Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật mở bao sau thủy tinh thể bằng laser YAG
Kết quả cho thấy, 42,55% mắt có thị lực ≥ 3/10 và 13,19% mắt ≥ 5/10 trước phẫu thuật, sau phẫu thuật tăng lên 87,66% và 65,96%. Không gặp trường hợp nào bị biến chứng bong võng mạc, phù hoàng điểm, tổn hại thể thủy tinh nhân tạo, viêm nội nhãn…
Phẫu thuật TTT bằng Phaco, đặt TTT nhân tạo trong túi bao là phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, biến chứng muộn hay gặp nhất sau phẫu thuật là bao sau TTT bị mờ đục, gây giảm thị lực.
Đục bao sau (còn gọi là đục TTT thứ phát) phụ thuộc vào tuổi, ít gặp ở người già, nhưng hay gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em và trẻ sơ sinh.
Ở người lớn, sau phẫu thuật đục TTT 2 - 5 năm, tỷ lệ đục bao sau gặp khoảng 20 - 40%. Sau phẫu thuật ngoài bao đặt TTT nhân tạo, tỷ lệ này còn cao hơn (54,8%).
Tỷ lệ đục bao sau phụ thuộc nhiều yếu tố: bệnh toàn thân (đái tháo đường…), bệnh mắt kèm theo (viêm màng bồ đào, đục TTT hội chứng giả bong bao), kỹ thuật mổ (kích thước xé bao, rửa hút), TTT nhân tạo (chất liệu, thiết kế).
Về điều trị đục bao sau, cho đến nay phẫu thuật mở bao sau bằng laser Nd YAG là phương pháp hiện đại và hiệu quả nhất. Ở Việt Nam, hiện còn rất ít báo cáo về sử dụng laser YAG trong phẫu thuật mở bao sau.