Người tìm đường cho ngành khoa học địa chất
GS.NGND Nguyễn Văn Chiển năm nay đã bước sang cái tuổi 87, nhưng vẫn còn khỏe mạnh và tinh tường lắm; ông ngồi đó với nụ cười hồn nhiên lăn theo những nếp nhăn trên gương mặt đôn hậu, chân chất như chính lĩnh vực khoa học mà cả cuộc đời ông hằng dày công xây dựng và cống hiến. Mở đầu câu chuyện, ông không nói về mình mà nhỏ nhẹ kể về bà, người vợ hiền, chỗ dựa tinh thần của ông trong những lúc khó khăn nhất. Cả cuộc đời bà lặng lẽ tiếp sức cho chồng đi trên con đường khoa học gập ghềnh, âm thầm chia sẻ, cảm thông cùng ông bao nỗi buồn vui trong cuộc sống, xây dựng một “hậu phương” vững chắc, một mái ấm gia đình hạnh phúc. Nghe ông nói, không hiểu sao tôi cứ liên tưởng tới hình bóng của một nho sĩ đời xưa, khi hiển vinh đã không quên cái thủa hàn vi, thầm hàm ơn người phụ nữ đã tự nguyện làm điểm tựa cho chồng vững tin vào con đường phía trước…
Ông là con út của một gia đình trung nông ở thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cái năm cậu bé Chiển ra đời (1919) cũng được đánh dấu bằng sự kiện thực dân Pháp tiến hành công Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai trên toàn cõi Đông Dương. Được dạy chữ Nho từ lúc 6 tuổi, rồi học chữ quốc ngữ ở trường làng bên, hết bậc sơ cấp, cậu bé Chiển ra Phú Thụy cách nhà 15 cây số để trọ học nốt bậc tiểu học. Tháng 5.1934, cậu phải lên Bắc Ninh để thi tiểu học Pháp Việt (Certificat d"études Primaires). Tháng 9 năm đó, cậu Chiển ra Hà Nội, thi vào học Trường Bưởi. Nhưng cũng chỉ học được mấy ngày thì bố ông mất, một mình người mẹ ngoài 60 tuổi phải lo tiền gạo cho con mình ăn học nên người. Hai năm liền (1935, 1936), quê nhà bị vỡ đê, cả làng phải ăn cháo, gia đình cậu trở nên khốn đốn. Mẹ cậu bảo: “ Nhà ta không còn thóc gạo cho con đi học nữa. Hay con thôi học!”. Cậu thưa: “ Con đang thích học, lại học được. Mẹ xem có cách gì hay bán ruộng đi…”. Đúng vào cái lúc anh học trò nhà quê tưởng chừng phải chia tay với mái trường thì cơ may lại mở ra. Nhờ học giỏi, anh được xét cấp học bổng toàn phần vào ở nội trú. Như chim bằng được chắp thêm cánh, chàng trai lại lao vào học, đặc biệt 2 năm cuối anh được học 2 thầy giỏi nổi tiếng là GS. Nguyễn Mạnh Tường và GS. Hoàng Xuân Hãn. Tháng 6.1941, anh đã đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn xứ Đông Dương. Cuối hè năm ấy cũng là lúc anh phải lựa chọn một ngành học ở bậc đại học.
“ Học Y ư?Tôi cũng thích. Nhưng Y phải học tới 7 năm, trong khi mẹ tôi đã già, phải học nhanh để ra trường còn phụng dưỡng mẹ. Học Dược cũng rất hay, nhưng khoản tiền phải ký quỹ ngay năm đầu quá lớn, tới 120 đồng (bằng giá 10 chiếc xe đạp Terô thời đó) thì biết lấy đâu ra? Học Luật để ra làm quan đè đầu, cưỡi cổ dân thì chắc chắn tôi không chọn, mà muốn làm luật sư thì phải có 500 đồng ký quỹ. May thay, có Trường Đại học Khoa học mới mở và tôi đã ghi tên vào đó. Năm đầu, tôi học lớp Toán đặc biệt, hai năm sau thì học cùng lúc 3 chứng chỉ: Vật lý, Hóa học và Địa chất…” - giọng kể của ông nhỏ nhẹ, trầm ấm như đang nói với chính mình. Tốt nghiệp Đại học Khoa học năm 1944 với 4 chứng chỉ: Toán đại cương, Vật lý, Hóa học và Địa chất, ông đã trăn trở rất nhiều về hướng đi của mình sau này. Tư duy của ông nặng về Toán - Lý hơn nên ông đã đắn đo khi GS. Hôp Phê ngỏ ý muốn nhận ông về phòng thí nghiệm Địa chất. Ông bèn đến xin ý kiến GS. Hoàng Xuân Hãn, thầy nói: “ Giỏi Toán như tôi vẫn chưa làm được gì cho đất nước. Giỏi Vật lý như anh Ngụy Như Kontum cũng vậy. Chúng tôi không có phòng thí nghiệm nên đành bó tay. Còn đối với các môn Địa chất, Động vật, Thực vật… thì cả đất nước là một phòng thí nghiệm bao la, chỉ sợ không có chí…”. Với lời khuyên đó, ông đã “ngộ ra” và quyết tâm cống hiến cả đời mình cho lĩnh vực Địa chất học. Ước mơ được khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới lạ của Tổ quốc đã đeo đẳng ông từ thuở ấu thơ đến bây giờ mới được hiện thực hóa. Ông kể rằng: “ Ở tuổi lên 9, lên 10 tôi hay trốn cha mẹ đi xem hội đền Kiếp Bạc. Đến khi ra học Trường Bưởi, trong dịp nghỉ hè, tôi thường nhờ một người bạn làm ký ngoài ga lo cho vé và nơi ăn ở để tranh thủ đi du lịch. Những miền đất từ Lạng Sơn, Thanh Hóa, đến Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Sa Đéc, Đà Lạt, Phan Thiết, An Giang,… rồi cả một số địa danh bên nước bạn Campuchia tôi cũng từng đặt chân đến ngay từ khi còn rất trẻ…”. Quả thực Địa chất là một ngành khoa học mà ngoài trí thông minh ra còn đòi hỏi phải có niềm đam mê thật sự mới gắn bó được. Để nhớ được tên các loại khoáng vật, những tên Latinh dài trong môn Cổ sinh vật học là thách thức đối với những người học. Chẳng thế mà khóa học của ông, đến năm cuối, cả lớp Địa chất chỉ còn lại vẻn vẹn có 3 người, trong đó ông là người ViệtNamduy nhất.
Sau khi tốt nghiệp năm 1944, Nguyễn Văn Chiển được giữ lại làm trợ lý phòng thí nghiệm của Nhà trường. Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp khiến ông phải tạm xa cái nghề địa chất của mình. Ông được phân công đi dạy trung học, làm Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, Tổng thư ký Ban Tu thư soạn sách giáo khoa cho giáo dục phổ thông. Sau ngày Ban giải tán, có dự kiến điều ông về làm Phó giám đốc Nha Giáo dục phổ thông. Ông suy nghĩ: Làm hành chính thì nhiều người làm được, còn chuyên môn khoa học thì ít người dám theo. Ông đã xin trở lại phòng thí nghiệm địa chất học khi ấy thuộc Đại học Sư phạm Khoa học. Đến khi thành lập Đại học Bách khoa, ông đề nghị chuyển toàn bộ phòng thí nghiệm Địa chất sang để xây dựng một cách toàn diện. Ông đã gắn bó với môn Địa chất học cho đến khi về hưu kể cả khi đã chuyển sang làm Phó viện trưởng Viện Khoa học ViệtNam. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành trách nhiệm một cách mẫu mực. Nhưng dù có làm gì, ông vẫn tự nhắc mình là một nhà khoa học, chỉ có Địa chất mới là niềm đam mê đích thực, là nơi ông tìm thấy cội nguồn của sự sáng tạo. Nhờ sự dìu dắt, dạy bảo của ông đã có biết bao thế hệ các nhà địa chất trưởng thành, rời giảng đường đại học và góp ích cho đời. Những khi không đứng trên bục giảng, nhà giáo Nguyễn Văn Chiển lại say sưa với công việc nghiên cứu ngoài thực địa. Tôi nhớ có lần đã đọc được một đoạn trích mà nhà văn Tạ Hòa Phương viết về ông: “ Không thể đếm hết những nẻo đường địa chất mà ông đã đặt chân, những con suối, dòng sông ông đã lội qua giữa những ngày đông giá,… H ình như lòng ham mê nghề nghiệp của ông là không bờ bến. Chẳng thế mà sau một thời kỳ trèo đèo, lội suối liên miên hàng tháng trời, trở về Hà Nội, ông tâm sự với học trò rằng: Cứ cảm thấy mặt đất dưới chân, nó chông chênh thế nào ấy… Có lẽ bởi vì mặt đất bằng phẳng, phố phường nhộn nhịp đó vốn không phải là môi trường sống và làm việc của một nhà địa chất thực thụ như ông…”.
Sau những năm tháng miệt mài nghiên cứu qua sách vở và thu thập dữ liệu từ thực tiễn, năm 1963, luận án tiến sĩ của ông với đề tài về loại đá màu đen rắn chắc - đá siêu mafic và mafic đã được Hội đồng Khoa học Trường Đại học Mỏ Lêningrat đánh giá rất cao. Ngày nay, tại những phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất, cùng những tập thể cán bộ khoa học hùng mạnh nhất trên thế giới đang dày công nghiên cứu loại đá ấy bởi vì đá siêu mafic không chỉ cho ta những dấu hiệu của các mỏ kim cương, platin, niken, coban,… mà thực chất nghiên cứu nó chính là tìm hiểu bản chất các quá trình địa chất của Trái đất. Nhiều người trong đó có nhà văn Đỗ Trung Lai khi nghe ông giảng giải về loại đá này đã tiếc nuối rằng: “ Giá như ông có thời gian để cả đời nghiên cứu nó, giá như chúng ta có đủ tiền để trang bị một phòng thí nghiệm hiện đại với những nhà khoa học giỏi làm cộng sự đắc lực cho ông thì biết đâu rất nhiều những ẩn số mà nhân loại đang loay hoay đặt câu hỏi đã được giải mã…”. Nhưng nói là nói vậy, chứ số phận đã chọn cho ông một con đường dài khác. Lịch sử đã đặt lên vai ông nhiệm vụ của người mở đường, người lát những viên gạch nền móng đầu tiên cho ngành Địa chất ViệtNam. Bằng tài năng, uy tín, trong cương vị là Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, ngay từ năm 1977, ông đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu quan trọng của quốc gia. Đó là chương trình “ Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” của tập thể 26 nhà khoa học mà ông làm Chủ nhiệm. Chương trình được tiến hành trong suốt 5 năm ngay từ năm đầu sau giải phóng miền Nam, là công trình khoa học đồ sộ - Tập bản đồ quốc gia Việt Nam (tên gọi khác là Atlas quốc gia) được thực hiện trong 7 năm do ông đứng chủ đề tài; là công trình “ Địa chất miền Bắc Việt Nam”; các giáo trình như: “ Địa chất đại cương”, “ Thạch học”, “ Khoáng vật học”, và đặc biệt là cuốn sách “ Từ điển địa chất Việt Nam” đã hoàn thiện hệ thống thuật ngữ khoa học Địa chất, mở đầu cho việc giảng dạy địa chất bằng tiếng Việt. Trong dịp kỷ niệm ngày sinh thứ 80 của mình (năm 1999), ông đã cho ra mắt cuốn sách “ Khoa học trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI” - một cuốn sách nhỏ nhưng đã chiếm mất của ông gần 4 năm để đọc, để tìm hiểu về các lĩnh vực khoa học khác và viết. Tuy tuổi đã cao, nhưng bằng vốn kiến thức uyên bác ông vẫn đóng góp trí lực cho việc xây dựng bộ “Từ điển Bách khoa ViệtNam”.
Bao năm tháng đã đi qua, thầy Nguyễn Văn Chiển vẫn âm thầm cùng những công việc trầm lặng của mình, dâng trọn tài năng và sức lực cho các thế hệ học trò, cho mảnh đất quê hương. Phần thưởng dành cho ông là những huân, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho tập Atlas Quốc gia Việt Nam do ông làm Tổng biên tập… cùng niềm vinh dự được các nhà cổ sinh trân trọng dùng đặt tên cho các sinh vật cổ lần đầu tiên mới phát hiện trên thế giới: Squameo favosites Vanchieni Tong - Dzuy, Plethorhyncha Chieni Zuong et Rzón,...
Gần 90 tuổi đời, mái tóc vị giáo sư đã bạc phơ, nhưng đôi mắt nhân từ vẫn còn tinh anh và trí nhớ của ông thì còn rành mạch lắm. Cả đời ông không có gì phải ân hận về những năm tháng đã qua, cũng chẳng hề đòi hỏi chút quyền lợi riêng tư gì cho bản thân, chỉ có điều, trong lòng ông còn rất nhiều nỗi day dứt, băn khoăn. Qua việc học hành của cháu con trong nhà, ông thấy giáo dục hiện nay còn nhiều vấn đề, từ sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy đến trình độ của thầy, của trò… Những bài báo mang nặng tâm tư của ông cũng từ đó ra đời và khi trò chuyện với người khác, ông thường hay nhắc lại thời cắp sách của mình, âu đó cũng là một hình thức để người đời so sánh, đối chiếu…
Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn