Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 28/07/2006 23:12 (GMT+7)

Người “nặng nợ” với sự nghiệp khuyến nông

Từ một cán bộ kỹ thuật, rồi được đề bạt lãnh đạo, anh vẫn tràn đầy tâm huyết và hết lòng gắn bó với ngành khuyến nông Cần Thơ. Năm 2004, anh đã nỗ lực nghiên cứu thành công “Các biện pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ sống và hiệu quả của tôm càng xanh post trong quy trình sản xuất giống nước xanh cải tiến”, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Đó là Lê Văn Tính, thạc sĩ khóa 6, chuyên ngành thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ.

Khi tôi hỏi lý do nào thôi thúc anh thực hiện đề tài “Các biện pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ sống và hiệu quả của tôm càng xanh post trong quy trình sản xuất giống nước xanh cải tiến”, anh Tính bộc bạch: “Đồng lương công chức không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình nên tôi phải nghiên cứu, sản xuất con giống tôm càng xanh để bán cho nông dân. Trong quá trình làm con giống, tôi mày mò nghiên cứu sao cho tỷ lệ sống và chất lượng con giống được nâng cao để bán chạy hàng và cũng muốn góp phần cung ứng con giống tốt, phục vụ cho nhu cầu nuôi tôm càng xanh của bà con”.

Nếu ai lần đầu gặp anh Tính, nghe anh nói về một lý do hết sức đơn giản để có một đề tài được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì chắc dễ “sốc”. Nhưng hiểu anh rồi, niềm cảm phục sẽ nhiều hơn. Những năm 1994-1995, từ Đồng Tháp bươn chải về Cần Thơ lập nghiệp, mỗi tháng lương của anh Tính chỉ có 185.000 đồng. Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Văn Ngẫu (Bảy Ngẫu), nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cần Thơ (cũ), hỏi anh: “Lương như vầy, làm sao cậu sống nổi?”. Anh Tính tự tin trả lời: “Anh em sống được thì mình phải sống được chứ sao!”.

Không thể trông chờ vào lương để nuôi sống gia đình nên mỗi tuần cứ đến thứ bảy, chủ nhật, vợ chồng anh Tính lại chở nhau bằng xe gắn máy về Bình Minh, Vĩnh Long (quê vợ anh) để làm ruộng. Hồi ấy, thu nhập từ 1,5 công vườn và 2,5 công ruộng cũng không giúp cải thiện cuộc sống gia đình là bao vì như anh Tính nói: “Làm ruộng mà không cùng thở, cùng ngủ với đất thì làm gì có ăn!”. Vợ chồng anh luôn chi tiêu dè xẻn, bớt khoản quà vặt, cà phê, thuốc lá để có thể mỗi lần về quê mua được vài hộp sữa, vài gói mì hay hộp bánh cho cha mẹ. Khó khăn là vậy nhưng anh Tính vẫn rất lạc quan: “Tôi chỉ sợ bệnh tật đến bất ngờ, chứ cái nghèo thì tôi không sợ. Còn sức thì còn làm lụng, lo cuộc sống được mà!”.

Đầu những năm 2000, khi Cần Thơ thực hiện thành công mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa thì phong trào nuôi tôm càng xanh cũng bắt đầu phát triển rầm rộ ở ĐBSCL. Hàng năm, trong khoảng thời gian từ nửa tháng 4 đến nửa tháng 6 dương lịch, nhu cầu về tôm càng xanh giống lên đến khoảng 100 triệu con post; trong khi hơn 30 trại sản xuất giống tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh Cần Thơ (cũ) chỉ có khả năng đáp ứng khoảng 20 triệu con. Thế là, anh Tính bắt tay nghiên cứu sản xuất tôm càng xanh giống trên nền tảng quy trình sản xuất giống tôm càng xanh nước xanh cải tiến của Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Mặt bằng sản xuất? Anh tính gọn: Diện tích ở phía sau nhà được tận dụng tối đa. Nguồn vốn đầu tư? 20 triệu đồng anh vay mượn từ bạn bè.

Từ những kiến thức, suy luận của bản thân, anh Tính bắt tay vào cải tiến tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Chẳng hạn như việc tách vỏ trứng artemia khi cho ấu trùng tôm ăn để hạn chế mầm bệnh cho tôm post; thay nước trong quá trình ương giống; kéo dài ngày cho ấu trùng ăn artemia... Đặc biệt, để xử lý những cặn bã từ đáy bể, hạn chế sự phát sinh của các loại khí độc như NO 2, NH 3..., khống chế vi sinh vật gây bệnh đối với tôm, anh sử dụng chế phẩm sinh học De- Odorase. Đây là những cải tiến của anh sau quá trình nghiên cứu, thực nghiệm. Và những cải tiến này góp phần quan trọng làm tăng hiệu quả sản xuất: tỷ lệ tôm post sống ở mức cao, ổn định so với các quy trình sản xuất tôm càng xanh post lúc bấy giờ.

Khi những cải tiến của anh được công nhận, được tặng Bằng Lao động sáng tạo, anh nói vui: “Vậy là mình thắng lợi cả hai mặt: vừa mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, giúp bản thân yên tâm công tác; vừa đóng góp một phần nhỏ về nhu cầu con giống phục vụ bà con nuôi tôm càng xanh ở vùng ĐBSCL”. Tính anh là vậy, bộc trực, chân chất. Anh thường nhắc đến quê hương và tuổi thơ của mình bằng một giọng dí dỏm: “Giải phóng trễ chừng vài năm là tôi dốt luôn rồi! 10 tuổi tôi mới được vào học lớp 1. Cũng may là không ngồi lại lớp năm nào chứ nếu không là phải bỏ học!”. Tuy nói vậy, chứ thực ra, ngay từ nhỏ, anh Tính đã sống trong cảnh vất vả, đói nghèo, thấu hiểu nỗi khốn khó của bà con nông dân nên đã hứa với cha mẹ: quyết tâm học tập để thay đổi cuộc đời.

Tốt nghiệp đại học ngành thủy sản năm 1990, anh Tính ra Nha Trang công tác tại Viện Nghiên cứu Thủy sản 3. Ngẫm đi ngẫm lại, thấy không đâu bằng chính quê nhà nên anh Tính lại khăn gói về quê và chọn Cần Thơ để lập nghiệp. Tôi hỏi đùa: “Dân Đồng Tháp, cưới vợ Vĩnh Long sao lại chọn Cần Thơ lập nghiệp?”. Anh Tính cười: “Đất lành chim đậu chớ sao!”. Có lẽ đúng như anh nói, bởi hơn 10 năm công tác ở Cần Thơ, anh luôn được bạn bè, đồng nghiệp quý mến. Điều đặc biệt, dù ở cương vị nào, công việc nào, anh cũng dành nhiều thời gian gặp gỡ, trao đổi với nông dân, lắng nghe những thắc mắc, bộc bạch của nông dân. Chính vì thế, những lần cùng các anh em làm công tác khuyến nông đi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, anh luôn được bà con đón nhận bằng những tình cảm hết sức trân trọng và yêu thương.

Ở tuổi 41, là Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, có một vợ và hai con trai ngoan, ngoài công việc, anh dành tất cả thời gian cho gia đình. Chỉ trừ khi nào đi công tác sớm hoặc có công việc đột xuất anh mới “nhường phần” để vợ đưa, rước con đi học. Anh tâm sự: “Thời niên thiếu của tôi quá cơ cực nên phải xem chuyện học hành của các con là hàng đầu. Mỗi lần về quê (Tháp Mười), tôi đều dặn dò các con: “Ngày trước, ba sống ở vùng đồng khô, cỏ cháy như vậy đó nhưng ba phấn đấu tới giờ này thì tụi con ít gì cũng phấn đấu bằng ba mới được”. Anh Tính luôn dành thời gian để gần gũi, trò chuyện với hai con trai, hướng dẫn con trong mọi việc: từ học hành, đến quan điểm sống, cách giao tiếp…

- Thế còn công việc làm ăn của anh hiện giờ như thế nào?- Tôi hỏi.

Anh trả lời:

- Quy trình vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cơ chế thị trường mà, làm sao sản xuất con giống ngày càng có chất lượng thì mới được sự lựa chọn của người nuôi chứ! Thật ra, trong 1 năm, tôi chỉ sản xuất tôm càng xanh post từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 6 dương lịch. Dù quy mô sản xuất hộ gia đình nhưng tất cả đều được tự động hóa. Vào vụ, sáng, trưa, chiều, tối, trước và sau khi đi làm về, tôi đều ra bể ương để chăm sóc, quan sát sự sinh trưởng của ấu trùng tôm. May là bà xã cũng học ngành thủy sản, cùng lớp với tôi thời đại học, nên giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu cũng như sản xuất.

Hơn 10 năm gắn bó với ngành khuyến nông, gắn bó với tỉnh Cần Thơ cũ rồi bây giờ là TP Cần Thơ, Thạc sĩ Lê Văn Tính ấp ủ biết bao dự tính về sự phát triển nông nghiệp của miền “đất lành” này. Anh Tính bộc bạch: “Chúng tôi đang nghiên cứu, đăng ký thực hiện mô hình luân canh lúa- nuôi thủy sản. Có nghĩa là hướng dẫn bà con nông dân làm vụ lúa đông xuân ăn chắc và vụ thủy sản ăn chắc. Chứ hồi trước tới giờ, nông dân mình chỉ nuôi thủy sản xen canh trên ruộng lúa, hiệu quả không cao”. Hiện nay, anh Tính đang triển khai thực hiện đề tài này ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, nếu thí điểm thành công, mô hình này sẽ sớm được nhân rộng. Và điều xa hơn mà anh hằng ấp ủ chính là khi Cần Thơ đã trở thành TP trực thuộc T.Ư thì việc đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, với sự tham gia của 4 nhà: Nhà nước- nhà khoa học- nhà nông- nhà doanh nghiep sẽ nhanh chóng được thực hiện. Thành phố đang dồn sức xây dựng mô hình 8 điểm xã thuộc 2 huyện: Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh làm địa bàn trọng điểm để tập trung đầu tư và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao mà anh Tính giữ vai trò tư vấn. Anh kết luận: “Làm được các mô hình này, tôi mới thỏa lòng và có thể đóng góp những ý tưởng mà tôi ấp ủ từ lâu…”. Đã qua tuổi 40, bầu nhiệt huyết của anh vẫn đầy tràn.


Nguồn: baocantho.com.vn 19/9/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.