Muốn có nhân tài phải giáo dục sớm
Có thể nói: Trong thế gian này không có sự vật nào phức tạp, phong phú và kỳ diệu như bộ não của con người. Ông Charles Sherrington- nhà nghiên cứu sinh lý học thần kinh, khi nghiên cứu não bộ đã phải thốt lên “ Bộ não con người là chiếc khung cửu huyền bí, với hàng triệu con thoi lấp lánh, uốn lượn thành các vật sáng đan xen nhau và kết nên những văn hoa rõ ràng nhưng không ổn định, chẳng khác gì dải thiên hà hòa vào vũ khúc của vũ trụ”
Trong một công trình nghiên cứu về bản chất của tế bào não, thực hiện trong suốt 60 năm, giáo sư PetrKouzmich Anô thuộc đại học Moscow đã đưa ra những kết luận đáng kinh ngạc: “ Mỗi nơ ron thần kinh trong hàng tỷ nơ ron của não người đều có khả năng thực hiện trong cùng một thời điểm số lượng kết nối là một con số bao gồm số 1 và 28 số 0 phía sau ! nếu 1 nơ ron mà đã có tiềm năng như vậy thì chúng ta không thể hình dung nổi khả năng của cả bộ não người. Điều này nghĩa là tổng số kết hợp nếu viết thành số sẽ là số 1 đứng trước 10,5 triệu kilomet số 0 ! Chưa ai có thể tận dụng được hết tiềm năng của bộ não. Nó là vô hạn !”
Trong cơ thể con người, não bộ là cơ quan có vai trò quan trọng nhất, phát triển sớm nhất và có tốc độ phát triển mãnh liệt nhất. Chỉ 20 tuần sau khi thụ thai, não bộ đã hình thành và chiếm ½ chiều cao cơ thể, khoảng 9 tháng sau khi “chào đời”, tỷ trọng của não bộ tăng gấp 2 lần so với khi mới sinh, đến 3 tuổi tăng 3 lần, tới 5-6 tuổi quá trình phát triển của não bộ về cơ bản đã đến độ hoàn thiện, gần bằng não người trưởng thành..
Não bộ của con người là một loại vật chất đặc thù, sự sinh trưởng, phát triển của não bộ cần hai loại dinh dưỡng. Một là dinh dưỡng từ thực phẩm, hai là dinh dưỡng về mặt tinh thần; những kích thích từ bên ngoài. Sự sinh trưởng của não bộ trong giai đọan từ 0 đến 6 tuổi cần phải được tiếp nhận các kích thích tốt từ bên ngoài để có thể hoạt động tốt.
Sự liên kết nơ ron tạo ra trí thông minh. Hai mươi tuần sau khi thụ thai, các nơ ron trong não bộ bắt đều tạo ra hàng ngàn liên kết định hình hàng loạt các hành vi và do đó quyết định trí thông minh. Các kích thích bởi các giác quan (nghe thấy, nhìn thấy, ngửi thấy, sờ thấy…) tác động đến não bộ tạo ra các liên kết của nơ ron. Thông minh có di truyền nhưng bất kỳ ai có thể làm cho mình thông minh hơn bằng cách biết tận dụng não bộ. Trí thông minh rèn luyện được. Tài năng và thiên tài chủ yếu là do tự rèn luyện. Đặc biệt là ở giai đoạn đầu đời, từ 0 đến 6 tuổi.
Câu chuyện về “những đứa trẻ hoang dã”.
Năm 1920, tại xóm núi Midnapore thuộc tỉnh Bengale trên đất Ấn Độ, người dân phát hiện ra có hai sinh vật, đầu tóc xõa rũ rượi, mình trần như nhộng chạy trong bầy sói. Những người dân bản địa vô cùng sợ hãi cho rằng đó là hai con yêu quái. Khi đó, có một giáo sư truyền đạo tên là Singh đến từ Mỹ đã dũng cảm lần theo vết tích của bầy sói, tìm hiểu sự kỳ lạ này. Một ngày kia, ông đã phát hiện ra “ hai con yêu quái” chính là hai bé gái sống lâu trong bầy sói đó. Singh đã dùng vũ lực đuổi lũ sói già, nhờ đó cứu được hai cô bé này. Mọi người cho rằng hai cô bé này từ nhỏ, không may bị sói mẹ tha đi và lớn lên trong hang sói. (Trên thế giới đã phát hiện ra khoảng hơn 30 đứa trẻ hoang dã được các loài động vật như sói, gấu, báo, vượn nuôi dưỡng).
Hai cô bé được cứu về, cô gái nhỏ khoảng 3 tuổi được đạt tên là Amala, cô gái lớn chừng 8 tuổi, được đặt tên là Kamala. Tuy được cứu về sống với thế giới loài người nhưng các cô bé không chịu mặc quần áo, tuyệt nhiên không có cảm giác xấu hổ của con người; không chịu ăn ngũ cốc, không ăn đồ nấu chín mà chỉ ăn thịt sống; thường ngủ ngày và chỉ hoạt động vào ban đêm, thường cất tiếng hú; không biết đứng; không biết nói tiếng người; không biết cười (cười là hiện tượng tâm lý riêng chỉ có ở con người). Nét mặc lúc nào cũng nghiêm nghị; xúc giác vô cùng mẫn cảm, thích tiếp cận với những loài động vật khác như chó, sơn dương…
Dù hai cô bé được cứu về sống với thế giới loài người nhưng việc phục hồi các chức năng là vô cùng khó khăn và gần như không có hiệu quả.
Amala khi được cứu về mới 3 tuổi, não bộ vẫn ở thời kỳ phát triển nhưng đến tháng thứ 2 mới có thể phát âm và học nói (trước đó chỉ biết hú). 7 tháng sau cô bé đã qua đời. Kamala dù có sống lâu hơn nhưng tiến bộ rất chậm. Sau một năm dày công dạy dỗ, Kamala mới biết đứng và bước đi, rồi sau đó lại bò. Dạy sau hai năm mới biết cười; sau 3 năm cô bé mới có thói quen ngủ đêm, hoạt động ngày; sau 4 năm sống cùng con người và dạy dỗ rất cẩn thận mới có thể nói được 6 từ đơn. Dạy 5 năm mới biết cầm thìa và uống canh; sau 6 năm mới nói được 35 câu ngắn. Kamala mất năm 17 tuổi, khi đó cô bé mới có thể nói được 45 câu thông thường trong sinh hoạt hàng ngày.
Điều dễ nhận thấy từ câu chuyện trên là: Nếu bị đánh mất giai đoạn phát triển tốt nhất ở đầu đời thì trí tuệ tiềm ẩn của con người sẽ bị vùi lấp, mai một đi, đồng nghĩa với việc mất đi tất cả những biểu hiện của tính người
Giáo dục sớm, chiếc nôi nuôi dưỡng nhân tài.
Từ khi chào đời, đứa trẻ sống trong môi trường sống của con người, được chăm sóc dạy bảo. Từng giờ từng phút được nghe tiếng nói, được chứng kiến những hành vi của con người. giáo dục sớm một cách vô thức đã kiến đứa trẻ được xã hội hóa. Đứa trẻ trở thành con người xã hội và phần lớn trẻ được phát triển ở mức trung bình. Giáo dục sớm là một tồn tại khách quan. Bất kỳ một đứa trẻ nào (chỉ trừ những đứa trẻ hoang dã), đều được giáo dục sớm một cách tự phát trong gia đình. Nhưng nếu chúng ta hiểu về tiềm năng và thời kỳ sinh trưởng, phát triển của não bộ, biết tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng phát triển tiềm năng, thể lực và trí tuệ cho trẻ, “ cho dù một đứa trẻ bình thường, chỉ cần giáo dục đúng cách cũng có thể trở thành một con người phí thường” (Helvetius).
Sở dĩ giáo dục sớm ngay từ khi trẻ còn 0 tuổi (tức là từ trong bào thai) có ý nghĩa quan trọng và tác dụng khác thường đối với sự trưởng thành của con người, là vì:
- Giáo dục sớm là quá trình giáo dục kích thích chức năng của não bộ phát triển trong thời kỳ sinh trưởng của não. Não bộ của con người là một loại vật chất đặc thù. Sự sinh trưởng, phát triển của não bộ cần hai loại dinh dưỡng. Một là dinh dưỡng lấy từ thực phẩm, hai là dinh dưỡng về mặt tinh thần là những kích thích từ bên ngoài.
- Giáo dục sớm là quá trình giáo dục nhằm mục đích khai thác tiềm năng lớn của con người. Hàng loạt công trình nghiên cứu đều thừa nhận não bộ con người chủ yếu được khai phá trong giai đoạn đầu của cuộc đời. Nếu để những năm tháng tuổi thơ trôi qua vô ích, chúng ta chỉ có được sự phát triển ở mức trung bình. Nếu để mất những năm tháng đầu đời như những đứa trẻ hoang dã thì trí tuệ sẽ bị vùi lấp, mai một, về sau không thể phục hồi được.
- Giáo dục sớm là quá trình giáo dục được tiến hành trong giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất. Vì thế, nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất. Các công trình nghiên cứu về não bộ đã chỉ ra giai đoạn tốt nhất cho phát triển trí tuệ là từ 0 đén 6 tuổi. Lý luận về giai đoạn tốt nhất cho sự phát triển trí tuệ đã được xây dựng thành “ Học thuyết tăng giảm” có nghĩa là trẻ em càng nhỏ tuổi, khả năng phát triển trí tuệ càng lớn, và đồng thời khả năng phát triển này sẽ giảm khi tuổi tác ngày một tăng. Theo Macoto shichida (Nhật Bản) thì “ sự tăng giảm giống như một hình tam giác. Trí tuệ phát triển nhanh nhất lúc 0 tuổi, đó chính là đáy của hình tam giác, tới năm 8 tuổi trí tuệ sẽ phát triển đạt đến đỉnh của tam giác…từ sau 8 tuổi, con người chỉ tích lũy thêm tri thức và kỹ năng trong cuộc sống mà thôi”.
- Giáo dục sớm còn là quá trình bồi dưỡng nên nền tảng tính cách của mỗi con người. Tính cách có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự trưởng thành của mỗi con người. Người có phẩm chất và tính cách tốt sẽ gặp những điều may mắn thuận lợi trong suốt cuộc đời. Ngược lại nếu ai đó tự hình thành cho mình tính cách không tốt, hoặc bị nhiễm những thói hư tật xấu thì chắc chắc sẽ gây ra những mối nguy hại khôn lường cho cuộc đời sau này của anh ta.
Nền tảng tích cách của mỗi con người được hình thành từ hiện thực cuộc sống ở những năm đầu đời. Nhà giáo dục nổi tiếng của Nga, Krupskaya nói: “ trải nghiệm thời thơ ấu đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong cuộc đời tôi”. Montessori chuyên gia nghiên cứu về giáo dục trẻ em người Italia khẳng định:
“Mức độ và tầm quan trọng của sự phát triển trong ba năm đầu đời của một con người còn lớn hơn bất cứ một giai đoạn nào trong cuộc đời…Nếu xét từ khía cạnh sự thay đổi của vận mệnh khả năng thích ứng với cuộc sống, khả năng chinh phục thế giới bên ngoài và những thành công sẽ gặt hái được trong tương lai, thì sự đóng góp trong giai đoạn từ 0-3 tuổi còn lớn hơn sự đóng góp trong các giai đoạn khác từ sau 3 tuổi, cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay cộng lại”.