Nghệ thuật kiến trúc nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình)
Toàn bộ khu nhà thờ bao gồm 19 công trình. Từ đường đi, sân, ao hồ đến các nhà thờ lớn, nhỏ, hang đá, giả sơn, cổng, tường… đều được sắp xếp một cách hài hoà, đẹp mắt. Vật liệu kiến trúc chủ yếu bằng đá và gỗ. Hai công trình xây dựng hoàn toàn bằng đá: Phương đình và Nhà thờ Trái tim đức mẹ Maria.
Từ khoảng sân lát gạch trước khu nhà thờ với đường kiệu lát đá thước xanh là Phương đình. Đây là một công trình độ sộ, vững chãi, hoàn hảo về mặt nghệ thuật. Phương đình vừa là tam quan vừa là gác chuông, rộng 24m, sâu vào trong 17m, cao 25m. Tất cả 3 tầng đều xây bằng đá xanh vuông vắn, mài nhẵn. Tầng dưới chia thành 3 lòng, mỗi lòng có một sập đá. Sập đá ở lòng giữa là một khối đá nguyên vẹn dài hơn 4m, rộng hơn 2m, dày gần 50cm. Trên các vách có phù điêu tạc hình các vị thánh, các chấn song đá tạo hình cây khoẻ, đẹp. Tầng giữa cũng bằng đá, đặt một trống đại.
Tầng trên là lầu chuông có quả chuông cổ cao gần 2m, đường kính hơn 1m, nặng gần 2 tấn. Người dân cho biết, từ xưa đến nay mỗi khi cụng chuông thì tiếng của nó vẫn vang vọng ngân nga tới hàng chục cây số bán kính. Bốn gác mái Phương đình cuộn trôn ốc, đều cất cao đuôi phượng và tận cùng là nhành hoa sói toẽ 3 mềm mại uyển chuyển. Công trình thứ hai toàn bằng đá là Nhà thờ trái tim Đức mẹ Maria, nằm về phía tây bắc, khu vực chung. Nhà thờ có chiều dài 18m, rộng 9m, cao 8m, phân làm 5 gian. Tất cả vật liệu xây dựng ở đây đều bằng đá: từ cột, kèo, bẩy, tường, nền cho đến chắn song, cửa chính, cửa sổ…
Mặt tiền nhà thờ này gồm một toà Đức mẹ với 2 tháp hình vuông, 5 tầng ở hai bên. Các tháp ở đây có hình Tháp Bút như ở hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Phía trong nhà thờ thiết kế toàn bằng đá cẩm thạch, bóng loáng, chạm trổ đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát. Các chấn song, vách chạm lộng những cây thông, phong, tùng, cúc, trúc. Ba bàn đá đặt trước bàn thờ. Bàn đá chính ở giữa có khắc hình trái tim với lưỡi gương xuyên suốt. Hai bên trái, phải tại 1 cái giếng có nắp đậy và khu vương rào kín, tượng trưng cho Đức mẹ trinh khiết.
Các khu nhà thờ: Thánh Giuse, Thánh Phêso, Trái tim chúa Giêsu, Thánh Rôcô bố trí 2 bên nhà thờ chính làm bằng gỗ - nền đá. Riêng ngôi nhà thờ chính - còn gọi là Nhà thờ kính Đức mẹ rất thánh mên côi, vật liệu xây dựng vừa bằng đá và bằng gỗ tứ thiết. Phía sau Phương đình là một khoảng sân lát đá xanh, rộng gần 400m2. Xế đầu sân và trung tâm điểm của toàn bộ quần thể khu Nhà thờ Phát Diệm là ngôi mộ nhỏ, khiêm nhường - nơi an nghỉ của con người tài đức song toàn đã sáng tạo nên quần thể kiến trúc kỳ vĩ này: Linh mục Trần Lục (1825 - 1899).
Ngôi nhà thờ lớn khá bề thế, oai nghiêm, nhưng lại vừa thanh thoát, tinh xảo, mỹ lệ. Cửa chính là gian chái kiệu xây đá chia thành 5 cửa. Nằm ngang trên cửa chính là 2 phiến đá lớn chồng lên nhau, phiến đá dưới dài hơn 4m, cao 1m5, rộng 0m70, phiến đá dài hơn 2m, cao 1m2, rộng 0m60. Mặt trước phiến đá dưới chạm trổ một cụm hoa mân côi (hoa hồng) 17 nhánh, trên mỗi nhánh khắc một thiên thần.
Gian cung thánh bên trong với 52 cột gỗ lim, vòng thân mỗi cột gần 3m, cao 11m, nặng gần 7 tấn. Bàn thờ chính là khối đá xanh nặng hơn 20 tấn. Trên các mặt đá chạm hoa lá 4 mùa, mây nước tung bay trông như những chiếc khăn hoá thạch màu sáng trong. Phía sau gian thờ là khối nhà gỗ lim khá lớn. Trên các mặt gỗ trạm trổ hết sức công phu, tài hoa, sơn son thiếp vàng lung linh, huyền ảo… Nét son, thếp vàng trải qua hàng trăm năm vẫn lộng lẫy, rực rỡ như mới làm. Đây là một công trình điêu khắc gỗ tuyệt xảo vào hạng bậc nhất nước ta. Hai bên gian cung thánh, các vì cửa là các chấn song đá, mỗi cây song được tạo hình cây trúc tiêu khoẻ khắn, thanh nhã…
Ngoài ngôi nhà thờ lớn, nhà thờ đá, phương đình 4 ngôi nhà thờ nhỏ còn có các công trình: ao hồ, tượng chúa Giêsu, núi Sọ, hang đá Bê Lem, vòi phun nước, hang đá Lộ Đức, nhà hát Nam Thanh… mỗi công trình đều có một vẻ đẹp riêng và khá hấp dẫn.
Điều kỳ diệu đặc biệt của quần thể công trình kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm là nghệ thuật xây dựng ngay trên tầng đất bãi phù sa đang trong quá trình bồi lắng. Vùng đất này do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình tạo thành. Khoảng giữa thế kỷ XIX, Nguyễn Công Trứ - một võ tướng giỏi, có tài kinh bang tế thế, là một nhà thơ lừng danh, được triều đình cử làm Dinh diền sứ về chỉ đạo khai khẩn vùng đất mới này. Ông tập hợp lưu dân nghèo khổ ở các vùng đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hoá về đây khẩn hoang lập nghiệp.
Phần đông họ là tín đồ Thiên chúa giáo. Ông lập một nhà thờ bằng tre nứa để dân chúng cầu nguyện. Nhờ tài tổ chức của ông và sự cần cù miệt mài của cư dân, chẳng mấy năm, vùng Kim Sơn - Phát Diệm đã trở thành đất vàng - đất bạc. Bên cạnh khu nhà thờ, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Nguyễn Công Trứ, quanh năm hương khói thờ phụng ông. Năm 1865, linh mục Trần Lục - tên chính là Trần Chiêm, người làng Mỹ Quan, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá được cử về làm Linh mục Chánh xứ Phát Diệm.
Thể theo nguyện vọng của giáo dân, ông quyết định xây dựng một nhà thờ “Vĩnh Cửu” cho giáo xứ. Công việc chuẩn bị vật liệu xây dựng được tiến hành trong 10 năm trời ròng rã. Đá, gỗ, tre luồng… khai thác từ các vùng núi Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình… chuyển về bằng đường sông, đường biển. Chỉ với việc khai thác, vận chuyển những khối đá, súc gỗ nặng hàng 2 - 3 chục tấn từ xa hàng trăm cây số về nơi tập kết an toàn đã là một kỳ công tuyệt vời. Năm 1875 khởi công xây dựng móng.
Đất đang bồi lắng, việc tạo nền móng đòi hỏi rất công phu. Hàng triệu cây tre, luồng, đất đá, cát đã tạo thành một nền móng vững chắc trải qua hơn 100 năm mà độ lún không đáng kể. Năm 1883 xây nhà thờ đầu tiên là Nhà thờ Đức mẹ Maria - còn gọi là Nhà thờ đá. Từ đó, suốt 16 năm trời, dưới thời chỉ huy của Linh mục Trần Lục (dân trong vùng gọi với tên thân thương là Cụ Sáu) và công sức của hàng ngàn thợ đá, gỗ, mộc, chạm lông… từ khắp nơi ở đồng bằng Bắc bộ, Thanh, Nghệ, Tĩnh tụ hội về, cùng với hàng vạn người dân vùng Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình đã lao động cật lực, tự nguyện và hoàn tất bộ quần thể Nhà thờ Phát Diệm cổ kính.
Quần thể kiến trúc - nghệ thuật Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình tuyệt tác. Nó thể hiện tài năng sáng tạo phi thường và lòng tự tôn dân tộc của người chỉ đạo xây dựng cùng với đội ngũ thợ, các nghệ nhân tài hoa của dân tộc ta thời xưa. Đó là một trong những kỳ quan bậc nhất, một viên ngọc rực rỡ trong kho tàng nghệ thuật kiến trúc Việt Nam .