Một trái tim luôn thổn thức về vận mệnh dân tộc
TS Chu Đức Tính – nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận định, vấn đề đoàn kết dân tộc trong Di chúc cũng chính là điều Hồ Chủ tịch thể hiện rõ ràng trong suốt cuộc đời, luôn chăm lo cho đồng bào các dân tộc từ những vấn đề lớn như độc lập, chủ quyền đến những quyền lợi cơ bản của con người như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, tạo mọi điều kiện cho các dân tộc phát triển bình đẳng.
Đảng luôn vì Tổ quốc, vì nhân dân
Trong Di chúc, ngay phần mở đầu Người đã khẳng định tầm quan trọng của việc đoàn kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay. Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Trong quá trình lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói đến đoàn kết và khẳng định tầm quan trọng, vài trò của việc giữ đoàn kết trong Đảng. Trong bài viết kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1963), Người chỉ rõ: “Có thành quả vĩ đại đó là do Đảng ta đoàn kết nhất trí, nhân dân ta đoàn kết nhất trí chung quanh Đảng… Cho nên chúng ta quý trọng và ra sức bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng”.
Khi tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người viết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Đồng thời, Người luôn nhắc nhở rằng, đoàn kết thống nhất trong Đảng phải trên nguyên tắc tôn trọng và thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điều vĩ đại rất riêng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là chỉ với một số rất ít từ trong Di chúc, Người đã nêu toàn diện cả phương châm, nguyên tắc của sự đoàn kết trong Đảng. Đó là: Nội bộ Đảng muốn đoàn kết phải làm đồng thời hai việc là thực hành dân chủ và thường xuyên tự phê bình và phê bình. Ngay phương pháp phê bình của Người cũng rất nhân văn, đó là “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Ở cuối bản Di chúc, Người đã viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Vấn đề đoàn kết dân tộc được Người đặt lên cao nhất với mong muốn đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng với đầy đủ quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho toàn thể nhân dân các dân tộc. Đây là cơ sở của sự đoàn kết chân thành, đoàn kết dựa trên nền tảng vững chắc: Mọi người vì một người, mỗi người vì mọi người.
Mong ước này không phải chỉ là những lời cuối cùng của một người sắp đi xa mà nó là tâm nguyện Người luôn mang theo suốt cuộc đời. Suốt cuộc đời, Người luôn quan tâm đến xây dựng khối đoàn kết dân tộc vững chắc, chăm lo cho mọi người dân được độc lập, tự do, cơm no, áo ấm và được học hành… Người coi sự bình đẳng trong cống hiến, lao động và hưởng thụ là cơ sở vững bền của đoàn kết dân tộc.
Năm 1911, ngay từ khi bước chân ra đi tìm đường cứu nước khi mới là một chàng trai ở độ tuổi 20, Người đã chỉ có một mục đích là “phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân”. Bởi vậy, cả cuộc đời, Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du ngoạn sơn thủy, đọc sách làm vườn”.
Tâm nguyện cao cả ấy Người luôn canh cánh bên lòng, kể cả khi biết mình sắp đi gặp cụ Các-Mác, cụ Lê-Nin.
Mong muốn này là động lực tinh thần to lớn khiến Người có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kể cả những lúc bôn ba ở nước ngoài tìm kiếm, khảo nghiệm con đường cứu nước; khi bị bắt giam, phải chịu cảnh tù tội trong nhà tù Tưởng Giới Thạch đến khi về sống ở Pắc Bó (Cao Bằng) giữa rừng núi hiểm trở.
Khi người qua đời, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta còn đang dang dở, nhưng Người vẫn bộc lộ niềm tin mãnh liệt: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Niềm tin đó vừa là mong muốn, vừa là nhiệm vụ đã được Đảng và nhân dân ta thực hiện thắng lợi.
Lấy tình thân ái cảm hóa những người lầm đường, lạc lối
108 chữ nói về Đảng trong Di chúc của Hồ Chủ tịch
Sinh thời, Người luôn đau đáu một nỗi niềm việc chun chưa trọn: Bắc – Nam bị chia cắt, đất nước bị quân thù giày xéo. Người ý thức hơn ai hết chân lý của cả một thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc lập của đất nước không tách rời quyền được hưởng hạnh phúc, tự do và dân chủ của nhân dân. Nước có độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Vì vậy, ngay sau khi Cách mạnh tháng tám thành công, Người đã rất quan tâm đến vấn đề diệt “giặc đói”, “giặc dốt”. Người coi cái đói, cái dốt là giặc và nó cũng nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. Người từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập sẽ không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Bởi vậy khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người càng dành nhiều thời gian chăm lo đến cuộc sống của nhân dân, cả vật chất và tinh thần. Trong những năm tháng cuối đời, Người đã căn dặn tỉ mỉ: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm tin phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Để đoàn kết một cách thực thà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung ra những thay đổi lớn lao sẽ diễn ra sau ngày toàn thắng. Đại bộ phận nhân dân hoan hỉ, vui mừng, nhưng cũng đứng trước bao khó khăn chồng chất. Nhưng lớn nhất vẫn là mặc cảm tội lỗi của một bộ phận nhân dân đã từng bị đế quốc lôi kéo, xúi giục hoặc bắt buộc chống lại dân tộc. Do vậy, bên cạnh những dòng trìu mến dặn dò chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, chăm lo đào tạo những người đã trưởng thành trong chiến đấu, Người cũng không quên dặn Đảng phải có chính sách hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù bằng chính những việc làm dản dị, thiết thực.
TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Quang
Quan điểm này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Người đến những người từng ở bên kia chiến tuyến, tác động tích cực tới các tầng lớp nhân dân tiến bộ trên thế giới, tới cả các quốc gia từng là kẻ thù. Vì thế, trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã không chỉ tập hợp được sức mạnh của chính mình, mà còn nhận được sự ủng hộ to lớn của loài người tiến bộ, hình thành mặt trận rộng rãi của nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam, trong đó có nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ đồng thời làm mạnh mẽ thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.Từ năm 1946, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ đăng trên Báo Cứu quốc, Người đã từng viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”.
Nhớ về bản Di chúc thiêng liêng của Người, chúng ta không thể nào quên một trái tim luôn thổn thức về vận mệnh dân tộc, một tấm lòng luôn cho nước cho dân và càng nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kỷ niệm 45 năm thực hiện bản Di chúc của Người, chúng ta càng tự hào hơn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, vị Cha già kính yêu của nhân dân, đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và nong sông đất nước ta”.