Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống báo chí Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam đã tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức, trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật, là diễn đàn của các nhà khoa học và là cơ quan ngôn luận của các hội khoa học và kỹ thuật. Một số tờ báo và tạp chí như Khoa học và Đời sống, Thời báo kinh tế Việt Nam, Khoa học phổ thông, Kinh tế nông thôn, Đời sống và Pháp luật, Xưa và Nay, Tin học và Đời sống, Ôtô-Xe máy, Y học Việt Nam, Khoa học và Tổ quốc…. trang web của Liên hiệp hội Việt Nam, của Quỹ VIFOTEC, của Hội Tin học Việt Nam, v.v.. đã được xã hội quan tâm, ưa chuộng. Nhiều tạp chí khoa học của các hội càng ngày càng được đánh giá cao, công bố những công trình khoa học có giá trị cơ bản và thực tiễn. Các sản phẩm báo chí được cải tiến về hình thức, đẹp và hấp dẫn.
Tuy nhiên, đa phần báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam còn hoạt động khó khăn, thiếu kinh phí, thiếu cán bộ chuyên trách, số kỳ xuất bản và số lượng bản mỗi kỳ còn thấp.
Không ít tờ báo vẫn còn lúng túng về đối tượng phục vụ, nên định hướng về nội dung cũng chưa rõ ràng, có tạp chí kết hợp cả phổ biến kiến thức chuyên ngành với công bố công trình khoa học. Nhiều cơ quan báo chí chỉ làm mỗi việc xuất bản tờ chính, thiếu đa dạng hoá hình thức hoạt động, đối tượng phục vụ quá nhỏ nên phải thường xuyên tìm nguồn tài trợ. Đội ngũ trí thức khá đông, nhưng người cộng tác chặt chẽ với báo, tạp chí còn ít. Đó là những người nhiệt huyết với sự nghiệp truyền bá kiến thức, nâng cao dân trí, những người đang có nhu cầu công bố công trình khoa học để bảo vệ luận án, bảo vệ chức danh khoa học, hoặc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Báo chí của chúng ta chưa trở thành diễn đàn trao đổi học thuật, chính kiến một cách sôi động.
Từng tờ báo đều có những mặt khiếm khuyết, nhưng tổ chức hệ thống báo chí Liên hiệp hội còn nhiều hạn chế hơn. Chúng ta đang thiếu một sự điều hoà, phối hợp trong toàn hệ thống; về cơ bản, mỗi tờ báo đều tự lo riêng cho mình. Công tác in ấn, phát hành, trao đổi thông tin, nghiệp vụ… cần có liên kết giữa các cơ quan báo chí Liên hiệp hội với nhau để tạo nên sức mạnh mới và đưa lại hiệu quả cao hơn.
Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là xác định rõ nhu cầu và đối tượng phục vụ, nâng cao chất lượng báo chí, tăng cường sự hợp tác, liên kết của khối báo chí Liên hiệp hội Việt Nam.
Đã đến lúc nghiên cứu thành lập tập đoàn báo chí KH&CN của Liên hiệp hội Việt Nam. Tập đoàn này không phải là một tổ chức chặt chẽ, mà chủ yếu vẫn bảo đảm tính tự chủ, tự quản của từng cơ quan báo chí, nhưng tập đoàn sẽ tìm những mặt có thể hỗ trợ, liên kết giữa các tổ chức báo chí với nhau để có hiệu quả kinh tế hơn, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của từng tờ báo. Với cách làm như vậy, hiệu quả đầu tư cũng sẽ tốt hơn. Chúng ta cũng sẽ nghiên cứu việc tổ chức Hội nhà báo KH&CN Việt Nam để tập hợp những người làm công tác báo chí trong lĩnh vực này, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ và bảo vệ quyền lợi của hội viên.
Nếu có được sự đồng tình, nhất trí cao của các cơ quan báo chí Liên hiệp hội thì Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam sẽ sớm thúc đẩy hình thành các tổ chức trên, khởi động cho một giai đoạn phát triển mới của báo chí Liên hiệp hội.
Tóm lại, tiềm năng hoạt động báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam là lớn, nhưng cần có phương án tổ chức hợp lý thì mới phát huy được tiềm năng này. Điều đó càng có ý nghĩa trong thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với chúng ta. Cần một sự quyết tâm, tin cậy và dũng cảm thực hiện.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng*
----
Phó Chủ tịch Liên hiệp hội *