Người tận tâm với các giá trị văn hóa quốc gia xứ Đông
Tôi biết Nguyễn Hữu Oanh trong trường hợp rất tình cờ. Một tối nọ, bỗng nhiên bật tivi, tôi thấy anh đang nói về Thiền sư Đại danh y Tuệ Tĩnh, ông tổ thuốc Nam.
Cả gương mặt và giọng nói của anh đều làm tôi cảm động: “Từ Trung Quốc, Cụ Tuệ Tĩnh đã bằng một cách nào đó gửi về nước cho chúng ta bộ sách thuốc Nam: Hồng Nghĩa giác tư y thư (1) với tinh thần Thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam…
Hồng là phủ Thượng Hồng thuộc đất Hải Dương xưa, Nghĩa là làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng, nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, quê hương Cụ.
Như vậy, lúc nào Cụ cũng nhớ quê hương, đất nước. Cụ là một thầy thuốc giỏi, bị buộc phải cống sang Trung Quốc năm 1385 để chữa bệnh cho vua nhà Minh.
Cụ mất ở Trung Quốc năm 1400. Trên mộ Cụ, có một dòng chữ khắc vào đá: Có ai người nước Nam sang đây, hãy đưa hài cốt tôi về với. Đã hơn 600 năm rồi, biết đến bao giờ, chúng ta mới thực hiện được lời dặn tha thiết này của Cụ.” Câu nói ấy như vọng lên từ cõi mang mang trong kí ức tuổi thơ tôi.
Lần thứ hai, tôi mở tivi để theo dõi buổi truyền hình trực tiếp Lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng dân tộc, Đại thi hào Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, huyện Chí Linh, gần quê hương tôi.
Tại đây, Nguyễn Hữu Oanh đọc Văn tế Nguyễn Trãi, giọng trầm hùng thống thiết như vang ra từ chính tâm hồn anh: Những mong, tôi trung còn dốc sức giúp đời/ Nào ngờ, hung thần đã gây oan thảm khốc/ Giận thay, mọi chốn đều thông hết, duy lòng người cực hiểm khó lường/ Xót thay, việc cả nước lo tròn, riêng cảnh nhà bỗng đâu tan nát…
Một vị anh hùng có công đánh giặc, dựng nước, làm thơ thảo hịch lừng lẫy một thời mà không có một nơi nào thờ tự : Người ân đức thấm nhuần bốn cõi, mà bóng hình nơi mây gió phiêu diêu/ Bậc công lao trùm khắp thế gian, nhưng hương hồn chốn cỏ cây man mác…
Tôi rất xúc động, chợt nghĩ: Một người phải có tâm, cái tâm rất sáng; một người phải trọng nghĩa khí, cái nghĩa khí của sĩ phu Bắc Hà, mới có thể có lòng thao thức như vậy trước những giá trị cao cả của lịch sử...
Nguyễn Hữu Oanh tiếp tôi tại phòng làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, khi anh sắp được miễn nhiệm chức danh này để về Hà Nội nhận chức Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.
Anh quê ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp Khoa Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1969, anh đã có 6 năm dạy học ở tuyến lửa Quảng Bình.
Cái duyên đã kết nối anh với một sự nghiệp - nếu có thể nói được như vậy - để rồi anh sẽ theo đuổi suốt những tháng năm còn lại, thậm chí đánh cược cả cuộc đời và số phận mình vào đấy, bắt đầu từ năm 1982, khi anh 34 tuổi, là Thường vụ huyện uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ Cẩm Giàng, phụ trách khu vực Cẩm Điền, nơi có Văn miếu Mao Điền nổi tiếng của xứ Đông xưa.
Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam phong kiến đã để lại cho nền văn hóa Việt Nam 5 Văn miếu, thờ việc học chữ và học đạo làm người quân tử, giúp nước cứu đời, là Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội), Văn miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn miếu Kinh Bắc (Bắc Ninh) và Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai) ở phía cuối trời Nam.
Bấy giờ Văn miếu Mao Điền đã là một bãi hoang. Sân Văn miếu, mọc đầy cỏ dại, rải rác những bãi phân trâu khô. Đạo học bắt đầu từ đây, dân trí cũng bắt đầu từ đây.
Bái đường thờ Khổng Tử đã sụt nóc, sạt ngói. Anh bùi ngùi thương cảm, lòng dạ bời bời không yên một chút nào. Anh cho chặt 2 cây xà cừ ở thôn Hoàng Xá về thay 2 cái cột đã mục, cho dặm những viên ngói ta vào những mảng mái đã sụt lở.
Kết quả, anh bị phê bình là tại sao lại đi sửa chữa nơi thờ cúng người nước ngoài, mê tín dị đoan, trong khi cần phải quan tâm nhiều hơn đến các trường học. Chức vụ của anh được người khác thay và anh thuộc diện cần phải đi học để trau dồi tư tưởng lập trường…
Nguyễn Hữu Oanh đưa tôi đi thăm Văn miếu Mao Điền ngay trong chiều tôi đến thăm anh. Cùng đi có Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương Khúc Kim Tính. Sau cơn mưa, tiết trời rất dịu, gió mát, hai cây đại ở sân bái đường, nở đỏ hai vòm hoa lớn.
Khúc Kim Tính bảo tôi, đây là hai cây đại do Nguyễn Hữu Oanh mua về trồng tặng, khi công trình bắt đầu được tu sửa nâng cấp. Sắp đến ngày thi Đại học và Cao đẳng, sĩ tử lần lượt đến Văn Miếu thắp hương trước Khổng Tử, Chu An (2) Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi.
Có một chỗ hướng thiện trong lành như thế này cho các cháu sắp bước chân vào đời, Hải Dương quả thật là một miền văn hiến của cả nước.
Khúc Kim Tính đưa tôi thăm Đài Nghiên, Tháp Bút, nhà Tả Vu, Hữu Vu, Lầu Chiêng, Lầu Trống, Cầu Đá với những nét chạm khắc rất tài hoa của nghệ nhân, bắc qua hồ Thiên Quang…
Tất cả đều được xây dựng mới như nó đã có từ năm Đại Chính thứ 6, đời Mạc Đăng Doanh (1535), năm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lều chõng đến đây thi tiến sĩ...
Nguyễn Hữu Oanh bảo tôi: - Một lần, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi thấy các em học sinh rủ nhau đi mua hoa, ríu rít tặng các thầy cô giáo, một phong tục mới rất đẹp.
Tự nhiên tôi chợt nghĩ: Có một ông thầy của tất cả mọi ông thầy còn nằm trong cánh rừng hoang kia, không có ai tặng hoa là ra làm sao. Tôi mua một bó hoa và bảo chú lái xe đưa tôi về huyện Chí Linh.
Lúc bấy giờ đường vào xã Văn An còn gập ghềnh lắm, cây lá rậm rạp, đi lại khó khăn chứ đâu có được dễ dàng như bây giờ. Khoảng hơn 11 giờ trưa thì tôi đến khu đất mà các cụ ngày trước bảo rằng thầy giáo Chu An, từ thời Trần Dụ Tông, đã từ quan về ở ẩn, dựng trường dạy học ở đây. Đó là trường tư thục đầu tiên của Việt Nam…
Dọc đường về tỉnh, tôi đã hình dung xong những điều sẽ báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trong phiên họp chỉ vài ngày sau và nội dung cuộc điện thoại mà tôi sẽ báo cáo trước với Bộ trưởng Bộ Giáo dục…
Tôi cho mua một ngôi nhà gỗ cổ 17 triệu ở Nam Sách dựng tạm lên làm Đền thờ cho thầy, bởi tôi biết việc này phải kiên trì vận động trong nhiều năm, qua nhiều cấp…
Thế rồi Chủ tịch tỉnh Hải Dương, Chủ tịch TP Hà Nội vào cuộc, vì thầy Chu An là người Hà Nội. Rồi phó Chủ tịch Nước, Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục…
Rồi hội nghị các hiệu trưởng toàn quốc họp, mỗi thầy cô giáo tự nguyện góp 1 ngày lương để xây mới Đền thờ và sửa sang lại mộ thầy…Đến gần 10 năm trời và bây giờ Đền sắp khánh thành thì tôi đi…
Tôi đã đứng trước ngôi đền khang trang sắp xây xong. Cửa Đền nhìn thẳng vào đỉnh núi Yên Phụ, nơi có đền thờ An Sinh vương Trần Liễu, thân phụ Đại anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, ở đó có tượng đài Đức Thánh Trần kì vĩ xây dựng từ mấy năm trước.
Trước mặt là Ao Mực, nước quanh năm xanh đen. Tôi chợt nhớ câu thơ của Chu An: Cá bơi ao cũ rồng ở chốn nào / Mây phủ đầy núi vắng, hạc không thấy về…
Hai bên, núi Phượng Hoàng và núi Kì Lân, chạy dài song song trong vòng bao quanh của hai dẫy núi Rồng, mà từng khúc Rồng đang bị đào khoét nham nhở, để lấy đất rải đường và nung gạch, những vạt đất lở loét, đỏ rực dưới nắng chiều như máu ứa.
Đứng ở đây nhìn rất rõ vẻ huyền linh của thế đất mà Chu An đã chọn để dựng trường. Nguyễn Hữu Oanh cho biết, sắp tới núi Phượng Hoàng sẽ bị chặt đôi vì đường cao tốc Nội Bài - Mông Dương chạy qua. Phía sau ngôi đền là mộ Thầy ( Cụ mất năm 1370 ), quang cảnh đúng như thơ thầy đã từng mô tả: Lớp lớp núi xanh nhô lên như bức tranh vẽ / Bóng chiều giọi lại soi sáng nửa dòng khe / Trong lối cỏ biếc không người qua lại / Chim khách núi thỉnh thoảng cất tiếng gọi trong làn khói.
Ngày 15 tháng 2 âm lịch năm 2000, lần đầu tiên ngành y tổ chức quốc giỗ Tuệ Tĩnh, nhân 260 năm ngày mất của Cụ. Bộ trưởng Y tế đã phát động toàn ngành học tập y đức của Cụ và góp sức cùng Nhà nước sửa sang lại ngôi đền thờ Cụ ở nơi mà hơn 300 năm nay, sự ra đời của ngôi đền đã trở thành huyền thoại.
Tháng 4 năm Canh Ngọ ( 1690 ), vua Lê Hi Tông lập đoàn sứ bộ sang nhà Thanh để nộp tuế cống và yêu cầu nhà vua tra xét cho rõ ràng, trả lại cho ta đất đai các thôn động ở bốn châu Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thuỷ Vĩ và Quỳnh Nhai mà quan quân Vân Nam đã lấn chiếm.
Đoàn do Thượng Bảo khanh, tiến sĩ đời Vĩnh Trị là Nguyễn Danh Nho, người làng Nghĩa Phú, cùng quê với Cụ Tuệ Tĩnh, làm Chánh sứ ; Phương Trạch hầu, Tả thị lang bộ Hộ, tiến sĩ đời Cảnh Trị là Trần Thọ, người làng Điền Trì, làm Phó sứ.
Nguyễn Hữu Oanh cho biết: “Phó sứ Trần Thọ, Thứ trưởng thứ nhất bộ Hộ, phụ trách về đất đai, dân số và hộ tịch thời đó, đảm nhận việc đòi đất trong chuyến đi sứ lần này, là cụ tổ 9 đời của tôi. Trong thời gian ở Trung Quốc, Đoàn đã đến thăm mộ Tuệ Tĩnh ở Giang Nam và vô cùng xúc động trước dòng chữ Cụ cho khắc trước vào bia đá, rồi nhờ người đặt trên mộ mình: Có ai người nước Nam sang đây, hãy đưa hài cốt tôi về với.
Biết không thể đưa hài cốt Cụ cùng về, Chánh sứ Nguyễn Danh Nho đã lấy giấy bản dập hàng chữ trên bia. Khi về nước, ông thửa một phiến đá tương tự như thế rồi thuê thợ khắc chữ y như bản dập, đưa bia lên thuyền chở về làng.
Thuyền bia về đến đây, cách làng chỉ một đoạn đường sông thôi thì mắc cạn, thuê bao người kéo đẩy cũng không được. Ông bước lên bờ và kinh ngạc nhận ra doi đất làm con thuyền mắc cạn giống như con dao cầu thái thuốc của Thiền sư.
Ông nghĩ có thể đây là ý của chính Cụ chăng, nên cho khiêng bia lên doi đất đặt ở đấy và lập một cái miếu nhỏ để thờ. Tôi đã đứng trên cái doi hình con dao cầu linh thiêng ấy và cảm nhận lẽ vi diệu của trời đất, nơi từng sinh ra các thiên tài…”.
Bấy giờ, Đền Bia đang hoàn thành những phần việc cuối cùng. Cổng Tam quan mới, đã quét sơn xong. Hồ bán nguyệt mới, đã thả cây sen, nước vẫn còn đục.
Cây phượng già đứng lệch 2/3 sân đã trổ chiếc lá non đầu tiên, xanh mát như một lời chào mừng. Hậu cung, bái đường, cửa gỗ đã khép kín, còn thơm mùi dầu cánh kiến.
Vườn trồng thuốc Nam, sẽ có hầu hết những cây thuốc có trong sách Nam dược Thần hiệu của Tuệ Tĩnh, đất đang được xới lên, màu phù sa tươi mềm.
Dãy nhà dành cho các lương y cả nước, sẽ về đây bốc thuốc chữa bệnh cứu người theo tinh thần Tuệ Tĩnh Thiền sư xưa, đang lát hiên bằng những viên gạch màu nâu sồng… Nguyễn Hữu Oanh cảm động lắm.
Đời của một người, chỉ cần góp công làm được một trong số những công trình mà anh đã làm, cũng đủ để tự an ủi mình rồi…Tôi nói với Nguyễn Hữu Oanh khi cùng anh đứng ngắm cái doi đất kì lạ hình con dao cầu ở sau hậu cung đền Bia. Giọng Nguyễn Hữu Oanh trầm tĩnh:
- Giả sử con thuyền chở bia không mắc cạn ở đây thì cái thế đất này, đến giờ, chắc gì đã có ai phát hiện ra được. Khi tôi thắp hương ở chùa Hun, ngẩng lên, thấy ảnh Cụ Nguyễn Trãi lồng trong khung kính để bên tượng các nhà sư từng tu rồi viên tịch tại đây, tự nhiên tôi nghĩ: Tại sao lại không có một ngôi đền riêng để thờ Cụ…
Đền thờ Nguyễn Trãi rất khang trang mà anh đã đến thăm, do Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng, đã bắt đầu từ một ý tưởng chợt đến như thế… Một mình mình thì chẳng bao giờ làm nên một cái gì. Công sức trong nhiều năm của nhiều ngành lắm, của nhiều người lắm, kể không hết được …
(1) Theo Tuệ Tĩnh và nền y học cổ truyền Việt Nam, NXB Y học, 1975, thì bộ sách này lúc đầu có tên là Thập tam phương gia giảm, do cư sĩ Lê Đức Toàn chép lại. Năm 1717, sách đến tay vua Lê Dụ Tông. Nhà vua giao Viện Thái y soát lại rồi cho in làm 2 tập, đặt tên là Hồng Nghĩa giác tư y thư, để ghi nhớ quê hương của tác giả và khẳng định việc nghĩa mà cụ Tuệ Tĩnh đã làm đang tràn ngập khắp nơi. Sách in xong năm 1725 và truyền lại đến nay.
(2) Sau khi chết, Chu An được vua Trần Nghệ Tông ban cho tước Văn Trinh Công, nên đời sau gọi Cụ là Chu Văn An.