Người làm giàu kho dược liệu Việt Nam
Anh thấy phải học và nghiên cứu thuốc Nam - chắc nó có nhiều điều thần diệu lắm. Lúc ấy, một sinh viên Dược mà hở ra là học thuốc Nam hay học ông lang (mà những người định kiến gọi chung một cách coi thường là “lang băm”) thì bạn bè chê cười lắm, cho nên Lợi phải giấu kín. Mỗi lần về quê, anh đến học hỏi ông lang Sắp. Thường thì thầy lang không dễ nói nghề cho ai, nhưng đây là nói cho cậu “đốc” (vì Lợi sẽ trở thành Docteur) thì vinh dự quá, nên ông lang Sắp chẳng giấu nghề. Ông dẫn Lợi ra vườn, chỉ cây tiết dê, cây bướm bạc và các cây khác mà giảng giải công dụng từng cây thuốc. Khi lên Hà Nội, ở làng Đại Yên gần chợ Ngọc Hà trọ học, anh sinh viên Lợi thường ra chợ hỏi các bà bán thuốc lá về từng loại lá thuốc mà các bà bán, công dụng của nó rồi lẫn tìm sách vở xem tên khoa học của mỗi loại. Từ bước khởi đầu nghiên cứu thuốc Nam còn phải giấu giếm ấy cho đến nay đã ở tuổi 77, có thể nói gọn thành quả lao động chính là cả vinh quang của đời ông thể hiện trong cuốn “ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (được tái bản tất cả 6 lần). Cuốn sách dày 1.500 trang với 741 cây thuốc, vị thuốc mà những kiến thức về mỗi cây, mỗi vị là cả một câu chuyện thú vị.
Toàn quốc kháng chiến 12/1946, anh chủ hiệu thuốc Mai Lĩnh Đỗ Tất Lợi rời Hà Nội ra vùng kháng chiến. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rủ anh vào Quân y, anh theo liền. Có được giấy giới thiệu của Bộ Nội vụ do ông Hoàng Minh Giám ký, anh lên vùng Sơn Dương. Tuyên Quang để tìm cây thuốc chế biến cho quân đội. Gặp Dương Quảng Ba, trước kia là đội viên Tuyên truyền giải phóng quân, anh hỏi có biết cây “ mã lìn ón” không. Ông Ba bảo có biết rồi kéo ra rừng chỉ cho. Đó chính là cây hà thủ ô trắng (tên khoa học là Streptocaulou juventas). Lúc ấy và cho mai tới năm 1974, ông cứ đinh ninh hai cây ấy là một... Tháng 7-1945, Bác Hồ sốt cao đã được thầy lang người dân tộc chữa bằng củ “ mã lìn ón”, vì thế Bác dặn các đội viên Tuyên truyền Giải phóng quân đi đâu gặp cây này thì hái lấy phơi khô mang theo. Tới năm 1974, dược sĩ Đỗ Tất Lợi tham khảo một sách thuốc Trung Quốc, thấy có cây mã liên an(mà người dân tộc đọc là “ mã lìn ón”), tên khoa học là Streptocaulon griffihii, như vậy hà thủ ô trắng và mã liên an là hai cây khác nhau. Do công dụng giống nhau nên người ta dễ lẫn. Cũng trong thời gian tìm “mã lìn ón”, một ông già người Tày lại chỉ cho Đỗ Tất Lợi cây mã tiền - một thứ cây dây leo trong khi đó sách lại nói mã tiền không phải dây len và có ở Củ Chi, Nam Bộ. Lúc ấy ông nghĩ sách viết sai. Mãi sau ngày miền Nam giải phóng, ông mới biết là sách viết đúng. Như vậy có hai loại mã tiền. Mã tiền là loại thuốc bổ, đồng bào dân tộc có câu nói về mã tiền “cẩu sực cẩu tử, mã sực mã phì” (chó ăn chó chết, ngựa ăn ngựa béo). Tìm hiểu ra mới biết vì chó nhỏ con nên ăn quá liều bị chết còn ngựa lớn nên ăn đủ liều thì béo. Nhớ lại chuyện mấy cây thuốc này, dược sĩ Đỗ Tất Lợi nói: Cuộc kháng chiến giúp mình nhiều thực tế quý giá. Cứ học hỏi như vậy, cả một đời cần mẫn, tỷ mỷ, lao động không mệt mỏi, dược sĩ Đỗ Tất Lợi đã làm giàu cho kho tàng dược liệu Việt Nam . Ông nói: Việt Nam có đầy đủ các vị thuốc, không phải lệ thuộc vào thuốc nhập, nếu có nhập chỉ phải nhập một tỷ lệ không đáng kể như thêm một mái chèo và con thuyền mà thôi (như cách nói của Hải Thượng Lãn Ông). Ngay từ lần xuất bản thứ nhất gồm 6 tập từ năm 1962 đến năm 1965 với 430 cây thuốc, 51 con thuốc, 19 vị thuốc khoáng vật, cuốn “ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đã được nước ngoài đánh giá cao. Năm 1968, Liên Xô (cũ) đã cấp học vị Tiến sĩ dược cho dược sĩ Đỗ Tất Lợi về công trình này, đó là một biệt lệ khi ấy. Năm 1966, Nhà nước Việt Nam cũng đã trao Huân chương Lao động hạng 3 cho hoạt động lao động sáng tạo của ông.
Là dược sĩ quân y thời kháng chiến chống Pháp trong điều kiện thiếu thốn thuốc men, dược sĩ Đỗ Tất Lợi đã có những tìm tòi giá trị. Khi ấy, bác sĩ ngoại khoa Tôn Thất Tùng có trao cho ông một mẩu báo nước ngoài nói trong lá cây có chứa chất chlorophyle, có tác dụng sát trùng và khử mùi hôi thối ở vết thương. Ông đã dùng cồn chiết xuất chlorophylletừ lá táo. Dung dịch được cho vào dầu lạc lắc đều lên. Chất Chlorophylletừ cồn chuyển hết sang dầu lạc, cồn bay hơi còn lại thứ thuốc mỡ sát trùng dùng cho thương binh rất hiệu quả.
Bốn nhà khoa học thuộc viện lớn của Liên Xô là I.I. Bekman, A.F. Hammerman, I.V. Gruxvuxki và A.A. Iaxencô Khmêtepxe trong một bài phân tích đăng trong tạp chí Tài nguyên thực vật (thuộc Viện hàm lâm khoa học Liên Xô) tập III, số 1-1967, viết “Ông Đỗ Tất Lợi đã không thành kiến dân tộc, cái đó có thể làm tổn hại đến những gì thực sự có giá trị của bất kỳ nền y học cổ truyền nào khác, đồng thời ông cũng không có tư tưởng “sùng bái Âu Tây”, tư tưởng này cho đến nay đã ngăn cản một số người hoạt động y học khoa học trong việc sử dụng kho tàng phong phú của nền y học cổ truyền đã lích luỹ được và “Cái cầu mà giáo sư Đỗ Tất Lợi đã bắc từ nền y học cổ truyền của nhân dân Việt Nam tới nền y học hiện đại, tất nhiên mới là bước đầu của quá trình làm phong phú ngành dược liệu, bằng rất nhiều cây thuốc vô cùng quý giá”. Năm 1980, Nhà nước Việt Nam phong ông học hàm giáo sư. Năm 1983, cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” được đánh giá là 1 trong 7 viên ngọc trong biển sách ở Hội chợ sách quốc tế Matxcơva (báo Nhân dân 30-10-1983). Ở Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về y học cổ truyền (First International Coresson Ethnopharmacology) tại Strasburg, Pháp - từ 5 đến 9-6-1990, giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đã được mời đọc bản báo cáo: “Thuốc thiên nhiên Việt Nam, các nhà y học cổ truyền và các nhà y học khoa học tiếp cận những vị thuốc đó như thế nào” ngay trong ngày khai mạc. Tết này, ở tuổi 76, giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi vẫn miệt mài tìm kiếm cây thuốc và vị thuộc Việt Nam .
Nguồn: Tài trí Việt Nam , trang 91