Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 06/10/2006 21:13 (GMT+7)

Người ghi bão và “đóng gói” nước giếng

Nhà anh Lê Văn Thưa, nằm ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh- Quảng Bình) - Một thôn nhỏ thanh bình nằm nép mình bên con đường huyết mạch Bắc- Nam, chỉ cách cầu Quán Hàu chừng 2 cây số.  Ngôi nhà cấp 4, nhỏ và khiêm nhường. Vật dụng đáng giá nhất trong ngôi nhà này có lẽ là dàn máy vi tính đời cũ. Sinh năm 1952, cao gầy, đen chắc và “sở hữu” một đôi mắt thật sáng. Lê Văn Thưa nhập ngũ năm 1971 vào lực lượng Hải quân. Hơn 10 năm lăn lộn bên Campuchia, sau đó ở vùng biển đảo Phú Quốc với vị trí là một sĩ quan của phòng tác chiến vùng 5 Hải quân. Anh nghỉ hưu với cấp bậc thiếu tá và trở về thôn Tiền để được... làm nông dân - Anh bảo thế.

Từ bản đồ theo dõi bão thông dụng...

Trong cơn mưa dầm dề, báo hiệu mùa mưa bão sắp đến, câu chuyện của chúng tôi cứ thế mặn dần... Rời quân ngũ, anh trở về giúp vợ - một cô giáo trường làng, chăm hai đứa con đang tuổi ăn học. Chị Nguyễn Thị Tình, bảo: “Anh ấy vụng lắm, đến trồng rau má, rau còn chả sống. Chỉ giỏi mày mò, ghi ghi, chép chép”.

Năm 2005, khi cơn bão số 7 đổ bộ vào Việt Nam gây thiệt hại rất nặng nề về cả người và của, anh Thưa cứ trằn trọc, nghĩ ngợi, làm sao cho mỗi người dân có thể theo dõi được đường đi của bão để chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động phòng tránh nó từ xa?

Những kiến thức được trang bị trong Hải quân về theo dõi bão đã gợi ý anh làm một tấm bản đồ theo dõi bão thông dụng để tất cả mọi người đều sử dụng được. Từ đó họ biết được hướng di chuyển của bão, dự đoán và chuẩn bị cho riêng mình một phương án phòng tránh hữu hiệu.

Mấy tháng trời, anh mày mò tìm tư liệu, đo, kẻ vẽ, tính toán từng chi tiết. Rồi tham khảo bản đồ theo dõi bão của Hải quân năm 1982, cả những bản đồ trong sách địa lý của con.

Anh Thưa lùng sục vào các hiệu sách và thư viện của thành phố Đồng Hới hy vọng may ra có tư liệu nào đó hướng dẫn cách xây dựng một tấm bản đồ. Chịu! Có chiếc máy vi tính của con, anh nghĩ ngay đến việc vào mạng để tìm tư liệu. Thế là bao nhiêu sách tự học vi tính, anh khuân về tự học. Sử dụng được vi tính, người cựu chiến binh ra quán Internet của làng nhờ bọn trẻ bày cho cách vào mạng tìm tư liệu. Cả thôn Tiền bảo anh điên. Già rồi còn suốt ngày ra quán chát chít... Anh kệ.

Cả một thời gian “quần thảo” trên mạng, có tháng phải trả cho quán đến 500 nghìn đồng, nhưng vẫn chưa tìm được điều mong muốn. Anh lại khăn gói về Đồng Hới, vào các cửa hàng lớn tìm mua phần mềm vẽ bản đồ. Chẳng cửa hàng nào có. Không nản, anh trở về với chiếc máy tính cũ của mình và tự tạo ra bản đồ trên chương trình photoshop. Hài lòng với tấm bản đồ tạo được mà theo anh, bảo đảm tính chính xác cao, rất thuận lợi cho bất cứ ai khi theo dõi bão. Khổ của tấm bản đồ có thể thu nhỏ, phóng to cỡ 23cm x26cm hoặc 46 x52cm. Có tấm bản đồ này, bất cứ ai, chỉ cần qua radio là có thể biết được bão đang ở đâu, cách nơi họ ở bao xa và khả năng ảnh hưởng của nó như thế nào. Theo anh Thưa, tấm bản đồ này sẽ rất cần thiết cho ngư dân trên biển, khi họ chỉ có một kênh thông tin là radio. Họ tự vẽ được hướng đi của cơn bão và biết cần phải làm gì.

Đến “đóng gói nước giếng” và khai thác nước ven đồi cát

Quảng Bình, bão lụt triền miên. Ngay thôn Tiền cũng nằm trong tình trạng chung đó. Có năm nước lũ vào nhà ngập đến đầu người. Nước lụt rút đi, để lại bao hậu quả. Điều anh đau đáu nhất là nguồn nước sinh hoạt - chủ yếu là nước giếng - sau lũ bị nhiễm bẩn kéo theo bao dịch bệnh cho người và vật nuôi. Cứ sau mỗi trận lụt, bao gia đình dùng nước giếng phải tốn nhiều công sức để thau, vét trong lúc mực nước đang rất cao, vừa tốn công vừa có nguy cơ vỡ thành giếng. Hoặc họ phải chạy đôn, chạy đáo tìm mua hóa chất xử lý nguồn nước.

Vậy làm sao bảo vệ được nguồn nước này trong mùa lũ lụt? Ý tưởng đó cứ nung nấu trong anh suốt cả ba tháng trời để rồi bắt tay vào thực hiện.

Anh Thưa cho biết: Ý tưởng giữ sạch nước giếng trong mùa lũ lụt của tôi rất đơn giản. Đó là “đóng gói giếng nước” một cách an toàn thả giữa biển nước mênh mông theo nguyên lý bình thông nhau trong Vật lý.

Anh đưa “công trình” của mình cho chúng tôi xem, chỉ gồm ba trang giấy A4, có cả thuyết minh, cách làm và hình ảnh minh họa tự vẽ trên chương trình photoshop. Nó đơn giản đến mức, có thể gói gọn trong một câu rằng: Khi nước lụt sắp tràn qua miệng giếng, thì chủ nhân của nó hãy lấy một vật liệu không thấm nước bịt chặt miệng giếng lại, “đóng gói” nước sạch gửi giữa biển nước bẩn, khi nước bẩn rút cạn, thì mở nước sạch ra mà dùng. Chỉ đơn giản thế thôi mà ý tưởng này đã đoạt được giải 3 trong cuộc thi “Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường” do Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường phát động năm 2005-2006. Sáng kiến này đã khiến một phóng viên chú ý, điện thoại từ Mỹ về trao đổi với anh đến hơn 20 phút. Phóng viên nước ngoài này cho rằng, ý tưởng này không chỉ hữu ích cho riêng người dân Việt Nam...

Anh Thưa lại mở tủ, lấy ra cũng chỉ ba trang giấy, khoe: “Đây là “công trình” tôi mất gần sáu tháng trời đo, vẽ, xây dựng và thực nghiệm thành công việc khai thác nước sinh hoạt cho cư dân vùng cát. Dân vùng cát thích lắm vì nó đơn giản, dễ làm và rất kinh tế. Hàng triệu dân sống dọc theo vùng cát ven biển xưa nay lấy nguồn nước tự nhiên từ trong cát theo các con lạch nhỏ chảy ra để sinh hoạt. Họ đã quen rồi, nhưng như thế vừa mất công vừa không bảo đảm vệ sinh. Sáng kiến của tôi chỉ là dùng một hệ thống gồm nhiều ống nhựa lọc nước trên các đồi cát, sau đó nước được dẫn về một ống gom nước. Từ ống gom này, nước theo nhiều nhánh rẽ về từng hộ gia đình. Vừa tiện, vừa bảo đảm vệ sinh. Cứ một cụm như vậy có thể dùng cho hơn 10 gia đình...”.

Người vợ cho biết: Lương hưu Thiếu tá của anh chỉ vừa đủ tiền vào mạng và mua giấy viết, vẽ bản thảo. Có khi bản thảo phải vứt bỏ đến cả mươi cân giấy. Ngay chuyện đọc bản thảo thôi, chị đã gần như thuộc làu các “công trình” của anh... Chị nhìn chồng, rồi nguýt yêu: “Cứ “vác tù và hàng tổng” kiểu ấy, có khi vợ con chết đói...”. Anh Thưa thật hạnh phúc. Hai đứa con anh đều ngoan và học giỏi. Con trai đầu là Lê Tiến Mười, hai năm liền đoạt giải 2 và 3 Tin học toàn quốc. Giờ đang là sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Công nghệ HN. Cô gái út là Lê Thùy Dương, đang học lớp 12 chuyên Hóa ở trường chuyên Quảng Bình đã từng đoạt huy chương đồng môn Hóa, Olympic truyền thống 30-4 tại Đà Nẵng.

Anh Thưa tâm sự: “Tôi chỉ ao ước sao những ý tưởng nhỏ của tôi, qua một kênh nào đó, hoặc có một nhà tài trợ nào đó nhân rộng để nó trở thành đại trà và đến được với mọi người cần đến nó...”. 

Nguồn: nhandan.com.vn 22/9/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.