Một vài suy nghĩ nhỏ về cách nói, cách viết của Bác Hồ
Có được điều đó, bởi vì một nét đẹp trong đạo đức và văn hoá Hồ Chí Minh là rất coi trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Và, với mục đích duy nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Bác từng căn dặn: “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được.Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời gọi của mình”. Muốn vây, “trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ : “chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói”. Một lần khác, Bác nghiêm khắc nhắc nhở: “Nhiều người tưởng mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả. Thực ra hoàn toàn không như thế. Tục ngữ nói “gảy đờn tai trâu” là có ý chê trách người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền nói khó hiểu, thì chính người đó là ... trâu”.
Bởi vậy trước khi nói hoặc viết Bác Hồ lúc nào cũng tự đặt mình ở vị thế của người tiếp nhận, tìm ra thói quen, cách thức ăn nói của mọi tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn, người dân lao động thì quen lối nói ví von, so sánh của thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hay tập Kiều, lẩy Kiều... Tầng lớp trí thức thích nói chữ nghĩa, sách vở. Đồng bào theo đạo thì thường có một số chữ dùng riêng trong giới mình... Từ đó, bất kì ở đâu, hoàn cảnh nào trong cách nói, cách viết, Người có ý đưa người nghe trở về những điều đã biết, lấy những điều đã biết để hiểu những điều mới mẻ. Nghe Bác nói chuyện, đọc bài Bác viết, ai cũng thể hiểu được, nắm được cái cốt lõi của vấn đề. Dễ hiểu mà sâu sắc, cụ thể thiết thực mà cao siêu; có sự thống nhất về tinh thần mà vô cùng phong phú và uyển chuyển mà cao siêu; có sự thống nhất về tinh thần mà vô cùng phong phú và uyển chuyển về phương pháp.
Nhà văn lớn của văn học Nga và thế giới L. Tônxtooi (mà bác Hồ từng coi mình là “người học trò nhỏ” của nhà văn vĩ đại này) từng nói: “Để nói dễ hiểu những gì bạn có thể nói, hãy nói chân thành, hãy nói như bạn nghĩ”. Trong quá trình nói và viết, Bác Hồ luôn cảm nhận sâu sắc lời khuyên đúng đắn đó. Bác lấy sự chân thành để đến với lòng người và thu phục họ. Chỉ có một câu nói giản dị, ấm áp: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” mà triệu triệu người vừa mới hôm qua còn là dân mất nước, nô lệ lầm than, mà hôm nay giữa Thủ đô Ba Đình rực nắng và rực đỏ cờ hoa đã nghẹn ngào nước mắt vì sung sướng, cảm động. Hoặc để cứu đồng bào bị đói năm 1945, Bác viết: “Tôi đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước, cứ mười ngày nhịn ăn một bữa (một bữa một bơ)” để cứu dân nghèo... Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm tạ đồng bào”. Rõ ràng đây không chỉ là một lời kêu gọi bình thường, mà trước hết là một tấm lòng.Tấm lòng nhân ái độ lượng rất tinh tế. Ta có cảm tưởng như trong Bác có một phần của đức Phật Thích Ca, đức Chúa Giê su và Khổng Tử nữa, gom trọn trong hai chữ nhân – tâm. Đúng như vậy không ?
Nói và làm là một trong những nét cao đẹp của đạo đức Hồ Chí Minh.Nói chân thành, nồng cháy, làm thì quyết liệt, thiết thực. Năm 1946, nói chuyện với đồng bào trước lúc sang Pháp, Bác dặn dò: “Đồng bào thương tôi, chắc làm theo lời tôi nói”. Chuyện thời sự, chính trị đấy rất hệ trọng mà đầy tình cảm, không còn một cách ngăn nào giữa lãnh tụ và quần chúng. Mấy tháng sau đó, khi trở về , Bác vui hơn: “Tôi đi Pháp hơn 4 tháng. Hôm nay về đến nước nhà. Trông thấy Tổ quốc, trông thấy đồng bào, lòng tôi thật là vui vẻ.Tôi có mấy lời báo cáo để đồng bào đều hay”. Chất khẩu ngữ nôm na mà chân tình, cảm động. Là người Việt Nam, không ai không cảm thấy dễ hiểu và gần gũi. Một lần khác, nói chuyện với trí thức, mở đầu Bác nói: “Hôm nay tôi muốn nói câu chuyện rất giản đơn, nông cạn, câu chuyện về “Tam tự kinh” câu đầu tiên trong “Tam tự kinh” là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Chúng ta mượn câu ấy làm đầu đề nói chuyện”.
Quả là hợp với “khẩu vị “ trí thức. Rồi bất ngờ và độc đáo, Bác giải thích:
“Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không có gì quí hơn nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
“Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.
Một dịp khác, có vị cán bộ lên trình bày với Bác, có ý rằng khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” có vẻ cổ và đưa ra những từ to tát như: “Dân tộc - dân chủ - khoa học”. Bác lắc đầu và trỏ vào bụng:
- Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết. Phải ăn đã. Chú không ăn thì chú có đi tuyên truyền được không?Mà có ăn thì phải làm gì?
- Thưa cụ, phải làm việc.
- Đúng, phải làm việc, siêng năng, thế là “cần” đấy...
Có lẽ, ngày trước khó có một bậc thâm nho nào lại giảng Khổng Mạnh “thoát” đến thế. Mới hay rằng, cao nhân minh triết không quá câu nệ, cứng nhắc, mà trái lại, rất linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ mỗi ngày càng thêm phong phú, đa dạng sắc thái ngữ nghĩa.
Đối với đồng bào theo đạo, Bác cũng có cách nói, cách viết thích hợp, rất “đạo” mà cũng rất “đời”. Với những người theo đạo Thiên chúa Bác viết: “rồi đây với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no, thì phần hồn cũng được yên vui”. Đến với những người theo đạo Phật, Bác nói: “Đời sống của nhân dân ta dần dần càng được cải thiện, cũng như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mĩ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm...”.
Có cần phải “bình” gì thêm? Chỉ cần chúng ta đọc kĩ và suy ngẫm cách dùng từ, sắp xếp ý tứ trong câu sẽ vô cùng thú vị.
Học tập lời ăn tiếng nói của quần chúng rồi trả về lại với quần chúng như muôn dòng sông hoà chung vào biển cả. Lời nói của Bác Hồ nhờ thế mà “động thấu tới những miền sâu xa và đẹp đẽ nhất của lòng người” (Nguyễn Đình Thi). Còn nhớ, khi trở về làng Sen, sau bao nhiêu năm xa cách, nói chuyện với bà con, Bác không quên tập Kiều:
“Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”
Đủ biết, trong cách nói, cách viết của Bác Hồ, bên cạnh “trĩu nặng tình non nước” rộng lớn, còn ẩn chứa tình cảm quê hương, xóm làng, bè bạn. Gặp lại người bạn cũ năm xưa cùng cắt cỏ, chăn trâu, câu cá, thả diều, Bác bồi hồi giọng xứ Nghệ ấm áp: “Anh Điền, anh vẫn khoẻ chứ?”. Đông đảo bà con quê ngoại Nam Chung và quê nội Làng Sen có mặt hôm ấy đều rất xúc động, ứa trào nước mắt trước tình thương bao la của Bác. Quả là “nghĩa nặng tình sâu”.
Trên đây là một vài suy nghĩ nhỏ về cách nói, cách viết của Bác Hồ. Còn nhiều khía cạnh chưa được đề cập đến, do năng lực hiểu biết có hạn, do khuôn khổ của trang viết, mong rằng có dịp sẽ trở lại. Tôi nghĩ, mỗi người trong chúng ta, tuỳ theo môi trường làm việc, độ tuổi... đều có cách học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.