Nghiên cứu, ứng dụng vật lý địa cầu phòng, chống thảm họa thiên tai
Đây là cơ quan duy nhất được Chính phủ giao trách nhiệm về báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở Việt Nam. Tại trung tâm này, chế độ trực theo dõi được duy trì 24/24 giờ nhằm bảo đảm phát hiện kịp thời các thảm họa động đất -sóng thần. Tính đến nay, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã phát hiện, cảnh báo hơn 370 trận động đất lớn, nhỏ trên toàn lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam, với độ lớn dao động từ 0,7 đến 4,7 độ (thang mô-men). Các nhà khoa học địa chấn cho rằng, ở nước ta có nhiều đới đứt gẫy, trong đó đáng chú ý là các đới đứt gẫy Sông Mã (Tây Bắc), Sông Cả (Nghệ An), vùng ven biển Nam Trung Bộ và ngoài khơi Bà Rịa -Vũng Tàu... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra động đất. Thực tế năm 1983, đã ghi nhận động đất có cường độ 6,8 độ rích-te ở Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) và hơn ba năm trở lại đây đã có hàng trăm trận động đất từ 2,5 đến 4,7 độ ríchte xảy ra tại vùng Tây Bắc, Nghệ An, nhất là khu vực Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), nơi có nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.
Nhằm phục vụ kịp thời công tác theo dõi và báo tin động đất khu vực này, cuối năm 2012, Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện dự án "Xây dựng và lắp đặt mạng trạm địa chấn phục vụ nghiên cứu tình hình động đất khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 và vùng lân cận". Dự án đã xây dựng năm trạm được kết nối in-tơ-nét để khi có hiện tượng động đất ở khu vực này thì các số liệu được truyền về Viện Vật lý địa cầu xử lý và thông báo kịp thời đến người dân.
Hơn 10 năm trở lại đây, hoạt động nghiên cứu về nguy cơ và giải pháp phòng tránh động đất không ngừng được triển khai thực hiện. Bên cạnh sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong nước thì việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu này cũng được tăng cường và đạt được hiệu quả đáng kể. Chẳng hạn như các ý kiến tư vấn, góp ý của các chuyên gia Viện Vật lý trái đất (Viện Hàn lâm khoa học Nga) đối với một loạt nhiệm vụ của đề tài cấp Nhà nước "Phân vùng dự báo chi tiết động đất ở khu vực Tây Bắc" (năm 2005) do Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thủy làm chủ nhiệm. Điều có ý nghĩa là từ các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu giữa Viện Vật lý địa cầu với Viện Vật lý trái đất và một số đơn vị khác thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga về khu vực thủy điện Sông Tranh 2, tổ hợp các phương pháp địa chấn sẽ được sử dụng để theo dõi trạng thái và đánh giá độ an toàn của các công trình thủy điện khác ở nước ta cũng như môi trường địa chất chung quanh chúng. Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của tình trạng biến đổi khí hậu, cho nên Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề tài "nghiên cứu đánh giá thông lượng và các đặc trưng cơ bản của Son khí (aerosol) và đề xuất các giải pháp ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường" (giai đoạn 2011 -2014). Đây là đề tài do Viện Vật lý địa cầu chủ trì (TS Nguyễn Xuân Anh làm chủ nhiệm), phối hợp cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - NASA và các nước trong khu vực cùng nghiên cứu. Điểm mới của đề tài là với thiết bị của NASA, trong các năm 2012, 2013, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo sự phân bố Son khí tại Hà Nội, Sơn La, Yên Bái, Nha Trang... Các số liệu thu thập được sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh giá ảnh hưởng của Son khí lên sự biến đổi thời tiết, khí hậu ở nước ta trong hiện tại và tương lai; thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước...