Người khai sinh ngành giải phẫu học Việt Nam
Giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp sinh ngày 8/7/1906 trong gia đình nhà Nho nghèo ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Mùa hè năm 1925, ông đỗ bằng thành chung (diplôme) sau bốn năm đèn sách miệt mài đầy biến động, ông vào học Trường Y sĩ Đông Dương. Dường như ông có quý nhân phù hộ, ông đã gặp và là học trò của giáo sư P. Huard, nhà giải phẫu học nổi tiếng người Pháp.
Giáo sư P. Huard đã nhận hướng dẫn sinh viên Đỗ Xuân Hợp làm luận án tốt nghiệp chuyên ngành giải phẫu. Luận án Đ ặc điểm dân tộc và khoa học về răng đen của con người Việt Nam của Đỗ Xuân Hợp đã được Hội đồng giáo sư đánh giá rất cao. Mùa hè năm 1929, ông tốt nghiệp loại ưu Trường Y sỹ Đông Dương.
Giải phẫu cơ thể người nói chung, y học phương Tây cơ bản đã làm xong. Còn giải phẫu cơ thể con người Việt Nam thì chưa có ai nghiên cứu. Các kết quả khảo sát thực nghiệm về kích thước, trọng lượng, đặc điểm giải phẫu của phủ tạng: Tim, thận, phổi, lách, gan... của trợ lý Hợp đã được giáo sư P. Huard đánh giá cao, giúp ông công bố trên các tập san, tạp chí y học Pháp và thế giới từ những năm ba mươi của thế kỷ trước.
Ông Hợp đặc biệt quan tâm đến vấn đề ứng dụng giải phẫu vào chữa bệnh. Qua thực tế làm việc, ông đề xuất kỹ thuật chọc dò gan và đường dẫn mật, đồng nghiệp đánh giá cao và gọi là phương pháp Đỗ Xuân Hợp, ngày nay phương pháp đó vẫn còn giá trị và đã trở thành kinh điển.
Vừa làm việc, nghiên cứu khoa học, vừa học tập, cuối năm 1944, ông thi tốt nghiệp bác sĩ với luận án “Nghiên cứu về bộ xương người Việt Nam”, đã được Hội đồng chấm thi Trường Đại học Y khoa Đông Dương, sau đó là Hội đồng chấm thi bác sỹ ở Pa ris (Pháp) đánh giá giỏi xuất sắc.
Bắt đầu từ năm 1940, ông dành nhiều thời gian hơn nghiên cứu đặc điểm cấu trúc hộp sọ, bộ xương, hình thái cơ thể người Việt để phục vụ cho các ngành mỹ thuật, khảo cổ học, dân tộc học. Đặc biệt ông cùng giáo sư P. Huard viết chung tác phẩm: “ Morphologie humaine et anatomie artistique”. (Hình thái học người và giải phẫu thẩm mỹ), hai tập, in năm 1942. Sau này, Viện hàn lâm y học Pháp xét giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của tác phẩm đã trao Giải thưởng Testut - Giải thưởng lớn nhất thế giới thời đó cho các nhà giải phẫu danh giá.
Là giảng viên ĐH Y khoa Đông Dương, bác sĩ Bệnh viện Phủ Doãn, Đỗ Xuân Hợp là trí thức nổi tiếng thành đạt cả địa vị xã hội và kinh tế. Theo bà Thịnh, vợ bác sĩ Hợp thì lương chính của ông là 250 đồng một tháng, lúc đó vàng 50 đồng một lạng (nếu quy đổi vàng ra tiền bây giờ thì lương ông khoảng 130 triệu đồng một tháng). Gia đình ông đã có biệt thự ở phố Trần Xuân Soạn, có phòng mạch tư, có ô tô con mác Renault dùng để đi thăm khám bệnh và đi nghỉ... Nhưng ông vẫn trăn trở, day dứt khi thấy xã hội có nhiều bất công đang bày ra trước mắt.
Đầu tháng 11 năm 1946, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp tình nguyện vào bộ đội cứu chữa cho thương binh. Tạm biệt đô thành, tạm biệt vợ con và cuộc sống sung túc, giàu sang, ông hăm hở đi ra ngoại ô, ngược đường lên chiến khu.
Đúng lúc ở chiến khu Việt Bắc, bác sỹ Đỗ Xuân Hợp nhận được tin Viện hàn lâm Y học Pháp trao Giải thưởng Tertut cho ông cùng với giáo sư P. Huard. Đây là Giải thưởng về Giải phẫu học lớn nhất thế giới dành cho các nhà Giải phẫu học danh giá. L. Testut là một trong những Nhà Giải phẫu học lỗi lạc nhất thế giới. Nhà Giải phẫu được Giải thưởng Testut là một vinh quang vô cùng lớn trong nghề nghiệp cũng như Nhà Phẫu thuật được Giải thưởng Langelongue (Giáo sư Tôn Thất Tùng được Giải thưởng Langelongue năm 1980 và ông là Nhà Phẫu thuật thứ 10 trên thế giới nhận giải thưởng này.)
Mùa đông năm 1949 ở chiến khu, khi ông biết tin được tặng Giải thưởng Testut cũng là lúc ông đang thu thập tài liệu để viết công trình khoa học mới "Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa". Những năm chống Mỹ ác liệt, ở nơi sơ tán ông vẫn miệt mài hoàn thành nốt hai cuốn sách: "Giải phẫu ngực" và "Giải phẫu đại cương đầu mặt cổ". Đến năm 1971, bộ sách giáo khoa "Giải phẫu người" đồ sộ đã hoàn thành gồm bốn tập: "Giải phẫu đại cương, giải phẫu đầu mặt cổ", "Giải phẫu thực dụng ngoại khoa tứ chi", "Giải phẫu ngực", "Giải phẫu bụng" với 1494 trang in, 945 hình vẽ minh hoạ. Đây là công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất mà ông đã dành cả cuộc đời tâm huyết và viết nó trong vòng 20 năm.
Đã là thầy thuốc ở nước ta thì người nào cũng được học qua bộ "Giải phẫu người " đồ sộ này". Nó đã trở thành kinh điển đối với các thầy thuốc Việt Nam . Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh khẳng định đây là sách giải phẫu của thầy thuốc Việt Namviết cho người Việt Nam . Công trình khoa học của giáo sư Đỗ Xuân Hợp đã được Nhà nước đã tặng Giải thưởng Hồ Chí minh năm 1996 (đợt đầu tiên).
Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, danh nhân Đỗ Xuân Hợp đã đi vào cõi vĩnh hằng hơn hai mươi năm rồi. Nhưng bao nhiêu người còn khắc khoải nhớ về ông, đau đáu ước nguyện sẽ có một con đường Đỗ Xuân Hợp ở ngay tại Hà Nội, nơi ông đã sinh ra, cống hiến và được vinh danh.