Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 19/08/2006 00:48 (GMT+7)

Một số vấn đề về công tác kiểm tra ở Liên hiệp hội Việt Nam

Trong thời gian qua, những vụ việc nổi cộm trong phát triển tổ chức và triển khai hoạt động của các tổ chức hội liên quan chủ yếu đến một số hiện tượng sau đây: Trước hết, đó là sự vi phạm hay lợi dụng điều lệ của tổ chức hội, sự mất dân chủ trong việc thành lập và quản lý các đơn vị khoa học - công nghệ trực thuộc, sự thiếu minh bạch trong việc bố trí, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ, trong việc huy động hội viên tham gia các hoạt động chuyên môn, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án phát triển công nghệ, sử dụng các nguồn lực, trong việc phân phối lợi ích. Cũng có những trường hợp liên quan đến các vấn đề tài chính trong nội bộ tổ chức hội. Bên cạnh đó, đã xảy ra những vụ tranh chấp dân sự và vi phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng đất đai, tổ chức quản lý và cấp chứng chỉ cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, triển khai các dịch vụ khoa học công nghệ. Các vụ việc đó đã dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, tố cáo lẫn nhau, khiếu kiện kéo dài khiến nhiều cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải bận tâm và nhắc nhở.

Rất đáng tiếc là đa số các vụ việc nêu trên lại liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một số cán bộ chủ chốt của các tổ chức hội. Lợi dụng vị trí của mình và một số chi tiết sơ hở trong điều lệ hội, một Chủ tịch hội, trên thực tế, đã vô hiệu hoá nhiều uỷ viên thường vụ, coi thường công tác kiểm tra, làm tê liệt hoạt động của Ban chấp hành hội trong gần mười năm, thực hành chuyên quyền độc đoán, gây mất đoàn kết kéo dài và nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ở một hội khác, đại hội của hội đã không hoàn thành được việc bầu cử Ban lãnh đạo mới và cũng không giới thiệu kịp thời những người đại diện của mình vào Hội đồng Trung ương khoá V của Liên hiệp hội Việt Nam. Lại có trường hợp, cơ quan cảnh sát điều tra phải thụ lý hồ sơ về những sự tranh chấp giữa các cán bộ chủ chốt của một hội.

Một loại đối tượng khác có liên quan đến các vụ việc phức tạp là một số đơn vị khoa học - công nghệ (đơn vị 81 trực thuộc). Trong hàng trăm viện, liên hiệp khoa học - sản suất, trung tâm… được thành lập trong thời gian qua gần đây, đã có một số đơn vị hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập hợp pháp cho cán bộ, nhân viên, góp phần giải quyết nhiều vấn đề khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, không ít đơn vị đã sớm có những biểu hiện không lành mạnh. Lợi dụng danh nghĩa và uy tín của Liên hiệp hội Việt Nam, họ vung vãi tổ chức theo cả chiều dọc và chiều ngang. Chuyện lạ ở một đơn vị nọ là ngay sau khi nhận được quyết định thành lập, người đứng đầu đơn vị đã nộp đơn xin từ nhiệm. Có đơn vị sinh ra chỉ cốt để xin được con dấu và con dấu đó được dùng cho một việc là xác nhận các hợp đồng dịch vụ do một hoặc một vài cá nhân thực hiện. Ngay cả nghĩa vụ đối với Liên hiệp hội Việt Nam, họ cũng lần lữa hoặc không hoàn thành. Vừa qua, dư luận lại quan tâm đến một đơn vị 81 tổ chức cho một thầy lang ở Hà Tây chữa bệnh ung thư khi chưa được các cơ quan y tế cho phép. Những việc làm như trên đã góp phần làm nhức nhối thêm đời sống xã hội. Nhiều tỉnh và thành phố đã có văn bản gửi các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Liên hiệp hội bày tỏ, bày tỏ sự bất bình về hoạt động của các đơn vị đó. Nhiều cơ quan báo chí cũng đã lên tiếng phê phán lối làm ăn cẩu thả, liều lĩnh và những hậu quả xấu do một số đơn vị 81 gây ra. Trước tình hình đó, Liên hiệp hội Việt Nam đã buộc phải giải thể khoảng một chục đơn vị thuộc loại này.

Dù muốn hay không, những việc làm ấy đã làm xấu đi ít nhiều hình ảnh về Liên hiệp hội Việt Nam và lưu ý chúng ta phải coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra hơn nữa. Trải qua kinh nghiệm thực tiễn, có khi đau xót, nhiều hội thành viên ngày càng quan tâm đến công tác kiểm tra và tăng cường đầu tư cho công tác này cả về nhân sự và điều kiện hoạt động. Công tác kiểm tra không chỉ là của Ban Kiểm tra và do đó không được “khoán trắng” cho Ban Kiểm tra. Nó phải trở thành mối quan tâm của Lãnh đạo hội. Sự kết hợp giữa công tác của Ban Kiểm tra từ trên xuống với hoạt động giám sát, kiểm soát của đông đảo hội viên đã góp phần phát hiện, xác minh và giải quyết được một số vụ việc phức tạp. Các hội nghị cán bộ - viên chức được tổ chức hàng năm ở cơ quan hội vừa đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người lao động, vừa góp phần vào công tác kiểm tra.

Một trong những nội dung không thể thiếu trong hội nghị tổng kết công tác hàng năm của nhiều hội thành viên là việc trình bày, thảo luận và thông qua báo cáo về công tác kiểm tra. Qua các báo cáo kiểm điểm định kỳ đó, từng năm một, những vấn đề quan trọng như thành lập và phát triển tổ chức mới cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ, huy động và sử dụng nguồn lực… được làm sáng tỏ, đảm bảo tính công khai và đạt được sự đồng thuận của Ban Chấp hành. Nhờ vậy, những thắc mắc hoặc nghi ngờ (nếu có) được kịp thời giải đáp, không bị dồn nén lại để dẫn đến nguy cơ xảy ra các vụ việc phức tạp. Đây cũng là sự chuẩn bị có hiệu quả cho việc xây dựng báo cáo toàn nhiệm kỳ về công tác kiểm tra. Cùng với kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, hình thức kiểm tra định kỳ này nên được tham khảo.

Trong khi phát hiện, xác minh và góp phần giải quyết các vụ việc phức tạp, những người làm công tác kiểm tra khó tránh khỏi mếch lòng một số người. Nhưng nếu tận tâm khi xem xét, thành tâm khi giải trình và công tâm khi xử lý sự việc thì trước sau chúng ta cũng sẽ nhận được sự đồng tâm của đông đảo cán bộ, hội viên. Và có lẽ đó là điều quý giá nhất, bởi vì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

PGS.TS Tô Bá Trọng*
* Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Liên hiệp hội Việt Nam

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.