Người khắc tên Việt Nam trong thế giới loãng xương
GS. Nguyễn Văn Tuấn là giáo sư gốc Việt đầu tiên ở Australia được bổ nhiệm danh vị. Năm 2005, GS. Nguyễn Văn Tuấn là một trong 15 người được vinh danh trong Lễ vinh danh nước Việt (lễ vinh danh dành cho những người Việt Namđạt thành tựu xuất sắc trong mọi lĩnh vực đang sinh sống tại Việt Nam và các nước trên thế giới).
Đường đời gập ghềnh
Ít người biết cuộc đời của vị GS thành danh này đã trải qua nhiều ngã rẽ, nhiều sóng gió. Từ năm 1978-1980, ông biết từng làm việc tại cơ quan thống kê ở Kiên Giang và mang trong mình lý tưởng, khát vọng của một thanh niên sẵn sàng vì đất nước. Nhưng vào thời kỳ mới giải phóng và bao cấp với bao khó khăn chồng chất và những hiểu lầm, thậm chí kỳ thị, Nguyễn Văn Tuấn xin nghỉ việc. Năm 1981, ông cùng một số người bạn rời Việt Nam bằng đường biển. Cả đoàn tàu ông đi bị cướp hết tài sản và bị hết sạch nguyên liệu. Cuối cùng, chiếc tàu dạt vào vùng đất giáp ranh giữa biên giới Thái Lan và Malaysia . Sau 3 tháng mòn mỏi ở trại tị nạn, ông nghe tin có đại sứ quán của Australia xuống phỏng vấn. Không thạo tiếng Anh, ông làm đơn xin nhập cảnh vào Australia với một lá đơn dịch từng từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Nhân viên sứ quán xem qua đơn và nghe trả lời của ông, họ nói thẳng rằng ông không thể đi học lại được vì tiếng Anh kém quá, và cũng không thể làm nghề nông vì không có đủ tiền. Tưởng rằng ý định đi Australiađã không thành sự thật, nhưng anh nhân viên sứ quán vẫn hỏi tiếp rằng ông còn có lý do nào để muốn đi Australia , và ông trả lời một cách thật tình: "Dạ, tôi muốn xem con Kangoroo". Anh nhân viên sứ quán ngạc nhiên, rồi bật cười ha hả, chấp nhận cho Nguyễn Văn Tuấn được nhập cư vào Australia .
Tự học tiếng Anh, thi trượt đại học Sydney, và trở thành GS đầu ngành
Trong thời gian chờ đợi đi Australia , ông xin vào làm ở thư viện của trại tị nạn. Hằng ngày, ông sắp xếp công việc hợp lý, lúc nào rảnh thì tranh thủ học tiếng Anh. Mỗi sáng góp nhặt những tờ báo tiếng Anh gói rau cải, xếp lại cho phẳng, rồi tìm những chữ muốn học, vào thư viện tra từ điển, xem cách phát âm, cách dùng, nguồn gốc của chữ... Sau khoảng 6 tháng ở nơi mới, tháng 1/1982, ông cùng hơn 54 người khác lên máy bay đi định cư ở Australia . Ông tiếp tục học tiếng Anh bằng cách tra từ điển và bắt đầu tìm việc làm. Qua nhiều lần thất bại, ông được tuyển làm phụ bếp ở Bệnh viện Vincent"s. Công việc chỉ xoay quanh việc rửa cơ man nào là nồi niêu, chén bát và thái hàng trăm củ hành tây mỗi ngày. Sau 9 tháng, ông được cử làm nhân viên giao nhận các mẫu thử nghiệm giữa các phòng thí nghiệm trong bệnh viện. Nhưng ông vô cùng nản lòng khi biết, tại bệnh viện này, có rất nhiều người ở các nước Nga, Ba Lan, Hy Lạp, Trung Quốc đã từng là chuyên viên lành nghề, là luật sư, bác sĩ ở nước họ, nhưng sang đây vẫn phải làm việc chân tay tới hàng chục năm trời.
Nghĩ bụng, cứ làm mãi những công việc thế này thì tương lai sẽ chẳng đi tới đâu nên ông ghi tên xin học lại ở Đại học Sydney . Nhưng chỉ vì một câu trả lời ngây thơ, ông bị trượt. Ông lại tiếp tục ghi tên xin học ở Đại học Macquarievà lần này thì được thông cảm cho cơ hội theo học. Trong 3 tháng đầu, vì không thạo tiếng Anh và khả năng nghe cũng hạn chế, nên tối nào ông cũng ngồi lại thư viện để tự học thêm. Sau một thời gian làm quen với cách học ở Australia , ông trở nên tự tin và tích cực hơn, được làm phụ giảng cho sinh viên chương trình cử nhân. Làm luận án masters xong, ông chuyển sang Đại học Sydney theo học chương trình tiến sĩ. Xong luận án tiến sĩ, ông đi làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Thụy Sĩ. Được gần 1 năm thì lại quay về làm việc cho Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Trong thời gian ở Garvan, ông viết luận án tiến sĩ ngành nội tiết học chuyên về loãng xương, và luận án được Hội đồng khoa bảng Đại học New South Wales đánh giá xuất sắc trong năm với một giải thưởng... 1.000 đô-la. Năm 1998, ông được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư Trường Đại học Y Wright State (bang Ohio ). Cuối năm 2000, ông lại quay về Viện Garvan tiếp tục làm việc cho đến nay.
Trong thời gian qua, ông và nhóm nghiên cứu do ông lãnh đạo đã có nhiều công trình quan trọng đóng góp vào sự phát triển và tri thức loãng xương. Nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên khám phá gen VDR trong loãng xương, mở đầu cho hàng ngàn nghiên cứu về di truyền trong xương cho đến nay. Ông là một trong số rất ít người đi tiên phong về nghiên cứu loãng xương ở đàn ông và cho đến nay các công trình này được xem là kinh điển. Năm 1994, ông chứng minh sự mất xương liên tục ở người cao tuổi và hệ quả gãy xương do mất xương và phát hiện này đã đính chính lại sách giáo khoa về xương. Nhóm của ông cũng là nhóm đầu tiên trên thế giới phát triển mô hình tiên lượng gãy xương có thể áp dụng cho từng cá nhân. Ngoài ra, ông còn có công giới thiệu các phương pháp dịch tễ học theo mô hình Bayes cho chuyên ngành loãng xương.
Chính nhờ nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi nên ông có hơn 150 bài báo khoa học liên quan đến lĩnh vực loãng xương, lĩnh vực nghiên cứu mà ông theo đuổi từ hơn 15 năm qua. Có những bài viết đăng trên các tạp chí y khoa hàng đầu thế giới như Nature, JAMA, Lancet. Nhiều nghiên cứu của ông đã được đồng nghiệp quốc tế trích dẫn hơn 200 lần, có bài cả ngàn lần. Có công trình viết lại sách giáo khoa về xương và được Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng để làm tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương. Ông còn là chuyên gia phản biện cho 15 tập san y khoa quốc tế và hằng tuần phải viết bình duyệt ít nhất hai công trình nghiên cứu cho các tập san y học chuyên ngành trên thế giới..
Lắng sâu tiếng nói quê hương
Ông tâm sự, trước đây vì hoàn cảnh lịch sử mà ông và nhiều bạn bè cùng trang lứa phải rời Việt Nam . Nhưng có đi mới hiểu thế nào là niềm đau đáu nhớ quê hương, mới hiểu ra đi là để hiểu cảm giác được trở về quê hương trọn vẹn hơn. Quá nửa đời phiêu bạt, nếm trải đủ vị của cuộc sống nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào ông vẫn khắc cốt ghi tâm câu nói của cụ Nguyễn Công Trứ: "Phải có danh gì với núi sông". Với ông, "danh" không nhất thiết là những việc lớn lao, tầm vóc, đó có thể là những việc làm nhỏ nhưng đem lại lợi ích và hạnh phúc cho người khác, như thế đã hạnh phúc rồi.
GS. Nguyễn Văn Tuấn chưa một lần nói về danh vị của mình, chưa một lần tự nghĩ ông đã có nhiều đóng góp cho Tổ quốc. Nhưng trong tâm trí của nhiều đồng nghiệp, nhiều học trò và nhiều bạn đọc, GS là người có nhiều đóng góp lớn cho đất nước, từ sự khẳng định vị thế của người Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đến sự thay đổi nếp nghĩ, sự dấn thân cho khoa học, cho Tổ quốc của những người đã từng biết ông và đọc các bài viết của ông.
Nguồn: suckhoedoisong.vn (17/01/08)