Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/09/2010 21:19 (GMT+7)

Một số vấn đề về an toàn và bảo vệ môi trường khi lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Viêt Nam

I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày nay, các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới là vấn đề cấp thiết và nóng bỏng đối với tất cả các quốc gia mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nguồn năng lượng hạt nhân là giải pháp đã được đề cập tới từ những năm 50 của thế kỷ 20 với sự ra đời hàng loạt các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ, Liên Xô cũ và các nước công nghiệp châu Âu, nhằm bổ sung cho nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt. Với ưu điểm nổi trội ở hiệu suất cao và không gây ô nhiễm môi trường, các nhà máy điện hạt nhân đã và đang được xây dựng ngày càng nhiều. Nhằm mục tiêu chiến lược tới 2040 có khoảng 20.000MW năng lượng điện hạt nhân cho đất nước, Việt Nam cần phải xây dựng mới 05 nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) (công suất 4 tổ máy 1000MW/NM).

Tuy nhiên, sau sự cố Chernobyl, việc xây dựng phát triển các NMĐHN đã gặp nhiều khó khăn cản trở từ dư luận xã hội, với tâm lý e ngại về tính an toàn, bền vững đối với cộng đồng và vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng của con người cũng như sự phát triển của sinh thái, môi trường sống trên trái đất.

Chính vì vậy, khi nói đến những thành tựu và lợi ích của việc ứng dụng và phát triển năng lượng hạt nhân, chúng ta cần phải xem xét thật nghiêm túc và thận trọng vấn đề an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân, cũng như đánh giá được tác động của chúng tới con người, xã hội cũng như tổng thể môi trường sinh thái trên phạm vi và quy mô ứng dụng, nhất là sau thảm họa Chernobyl.

Dưới đây trình bày một số vấn đề về an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng khi lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN tại Việt Nam . Trước tiên, chúng ta cần phải nghiên cứu những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước và hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất điện hạt nhân, mà sự cố tại NMĐHN Chernobyl là một bài học điển hình.

Thảm họa Chernobyl

Ngày 26/4/1986 đã xảy ra tai nạn sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl thuộc lãnh thổ Ucraina – Liên Xô cũ. Đây thực sự là một thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử ứng dụng năng lượng hạt nhân nhằm mục đích hòa bình.

Theo tổng kết của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hậu quả của tai nạn xảy ra ở Chernobyl cụ thể như sau:

* Trong vòng 3 tháng có 28 người chết do phóng xạ, 3 người chết không do phóng xạ;

* Trong khoảng 10 năm sau khi tai nạn xảy ra có thêm 14 người chết (không phải do phóng xạ), 3 trẻ em bị chết do ung thư tuyến giáp (nghi ngờ do phóng xạ);

* Có tới khoảng 160.000 người liên quan phải di dời;

* Độ phóng xạ của 137Cs vượt mức 185 kBq/ chiếm một khu vực rộng lớn bao gồm: 16.500 km 2vùng lãnh thổ của Belorusia, 4.600 km 2vùng lãnh thổ của Nga và 8.100 km 2của Ucraina;

* Đã phải huy động tới 600.000 – 800.000 người để khắc phục hậu quả của tai nạn.

WHO đã có báo cáo trình bày những kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia về những bằng chứng khoa học của tác động hạt nhân trong vụ tai nạn Chernobyl tới sức khỏe cộng động;

Theo kết quả hồi cứu của nhóm chuyên gia WHO, liều bức xạ phông tự nhiên trung bình tới con người trên toàn cầu là khoảng 2,4 mSv/năm. Tuy nhiên, cũng có một số người sinh sống ở những khu vực có phông bức xạ cao với những liều có thể vượt quá 20 mSv/năm, nhưng cũng chưa thấy bằng chứng nào có nguy cơ đối với sức khỏe.

Kết quả nghiên cứu đánh giá tác động sức khỏe của nhóm chuyên gia WHO cho thấy, mức liều hiệu dụng trung bình nhận được, tích lũy trong suốt 20 năm qua của những người tiếp xúc nhiều nhất quanh khu vực Chernobyl so với liều nhận được của những cư dân bình thường, cũng như liều nhận được của những người tiếp xúc với thiết bị bức xạ trong y tế được trình bày theo bảng dưới đây:

Dân cư (tiếp xúc nhiều năm)

Số lượng (người)

Liều trung bình trong 20 năm (mSv) 1

Nhóm tiếp xúc cao - những người trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả (1986 - 1987)

240.000

> 100

Nhóm người di dời (1986)

116.000

> 33

Cư dân ở các khu vực kiểm soát nghiêm ngặt (>555 kBq/m 2) 1986-2005

270.000

> 50

Cư dân bị ô nhiễm thấp giai đoạn 1986 - 2005 (37kBq/m 2)

5.000.000

10 - 20

Phông tự nhiên

2,4 mSv/năm (chủ yếu trong khoảng 1-10, max>20)

48

Các mức liều tương ứng trong tiếp xúc tia X cho một lần tiếp xúc

Chụp CTtoàn thân

12 mSv

Chụp u vùng ngực

0.13 mSv

chụp X-quang ngực

0.08 mSv

[1] Các mức này đã cộng thêm cả mức nền bức xạ tự nhiên

Trong khoảng các liều hiệu dụng của phần lớn dân cư trên vùng bị ô nhiễm là thấp, thì với nhiều người khác liều chiếu xạ lên tuyến giáp lại lớn do uống sữa bị ô nhiễm phóng xạ iodine.

Một phần trong số những người tiếp xúc với những mức liều cao do đồng vị phóng xạ iodine nêu trên, chỉ có những người trực tiếp làm việc quanh lò phản ứng bị cháy nổ vào 2 năm đầu sau sự cố tai nạn (240.000 người), những người sơ tán (116.000 người), một số trong đó nhận được những liều khá cao ở các vùng bị ô nhiễm nặng (270.000 người) nhận được những liều cao hơn mức phông tự nhiên một cách đáng kể. Những cư dân hiện đang ở những vùng ít bị ô nhiễm hơn (37 kBq/m 2) thì chỉ nhận những liều nhỏ chỉ lớn hơn mức nền một chút, tuy nhiên những liều này cũng nằm trong khoảng mức phóng tự nhiên trung bình của các khu vực khác trên toàn cầu. Để so sánh, thì liều bức xạ cao trong trường hợp chụp cắt lớp vi tính (CT) toàn thân là tương đương với liều trung bình tổng cộng nhận được trong suốt 20 năm của cư dân ở các vùng ô nhiễm thấp trong thảm họa Chernobyl.

II. Các tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam

Từ kinh nghiệm Chernobyl và kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, muốn xây dựng NMĐHN phải thật sự quan tâm đến nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy. Nó có vai trò vô cùng quan trọng, vì phải đảm bảo được tối đa tính an toàn đối với môi trường và cộng đồng, đồng thời phải giảm thiểu tối đa tác động của môi trường đối với NMĐHN.

Ngoài ra, an toàn bức xạ hạt nhân đối với NMĐHN cũng là vấn đề phải đặc biệt quan tâm. Với kinh nghiệm hàng chục năm qua của các nước đã xây dựng nhiều NMĐHN và những thành tựu khoa học hiện nay, công nghệ sản xuất điện hạt nhân đã đạt tới trình độ hiện đại. Việc thiết kế xây dựng NMĐHN đã có thể đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối về rò rỉ bức xạ và xác suất xảy ra sự cố là không đáng kể.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoạt động của các NMĐHN (gồm xây dựng và vận hành nhà máy, mua và vận chuyển nhiên liệu hạt nhân đến nhà máy, thải và vận chuyển chất thải hạt nhân đến nơi xử lý…) cũng gây nhiều tác động tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng, vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ khi lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN.

Khi lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cần xét đến tác động của việc quy hoạch chiếm dụng đất, vận hành nhà máy tại vị trí đó, đồng thời xét đến tác động của đường vận chuyển nhiên liệu hạt nhân đến nhà máy, cũng như các chất thải và hoạt động vận chuyển chất thải hạt nhân đến nơi xử lý an toàn.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ban hành hàng loạt các tài liệu khuyến cáo về việc lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN, hướng dẫn các tiêu chí đánh giá, qui trình và phương pháp lựa chọn địa điểm nhằm mục tiêu chọn được địa điểm tối ưu, phù hợp nhất. Tiêu chí đánh giá để lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN cần quan tâm tới mọi khía cạnh: AT, kinh tế kỹ thuật, môi trường và xã hội.

Về khía cạnh kỹ thuật – công nghệ, để đảm bảo an toàn cho nhà máy cũng như môi trường và cộng đồng xung quanh thì hầu như không có khó khăn nào đặc biệt đối với việc chọn địa điểm xây dựng.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác phải đặt ra khi lựa chọn địa điểm cho nhà máy như an toàn đối với cộng đồng dân cư, an toàn cho môi trường và hệ sinh thái, sinh quyển của địa điểm nhà máy cùng tác động qua lại giữa nhà máy với địa điểm lựa chọn.

Mục đích xây dựng nhà máy điện hạt nhân là để cung cấp điện năng một cách kinh tế, hiệu quả nhất, vì thế việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy cần phải đạt các yêu cầu như: khoảng cách tới nơi tiêu thụ nhỏ; hệ thống làm mát nhiệt thải có hiệu quả cao; v.v… Để lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN cần xét tới các tiêu chí sau:

2.1 Về chính sách:Phải phù hợp với các quy định về Luật Bảo vệ môi trường; Pháp lệnh An toàn bức xạ; Luật Năng lượng nguyên tử; Chiến lược phát triển Năng lượng Quốc gia; phù hợp với quy hoạch mạng lưới phụ tải điện quốc gia; với yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân và chống phá hoại NMĐHN cũng như phù hợp với chính sách bảo vệ an ninh và quốc phòng.

2.2. Về tài nguyên đất: Quỹ đất xây dựng NMĐHN phải đảm bảo không gây tác động lớn đến phát triển KT-XH của địa phương, đến tài nguyên đất và môi trường. Chiếm diện tích đất rừng ít; đất không bị ngập, lũ lụt, không bị ảnh hưởng của sóng biển, thủy triều và nước biển dâng, sóng thần, v.v… Điều kiện địa chất phải ổn định, không lún sụt, trượt lở; không nằm gần tâm động đất, các vết gẫy địa chất; làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên ít nhất.

2.3. Về vị trí đặt nhà máy:Phải thuận tiện cho giao thông vận chuyển nguyên vật liệu trong quá trình thi công và việc đi lại trong quá trình vận hành; phải thuận tiện và an toàn trong việc cung cấp nhiên liệu hạt nhân (đưa đến cảng và từ cảng đến nhà máy) cũng như trong vận chuyển chất thải hạt nhân từ nhà máy đến nơi thải bỏ.

2.4. Về kinh tế - xã hội:Phải đảm bảo di dân, giải phóng mặt bằng ít nhất; số người mất đất, mất nguồn sinh sống ít nhất, đặc biệt là đối với dân tộc ít người; ít ảnh hưởng đến dân cư (nhất là khi xảy ra sự cố); trong vùng bán kính 15 km là vùng có mật độ dân cư thấp, không có đô thị, không có các cơ sở công nghiệp lớn, xa các sân bay; không lấn chiếm các công trình lịch sử, văn hóa, khảo cổ và cảnh quan du lịch; không phá hoại hoặc làm thay đổi hạ tầng kỹ thuật khu vực ít nhất (hệ thống giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, thông tin liên lạc, v.v…);

2.5. Về môi trường nước:Phải đảm bảo sao cho môi trường nước khu vực hiện tại chưa bị ô nhiễm (gồm cả ô nhiễm bức xạ) và có nguồn nước thuận tiện đủ cấp cho NMĐHN; có đủ nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt của 800 người làm việc trong NMĐHN 2 tổ máy công suất 2 x 1000 MW (tối thiểu 160-200 m 3/ngđ); dùng nước biển làm mát máy nhưng phải có đủ nguồn nước ngọt cung cấp bổ sung cho NMĐHN 2 tổ máy công suất 2 x 1000 MW là 4000 m 3/ngđ; nguồn nước mặt tiếp nhận nước thải phải tương đối gần và đủ khả năng khuếch tán nhiệt nước làm mát nhà máy (lượng nước thải nóng tối thiểu 4000 m 3/ngđ).

2.6. Về môi trường không khí: Khu vực hiện tại phải chưa bị ô nhiễm (gồm cả ô nhiễm bức xạ); môi trường không khí của khu vực không bị cản luồng thổi và dễ dàng khuếch tán lan tỏa ra xung quanh; môi trường không khí của khu vực nếu bị ô nhiễm (đặc biệt là ô nhiễm bức xạ do rò rỉ bức xạ của NMĐHN) thì sẽ được giá thổi về vùng ít hoặc không có dân cư để giảm tác động đến sức khỏe cộng đồng.

2.7. Tác động về các hệ sinh thái và đa dạng sinh học:Không xâm phạm, gây tác động xấu đến các vườn quốc gia, các khu bảo tồn và các khu rừng tự nhiên; không gây tác động xấu đến đa dạng sinh học ở trên cạn, dưới nước, cũng như vùng biển nước ven bờ.

2.8. Về ứng cứu sự cố môi trường:Trường hợp xảy ra sự cố do thiên tai/nhân tạo để có thể gây rò rỉ phóng xạ hoặc gây nổ NMĐHN thì có thể ứng cứu, sơ tán dân, hạn chế tác hại của bức xạ, bảo vệ an toàn cho dân cư quanh vùng nhanh nhất.

2.9. Về mức độ tác động đến môi trường:Ngoài tác động đối với môi trường, thiên nhiên và sức khỏe cộng đồng, tương tự như Quy hoạch địa điểm các nhà máy nhiệt điện nói chung, thì nhà máy điện hạt nhân có tác động rất đặc thù và có tính nhạy cảm cao đối với môi trường như: Tác động ô nhiễm bức xạ; tác động sẽ đặc biệt nghiêm trọng khi có sự cố nổ NMĐHN; sẽ rất khó đảm bảo AT cho MT khi thải bỏ, xử lý thải phóng xạ; v.v… Tất cả các tác động này đều có thể phòng ngừa và khắc phục, nếu Quy hoạch đúng địa điểm, chọn lựa được công nghệ điện hạt nhân hiện đại và đảm bảo về ATBX, vận hành nhà máy đúng quy trình, an toàn, không để xảy ra sự cố và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và quan trắc môi trường thường xuyên.

2.10. Về tác động đối với cộng đồng:Việc lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN có tính nhạy cảm rất cao đối với cộng đồng liên quan. Nói chung, tâm lý lo sợ về sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong nhân dân ta còn rất nặng nề, trong khi lại rất thiếu thông tin và hiểu biết về sự phát triển của ngành Điện hạt nhân hiện đại. Vì vậy, muốn đạt được sự đồng thuận của cộng đồng về việc chọn địa điểm xây dựng các NMĐHN thì phải hết sức coi trọng công tác truyền thống và vận động cồng đồng.

Vấn đề đặt ra là phải giải quyết tác động của bức xạ hạt nhân tới sức khỏe cộng đồng thế nào. Nói đến an toàn cho môi trường và cộng đồng dân cư ở vùng qui hoạch NMĐHN, thì việc quan tâm trước tiên là cần có các tiêu chuẩn AT bức xạ.

Trong vùng hoạt động của lò phản ứng hạt nhân có một số đồng vị phóng xạ đặc biệt nguy hại. Nguy cơ chất thải rò rỉ các chất phóng xạ từ vùng hoạt động của lò phản ứng tuy nhỏ nhưng không phải là không có. Bên cạnh đó, còn những hậu quả do tác động của phóng xạ mà ta không thể cảm nhận được và nó chỉ xuất hiện sau hàng chục năm. Vì vậy, khi lựa chọn một địa điểm xây dựng nhà máy, phải xem xét những nguy cơ của phóng xạ đối với cộng đồng. Việc xem xét đánh giá thường được phân làm 2 loại:

- Liều chiếu xạ từ hoạt động bình thường của nhà máy (từ các phát thải thường kỳ, định kỳ, hay hoạt động vệ sinh tẩy rửa giữa chừng, hoặc từ những hoạt động thải bất thường do sự cố hỏng hóc).

- Liều chiếu xạ trong điều kiện có sự cố tai nạn nghiêm trọng (như chernobyl ).

Những liều bức xạ trong điều kiện nhà máy hoạt động bình thường đã được các cơ quan quốc tế như IAEA và ICRP (Ủy ban Quốc tế phòng chống bức xạ theo đó các cơ quan có thẩm quyền về an toàn bức xạ và hạt nhân và cơ quan sức khỏe và y tế ở mỗi quốc gia sẽ ban hành.

Trong điều kiện hoạt động bình thường của NMĐHN, với trình độ công nghệ hiện đại, thì những liều thất thoát đảm bảo ở mức không thể gây bất kỳ tác động này tới cộng đồng, cũng như môi trường xung quanh (không khí, đất, nước và hệ sinh thái, các công trình văn hóa, v.v…).

Các liều cần được kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế tác động tới dân cư và môi trường chủ yếu chỉ trong điều kiện xảy ra sự cố tai họa nghiêm trọng.

Vì thế, vị trí của nhà máy cần có vành đai cấm (tuyệt đối không có dân sinh sống) để loại bỏ nguy cơ các hiệu ứng gây bệnh sớm quá mức trong trường hợp có sự cố tai nạn. Tiếp theo là vành đai dân cư thưa, trong trường hợp xảy ra tai nạn, với mức liều cho toàn thân và tuyến giáp không vượt quá mức cho phép để hạn chế tối đa các tổn thất gây các bệnh hiệu ứng muộn. Và cuối cùng là vùng dân cư đông đúc. Với mức liều tổng (người/rem) dưới mức cho phép, để hạn chế tối đa các hiệu ứng di truyền.

Ngoài ra, phân bố dân cư quanh nhà máy phải đảm bảo tính khả thi cho lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, dân cư quanh nhà máy có thể bị ảnh hưởng với những mức độ tương ứng theo khoảng cách bán kính quanh nhà máy. Do vậy, khi quy hoạch phân bố dân cư quanh nhà máy, cần quan tâm xem xét tới những điểm sau:

- Số dân trong những vòng bán kính (tăng dần) ảnh hưởng quanh nhà máy.

- Số dân ở các khu vực khó sơ tán di dời (bệnh viện, trường học, v.v…).

- Những người tam cư trong khu vực lân cận nhà máy.

Phần lớn các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân, quy định cho vùng cấm với khoảng cách 0.5 km-1 km hoặc xa hơn nữa. Trong phạm vi này, sự ra vào của dân cư bị kiểm soát nghiêm ngặt và tuyệt đối cấm cư trú thường xuyên. Trong trường hợp có tai nạn, khoảng cách vài km cách nhà máy vẫn có thể bị ảnh hưởng, do vậy, mặc dù xác suất tai nạn của nhà máy là rất nhỏ, nhưng vẫn cần có một kế hoạch khả thi để sơ tán di dời dân cư ở vùng này trong trường hợp khẩn cấp.

Chính vì vậy những vấn đề nêu trên, nên khi phân tích đánh giá để lựa chọn địa điểm xây dựng NMĐHN, phải ưu tiên cho các địa điểm có mật độ dân cư thấp và cần phải cách các đô thị quanh nhà máy vài chục km.

III. Kết luận

Xây dựng NMĐHN đòi hỏi một diện tích tối thiểu đáng kể tùy thuộc cộng nghệ và số tổ máy (công suất tổng của nhà máy). Thông thường các NMĐHN chiếm một diện tích là: 60 ha với nhà máy có 2-4 tổ máy (làm mát trực lưu); 90 ha với nhà máy có 2-4 tổ máy (làm mát kiểu kín); và 120 ha với nhà máy có 4 tổ máy sử dụng chu trình kín. Đất cho nhà máy chỉ chiếm khoảng 10-20 ha nhưng để thi công xây dựng và lắp đặt thì chiếm một diện tích lớn hơn thế (thông thường diện tích tối thiểu 60-90 ha cho xây dựng nhà máy công suất 2-4 tổ mát làm mát trực lưu). Vì sử dụng làm mát trực lưu, nên thường các nhà máy được xây dựng ở những địa điểm dân cư thưa thớt, cách xa các trung tâm dân cư lớn (thành phố, đô thị) và gần sông, biển.

Theo khuyến cáo của IAEA, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy cần phải quan tâm lưu ý:

- Loại bỏ các nơi gần các trung tâm dân cự lớn, khu vực có mật độ dân số cao.

- Sàng lọc các vị trí trên cơ sở thang phân bổ dân cư, có tính tới hướng gió chủ đạo.

Với công nghệ hiện đại ngày nay, các lò phản ứng hạt nhân hầu như có thể đảm bảo an toàn tối đa để tránh được những thảm họa như Chernobyl . Vì vậy, vấn đề tác động của NMĐHN tới an toàn và sức khỏe của cộng đồng chỉ cần tuân thủ những quy định khuyến cáo của IAEA về tổng liều tiếp xúc cho cộng đồng (người/rem) và khoảng cách an toàn cho vùng cấm từ 1 km – 2 km là hợp lý và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Mặt khác, do yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn hạt nhân của công trình xây dựng NMĐHN, việc thi công xây dựng, lắp ráp cũng như nhân công kỹ thuật cần phải do các nhà thầu danh tiếng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng NMĐHN (như Mỹ, Nhật Bản, Nga) đảm nhận 100%. Từ sự cố Chernobyl – mà nguyên nhân chính vẫn là yếu tố con người, nên cần có quy chế nghiêm ngặt trong tuyển chọn, giám sát chặt chẽ sức khỏe, tâm sinh lý thần kinh của những người làm việc vận hành trong NMĐHN.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.
Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.