Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 16/11/2005 14:29 (GMT+7)

Người trí thức trong nền kinh tế thị trường

Trước đây, đọc ở đâu đó có thông tin cái chân của cầu thủ nọ được đánh giá mấy triệu USD, cặp đùi của cô người mẫu kia được bảo hiểm mấy chục ngàn Euro, nhiều người trong chúng ta lặng đi, thương cho những tài năng ở phương trời kia bị đánh giá như con vật, bị buôn đi bán lại như hàng hóa. Trước đây, lai rai bia hơi dưới gốc cây xà cừ, người ta thì thầm kính trọng nhà khoa học nọ, nhà thơ kia không phải vì những công trình đã công bố, các bài thơ đã in. Những thứ đó đều “hợp lệ” và vì vậy đều... ”thường thôi”. Cái đáng nể lại là những công trình khoa học không được phép công bố, những bài thơ còn trong ngăn kéo. Vào cái thời ấy, không ít những người có học hàm, học vị, có chức quyền trong khoa học nhưng bất tài, lười biếng, vô tích sự đã nhờ vào cái mù mờ, cái nửa kín nửa hở ấy mà tồn tại

Bây giờ ngược lại, những gì đã được công khai, đã được thực tế kiểm định, những gì bán được với giá cao sẽ được kính trọng. Người ta đã quen dần với việc tài năng và trí tuệ có thể định giá bằng tiền. Khi xuất khẩu lao động được khuyến khích tức là lao động đã được công nhận là hàng hóa. Cứ vậy mà suy ra tài năng và trí tuệ là công cụ lao động của người trí thức, cũng là hàng hóa mà thôi. Thời kinh tế thị trường, trí thức được chia ra thành hai loại, loại thành đạt tức là những người thành danh và có tiền, loại thứ hai là những người thiếu một trong hai thứ đó. Trong con mắt của xã hội hiện nay, không thể có tài mà vẫn nghèo khổ và ngược lại, không thể nghèo khổ nhưng có tài

Cánh cổng cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học không còn ngăn cản được các nhà khoa học thực tài làm việc và sống dư dả bằng lao động của mình. Trước đây, chỉ duy nhất cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có điều kiện tiếp nhận và ứng dụng đề tài và công trình khoa học, dù ở đâu cũng một cơ chế, nay kinh tế nhiều thành phần, công trình nào có giá trị đều được mua, không phân biệt tác giả bao nhiêu tuổi, có học hàm học vị không. Có thể thấy điều đó qua tuổi bình quân của những người giữ vị trí lãnh đạo nhiều ngành. Trong khi tuổi đời bình quân của lãnh đạo các ngành khoa học xã hội khá cao thì với các ngành trẻ như tin học, quản trị kinh doanh, điện tử... người ta có thể gặp rất nhiều tổng giám đốc, giám đốc, trưởng phòng, kỹ sư trưởng chưa quá ba mươi tuổi, tất nhiên đời sống của những trí thức trẻ này khá cao. Nhưng cũng không hẳn tuổi cao thì thu nhập thấp. Nhiều nhà khoa học, kể cả nhà văn, ca sĩ, diễn viên điện ảnh nhiều tuổi vẫn có mức thu nhập đáng hài lòng. Có cầu sẽ có cung, nhiều cơ quan khoa học đã tạo điều kiện cho cán bộ ký các hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng khoa học để nâng cao đời sống. Nhiều trí thức cũng không chờ được mời, họ tìm đến nhà máy, đồng ruộng, doanh nghiệp kể cả các hội chợ để giới thiệu, rao bán các sản phẩm trí tuệ của mình. Nền kinh tế và nền khoa học của nước ta có được như ngày nay là nhờ phần đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức được đào tạo và trưởng thành trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và họ chắc chắn sẽ là những người chủ đất nước trong tương lai

Khi người tài chứng minh được tài năng của mình thì cũng là lúc sự bất tài bị phơi bày. Trong một nền khoa học, văn học-nghệ thuật bao cấp, ranh giới có ích hoặc vô ích của một đề tài, một công trình, một tác phẩm rất khó đánh giá. Không biết bao nhiêu công trình, đề tài có chất lượng bị lãng quên vì không được đưa vào đời sống. Nhưng ngược lại, cũng không biết bao nhiêu công trình, đề tài, tác phẩm chẳng có chút giá trị gì vẫn được thực hiện, xong rồi bỏ đó, lãng phí rất nhiều tiền của. Cũng từ nền khoa học, văn học-nghệ thuật được quản lý như vậy nên đã sản sinh ra không ít nhà khoa học, nghệ sĩ, trí thức “rởm”, làm nên cái tên của mình một cách không đàng hoàng. Những người như thế vẫn còn nhưng đang ít dần và chắc đến một lúc nào đó sẽ không thể tồn tại

Một xã hội biết tôn trọng và đánh giá đúng tài năng và sức lao động của trí thức đã manh nha hình thành, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng đang sản sinh ra không ít tiêu cực trong khoa học. Chạy theo đồng tiền, không ít người đã bán rẻ lương tâm khoa học, đưa ra thị trường những sản phẩm trí tuệ chất lượng kém. Những hiện tượng hàng nghìn héc ta ngô không hạt, hàng trăm héc ta lúa lép, tôm nhiễm bệnh chết hàng loạt... không ít thì nhiều đều có trách nhiệm của nhà khoa học. Tình trạng lộn xộn, xuống cấp đô thị không thể không có trách nhiệm của các nhà qui hoạch xây dựng, các kiến trúc sư. Không những thế, trên thị trường hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều, chắc chắn không ít trong số đó là “tác phẩm” của các nhà khoa học đã bán mình cho những cọc tiền thù lao hậu hĩnh

Trí tuệ một khi đã trở thành hàng hóa thì cũng sẽ bị điều tiết theo qui luật cung-cầu. Nhiều trí thức trẻ hiện nay đặt mục tiêu hàng đầu là tìm những nơi trả lương cao để làm việc. Không thể trách họ nhưng đây chính là nguyên nhân gây ra nạn chảy máu chất xám, nạn mất cân đối trong phân bố lao động chất lượng cao giữa miền núi và miền xuôi, thành thị và nông thôn và trong các ngành kinh tế. Cũng sẽ đến lúc nạn chảy máu chất xám sẽ trở thành vấn đề nan giải khi người tài tìm cách ra nước ngoài làm việc và những người được ra nước ngoài đào tạo không muốn trở về nước. Cũng sẽ xuất hiện tình trạng tương tự như vậy giữa cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nếu không có chế độ sử dụng và đãi ngộ lao động thỏa đáng

Cuộc sống và lao động của người trí thức đã được cải thiện rõ rệt sau hai mươi năm đổi mới nhưng dù sao, cũng chỉ là bước đầu. Còn rất nhiều điều phải sửa chữa, phải đổi mới nhằm tạo điều kiện cho giới trí thức làm việc và cống hiến nếu muốn có một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì nói cho cùng, trí thức sẽ quyết định sự thành công của sự nghiệp đó.

Nguồn: cpv.org.vn 14/11/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.