Nghĩ về con trâu
Từ thời kỳ văn hoá Đông Sơn, tổ tiên đã biết dùng trâu bò kéo cày (khảo cổ học đã tìm ra hàng trăm lưỡi cày đồng trong lòng đất ở đồng bằng Bắc Bộ).
Trâu làm được nhiều việc: kéo cày, bừa, trục lăn lúa, ép muối, kéo gỗ, kéo xe, thồ hàng…
Người nông dân Việt Nam tôn vinh “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Không thể thiếu trâu trong nghề làm ruộng, nên có câu: “Làm ruộng không trâu, khác gì làm giàu không thóc”.
Trong đời người nông dân trưởng thành có 3 việc lớn, trong đó mua trâu được xếp hàng đầu “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”.
Người nông dân Việt Nam , qua các thể hệ, đã tích luỹ đúc kết không ít kinh nghiệm quý báu về chọn lọc, sử dụng trâu bò (động lực sống của nông nghiệp), không thành văn nhưng được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Khi so sánh giữa trâu và bò có câu “Trâu gầy cũng thày bò giống” và “Yếu trâu hơn khoẻ bò” (thật đúng với thực tế) vì trâu thích hợp với làm đất nặng, còn bò thích hợp với làm đất nhẹ, nên cũng dặn nhau “Đồng chiêm xin chớ nuôi bò, mùa đông tháng giá bò dò làm sao?”. Tiêu chuẩn một con trâu tốt là “Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắc ốc nhồi, ăn no cày khoẻ”.
Nói về con trâu xấu: “Tam tinh khoáng dọ thì thừa, Đốm đuôi, nát chủ thì đưa vào nồi…” (doạ chủ, chống lại chủ).
Nuôi trâu với mục đích: 1. Làm sức kéo (có khả năng kéo bằng 1/10 khối lượng cơ thể); 2. Cung cấp nguồn phân bón hữu cơ (khó thay thế được); 3. Cho thịt, da, xương, sừng…. (làm thực phẩm, nguyên liệu làm hàng mỹ nghệ và công nghiệp).
Nước ta đi lên công nghiệp hoá, vị thế của con trâu sẽ như thế nào, khi “trâu sắt” có mặt trên đồng ruộng ngày càng nhiều.
Mặc dù có “trâu sắt” thay thế trong nông nghiệp, nhưng không phải ở đâu “trâu sắt” cũng đảm đương về cày, bừa được. Vì còn tồn tại manh mún từng thửa ruộng nhỏ ở đầu bờ; trên đất nương rẫy của trung du, miền núi hoặc trên những mảnh vườn trong gia đình mà “trâu sắt” không vào được.
Còn kéo xe, kéo gỗ, thồ hàng trên những vùng dẻo cao, đường giao thông không thuận lợi cho phương tiện cơ giới, nên chỉ có con trâu giúp được việc đó, mà nhân dân miền núi vẫn quen thuộc.
Tập quán lăn lúa (tuốt lúa) hay ép muối… nếu dùng cơ giới phải tốn chi phí xăng dầu hoặc điện, phải đầu tư mua máy… mà thực tế dùng không nhiều. Nên dùng trâu bò là hiệu quả kinh tế nhất.
Đã có một thời, ở đâu đó dùng “trâu sắt” gặp nhiều phiền toái. Nên nhân dân địa phương có câu: “Trâu đen ăn cỏ; trâu đỏ (máy cày) ăn gà!”.
Vì vậy những câu ca dao xưa tôn vinh con trâu vẫn có mức độ giá trị nhất định. Nhất là trung du, miền núi, kể cả 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, nên dùng trâu làm nông nghiệp còn rất thiếu. Việc sử dụng “trâu sắt” (thay trâu thịt) là do nông dân tính toán, thấy có lợi thì làm.
Một hướng nuôi trâu lấy thịt, không chỉ thịt những con trâu “Đốm đuôi, nát chủ thì cho vào nồi”. Cần coi đây là một hướng phát triển đàn trâu nuôi lấy thịt thật sự, bảo đảm chất lượng thịt thơm ngon (đúng nghĩa là “đặc sản”). Vì vậy cần lai tạo và có quy trình nuôi dưỡng, vỗ béo trâu chuyên dụng cho thịt, để cung cấp cho nhu cầu thị trường.
Sản phẩm của con trâu có giá trị lớn đó là sữa trâu. Xét về mặt dinh dưỡng, sữa trâu có giá cao hơn cả sữa bò. Điều này cũng cần nghĩ tới để có hướng cho tương lai.