MỘT SỐ VẤN ĐỀ GAY CẤN VỀ VIỆC XỬ LÝ MỐI QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA ĐỔI MỚI, ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG NHẬN THỨC VÀ THỰC TIỄN HIỆN NAY
Về chủ đề này, ở đây, chúng tôi, chủ yếu không phải bàn khái quát về mối quan hệ ấy (như đổi mới là động lực, là phương thức, ổn định là điều kiện, phát triển mục tiêu, mục đích), mà vấn đề hiện nay là xem nó đang nổi lên nhửng bức xúc gì, gây cấn gì, cần nghiên cứu giải quyết. Theo chúng tôi có thể chọc sâu vào một số câu hỏi sau đây (5 vấn đề), qua đó làm sâu sắc hơn cả mặt lý luận và thực tiễn của vấn đề dưới góc nhìn của “hệ vấn đề triết học Việt Nam đương đại”.
I- NHƯNG TRƯỚC HẾT CẦN THỐNG NHẤT VỀ KHÁI NIỆM NÓI TRÊN VÀ QUAN HỆ BIỆN CHỨNG TỔNG QUÁT GIỮA CHÚNG [3]
1- Từ thảo luận về thực tế lại trở lại thảo luận khái niệm và, triết lý
Thông thường khi phân tích các vấn đề thực tiễn, chúng ta thường bỏ qua vấn đề này. Bàn về khái niệm hay triết lý thường là các luận văn khoa học mới thực hiện những thao tác như vậy. Nếu các hội thảo lý luận - thực tiễn mà bàn ngay khái niệm, triết lý như vậy thì dễ coi là ý thuyết suông, hầu như không cần, ai cũng biết cả rồi! Song thực tế không phải như vậy.
Nhưng khi thảo luận các vấn đề cụ thể, các nhà nghiên cứu từ nhiều ngành khoa học khác nhau thường từ góc độ nghiên cứu của mình đưa ra những nhận định, thắc mắc liên quan tối vấn đề chung và đã có ý kiến đặt lại những khái quát chung, khái niệm chung mà chúng ta đang bàn ở đây. Có khi là nghi ngờ, có khi là phản biện, tư duy với nội hàm khác nhau, có khi là phủ nhận nó. Từ đó cho thấy thấm nhuần và vận dụng lô gích học và lô gích biện chứng đang là “có vấn đề” ở tư duy không ít các nhà nghiên cứu.
Khó nhất là nhận thức xử lý các vấn đề thực tế chứ không phải ở khái niệm, nhưng khái niệm là công cụ tư duy, hiểu khác nhau thì có thể tư duy suy luận khác nhau. Những thảo luận thực tế lại trở lại thảo luận khái niệm là điều thường thấy ở nước ta, mặc dù tâm lý chung là ít đi vào lý luận, khái niệm, học thuật. Vấn đề lý luận và thực tiễn phức tạp không thể tư duy, suy nghĩ phán xét bằng cảm quan và tư duy thông thường, kiểu hiện tượng luận, cảm tính luận mà phải tư duy một cách khoa học, một cách biện chứng và phức hợp.
2- Khái niệm ổn định, đổi mới và phát triển, và khái quát có tính triết lý này, phải chăng là chưa ổn?
Phải chăng là phải nói “đổi mới, ổn định trong phát triển” mới đúng? Hay “đổi mới - ổn định- phát triển”? (chứ… “và phát triển” thì không đúng?)
Thực ra xét theo nghĩa rộng thì phát triển là khái niệm bao hàm tất cả hai nghĩa kia (ổn định và đổi mới). Phát triển vừa là ổn định vừa đổi mới/ thay đổi. Mà phát triển có thể bao hàm bước giật lùi: trì trệ, khủng hoảng! Nhưng theo nghĩa hẹp thì ba nhân tố, ba vòng khâu này tương đối độc lập, là ba mặt quan hệ biện chứng với nhau. Đúng là ổn định là điều kiện; đổi mới là phương thức, tạo động lực để phát triển; phát triển là kết quả tất yếu của đổi mới, bao hàm đổi mới.
Khái quát hay triết lý như vậy là đúng. Tuy nhiện sự vận động của chúng trong thực tiễn cực kỳ phức tạp, phng phú, đa chiều, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn chứ không phải tuyến tính, tất định mà phi tuyến tính và phi tất định.
3- Tính hai mặt của mỗi khái niệm - vấn dề trong thực tế
Không chỉ bàn về quan hẹ giữa ba vấn dề hay khái nie5m nói trên mà không thấy tính biện chứng bai mặt trong từng khái niệm, vấn đề. Do vậy cũng cần thấy đổi mới (thay đổi) - ổn định - phát triển nhân tố nào cũng tự nó có hai mặt tích cực và tiêu cực phức tạp của nó.
Ổn định tích cực và ổn định tiêu cực, đổi mới đúng hay đổi mới sai, phát triển hay phản phát triển? Chỉ là ở chỗ mặt nào là chính và chiếm ưu thế mà thôi. Nhưng chúng lại có thể chuyển hóa lẫn nhau, đổi vị trí cho nhau.
Không thấy như thế chúng ta đánh giá tình hình và nêu giải pháp sẽ lúng túng. Không nên tuyệt đối hóa một chiều và thiếu phân tích bản chất các khái niệm, các hiện tượng ấy.
4- Có 5 cặp phạm trù quan hệ cặp đôi
Thực ra ba yếu tố này, ổn định là điều kiện; đổi mới là phương thức để phát triển; phát triển là kết quả tất yếu của đổi mới có thể phân định thành 5 cặp phạm trù quan hệ cặp đôi:1) khủng hoảng và đổi mới; 2) đổi mới và ổn định, ổn định và đổi mới; 3) đổi mới và phát triển; 4) ổn định và phát triển; 5) phát triển và trì trệ, khủng hoảng - và về mặt lý luận phải phân tích sâu từng cặp một!
Khái niệm Ổn định cũng là khái niệm đúng và là ổn định động (Ổn định chứ không phải “cố định”). Và khái niệm Đổi mới theo nghĩa chung nhất đồng nghĩa với khái niệm cải tổ, và cải cách, không có gì là sai ở đây cả. Đổi mới không phải đơn giản chỉ là giải pháp tình thế, sửa sai năm 1986, nó là vòng khâu phổ biến như cải cách, cải tổ vậy, vấn đề là chỉ từng mặt hay cơ bản, toàn diện mà thôi! Đổi mới không chỉ/ hoặc chỉ là sửa chữa sai lầm của quá khứ mà còn là sáng tạo ra cái mới, tái cấu trúc hệ thống và tạo nên chất lượng mới.
5- Đổi mới II, một bước ngoặt mới?
Vấn đề đặt ra về mặt thực tiễn là hiện nay xã hội dang khủng hoảng tiềm tàng hay bùng phát nhất là trên nhiểu mặt về mô hình phát triển. Thách thức cũng như cơ hội (và biến thách thức thành cơ hội) trong và ngoài nước đang đặt ra vấn đề và yêu cầu nóng bỏng như vậy.
Đổi mới I đã kết thúc đang mở ra bước ngoặt đổi mới II, chứ không chỉ là tiếp tục đổi mới toàn diện theo chiều sâu?
Phải chăng đổi I là đổi mới và phát triển theo chiều rộng, đổi mới thể chế kinh tế là chính, và đã hết động lực? Và đổi mới II là đổi mới toàn diện và theo chiều sâu là chính? Và đổi mới II là đổi mới chính trị xã hội làm chính (bao hàm đổi mới giáo dục- đào tạo). Đổi mới I và II không chỉ về mô hình mà gồm cả tầm nguyên lý, chẳng hạn chuyển từ nguyên lý bao cấp sang nguyên lý thị trường (ĐM.I), và chuyển từ nguyên lý chính trị quyền sang nguyên lý pháp quyền, từ nguyên lý đảng quyền sang dân quyền, từ độc đoán sang dân chủ hóa (dân chủ pháp quyền) thực chất hơn (ĐM. II),… Cố nhiên không có giới hạn tuyệt đối giữa ĐM I và II.
Phải chăng hiện tại còn chập chờn, đổi mới chưa quyết liệt còn nửa vời, chưa cơ bản?
6- Phải chăng con đường phát triến của đất nước không chỉ lạc hậu mà còn là đang lạc lỏng, lạc đường?
Chúng tôi cho rằng, nếu xét từng mặt thi có thể đúng, nhưng xét tổng thể thì không hẵn như vậy. Mô hinh và con đường phát triển trước 1986 (phi thị trường, phi pháp quyền, quân sự hóa, tập quyền, quân chủ hóa cao độ…) thì đúng là lạc hậu, lạc lỏng và cùng đường.
Nhưng từ sau đổi mới đến nay, đất nước đang trở lại phat triển phù hợp với xu hướng chung, phổ quát của nhân loại (kinh tế thị trường, dân chủ hóa và dân chủ pháp quyền, coi trọng nhân quyền, hội nhạp với thế giới…), dù có mặt còn lạc hậu hay lạc lỏng (?) phải bàn.
Tuy nhiên, có mặt chưa thực chất, còn thấp hoặc có mặt còn nửa vời, chưa triệt để. Chúng ta, thấy còn không ít những người có chức vị, quyền hạn vẫn còn kỳ thị chính trị và dân chủ TBCN, xã hội dân sự, tam quyền phân lập, hoặc hoài nghi giá trị chung của nhân loại và nền văn minh chính trị TBCN, tư duy phân biệt đối xử, chỉ thấy mặt trái của nó cũng còn nặng, tuy có thoáng hơn trước. Không kế thừa, trước hết là như vậy mặt tốt, những công nghệ, nguyên tắc dân chủ pháp quyền, kinh tế thị trường chung có giá trị nhất của CNTB, nhất là CNTB hiện đại thì không có CNXH văn minh và khó hiểu về định hướng XHCN.
Để hòa nhập với nền văn minh nhân loại, chúng ta phải đổi mới quyết liệt hơn, cơ bản hơn, dứt khoát hơn nữa.
Nhưng phải chăng là chuyển hẳn sang chế dộ TBCN mới là không lạc lỏng? Một số người thế hiện xu thế này ngày càng rõ (thoát cộng). Hoặc chỉ thực hiện những đổi mơi chuyển hướng sang chế dộ đa đảng, nguyên tắc tam quyền phân lập, chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, dựa hẵn vào Mỹ?Xu hướng này hiện nay cũng đang được nêu ra (chủ yếu trên mang xã hội). Hoặc thực thi xây dựng “chế độ dân chủ nhân dân”, dù có sử dụng khái niệm này hay không (gần với khái niệm thời kỳ quá độ tiên lên ở VN) theo hướng XHCN, hay thực hiện thời kỳ quá độ xây dựng CNXH. Đó là loại “CNXH thị trường”?
Chúng ta không thể chuyển hẵn sang chế độ TBCN (như có nước sau hậu cải tổ) nhưng cũng không thực thi thuần túy CNXH như cũ, trước 1986, và cũng chưa trực tiếp xây dựng CNXH theo nghĩa CNXH hậu TBCN mà là thực thi cái thực chất “chế độ dân chủ nhân dân” (Hồ Chí Minh), như một phương thức vừa thay thế CNTB (ta bỏ qua chế độ này) vừa tiếp tục phát triển phương thức CNTB, tương đương CNTB theo định hướng XHCN [4] (CNXH thị trường - CNXHTT, hay CNXH tư bản - CNXHTB [5]) một xu hướng rất mới của thời đại chúng ta “chưa có bản đồ” (Tư duy lại tương lai).
Hiện tại một số người nhớ láng máng câu hỏi của TBT Nguyễn Phú Trọng là đến cuối thế kỷ này, nước ta liệu có “CNXH hoàn thiện hay chưa” chứ không phải là “có CNXH hay chưa” [6], như một số người trích dẫn và châm biếm?
7- Phải chăng đổi mới thoát ý thức hệ?
Ngày nay khi chúng ta hội nhập quốc tế phải chăng ý thức hệ đã lỗi thời? tức bây giờ là lợi ích ý thức quốc gia và giá trị nhân loại chứ không phải ý thức hệ?
Ý thức hệ là hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền, gia cấp nắm quyền thống trị về kinh tế không bao giờ mất đi trong xã hội còn giai cấp. Chỉ có điều trong chiến tranh lạnh trước đây đấu tranh giữa hai hệ thống TBCN và XHCN chiếm ưu tế và ý thức hệ ở thế thượng phong, gần như duy nhất, tuy nhiên không bao giờ là duy nhất cả. Còn ngày nay khi xu hướng đối địch thay bằng xu hướng hợp tác (thỏa hiệp) và hòa bình là xu hướng chính thì giá trị dân tộc và giá trị nhân loại nổi lên ở thế thượng phong, còn ý thức hệ lắng xuống, ở phía sau chứ không phải lỗi thời hẳn hay mất đi.
Có thể kết hợp cả ba mặt ấy giá trị dân tộc, giá trị nhân loại và ý thức hệ, điều này không chỉ ở các nước gọi là XHCN mà cả ở các nước TBCN. Điều này cũng giống như như trong toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hòa bình và hợp tác thì cũng hông xóa nhòa các chế độ chính trị khác nhau trên thê giới này. Ảo tưởng về sự lạc hậu, mất đu hay không cần ý thức hệ cũng giống như lả tưởng duy ý thức hệ coi thường giá trị nhân loại. Dù sao cũng không thể tư duy như cũ được nữa, nhưng đổi mới cải cách cái gì, giới hạn ra sao là vấn đề khó caần bàn bạc dân chủ, tranh luận rõ ràng.
Vấn dề mang tính ngyên tắc là có thể kết hợp cả ba mặt ấy giá trị dân tộc, giá trị nhân loại và ý thức hệ với nhau, và tùy vào tình hình cụ thể mà yếu tố nào nổi lên là chính mà thôi, điều này không chỉ ở các nước gọi là XHCN mà cả ở các nước TBCN. Đối với các nước lựa chọn con đường XHCN thì giá trị nhân loại là thống nất với giá trị ý thức hệ như khái quát của Lênin (Người ta có thể trở thành người cộng sản thật sự, chân chính khi thâu hóa được tinh hoa giá trị văn hóa, tư tưởng tốt đẹp của nhân loại - tất nhiên trong thực tế đã có sai lầm có khi đối lập hóa hai loại giá trị ấy).
Có người cho rằng, Hồ Chí Minh không câu nệ ý thức hệ và dẫn chứng bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, cụ không trích Mác - Ănghen mà trích tuyên ngôn độc lập Mỹ, bản Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp, rồi đổi tên Đảng cộng sản VN sang Đảng lao động VN và Di chúc không có nhắc lại gì về CNXH với ngụ ý là Cụ không câu nệ CNTB hay CNXH?
Thực ra, Cụ linh hoạt, không câu nệ hình thức, không định kiến này nọ và thực hiện đúng tinh thần Lênin nói trên là đúng nhưng không phải cụ xa rời lập trường XHCN xét về bản chất. Còn nói trong Di chúc Cụ không có nhắc lại gì về CNXH là không chính xác. Tôi đã phân tích vấn đề này từ năm 2009 khi có ý kiến tương tự (đăng trên www.chungta.com). Vì trong Di chúc có câu: Cần bồi dưỡng các thế hệ tương lai “vừa hồng vừa chuyên” để xây dựng thành công CNXH ở nước ta. Cần thấy tư tưởng cơ bản nhất quán của Hồ Chí Minh: độc lập dân tộc - dân chủ - phú cường và CNXH. CNXH không phải đối lập hoàn toàn với CNTB mà là tiếp tục tinh hoa của CNTB nên nói Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh…là theo ý nghĩa ấy, chứ không phải nói vậy thì xã hộ nào vậy?! Thực tình CNTB hiện doại có những nội dung gần CNXH hơn nước ta rất nhiều, rất nhiều.
Vấn đề là cần đổi mới nội dung ý thức hệ và đổi mới mô hình CNXH (như sau 1986), nhưng không phải thay hẵn sang CNTB, dù chấp nhận phát triển kinh tế TBCN ở mức cần thiết và tất yếu và kế thừa tiếp thu hợp lý văn minh TBCN trên tất cả các lĩnh vực kể cả văn minh chính trị, không quay lưng lại CNTB như một thời kỳ thị, mà cần đặt chế độ mới trong dòng chảy văn kinh TBCN và loài người ngày nay nhưng không hòa tan nó. Aun niệm trước đây cho rằng, xây dựng CNXH không cần CNTB là sai lầm, ảo tưởng.
Cho nên, là đổi mới, cải cách sao cho vừa khỏi lệch hướng, vừa tránh cả lạc hậu, cứng nhắc và lạc lỏng nào đó là rất cần thiết.
(còn nữa)
Chú thích:
[1] “Về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển trong quá trình xây dựng đất nước”.Đó là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 23-9-2009, tại Hà Nội.
[2] http://www.baomoi.com/Ve-moi-quan-he-giua-doi-moi-on-dinh-va-phat-trien-trong-qua-trinh-xay-dung-dat-nuoc/122/3248538.epi
[3] Phần này tác giả viết bổ sung sau khi dự buổi toạ đàm về chủ dề nói trên tại Trường ĐH KHXHNV. TPHCM ngày 26/6/2014. Cuộc tọa đàm này cũng đặt ra nhiều vấn đề cụ thể cho nhiều đề tài khác nhau sẽ tọa đàm tiếp theo, xin chưa bàn ở đây..
[4] Cũng có thể gọi là “xây dựng đất nước theo định hướng XHCN”
[5] Chúng tôi đã bàn vấn đề này trong chuyên luận CNXH và thị trường, CNXH thị trường. Xem thêm: Các học gia Nga tranh luận mới về CNXH (Nxb Chính trị quốc gia, 2012) . Theo nghĩa hẹp thì CNTB là giải pháp kinh tế, còn CNXH là giải pháp xã hội.Ch nên CNXH mới cần kết hợp hai mặt đó lại như là một giải pháp khi chưa có CNXH hậu TBCN.
[6] Nguyên văn :”Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa ...” (Ngày 23/10/2013, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131024/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992.aspx)