Năng lượng biển VN, tiềm năng đến đâu
Mới sơ khai
Với hơn một triệu km2 biển, tiềm năng về năng lượng biển như mặt trời, gió, sóng, thủy triều, muối được nói đến khá nhiều thời gian gần đây. Nhưng có lẽ ít ai biết tiềm năng này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Dựa vào Chiến lược Biển VN đến năm 2020, năng lượng biển đúng là đang bắt đầu được triển khai.Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước đầu tư mạnh cho năng lượng biển, hoạt động triển khai ở nước ta vẫn chưa được tiến hành hệ thống.
Theo TS. Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu Quản lý Biển&Hải đảo, Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam), đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có cơ quan đầu mối trong việc lập quy hoạch chiến lược phát triển năng lượng biển.
Sự thật là, hiện tại, phát triển năng lượng biển ở VN mới chỉ ở giai đoạn sơ khai.Hầu như cái gì chúng ta cũng có nghiên cứu nhưng lại chỉ có một vài thông số cơ bản.Chẳng hạn, chúng ta có mấy thông số về mật độ của các dạng năng lượng biển.Tuy nhiên, các thông số để có những ứng dụng cụ thể phát điện trên biển thì lại chưa có.
Nhiều cái “chưa” đáng chú ý khác nữa như chưa thực hiện quy hoạch, phân vùng năng lượng biển; chưa làm các cơ chế chính sách đặc thù của VN với năng lượng biển. Các nghiên cứu mới chỉ thực hiện ở mức đủ để được nghiệm thu, thông qua. Nhưng từ các đề tài khoa học công nghệ ấy, chưa thấy có triển khai ứng dụng, lắp đặt thiết bị phát điện nào đáng kể.
Chưa quan tâm thương mại, vì sao
Nghiên cứu, khai thác và sử dụng các dạng năng lượng tái tạo ở nước ta gần 30 năm qua chủ yếu tập trung vào thủy điện.Các dạng năng lượng khác chưa nghiên cứu đánh giá tiềm năng đầy đủ, cũng như chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư đúng mức.
Thờ ơ và chậm chạp với năng lượng tái tạo trong nghiên cứu có một phần nguyên nhân không nhỏ là không có động lực từ thị trường, không có cá dự án đặt hàng từ các nhà vạch chính sách, từ các nhà kinh doanh. Kế hoạch phát triển điện đến năm 2020 là ví dụ.
Một mặt, kế hoạch quan tâm rất kỹ đến nguồn thủy điện vốn dễ nhìn thấy nhưng lại nhạy cảm, dễ làm tổn thương đến các nhóm lợi ích. Năm 2001, thủy điện chiếm 53% tổng công suất điện trong cả nước và chiếm 58,7% tổng sản lượng điện.
Theo kịch bản cho giai đoạn đến năm 2020, tổng công suất thủy điện đến năm 2020 được lượng hóa khá rõ, khoảng 9000 MW, tức sẽ giữ ở mức 32-33% tổng công suất điện.
Nhưng, mặt khác, điện khai thác từ các nguồn năng lượng tái tạo khác lại chưa thấy có trong tổng sơ đồ phát triển điện nói trên, hứa hẹn sẽ thu hút nguồn vốn khổng lồ của xã hội.
Thật khó giải thích sự thờ ơ này của các nhà lập kế hoạch, các nhà đầu tư, cho dù các số liệu cụ thể về tiềm năng năng lượng tái tạo ở VN chưa được rõ ràng như ở nhiều nước. Dù chưa đến mức tường minh, các nghiên cứu ban đầu về năng lượng tái tạo VN cũng đủ để khiến những ai lo cho an ninh năng lượng của đất nước phải quan tâm
Vẫn theo TS. Dư Văn Toán, tiềm năng nắng, gió, sóng, triều ở nước ta tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải và ngoài khơi, nhưng phân bố không đều. Nắng từ vùng miền Trung trở vào, nhưng nhật đạo ổn định nhất cả năm chỉ có ở vùng Nam Trung Bộ. Gió và Sóng mạnh nhất ở vùng Nam Trung Bộ. Triều mạnh nhất ở vùng Bắc vịnh Bắc Bộ và vùng biển Nam Bộ.
Mặt khác, địa hình duyên hải dài hơn 3000 km và hẹp, trung bình 20 km, phần nhiều nằm giữa dãy núi và biển; vùng Nam Trung Bộ núi lại tiến sát biển. Với địa hình ấy, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc "tiến ra biển", mà trước hết là "ra ven bờ". Theo đó, hợp lý hơn cả là phát triển điện triều ở bắc Vịnh Bắc Bộ và vùng biển Nam Bộ. Điện nắng, điện gió, và điện sóng có thể phát triển ở Nam Trung Bộ.
Về năng lượng mặt trời, VN được xác định có bức xạ mặt trời vào loại cao trên thế giới, với số giờ nắng dao động từ 1.600-2.600 giờ/năm, đặc biệt là khu vực phía Nam. Dựa vào dữ liệu về năng lượng mặt trời từ trên 100 trạm quan trắc toàn quốc, chúng ta tạm xác định được giá trị trung bình toàn quốc bức xạ mặt trời vào khoảng 3,8-5,2 kwh/m2/ngày. Tại miền Bắc, bức xạ mặt trời dao động khá lớn, từ 2,4-5,6 kwh/m2/ngày. Tuy nhiên, vùng Đông Bắc, trong đó có đồng bằng sông Hồng với thời tiết thay đổi đáng kể theo mùa, có tiềm năng thấp nhất. Tiềm năng điện mặt trời dồi dào nhất là ở các vùng từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở vào miền Nam, với bức xạ cao hơn mức trung bình cả nước, cụ thể là dao động từ 4,0-5,9 kwh/m2/ngày. |