Một tấm lòng với Việt Nam - Hồ Chí Minh
Từ Cao Bằng, nhà thơ Hoàng Quảng Uyên gửi qua bưu điện tặng tôi tập sách “Hồ Chí Minh Hán văn thi sao. Chú thích. Thư pháp” (Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Văn bản. Chú thích. Thư pháp).
Đây là món quà do người làm sách- Phó Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc, tặng nhà thơ Việt Nam cùng họ, đề ngày 22/7/2006.
Hoàng Quảng Uyên vừa có một chuyến xuất ngoại sang Trung Quốc, mục đích là lần theo con đường khổ ải mà Người- tù-vĩ- đại, tác giả Nhật ký trong tù đã đi những năm 1942-1943.
Mấy năm trước, Hoàng Quảng Uyên, bằng loạt bài viết công phu trên báo Lao Động, đã xới lên nhiều điều thú vị về hành trình li kì của tập nhật ký bằng thơ , từ lúc bị “bỏ quên” trên mái lán một gia đình cơ sở Cách mạng ở Cao Bằng, đến lúc được “tìm ra”, được dịch và công bố, trở thành một sự kiện của văn học Việt Nam và thế giới.
Việc tìm sang Quảng Tây Trung Quốc của Hoàng Quảng Uyên là sự tiếp tục tất yếu của quá trình tìm tòi và suy ngẫm về Nhật ký trong tù, một tác phẩm ngay khi được công bố đã trở thành cổ điển, được bình, được giảng đã nhiều nhưng có lẽ còn lâu mới có thể coi là đủ.
Nghe nói, nhà thơ Nguyễn Duy cũng ôm ấp ý định làm một phim tài liệu về hành trình đày ải hơn sáu mươi năm trước, qua 13 huyện trên đất Quảng Tây của tác giả Nhật kí trong tù?
Đây đúng là một ý tưởng hay và cấp bách, nếu thực hiện được sẽ rất hữu ích cho việc giảng dạy tác phẩm lớn này trong nhà trường và việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nói chung.
Trước các nhà thơ, nhà văn Việt Nam cả chục năm, đã có một học giả Trung Quốc say mê với ý tưởng tìm theo từng dấu chân của nhà thơ Hồ Chí Minh trên đất Quảng Tây, đó chính là PGS Hoàng Tranh, tác giả cuốn sách sang trọng, công phu tôi đương cầm trên tay.
Tên tuổi PGS Hoàng Tranh không xa lạ với giới nghiên cứu nước ta. Ông sinh tháng 6/1943 tại khu Mai Giang, thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Trung Sơn năm 1966.
Năm 1978 ông được điều từ bộ tuyên truyền huyện ủy Tượng Châu, Quảng Tây sang Viện Khoa học xã hội tỉnh. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là sử địa phương, lịch sử quan hệ Trung Việt, lịch sử Đông Dương...
Ngay từ năm 1981, khi quan hệ Trung-Việt chưa được bình thường hóa, Hoàng Tranh vẫn theo đuổi đề tài nghiên cứu về Hồ Chí Minh với một ý hướng rất sáng tạo: gặp gỡ với những nhân chứng sống ở 13 huyện Quảng Tây từng được gặp gỡ, tiếp xúc với Người-tù-vĩ-đại năm xưa.
Kết quả của công trình ấy là cuốn sách “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” (NXB Quân Giải phóng Trung Quốc, Bắc Kinh 1987). Sách dày 254 trang, gồm 9 chương. Phó Giáo sư Phạm Tú Châu (Viện Văn học) đã trích dịch mục 7 và mục 9 trong sách này, in trong công trình “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” (Nxb Giáo dục, 1997).
Chỉ cần đọc hai mục này đã thấy được công phu và cách làm việc cẩn trọng của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, lồ lộ một tấm lòng yêu mến, kính trọng với vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn và thân thiết của cách mạng Trung Quốc.
Đây là lời ông nông dân Từ Vĩ Tam ở Ba Mông, Tĩnh Tây, Quảng Tây mà Hoàng Tranh đã ghi lại trong cuộc trò chuyện ngày 15/6/198:1 “Năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Quảng Ba dẫn đường từ Việt Nam sang. Hơn bốn giờ chiều ngày 12/7 âm lịch thì đến nhà tôi (tức ngày25/8/1942-NV).
Lúc ấy Hồ Chí Minh đeo trên lưng một cái túi lưới, tay cầm gậy, mặc áo kiểu đời Đường hai vạt màu be, để râu, trông thật giống một thày địa lý nông thôn. Tôi lập tức quét dọn nhà cửa, sắp đặt chỗ nghỉ cho ông... Lúc ấy vừa hay có mấy người bạn tới nhà tôi, họ đều biết Hồ Chí Minh và họ đều tham gia việc nhận anh em giữa người Trung Quốc và ViệtNam.
Mọi người bảo hôm sau nữa là tết Trung nguyên (14 tháng Bảy), ở Quảng Tây là ngày lễ lớn, ăn tết với chúng tôi đã rồi lại đi. Hồ Chủ tịch đành ưng thuận. Như thế là Hồ Chủ tịch ở trong nhà tôi luôn trong ba ngày...
Tối hôm tết Trung nguyên, ngoài tôi ra còn có Dương Đào, Vương Tích Cơ, Hoàng Đạt Hán, Hoàng Đức Quyền...cùng Hồ Chủ tịch ăn tết ở nhà tôi. Mọi người vừa ăn vừa bàn xem ngày mai ai đưa Hồ Chủ tịch đi.
Dương Đào nói “Để tôi đi cho, và dù không ra khỏi cửa thì Quốc dân đảng bắt lính cũng không bỏ sót tôi đâu!”. Thế là quyết định Dương Đào đưa Hồ Chủ tịch lên đường. Lúc ấy Dương Đào còn chưa tròn 20 tuổi”.
Dương Đào (dân tộc Choang, còn có tên là Dương Thắng Cương) chính là nhân vật trong bài thơ thứ 116 của “Nhật ký trong tù” có tên “Dương Đào bệnh trọng” (Dương Đào ốm nặng).
Phiên âm: Vô đoan bình địa khởi ba đào/ Tống nhĩ Dương Đào nhập tọa lao/ Thành hoả trì ngư kham hạo thán/ Nhi kim nhĩ hựu khải thành lao.Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã dịch khá sát nghĩa: Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao/ Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào/ Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết/ Nay lại thương anh mắc chứng lao.
Dương Đào bị bắt cùng ngày với Cụ Hồ, được thả sau Cụ, nhưng vì thể chất yếu đuối, lại bị tù đày nên bệnh lao tiến triển rất trầm trọng rồi chết ở Liễu Châu, chưa kịp về lại quê hương Tĩnh Tây! Hồ Chủ tịch luôn tưởng nhớ đến Dương Đào, gọi anh là “Liệt sĩ”.
Dịp Quốc khánh 1963, Hồ Chủ tịch mời bà vợ góa của Dương Đào cùng một số bạn Trung Quốc có công với Cách mạng nước ta sang thăm ViệtNam. Vì yếu mệt, bà nhường cho em ruột chồng là Dương Thắng Cường đi thay.
Bác Hồ thường đến thăm đoàn, khi họ về nước, Bác đã gửi lụa biếu bà Dương Đào (theo Hoàng Tranh và cụ Trần Đắc Thọ, dịch giả “Hồ Chí Minh- Thơ, Toàn tập” 2000, người đã tham gia đón tiếp các bạn Quảng Tây năm 1963).
Chỉ một chi tiết này cũng đủ đánh đổ luận điệu của một vài “học giả” Việt kiều hải ngoại (như ông Lê Hữu Mục nào đó) đặt vấn đề nghi ngờ một cách vô lối tác giả đích thực của Nhật ký trong tù. Quốc tịch và thời điểm ghi chép của Hoàng Tranh (1981) khiến những tư liệu ông thu thập được càng trở nên khách quan và vô giá.
“Hồ Chí Minh Hán văn Thi sao. Chú thích. Thư pháp” (198 trang khổ 18,5x26, Quảng Tây sư phạm xuất bản xã 2004) một lần nữa cho thấy tấm lòng và công phu của học giả Hoàng Tranh.
Mỗi bài thơ chữ Hán Hồ Chí Minh đều xuất hiện hai lần trong sách : một lần dưới dạng chữ in, một lần là chữ viết của các cây bút thư pháp nổi tiếng. “Nhất chữ nhì tranh”, người Trung Hoa thời internet vẫn bị mê hoặc bởi những nét bút lông như phượng múa rồng bay và họ dùng nghệ thuật truyền thống độc đáo này để tôn vinh thơ Bác Hồ.
Lời đầu sách do chính Hoàng Tranh viết ngày 10/9/2003 mở ra thật trang trọng “Hồ Chí Minh (1890-1969) là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc, được Tổ chức văn hoá, Giáo dục và Khoa học Liên hiệp quốc công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá”.
Sau khi mô tả khá đầy đủ và khách quan quá trình sáng tác, xuất bản và nghiên cứu thơ chữ Hán Hồ Chí Minh ở cả Việt Nam và Trung Quốc, tác giả Hoàng Tranh hào hứng bình luận “Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, dù là về mặt nghệ thuật hay về mặt tư tưởng, đều có giá trị rất cao.
Thưởng thức thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, là một kiểu hưởng thụ tinh thần rất cao.” Ông phân tích rất thuyết phục “Văn hóa ViệtNamvà văn hóa Trung Quốc có mối quan hệ rất sâu sắc từ nguồn cội. Thời thơ ấu Hồ Chí Minh từng tiếp thu nền giáo dục Nho học, đào luyện bằng văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Người am hiểu thơ ca cổ điển Trung Quốc, nhất là những danh thiên, danh cú, có thể vận dụng một cách thành thạo. Hồ Chí Minh thường dùng chữ Hán để viết những bài thơ cổ thể, trong 169 bài thơ có trong tập sách thì đại đa số là thất tuyệt, cũng có một số là thất luật, ngũ tuyệt hoặc lẫn lộn các thể.
Nhưng Người không hề tự giới hạn trong các ràng buộc của thể thơ, khéo vận dụng chữ nghĩa, viết nên những bài thơ giản dị, không màu mè, ý tứ sâu xa.
Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh phần lớn đều được viết ra một cách hồn nhiên, trôi chảy, rõ ràng như lời nói, thông tục, dễ hiểu. Thơ cổ điển nhưng lại mang tính thông tục và đại chúng, phải chăng đấy là tính chất hết sức độc đáo riêng có của thơ chữ Hán Hồ Chí Minh?
Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ gần dân, bình dân, thơ Người cũng thể hiện điều này. Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, nội dung phong phú, rộng rãi, sâu sắc. Đảm lược cách mạng, khí khái cách mạng, trí tuệ cách mạng, tinh thần lạc quan chủ nghĩa, xem thường tất thảy khó khăn, trong gian nguy vẫn kiên định niềm tin ở ánh sáng và hi vọng, hết lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu cuộc sống, yêu hòa bình;
Phản kháng xâm lược, không sợ cường quyền, quyết chiến đến cùng với kẻ địch; chân thành một tấm lòng son với chiến hữu, đồng chí, bạn bè; nhìn sự vật bằng một thế giới quan khoa học.v.v..., đều thể hiện hết sức sinh động trong thơ chữ Hán Hồ Chí Minh.
Học tập thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, có thể khiến chúng ta được giáo dục sâu sắc và cảm hoá, đồng thời, cũng khiến chúng ta, tự đáy lòng, thêm tôn kính một nhà cách mạng của giai cấp vô sản và một danh nhân văn hóa thế giới...”.
Hoàng Tranh kết thúc bài giới thiệu dài, kĩ lưỡng và đầy cảm xúc của mình bằng một câu có chấm than “Hồ Chí Minh vĩnh viễn sống trong trái tim nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới!”.
Quả là một tấm lòng trân trọng hiếm thấy với Hồ Chí Minh, với ViệtNam. Vì tấm lòng ấy, nếu ông có hơi... thiên vị những người đồng bang của mình trong việc chú giải một vài bài thơ chữ Hán Hồ Chí Minh thì độc giả ViệtNamcũng dễ dàng thông cảm.
Chẳng hạn, bài “ Tầm hữu vị ngộ” (Tìm bạn chưa gặp) rất hay sau đây : Bách lí tầm quân vị ngộ quân/ Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân/ Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đóa hoàng hoa nhất điểm xuân (Trăm dặm tìm không gặp cố nhân/ Mây đèo dẫm vỡ, ngựa chồn chân/ Đường về chợt gặp cây mai núi/ Mỗi đóa hoa vàng một nét xuân- Phan Văn Các dịch).
Các nhà nghiên cứu ViệtNamđều thống nhất cho rằng người được Bác tìm thăm và không gặp chưa rõ là ai. Nhưng Hoàng Tranh đặt hẳn cho bài thơ (vốn không đề) là “Thám Vi Quốc Thanh đồng chí vị ngộ” (thăm đồng chí Vi Quốc Thanh chưa gặp) và chú thích “Bài thơ này viết vào mùa xuân năm 1954, trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ của ViệtNamkháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến nơi ở của đoàn cố vấn thăm hỏi các đồng chí Trung Quốc.
Một hôm, Hồ Chủ tịch lại đến thăm đồng chí Vi Quốc Thanh, không may Vi Quốc Thanh vừa ra tiền phương. Hôm sau, Hồ Chủ tịch phái người mang bài thơ này đến tặng Vi Quốc Thanh”.
Có thể coi đây là một giai thoại quanh bài thơ của Bác, một giai thoại làm tăng thêm hứng thú cho người đọc thơ? Nhiệt tình của Hoàng Tranh với thơ Hồ Chủ tịch đã khiến ông làm một việc chưa có tiền lệ: Từ một bài thơ tiếng Việt, “khôi phục” lại bài thơ chữ Hán! Đó là bài thơ tặng đại tướng Trần Canh (1903-1961), một người bạn vong niên Bác quen từ hồi ông học ở trường quân sự Hoàng Phố.
Tháng 1/1950, trên đường từ Matxcơva về nước, qua Trung Quốc, Bác Hồ gặp lại Trần Canh trong một bữa tiệc và tặng ông một bài thơ chữ Hán. Thơ ngẫu hứng, viết ngay, tặng ngay nên không còn bản chữ Hán.
Nhưng những người được đi theo Bác vẫn nhớ bài thơ được Bác tự dịch ra tiếng Việt mang tên “Gửi đồng chí Trần Canh”: Khi xưa gặp chú một thanh niên/ Nay chú cầm quân giữ soái quyền. Trăm vạn hùng binh theo lệnh chú/ Giữ gìn cách mạng cõi Điền biên”.(Điền là tên tắt của tỉnh VânNam, nơi tướng Trần Canh làm tỉnh trưởng).
Năm 1990, một người từng được tháp tùng Bác trong chuyến đi ấy tên là Lê Phát đã kể lại câu chuyện và bài thơ dịch của Bác trên báo Văn nghệ. Và Hoàng Tranh đã kì công “ tái chuyển dịch” bài thơ sang Trung văn, đặt cho cái tên rất cụ thể là “ Tại Nam Ninh tặng Trần Canh đồng chí”: Đương niên ngộ quân nhất thanh niên/ Như kim thống binh ốc soái quyền/ Hùng sư bách vạn tất thính lệnh/ Hãn vệ cách mạng cố Điền biên”.
Quả thực, thơ Hồ Chí Minh đang có cuộc sống riêng, không chỉ trong sách vở mà còn trong tâm trí hàng triệu người, ở Việt Nam, ở Trung Quốc và nhiều đất nước, nhiều ngôn ngữ khác nữa!
Nguồn: tienphongonline.com.vn20/8/2006