Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 25/08/2006 17:53 (GMT+7)

Nguyễn Lữ - danh tướng hậu cần một thuở

Nguyễn Nhạc - con người lịch thiệp, quảng giao, mưu trí như thần. Nguyễn Huệ - Đại danh tướng trăm trận trăm thắng, nhà chính trị xuất sắc... Nguyễn Lữ như cái bóng bên hai đại thụ trên. Sự thật, trong những chiến công lẫy lừng của quân đội Tây Sơn, Nguyễn Lữ đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng, to lớn.

Ông sinh năm Giáp Tuất (1754). Về hình thể và tính tình, khác hẳn hai người anh: vóc dáng nhỏ nhắn, tính tình nhu mì. Thuở nhỏ, cùng hai anh em học văn võ thầy Trương Hiến, nhưng Nguyễn Lư thiên về học văn hơn. Về võ, ông thục luyện các môn miên quyền, kiếm thuật. Võ nghệ của ông cũng vào bậc siêu quần ở đất Tây Sơn. Những khi chiêu nạp các bậc vũ dũng, hào kiệt về với nhà Tây Sơn, ông thường dùng lời lẽ để thuyết phục, chỉ khi thật cần thiết mới dùng đến đường quyền kiếm.

Trong 15 năm tiến công các thế lực Trịnh, Nguyễn, dựng nghiệp nhà Tây Sơn, Nguyễn Lữ cũng đã nhiều phen xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công hiển hách. Trên trận tiền, Nguyễn Lữ là một chiến tướng không thua kém những tướng lĩnh xuất sắc của quân Tây Sơn. Nhưng trên mặt trận hậu cần, ông là một viên tướng xuất chúng, không ai sánh kịp. Có thể thâu tóm vào hai mặt lớn sau:

Một là vận động, thu phục đồng bào dân tộc ít người hưởng ứng, ủng hộ, tham gia vào sự nghiệp nhà Tây Sơn. Ông rất am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tiếng nói của các dân tộc Ba-na, Xơ-đăng, Gia-rai, Chăm... Thời kỳ trước khi khởi nghiệp, Nguyễn Lữ đã cùng Nguyễn Nhạc đi khắp các buôn làng vùng An Khê, Gia Lai, Kon Tum, Dak Lăk, tây Bình Định v.v... để vận động nhân dân tụ nghĩa. Ông là quân sư số một của Nguyễn Nhạc trong công việc khó khăn, phức tạp và tế nhị này.

Những lúc cần thiết phải dùng thủ thuật để lôi kéo người dân, ông đã lập kế “thần hoá” Nguyễn Nhạc khiến họ đã khẩu phục càng thêm tâm phục uy danh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Khi Nguyễn Nhạc rút về Tây Sơn Hạ chuẩn bị khởi binh, việc chiêu binh mãi mã ở vùng Tây Sơn Thương giao lại cho Nguyễn Lữ.

Theo sử sách, quân ngũ Tây Sơn khi dựng nghiệp có khoảng 150.000 người được chia thành 12 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị là người dân tộc thiểu số. Đây là đội quân tiên phong, dũng mãnh dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ. Kỵ binh có hơn 2.000 chiến mã, tượng binh có hơn 100 thớt voi. Chính Nguyễn Lữ và các tuỳ tướng của ông đã chiêu tập, tuyển lựa những chiến binh, ngựa đưa về cho Nguyễn Huệ tổ chức, huấn luyện. Voi cùng người điều khiển giao cho nữ tướng Bùi Thị Xuân lập đội tượng binh.

Năm Quý Tỵ (1773), Tây Sơn khởi binh chiếm thành Quy Nhơn. Đại quân do Nguyễn Huệ thống lĩnh tiến công ra phía Bắc. Vùng phía Nam, từ Phú Yên trở vào Bình Thuận vẫn thuộc về chúa Nguyễn. Đây là vùng đồng bào Chăm, Ra-glai, Mạ... chiếm số đông, nên Nguyễn Lữ được Nguyễn Nhạc phái vào vùng này để thuyết phục đồng bào các dân tộc theo về với nghĩa quân Tây Sơn.

Nhờ có sự hậu thuận của các dân tộc thiểu số nên cuộc Nam chinh của quân Tây Sơn ngay cuối năm ấy, tuy quân số ít nhưng vẫn nhanh chóng đánh đuổi được lực lượng còn khá hùng hậu của chúa Nguyễn, làm chủ các phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận.

Hai là xây dựng hậu cứ, sản xuất lượng thảo, vũ khí, quân trang quân dụng. Ngay từ những năm chưa đến tuổi 20, Nguyễn Lữ đã được giao phó một nhiệm vụ trọng đại là cùng với Nguyễn Thung - một đại phú hộ đất Tây Sơn, cô Hầu - vợ thứ của Nguyễn Nhạc, người Ba-na, xây dựng căn cứ, tổ chức sản xuất lương thực - thực phẩm, lập xưởng rèn đúc vũ khí; sắm sửa quân trang quân dụng.

Sau ngày dựng cờ khởi nghĩa có thêm nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng chuyên lo việc hậu cần. Khu sản xuất lương thảo chính ở miền Tây Sơn Thượng rộng hàng mấy ngàn mẫu, suốt một dải đất phì nhiêu từ đầu đèo An Khê vào Cửu An, Tú Thuỷ (thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai ngày nay) đến Vĩnh Sơn, Vĩnh Hiệp (thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) được khẩn hoang, lập trang trại trồng trỉa lương thực, chăn nuôi trâu, bò, ngựa. Các cơ sở sản xuất vũ khí, quân trang, quân dụng được thiết lập tại các vùng núi hiểm trở phía tây đất Phú Phong, Đồng Phó, Vĩnh Thạnh.

Bản doanh hậu cần dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Lữ đóng ở núi Đông Phong (Tây Sơn Hạ). Quân sĩ gọi ngọn núi này là núi Lãnh Lương, gọi tắt là hòn Lương. Tên ấy vẫn còn truyền cho đến nay: hòn Lương hay hòn Tư Lữ. Chỉ trong một thời gian ngắn, 4 tháng cuối năm Quý Tỵ ấy, nghĩa quân đã đánh tan các đạo binh lớn của chúa Nguyễn, chiếm lĩnh toàn bộ miền đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận chính là nhờ vào các tướng lĩnh tài ba, quân sĩ tinh nhuệ và vũ khí, quân trang quân dụng sung mãn.

Quân Tây Sơn hành binh bằng phương tiện thô sơ với một tốc độ cực nhanh nhưng tinh thần, kỷ luật, sức khoẻ của hàng vạn quân sĩ vẫn được bảo toàn tốt là điều khá kỳ bí trong lịch sử quân sự thế giới thời trung đại. Một trong những yếu tố tạo nên sự thần diệu ấy chính là lương thực, thực phẩm trang bị cho binh sĩ trên đường hành tiến: bánh tét, bánh tráng ỉu và thịt bò thưng - những loại lương khô độc đáo, tuyệt vời.

Bánh tét được làm từ gạo nếp, đậu xanh và một ít thịt heo. Loại lương khô này có thể bảo quản được mươi ngày nhưng vẫn còn nặng nề, ăn nhiều ngấy, khó tiêu. Loại lương khô chủ công là bánh tráng ỉu làm bằng bột gạo với mè (vừng) có pha thêm một độ muối vừa phải. Mỗi cái bánh có đường kính bề mặt khoảng 30cm, khô nhưng ỉu, không dòn, có thể gấp tư lại khi vận chuyển. Khi ăn chỉ cần nhúng nước, không phải đun nấu rườm rà, mang vác lại gọn nhẹ. Thực phẩm chính là thịt bò thưng. Thịt bò hoặc trâu rim khô với nước mắm, hạt tiêu, hành. Bánh tráng ỉu và thịt bò thưng là sáng kiến tập thể của Nguyễn Lữ và Bùi Thị Xuân theo sự truyền tụng của nhân dân vùng Phú Phong - Tây Sơn.

Năm Bính Ngọ (1786), sau khi dẹp yên chúa Trịnh ở phía Bắc, đánh đuổi chúa Nguyễn khỏi miền đất phía Nam, Nguyễn Nhạc xưng Trung ương Hoàng đế, phong Nguyễn Huệ là Bắc Bình vương, trấn thủ đất Bắc; Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, quản đất Gia Định, từ Bình Thuận đến Hà Tiên. Tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Ánh tiến đánh thành Gia Định, Nguyễn Lữ và các tuỳ tướng không chống đỡ nổi phải bỏ thành chạy về Quy Nhơn chịu tội với vua anh.

Với đầu óc thực tế, khách quan, Nguyễn Lữ - có lẽ là người đầu tiên trong các tướng lĩnh nhà Tây Sơn sớm chân nhận được những điểm mạnh cả về thiên thời, địa lợi, nhân hoà của Nguyễn Ánh. Ông đã trình bày cặn kẽ những điều này với Nguyễn Nhạc và nhắn gởi với Nguyễn Huệ trước khi xin giao lại mọi chức quyền để về quê sinh sống. Triều đình Gia Long – Minh Mạng đã ra sức truy tìm tông tích Nguyễn Lữ nhưng không được vì ông đã hoà mình vào với đồng bào dân tộc Ba-na vùng rừng núi Gia Lai - tây Bình Định.

Công tích đặc biệt lớn lao trong việc vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào cuộc khởi nghĩa; tổ chức, xây dựng lực lượng hậu cần hùng mạnh cho quân đội Tây Sơn; đức độ trong sáng, không màng danh lợi, không ham địa vị, chức quyền... của Nguyễn Lữ đã trở thành một huyền thoại lưu truyền hậu thế. Trong thâm tâm người dân đất Tây Sơn, An Khê, Vĩnh Thạnh... xưa, hình ảnh thầy Tư Lữ mãi mãi là một thủ lĩnh hiền hoà.

Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số92, 7/2006, tr 8

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thành lập ngay sau giải phóng năm 1975. Trong suốt 50 năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động tư vấn chính sách đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây nhất là phản biện trong góp ý văn kiện Đại hội XIII và XIV của Đảng, các đề án tăng trưởng xanh, đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng và dự thảo nhiều chính sách kinh tế quan trọng...
Lãnh đạo VUSTA tham dự Hội nghị IAS 2025
Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch VUSTA, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu - VUSTA về phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Khoa học quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS 2025 (Hội nghị IAS 2025) tại Rwanda từ ngày 12/7 đến ngày 17/7/2025.
Thắp nến tri ân nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Ngày 24/7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947–27/7/2025), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trang trọng tổ chức Chương trình “Thắp nến tri ân” tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.