơ hội hiểu và cảm nhận tình cảm ấm áp, vui vẻ của những người dân tộc, chia sẻ với cuộc sống của họ nơi miền núi khắc nghiệt khó khăn này. Chính những lúc như thế, chúng tôi cảm nhận được tình cảm yêu mến con người đang dần lớn lên trong mỗi người, sự kết nối của những trái tim đầy nhân ái, một chuyến đi đầy ý nghĩa”.
Một tình nguyện viên chụp ảnh với một em bé vùng cao Yên Bái. Ảnh: Nhà Ấm
Còn bạn Nguyễn Thu Hiền lại chia sẻ những dòng chữ đầy xúc cảm trên facebook của Nhà Ấm như sau: “Nói cảm nhận về chuyến đi bắt đầu từ lúc mình nhận được lịch trình chuyến đi. Đọc nó, mình nghĩ, để có được lịch trình chuyến đi này, những người chủ chốt tổ chức chắc phải mệt lắm.
…Yêu thương tràn đầy, mình nắm tay những đứa trẻ xa lạ, lại xót lòng cảm nhận cái lạnh tê tái đã ngấm vào tận xương, tận máu từ những bàn tay ấy mang lại. Nhìn những đứa trẻ 1, 2 tháng tuổi chân tay nứt nẻ trong cái nắng gắt, trong cái lạnh sắc lẹm của nơi đại ngàn mình cứ tự hỏi sao bố mẹ cho các em ăn mặc phong phanh đến thế.
Anh Phạm Hải Bình, một trong ba sáng lập viên Nhà Ấm, bên những bao tải gạo hỗ trợ bà con dân tộc nghèo. Ảnh: Nhà Ấm
Chuyến đi này với mình là chuyến tình nguyện đầu tiên với Nhà Ấm. Mình biết tâm thế của những con người sẵn sàng vượt hàng trăm cây số để tới nơi đây là nhiệt tình, là quan tâm chia sẻ. Nhưng sau chuyến đi mình không khỏi thất vọng. Thất vọng vì chưa được tới những nơi sâu hơn, cô khổ hơn, để chia sẻ nhiều hơn, vì những chia sẻ của Nhà Ấm, của Khai Tâm Việt, VTV6, Odessa, tiểu học Thăng Long cũng chỉ như giọt nước đại dương, về căn bản chưa đủ thay đổi cuộc sống của những người dân nơi đó. Nhưng cũng như một người đang đói, không thể vì ăn một miếng chưa hết đói mà không ăn. Một người đang lạnh, không vì mặc thêm một áo chưa hết lạnh mà không mặc. Nên suy cho cùng cuộc đời vẫn cần nhiều hơn những tấm lòng, những tấm lòng ấy không chỉ chăm chăm nhường cơm sẻ áo mà phải là những tấm lòng thương đến ngọn nguồn nỗi khổ, dốc tâm phấn đấu để cuộc sống của bản thân và gia đình tốt đẹp, để những yêu thương lấp đầy bản thân mà lan tỏa ra xã hội”.
Những chia sẻ trên cho thấy dù mới hoạt động được hơn 1 năm nhưng giá trị mà Nhà Ấm mang lại cho cộng đồng không hề nhỏ. Với những kết quả đạt được, có thể nói Nhà Ấm đã khơi gợi được lòng trắc ẩn trong cộng đồng để chính cộng đồng sẻ chia công sức, tiền bạc, đồ dùng… giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.