Người Pháp và người An Nam bạn hay thù?
Bắt được vua Hàm Nghi
Việc rút phần lớn quân đội Pháp ra khỏi xứ Annam lại gặp một cơ hội rất tốt là một đòn mạnh vừa giáng xuống phong trào Cần Vương - Vua Hàm Nghi, mà những người kháng chiến lấy danh nghĩa của ông để hoạt động, những người yêu nước thì trông đợi ông, cuối cùng đã bị bắt.
Từ cuối năm 1885, đoàn nhà vua, Tôn Thất Thuyết và những đại thần trong phe phái của ông, họp thành một tham mưu của Cần Vương, vẫn trốn tránh trong những rừng rậm ở thượng lưu sông Gianh, ở tỉnh Quảng Bình. Những đơn vị kỵ binh Pháp - An nam và lính zouave đã vào tróc nã họ đấy, nhưng không được. Nhưng tình trạng “nhóm nhà vua” này đã bị xuống cấp dần dần, và đến năm 1887 thì Thuyết rời khỏi nhóm cùng với đám tuỳ tùng ít người, tìm cách đi sang Trung Quốc để xin cứu giúp. Bằng những đường núi, ông đã đi ngược lên được đến vùng thượng du Thanh Hoá rồi qua phía trên của thung lũng sông Cả, vào xứ Tonkin. Rồi qua thung lũng sông Đà…, ông đã tới Lai Châu, và ở đây được gia đình Đèo Văn Tri là người đứng đầu dân tộc Thái đón tiếp. Cùng với Tri, ông đi qua Trung Quốc, và trong nhiều tháng liền, ông đi lại trong vùng biên giới, gây cho những người lãnh đạo Cần Vương ở Tonkin ảo tưởng sắp có một sự hỗ trợ của Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh, từ khi có hiệp định 1887, không quan tâm đến vấn đề này nữa, và không có một cử chỉ nhỏ nào. Theo lệnh của Bắc Kinh, cuối cùng Thuyết bị quản thúc.
Như vậy là Hàm Nghi ở lại một mình với hai người con trai của Thuyết là Đạm và Thiệp, khoảng 20 tuổi, và một vài người trung thành như Phạm Tuân, đã thay Tường làm phụ chính. Những người Mường trong vùng vẫn tiếp tục ủng hộ ông, nhất là các bộ lạc, mà người thủ lĩnh Trương Quang Ngọc, được trao nhiệm vụ cầm đầu đội tự vệ của nhà vua.
Làm chủ được vùng đồng bằng, các lực lượng Pháp thâm nhập dần dần vào những núi non của Quảng Bình, đi về phía nơi ẩn trốn của nhà vua, nhưng họ vẫn không biết chính xác là ở nơi nào. Họ phải khó khăn lắm mới đi ngược lên được những thung lũng cao của sông Gianh và những nhánh sông, để lập các bốt ở đó. Đã ba lần, họ tưởng bắt được nhà vua, nhưng nhờ sự đồng loã của các làng, ông vẫn thoát được. Các lực lượng Pháp - An Nam tiến hành một cuộc “săn người” thực sự, tìm kiếm các tin tức tình báo, và xử tử một cách hệ thống tất cả những “người nổi loạn” có vũ khí trên tay khi bị bắt. Một trưởng bốt Pháp, tích luỹ các tin tình báo, đã tiếp xúc được với những người Mường, và qua trung gian, cả với Ngọc nữa, mà gia đình đứng đầu đám dân chúng ở thượng lưu sông Đồng Nai. Vào tháng 10 - 1888, cái bốt Pháp này được tin nhà vua đang ở trong một ngôi làng nhỏ gần nguồn sông Đồng nai, trong tình trạng vô cùng cơ cực, thực tế bị tất cả mọi người ruồng bỏ, chỉ còn có Tôn Thất Thiệp, người con trai trẻ tuổi nhất của Thuyết và vài người của Ngọc ở cạnh. Cuộc bắt nhà vua đã được thực hiện trong những hoàn cảnh hết sức bi thảm (1).
Được tiếp xúc, Ngọc đã nhượng bộ dần dần và sau cùng đã bán mình. Hắn chấp thuận sẽ hướng dẫn quân Pháp đi, và đến giữa tháng 10 - 1888, đại uý Boulangier chỉ huy đồn Đồng Ca, cho Ngọc biết là đã đến lúc hành động. Ngày 29 - 10, Ngọc cùng khoảng mười lăm người cầm nỏ và giáo, ban đêm đến được ngôi làng nhà vua ẩn trốn. Sau khi đã bao vây ngôi nhà, đám đông tông cửa vào, và bắt gặp Hàm Nghi, cùng Thiệp đang ngủ. Trước sự xâm nhập này, họ lập tức trỗi dậy và chiến đấu, nhà vua nhanh chóng bị tước vũ khí và bắt giữ. Thiệp thấy vị quân vương của mình bị bắt, thì xông vào định giết ông để tránh cho ông sự nhục nhã bị bắt, nhưng chính anh lại bị đội đặc công giết chết. Hàm Nghi “biểu lộ sự khinh bỉ của ông đối với những kẻ phản bội ông, sau đó khép mình vào trong một sự im lặng hoàn toàn”. Ngày 2 - 11, vào lúc bình minh, Ngọc giao nhà vua cho những sĩ quan Pháp. Những người này chuyển ông đến bốt của đại uý Boulangier, rồi cuối cùng về Thuận An. Ở đây viên thống sứ Rheinart đã đến thăm ông nhưng chỉ nhận được những tiếng cười gằn và sự khinh bỉ. Hàm Nghi từ chối mọi sự đối thoại và mọi ân huệ của Đồng Khánh. Trở thành một tù nhân chướng mắt, ông đặt ra nhiều vấn đề cho chính quyền.
Trái với những gì người ta giả thiết trước đó, ông hoàn toàn mạnh khoẻ và cường tráng. Người ta đã để lại cho ông thanh kiếm, và khoảng sáu mươi đồng tiền vàng, và người ta cũng bảo đảm với ông là ông không phải là một kẻ thù, mà một người anh em của vua Đồng Khánh, một người bạn và đồng minh của nước Pháp. Nhưng thái độ và ngôn ngữ thù địch thậm chí gây gổ của ông, không khuyến khích người ta nương nhẹ. Người ta chỉ còn hạn chế đối xử lễ phép với ông thế thôi, không còn gì hơn nữa. Ngay từ ngày 7 - 11, viên thống sứ đã đánh điện cho toàn quyền để báo tin về việc bắt được nhà vua này.
Người ta sẽ khai thác sự kiện này ra sao? Người ta sẽ làm gì với vị hoàng thân này? Sự lo lắng đầu tiên là phải làm sao loại bỏ tức khắc mọi khả năng xuất hiện sau này những Hàm Nghi giả có thể lại thổi bùng lên cuộc kháng chiến. Vì vậy phải làm cho tất cả mọi nơi biết rằng vua cũ đã bị bắt.
Một bản bố cáo, do Đồng Khánh ký nhắc lại một cách mạnh mẽ Hàm Nghi không còn là vua nữa, và thậm chí từ này sự sử dụng danh từ này là tuyệt đối cấm chỉ. Bây giờ chỉ còn lại hoàng thân Ưng Lịch, mà tình trạng sức khoẻ khốn thay đã đến mức “cần phải đưa hoàng thân sang Pháp để ở đó và săn sóc”.
Sự có mặt của Hàm Nghi ở Huế, sự phục hồi ông vào những phẩm tước và cấp bậc sẽ gây ra những nguy hiểm lớn về chính trị.
Rheinart xác định thêm: “Cần thiết phải để Hàm Nghi được giam giữ trong nhiều năm ở Algerie… vì tôi sợ ở Pháp người ta lại sẽ bị lôi kéo bởi một thứ tình cảm không hợp thời và vấn đề Ưng Lịch. Báo chí lại sẽ làm chính trị về Đông Dương trên danh nghĩa của vị hoàng thân này”.
Ngày 16 - 11, chính phủ Pháp quyết định Hàm Nghi sẽ được hưởng một số tiền trợ cấp 25.000 phrăng mỗi năm do chính phủ Annam chi trả.
Ngày 21 - 11, Hàm Nghi bị dẫn độ đến Thuận An, có chiếc pháp thuyền Comète chờ sẵn để đưa ông vào Sài Gòn. Ngày 12 - 12 ông xuống tàu cùng với một người thông ngôn, một người nấu ăn, và một người hầu để đi Algerie. Ông đến đó vào ngày 13 - 1 - 1889, và được viên toàn quyền ở đó đối xử rất tốt (2).
Việc bắt được Hàm Nghi đã giáng một đòn chí tử vào phong trào Cần Vương ở Annam , khơi mào cho nhiều cuộc quy thuận. Người con trai còn sống sót của Thuyết là Tôn Thất Đạm, kêu gọi các quan và sĩ quan ngưng chiến đấu, và hơn một trăm người trong số họ đã quy thuận. Còn Đạm thì vào rừng treo cổ tự vẫn. Hai tháng sau, những cuộc quy thuận và bỏ hàng ngũ càng nhiều hơn, khiến cho người ta tin là cả xứ Annam đã được bình định, đến mức các lực lượng Pháp lại còn được giảm nhẹ đi nữa, trong khi công việc lập lại trị an trong các tỉnh thì được giao cho đội tự vệ dân sự Richaud đã lập nên từ quyết định ngày 19 tháng 5.
Vào tháng 12 - 1888, Nguyễn Hữu Độ, Viện trưởng Viện Cơ mật, người thân tín của Richaud chết, và Nguyễn Trọng Hiệp trở thành nhân vật chính của triều đình Huế.
Sự lựa chọn ông vua mới: Thành Thái
![]() |
Vua Thành Thái |
Không đầy sáu tuần lễ, vào ngày 28 - 2 - 1889 đến lượt vua Đồng Khánh cũng từ trần, và có tin đồn là có thể ông cũng như Nguyễn Hữu Độ, đã bị đánh thuốc độc. Tuy nhiên bác sĩ Cotte, bác sĩ chính của Hải quân, mà Rheinart đã triệu từ Thuận An đến để khám bệnh và săn sóc cho nhà vua trong những ngày cuối cùng đã khẳng định dứt khoát (từ một tuần lễ trước nhà vua đã kêu nhức đầu): nhà vua đã mất vì một cơn sốt rét đặc biệt nghiêm trọng. Vả lại, vào buổi tối cuối cùng, Rheinart đã có đến thăm ông ở trong cung. Ngày hôm sau, vào khoảng 20h, Đồng Khánh tắt nghỉ, không có hấp hối, cũng không thấy có biểu hiệu gì là đau đớn.
“Khi những mi mắt của ông vua trẻ tuổi vừa khép lại trước ánh sáng, thì theo phép lịch sự là phải tìm ra ở ông những tính xấu khủng khiếp, nhắc lại những sự đồi bại, sự quá trớn, tính tàn nhẫn của ông. Ở xứ này, cũng như ở tất cả các nơi khác, sự đê tiện cũng hợp lề thói như danh dự, và người thượng lưu sẽ phải chú ý làm theo”.
Trong những báo cáo của ông, Rheinart đã vẽ ra chân dung của một vị quốc vương hung bạo, độc ác (nhất là đối với bà hoàng hậu), có một tính khí trác táng, dâm ô, gần như điên khùng, tính xa hoa, đã phung phí tiền một cách không thể tưởng tượng được, phá tán cả kho bạc của vương triều thừa hưởng được của Minh Mạng. Một cuộc cướp bóc khác bắt đầu,
“Đám tôi tớ, thậm chí cả người mẹ của Đồng Khánh nữa, cũng xác nhận cái tiếng xấu xa này, và tranh nhau cướp bóc ngay trong đêm và ngày hôm sau cái chết của nhà vua: Trong hai ngày, 120 người vợ và hầu gái đã rời bỏ cung điện mang theo khăn gói và hòm rương…
Sau ba ngày, Hội đồng phụ chính và chính quyền Pháp mới can thiệp để chấm dứt sự cướp bóc và kiểm kê lại những kho tàng trong cung”.
Cái chết này làm cho tất cả mọi người bị bất ngờ. Đồng Khánh có hai con trai thật nhưng chỉ mới lên bốn và lên ba thôi. Một chế độ phụ chính sẽ kéo dài vô tận trước mặt hai bé. Nhưng bà Hoàng thái hậu, được tham khảo ý kiến theo phong tục, đã tức khắc gạt ngay những người nối dõi của Đồng Khánh. Dù rằng quyền hành được Viện Cơ mật tạm thời đảm nhiệm, nhưng người ta không thể để ngai vàng trống chỗ lâu quá. Nhưng chọn ai làm người kế vị bây giờ? Nguyễn Trọng Hiệp đề nghị đưa Hàm Nghi từ Algerie về để đặt lên ngôi, và như thế chắc chắn sẽ chấm dứt hẳn sự kháng chiến của Cần Vương. Richaud không phản đối ý kiến này, nhưng Rheinart được Paris ủng hộ, thì cương quyết từ chối. Tất cả mọi người đều không có thiện cảm với các con của Đồng Khánh, nên sau nhiều cuộc thương thuyết, Triều đình quyết định chọn hoàng thân Bửu Lân, con cả của Dục Đức, ông vua trị vì có ba ngày năm 1883, và người ta bắt chết đói. Chính quyền Pháp chấp nhận sự chọn lựa này, nhưng dành quyền chọn lựa các vị nhiếp chính. Tuy nhiên Baile viết như sau:
“Sự chọn lựa do đại diện của nước Pháp đề nghị được Triều đình và Viện Cơ mật nhanh chóng đồng ý…
Đứa trẻ mà người ta vừa nghĩ đến mới có 10 tuổi. Sự lựa chọn đứa trẻ này có vẻ như có ưu điểm là phục hồi dòng dõi trực tiếp của nhà Nguyễn. Đứa trẻ này đang bị cầm giữ cùng với mẹ và người em ở nội thành, từ ngày người cha chết đi”.
Ngay chiều hôm đó, người ta đi tìm đứa trẻ ấy để đưa vào cung.
“Khi sự chọn lựa của Triều đình, theo những chỉ dẫn của Bảo hộ, được chính phủ Pháp chính thức đồng ý, thì viên thống sứ, có viên chánh văn phòng và viên công sứ ở Huế đi tháp tùng, đã vào cung để thông báo cho vị vua tương lai và dâng lên những lời chúc mừng. Hôm đó, do một sự trùng hợp kỳ lạ, lại đúng vào ngày Tết…”.
Baile còn viết thêm:
“Đứa trẻ mười tuổi này đã là một nhà Nho, được đào tạo bởi một vị giáo sư xuất sắc, đọc, viết được chữ Hán, và còn biết cả bảng chữ cái Pháp. Anh ta tương đối cao lớn đối với độ tuổi đó, và thân thể cường tráng…”.
“Các nhà chiêm tinh học, sau khi đã suy nghĩ hết sức chín chắn, công nhận ngày 1 – 2 là một ngày rất tốt, nên lễ đăng quang được ấn định không chậm trễ vào thời điểm đó”.
“Vua xứ Annam lấy tên là Thành Thái có nghĩa là “hạnh phúc tuyệt đối và thắng lợi trong mọi việc”.
“Lễ đăng quang được cử hành với tất cả sự long trọng cần phải có. Các toán quân Pháp, trái với tập quán bình thường, đã vào sâu qua Ngọ Môn, xếp thành hàng rào dọc theo các hàng hiên, cho mãi vào đến bậc thềm lên điện Thái Hoà. Vì nhà vua phải nhận sự thụ phong của nước Pháp, nên các toán quân đội của chúng ta đã vào như vậy, cũng như ở lễ đăng quang của Đồng Khánh, để với sự có mặt của họ trong cung nội, sẽ chỉ ra tính chất và ý nghĩa của cuộc lễ này… Viên thống sứ Rheinart, nhân danh chính phủ Cộng hoà Pháp, tới công nhận và chào mừng vua xứ Annam ”.
Còn vua cũ Đồng Khánh thì đã được tẩm liệm ngay buổi sáng hôm Bửu Lân bước vào cung. Việc tang lễ của Đồng Khánh diễn ra vào ngày 20 - 2, và Triều đình sẽ để tang trong 27 tháng. Một đoàn người dài ba cây số, đi đưa trên hàng cây số, một nhà táng khổng lồ dài 15 thước, rộng 7 thước, do 190 người cu li khiêng đi.
Chính quyền bảo hộ đã phần nào thoả mãn được về phương cách diễn ra cuộc kế vị công khai tránh không can thiệp vào việc lựa chọn vị quốc vương mới, chính quyền hi vọng là uy tín của nhà vua sẽ không bị tổn thương vì bị coi như một công cụ của Pháp. Nhưng Richaud cũng không vì thế mà không lợi dụng thời cơ để tăng cường hơn nữa sự giám sát của ông ta đối với Huế.
Chú thích:
1. Chuyện kể chi tiết về cuộc bắt này đã được công bố bởi Baille (năm 1890) và nhất là bởi đại uý Gosselin (năm 1900) và năm 1904).
2. Vào tháng 11 - 1904, Hàm Nghi lấy một thiếu nữ Pháp 19 tuổi, con gái của vị chủ tịch toà án Alger tên thật là Laloẽ, và có với người này ba mặt con (hai gái và một trai) nhưng ông nhất định không dạy tiếng Annam cho con. Ông dùng thì giờ rỗi rãi của ông vào việc điêu khắc và hội hoạ, thỉnh thoảng có sang Pháp, nhưng vẫn một sự im lặng hoàn toàn về số phận của ông. Sau 1906, ông đến Agler sống trong một biệt thự, trên vùng cao El Biar, và mất ở đó vào ngày 14 tháng giêng năm 1944, thọ 73 tuổi, sau 55 lưu đày. Ông được an táng ở nghĩa địa El Biar, và sau đó di cốt của vị “hoàng thân Annam ” như người ta vẫn gọi ông, được đưa về Pháp vào năm 1965, và ông đã yên nghỉ trong vùng Périgord.