Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 31/05/2006 21:19 (GMT+7)

Người phụ nữ vàng ngành Điện

Cùng quê với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, rất mê làm thơ, vẽ tranh và ôm mộng trở thành SV Toán tổng hợp nhưng cơ duyên của những năm tháng "học ĐH theo sự phân công"đã đưa chị đến với ngành điện (ĐH Bách khoa HN). Mãi đến giờ, chị Nguyệt vẫn cười chảy nước mắt khi đọc lại câu ca về con gái Bách Khoa: "Bước chân vào cổng Bách khoa. Trông thấy đàn bà mà ngỡ đàn ông".

Rồi cũng tự nhiên như thế, ra trường chị được phân về Nhà máy chế tạo thiết bị điện Đông Anh ( nay là công ty Cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh) để rồi gắn bó suốt 30 năm qua ở phòng thiết kế - kỹ thuật. "Cũng có nhiều lời  mời tôi và ông xã đến làm nơi này, nơi nọ. Nhưng ở đây, chúng tôi đã có một tập thể được tín nhiệm và những lãnh đạo dám quyết",chị nói.

 "Sờ vào lưng cọp"

Năm 1975, mới tò te ra trường, chị đã tiếp quản ngay một công trình nghiên cứu cấp Bộ do một đồng nghiệp nam chuyển công tác bàn giao lại. Đó là công trình nghiên cứu thiết kế máy biến áp 16.000 kVA-110 kV, điều chỉnh không tải. Sau công trình này, cấp trên (Bộ) đã tin tưởng và giao cho Nhà máy toàn quyền về lĩnh vực lắp ráp, sửa chữa máy biến áp 110 kV. Không cần thông qua Bộ duyệt cũng như thuê chuyên gia nước ngoài.

Nhưng cơ hội chỉ thực sự mở ra với người phụ nữ đam mê thử thách này, khi vào năm 1992, chị nhận đề tài nghiên cứu thiết kế và công nghệ chế tạo máy biến áp 25.000 kVA-110 kV điều chỉnh dưới tải đầu tiên của Việt Nam.

Trong nước, khi ấy vẫn chưa thể chế tạo loại máy này. Tất cả đều phải nhập khẩu với giá 5 tỷ đồng/máy. "Tôi lúc đó, thấy mình như đang sờ vào lưng cọp, vì cấp biến áp quá cao".

Và đó cũng là những ngày chị Nguyệt "gồng" lên để vừa tròn thiên chức phụ nữ, vừa đôn đáo nghĩ cách giải bài toán biến áp cao.

Chị nhớ lại: Máy móc chưa có, bản vẽ tay cao hơn đầu người. Hỏng, xé đi. Rồi vẽ. Lại hỏng... Nhiều hôm tận 11-12g đêm mới rời nhà máy. Đoạn đường về nhà chỉ mấy trăm mét nhưng rất vắng cũng đủ sợ thót tim. Chị lăm lăm com pa, e-ke làm vũ khí đề phòng bất trắc.

Máy biến áp 220 kVcũng như máy biến áp cao áp khác có tác dụng biến đổi điện áp này sang điện áp khác và có tác dụng nữa là truyền tải năng lượng điện từ nhà máy phát đi các tỉnh thành trong cả nước. Do vậy nó là thiết bị chính trong hệ thống lưới điện quốc gia. Từ trước đến nay ViệtNamluôn phải nhập ngoại.

Có lần con trai sốt cao, chị định "đảo" qua nhà máy rồi về chăm con. Ai ngờ, say việc quên bẵng đi. Mãi khuya, về được đến nhà, cậu con trai sốt cao, nằm quay mặt vào tường nói dỗi "Mẹ về với cái máy của mẹ đi...".

Ròng rã hai năm, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Nguyệt đứng đầu lăn lộn hầu khắp các trạm 110 kV trên cả nước, miệt mài nghiên cứu sức tiêu thụ và phân bố của phụ tải, vừa thiết kế vừa lấy thêm ý kiến các chuyên gia Mỹ, Nhật đang công tác tại nhà máy.

Chiếc máy nặng 62 tấn ấy có ý nghĩa rất lớn với điện lực ViệtNam. Không chỉ chứng minh khả năng thiết kế, chế tạo của kỹ sư ViệtNammà nó còn là đối trọng để kéo giá thành máy nhập khẩu từ 5 tỷ đồng xuống còn 3,6 tỷ. Tính sơ, mỗi năm Tổng công ty điện lực Việt Nam nhập khoảng 50 chiếc, kỹ sư Nguyệt cùng cộng sự đã làm lợi cho nhà nước hàng chục tỷ đồng. "Quan trọng là không phải chịu cảnh "người ta" bảo bao nhiêu phải mua bấy nhiêu" -chị cười sung sướng.

Máy biến áp 220 kV: tay không bắt giặc

"Hình như mình có duyên với đề tài khó",
chị Nguyệt hóm hỉnh giải thích về chuyện mình đã được giao nghiên cứu chiếc máy biến áp 220 kV, loại máy có kết cấu vô cùng phức tạp mà cho đến thời điểm năm 2002, chưa một kỹ sư Việt Nam nào từng nhìn thấy cấu tạo bên trong.

Ngành điện khi đó đã dự kiến dành 3 tỷ đồng để mua bản thiết kế từ nước ngoài về. Giá chào thầu thấp nhất là 1,1 triệu USD và cao nhất 1,8 triệu USD. Ngậm ngùi vì quá sức chịu đựng, đã có ý kiến đề nghị xoá tên đề tài, từ bỏ ý định thiết kế máy 220 kV "made inVietNam".

Đứng trước bài toán, để tồn tại, phát triển, phải đi con đường khó khăn nhất, Nhà máy của chị Nguyệt ba lần gửi cam kết cho Tổng công ty điện lực Việt Nam chỉ để xin phép: "Được tự nghiên cứu thiết kế và chế tạo, không cần nhờ đến sự giúp đỡ của nước ngoài". Nhận thấy quyết tâm ấy, chính Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Việt
Nam(EViệtNam) - ông Đào Văn Hưng đã đồng ý và tạo mọi điều kiện cho các kỹ sư của nhà máy bắt tay vào triển khai.

" Làm máy biến áp 220 kV hồi đó như kiểu tay không bắt giặc. Chẳng ai biết hình thù nó thế nào",chị Nguyệt kể chuyện. Trên thế giới, cũng chỉ một số nước có nền công nghiệp phát triển mới làm được. Đến chuyên gia của Nga cũng không ngờ ViệtNamdám làm và lại giao cho một phụ nữ đảm nhiệm nghiên cứu - thiết kế chính.

Lại một lần nữa, chị Nguyệt rơi vào trạng thái của người tập bơi trên biển, càng ra xa càng chẳng thấy đâu là bờ bến. Thiết kế đi, chỉnh sửa lại… Đâu vẫn hoàn đấy. Vẽ đến đâu thi công đến đó nhưng nhiều khi mất đứt nửa tháng trời chỉ để chỉnh sửa một chi tiết. Có chi tiết khi lắp rồi, vẫn thấy không vừa ý, lại làm lại.

Các anh em làm việc trong nhà máy vẫn nhớ thời điểm đó, nhiều lúc chị Nguyệt cứ như bị "ma làm". Đi từ phòng thiết kế xuống xưởng, chị cứ hoa chân, múa tay, đầu gật gật, miệng lẩm nhẩm. Ai nấy có chỉ trỏ xì xào, bàn tán, chị cũng lơ đãng không để ý.  Thì ra, tranh thủ thời gian, bất cứ lúc nào trên đường đi làm, đi chợ chị đều mường tượng về mẫu thiết kế và lẩm nhẩm phác thảo kết cấu trong đầu. Phải 14 tháng sau, khi chiếc máy đã đi vào vận hành trước sự ngỡ ngàng của tất thảy, anh em trong nhà máy mới thấy chị bỏ được thói quen đó.

Chiếc máy biến áp 220 KV có sức nặng gấp 2.840 lần so với người phụ nữ nghiên cứu ra nó (142 tấn). Khi thông tin được công bố, có tới 90% các nhà khoa học nước ngoài vẫn chưa tin rằng Việt Nam có thể chế tạo được máy 220 KV và càng không tin đó là sáng tạo của một phụ nữ chưa từng đi ra nước ngoài để một lần thử chạm tay vào nó.

Nước mắt của thành công

Đến tận bây giờ, khi cả hai loại máy biến áp 110 kV và 220 kV đã tham gia vào vận hành lưới điện quốc gia, kỹ sư Nguyệt vẫn còn nguyên cảm giác của những lần đưa máy vào đóng điện. Đó là những phút giây của đòn cân não!

Chiếc máy 110 KV đầu tiên ấy được đặt ở trạm Vĩnh Yên. " Ngày mai đóng điện, mà hôm nay thiết bị bảo vệ thử tải vẫn cứ kêu "xoành xoành". Mỗi lần thử như vậy tim tôi chỉ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Hùng hục mà làm thôi nhưng lần đầu đóng điện vận hành thì tôi hồi hộp lắm. Các anh ấy cứ bảo, làm gì mà chân tay lập cập như thế"- kỹ sư Nguyệt tâm sự.

Mà mỗi lần đưa máy mới vào lưới, ngành điện đều tổ chức rất cẩn trọng. Nào công an, rồi xe cứu hoả để tham gia chuẩn bị chữa cháy (nếu có sự cố).Tham dự là các chuyên gia lão luyện trong ngành cùng với lãnh đạo các cấp. Xấp xỉ trăm người chứ không ít.

Lần đó, cuộc họp bàn về đóng điện bắt đầu từ 8g30’ sáng. Máy xong rồi nhưng vẫn còn ý kiến này nọ tỏ ra không tin tưởng. Vì nếu có sự cố, thì thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể.

Nhùng nhằng suốt buổi sáng. Hết đại diện Bộ Công nghiệp rồi Trưởng ban khoa học công nghệ môi trường của EViệt
Namthay nhau đứng lên bảo lãnh, nhận trách nhiệm nếu chẳng may xảy ra sự cố. Vậy mà tất cả vẫn nấn ná... Cho đến tận 11 giờ rưỡi mới quyết. Máy biến áp 110 KV chính thức hoà vào hệ thống điện lưới Quốc gia. Không có sự cố nào như đã lo sợ.  Máy chạy êm hơn cả máy nước bạn đang nằm bên cạnh.

Sau 4 tháng vận hành, thiết bị được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước thông qua với số phiếu xuất sắc tuyệt đối (11/11). Ngay sau đó, Nhà máy liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng chế tạo máy biến áp 110 kV có công suất lớn hơn, 40.000kVA và 63.000kVA. "Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi máy biến áp 110 kV có thể bình đẳng đấu thầu với máy của các hãng ABB - Thuỵ Điển và Takaoka - Nhật Bản".

Với đề tài nghiên cứu thiết kế máy 220 kV, áp lực lại dồn xuống vai nhiều hơn.  "Lãnh đạo nhà máy mỗi lần gặp đều hỏi xong chưa? Thậm chí, có lúc tôi không dám nhìn chiếc máy để quên đi việc mình đang làm... Khi đã hoàn thành xong đợi vận hành, suốt mấy ngày trời tôi không dám bén mảng xuống xưởng",chị Nguyệt nhớ lại.

Vậy mà 10 tháng sau (cuối tháng 10/2004), máy biến áp 220 kV được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước thông qua và đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế với 9/9 phiếu bầu xuất sắc...

Mỗi lần đóng điện thành công chị mừng không kể xiết. Mừng vì làm được một việc lớn, mọi người tin và trao cho mình trọng trách khó khăn. Chị thấy mình được ưu tiên quá. "Bởi nếu đề tài không thành công, thì lãnh đạo mới là người phải  nhận trách nhiệm lớn nhất trước Chính phủ. Tôi, dù sao cũng nhẹ hơn vì là nhân viên mà".

Người phụ nữ sở hữu cả trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật ấy sắp đến tuổi hưu. Chị vẫn đau đáu chuyện "máy biến áp 220 kV, một thiết bị chỉ rất ít nước sản xuất thành công lại bị từ chối khi đấu thầu lắp đặt trong nước".

Khi được hỏi về thử thách tiếp theo, chị Nguyệt hé lộ, đang sẵn sàng với một công trình mới: biến áp 500 KV đầu tiên của Việt
Nam. "Lớp người  như chúng tôi, hễ được giao việc gì, là nhận ngay, đâu có phân vân, lựa chọn. Mà đã làm, là phải hết sức".

Nguồn: vnn.vn14/5/2006

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…