Nghiên cứu về cây lúa chuyển hướng sang khắc phục những trận hạn hán thường xuyên ở châu Á
IRRI có trụ sở tại Philippin cho biết, một công trình nghiên cứu trong năm nay đã kết luận rằng, chính tình trạng hạn hán, hơn cả các trận lụt lội hay bão là mối đe doạ chủ yếu luôn diễn ra ở châu Á, nơi có đến một phần năm diện tích trồng lúa luôn bị hạn. “Việc đối phó với những trận hạn hán thường xuyên đó đã trở thành một phần trong cuộc sống của hàng triệu người dân nghèo ở các vùng nông thôn châu Á. Năm 2004, một trận hạn hán khắc nghiệt tại nhiều nơi thuộc châu Á đã không chỉ dẫn đến những thiệt hại về nông nghiệp trị giá đến hàng trăm triệu đôla, mà còn đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh đói nghèo”.
Kể từ đó, các nhà nghiên cứu thuộc IRRI đã xác định rằng, giống lúa mới không chỉ cho sản lượng thu hoạch cao trong các điều kiện thuận lợi, mà năng suất vẫn có thể đạt 2-3 tấn/ha trong các điều kiện hạn hán, trong khi các giống lúa phổ biến chỉ có thể đạt năng suất chưa đến 1 tấn trên một ha. Dùng phương pháp nhân giống chéo (cross-breeding) các nhà nghiên cứu đã cho ra đời thế hệ đầu tiên mang tên “Lúa nhịp điệu” (Aerobic Rice) có thể tăng trưởng trên đất khô hạn, giống như cây ngô để thay cho giống lúa nước. Giống lúa này là kết quả của sự lai chéo giữa giống lúa mới, hiện đại cho năng suất cao, có phản ứng tốt với phân bón với giống lúa truyền thống có năng suất thấp nhưng lại có thể sống được trên đất khô hạn. Theo IRRI, một số dòng hiện đang được thử nghiệm trên các vùng đất quanh năm hạn hán ở vùng Nam Á.
Tiếp theo bước đột phá về lập trình tự bộ gien cây lúa, các nhà khoa học thuộc IRRI còn tạo ra 40.000 các giống lúa khác nhau, trong đó các hoá chất hay phóng xạ đã được sử dụng để đánh bật ra các phân đoạn sắp xếp ngẫu nhiên trong bộ nhiễm sắc thể của cây lúa. Các cây lúa thu được với tên gọi “các đột biến gây mất đoạn” đang được sàng lọc dưới các điều kiện hạn hán trên các cánh đồng, hay được áp dụng các hocmon chịu hạn trong phòng thí nghiệm để xác định liều lượng hay các đột biến có thể chấp nhận được. Công việc nghiên cứu còn đang tiến hành xác định những gien mất đoạn nào chịu trách nhiệm về hiệu ứng này.
Theo truyền thống, cây lúa cần rất nhiều nước trong giai đoạn sinh sản. Nếu các điều kiện khô hạn, nó sẽ làm giảm việc sản xuất giberelin, một loại hocmon kích thích mọc chuỳ, hay hoa để có thể nảy nở đầy đủ thành bẹ lá, cũng như tạo ra phấn hoa. Điều này dẫn đến làm giảm sản lượng thu hoạch.
Các đợt hạn hán thường có tác động đến khắp các nơi tại các vùng nông thôn châu Á, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương, như Nhà kinh tế nông học, thuộc IRRI Sushil Pandey đã nói: “Nếu nền kinh tế địa phương hoạt động không thuận lợi, việc làm sẽ mất đi và mối tác động cứ chồng chất. Một khi người nông dân không có khả năng trả lãi cho các khoản nợ của mình, họ sẽ ngày càng lún sâu hơn vào gánh nặng nợ nần, họ sẽ bị mất dần đất đai và những tài sản sở hữu khác, cuối cùng họ sẽ trở nên nghèo túng”.
Nguồn: AFP, 10/2005