Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 21/08/2006 15:15 (GMT+7)

Nếu là Bộ trưởng, tôi sẽ thay ít nhất 50% nhân sự

Tháng 10 tới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học giáo dục Việt kiều nặng lòng với nền giáo dục nước nhà sẽ nghỉ hưu và trở thành giáo sư danh dự.


Các lớp đào tạo cao học đẳng cấp quốc tế mà ông đã xây dựng và điều hành từ 12 năm nay cũng sẽ ngưng lại. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông.


Thưa giáo sư, 12 năm qua, ông nhận được gì từ những việc mình đã làm?


Xác định quay về Việt Nam là chấp nhận khó khăn nhưng quả thật “cái tình” mà tôi đã nhận từ những học trò của mình là không thể cân, đo, đong, đếm được và đánh tan những phiền muộn trong lòng.


Vào thời điểm còn khó khăn, có em đứng tên mua đất dùm tôi sau đó sang tên cho tôi cất nhà, ngôi nhà hiện tại tôi đang ở, mà không nề hà khó khăn. Xúc động nhất là các em lấy ngày sinh nhật của tôi (01 tháng Giêng) làm ngày họp mặt truyền thống.


Còn nữa, tôi đã đem đến Việt Nam những giáo sư tên tuổi, đầu ngành ở châu Âu, họ là bạn bè thân thiết của tôi. Có người đã đến Việt Nam hàng chục lần để giảng dạy. Nếu ở các nước khác phải trả cho họ 1.500 Euro/ngày, thì đến Việt Nam , tất cả đều dạy miễn phí.


Thậm chí, tiền để mua ô tô đưa rước họ tôi đề nghị dùng làm học bổng và cho sinh viên đến khách sạn đưa rước họ bằng xe honda. Số tiền ấy đã cứu vớt biết bao em sinh viên nghèo hiếu học.


Và khi tôi gặp khó khăn, bạn bè nhiều nơi đã gởi email chia sẻ, động viên, có lúc nước mắt tôi đã rơi trên bàn phím… Nhưng với tôi đó là những hạnh phúc mà không phải ai cũng có được…


Trở lại chuyện cũ, xin hỏi thật, là một giáo sư tên tuổi và thành công ở Bỉ, khi quyết định quay về Việt Nam, ông có lường hết khó khăn? Điều gì đã khiến ông đi đến quyết định đó?


Lý do nằm trong tim tôi! Đối với tôi, Việt Nam là số phận. Trước khi về, tôi đã tiên liệu được hết, thậm chí cả những nguy hiểm. Việt Nam vẫn còn những sinh viên sống lay lắt mà đầy khát vọng, đó là hình ảnh của tôi thời ấu thơ, tôi chỉ khác họ là có được học bổng đi Bỉ.


Tôi thấy gắn bó, thấy là bổn phận phải trở về mà không đòi hỏi…Giờ đây, tôi cảm thấy thanh thản. Tôi đã có chỗ ở tại Việt Nam , có nhà ổn định để sống quãng đời còn lại, nhưng quả thật tôi chưa yên lòng…


Vâng, một trí thức nặng lòng như ông về hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi…


Như tôi đã nói trong email gởi các bạn. Tôi đã thấy mệt mỏi, cần nghỉ ngơi dành thời gian cho gia đình và những việc khác. Tôi đang mở công ty thiết kế phần mềm làm xe hơi cho Đức và có lẽ sẽ tham gia tư vấn cho một số trường đại học mà tôi cho rằng cần thiết.


Tôi sẽ không làm gì mà tôi cho là không hiệu quả. Đã qua rồi thời gian góp ý chung chung, phải làm việc cho có kết quả cụ thể chứ không thể ngồi chơi xơi nước, làm hoa, làm cảnh…


Ông thường nhắc đến "đẳng cấp quốc tế" trong giáo dục. Vậy theo ông cần khắc phục như thế nào để nền giáo dục nước ta được xem là có "đẳng cấp quốc tế"?


Cái buồn của tôi là tư duy Việt Nam chưa biết đánh giá thế nào là "đẳng cấp quốc tế". Biểu hiện thực tế của đẳng cấp quốc tế chính là đào tạo thực chứ không phải đào tạo ảo.


Tôi nghĩ, ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã thấy và những nhà giáo nghiêm túc của Việt Nam , các Việt kiều tâm huyết đã thấy và có ý kiến. Chính tôi đã cùng 19 giáo sư quốc tế đồng ký một văn bản nhằm chấn hưng nền giáo dục Việt Nam .


Bây giờ nói thêm, tôi thấy nó... nhàm. Tại sao lãnh đạo tuy lắng nghe trân trọng nhưng tiếp thu thực hiện lại quá chậm và không có đột phá? Nền giáo dục xuống cấp đã quá lâu. Tư duy học ảo đã thấm nhuần quá lâu nên sự tiếp thu thực hiện của lãnh đạo cao cấp rất khó để chuyển về thuộc cấp của mình.


Giả sử nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, ba vấn đề ông ưu tiên giải quyết là gì?


Tôi không hề nghĩ đến chức vụ ấy bởi tôi cũng chỉ là… một thường dân. Nhưng giả thuyết là Bộ trưởng, tôi sẽ thay đổi ít nhất 50% nhân sự, sa thải những người thiếu trách nhiệm, chỉ giữ lại những người tâm huyết.


Tôi tâm đắc những điều mà tân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa phát biểu. Đó là đất nước còn nhiều việc phải làm, đổi mới phải quyết liệt, phải xây dựng cho được các phong trào quần chúng chống tham nhũng, đẩy lùi tiêu cực. Toàn thể người dân, đoàn thể đều tham gia.


Tôi có ba đề xuất:


1. Dẹp bỏ các hệ đào tạo khác, chỉ giữ một hệ đào tạo chính quy. Vì như hệ tại chức còn tồn tại là còn khuyến khích học dỏm.


Với hệ giáo dục thường xuyên, tôi đồng ý đó là nhu cầu của mọi người. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc cấp bằng thường xuyên, chỉ nên cấp chứng chỉ khuyến khích.


Các nước phát triển trên thế giới không có nhiều hệ đào tạo như ở Việt Nam . Cả nước phải trở về một hệ giáo dục: chính quy. Nếu làm được thì Việt Nam sẽ gây tiếng vang.


2. Nhanh chóng kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo. Việt Nam là một nước nghèo mà "chơi sang"! Như ở miền Bắc có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhưng không có ai thẩm định hiệu quả nghiên cứu; nghiên cứu không đi vào thực tiễn và không có hiệu quả.


Có nhiều nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng không đi giảng dạy, như thế là phí. Không giảm lương, nhưng yêu cầu giáo sư giảng dạy bỏ ra 40% - 50% thời gian để nghiên cứu, viết lại giáo trình... Không bổ nhiệm thêm các nhà nghiên cứu mà tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu được giảng dạy.


3. Tổ chức ngang tầm thế giới. Đề cao động tác hội nhập. Không rót "rượu mới" vào "bình cũ" nữa. Giả dụ như một đại học quốc tế thì cần phải có những người có tư duy mới, có thời gian cọ xát trên trường quốc tế, có đẳng cấp quốc tế... để làm mới.


Thưa giáo sư, ông đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền giáo dục trên thế giới. Vậy theo ông, có hay không một mô hình giáo dục kiểu mẫu mang "đẳng cấp quốc tế" phù hợp với Việt Nam ?


Có. Âu châu đã thẩm định các nền giáo dục ở thế giới và thấy nền giáo dục kiểu mẫu là ở Phần Lan. Ta nên coi và bắt chước Phần Lan vì đây là một đất nước khách quan và vô tư. Tôi sẽ trình bày về nền giáo dục kiểu mẫu này trong một bài viết gần đây.


Xin cám ơn giáo sư!


Nguồn: Người viễn xứ; tienphongonline.com.vn 7/8/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.