Một số suy nghĩ về kết quả cải cách hành chính cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ
Một trong những nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước là cải cách thể chế, trước hết là xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước. Trọng tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước là phân định và làm rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức của từng loại hình cơ quan, đơn vị, bộ phận trong hệ thống tổ chức ở mỗi cấp quản lý hành chính Nhà nước, quản lý chuyên ngành trong phạm vi cả nước.
Nhìn lại những năm qua, việc triển khai cải cách thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính từ cơ quan Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đến uỷ ban nhân đân các cấp đã đạt được những kết quả đán mừng so với trước đây.
1.Điểm mới là căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ đã được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định: Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2002 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01/4/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ.
Những vấn đề mới về nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước của Bộ đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; quản lý nội bộ; hợp tác, phối hợp với các Bộ, cơ quan Nhà nước khác; về chế độ làm việc và trách nhiệm của Bộ trưởng; về cải cách hành chính; về thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp cơ vốn nhà nước; về cơ cấu tổ chức và các loại hình tổ chức tham mưu giúp Bộ trưởng (Vụ), thi hành nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành (Cục), thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; về tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ. Ngày 12 tháng 3 năm 2003 Chính phủ đã ra Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ban hành quy chế làm việc của Chính phủ. Nội dung quy chế làm việc của Chính phủ quy định rõ ràng và cụ thể về nguyên tắc, phạm vi, trách nhiệm và cách thức giải quyết công việc của thành viên Chính phủ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;
2.Trên cơ sở Nghị định số 86/2002/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành 26 Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đối với 26 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ trưởng các bộ và cơ quan ngang Bộ, căn cứ Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể đối với từng Bộ, chỉ đạo các tổ chức tham mưu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng loại hình tổ chức tham mưu (Vụ), tổ chức thi hành nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành (Cục) thuộc bộ quản lý và ban hành quy chế làm việc của Bộ, cơ quan ngang Bộ; quy chế làm việc của từng đơn vị thuộc Bộ. Nhiều quy chế làm việc của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thật sự đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý và điều hành bộ đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ Xây dựng, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt đi vào quản lý cụ thể, còn có một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, phân tích làm rõ khái niệm và cơ sở pháp lý, để có nhận thức đúng và khi thực hiện được thống nhất:
1. Quan hệ giữa Bộ trưởng và Thứ trưởng
Nghị định số 86/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ tại Điều 3 có ghi: “Thứ trưởng,... là người giúp Bộ trưởng, được Bộ trưởng phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ được phân công”. Nghị định số 86/2002/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định “Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo một Bộ”. Như vậy, là thành viên Chính phủ dứt khoát phải bầu theo nhiệm kỳ của Quốc hội, hết nhiệm kỳ Bộ trưởng có thể được tiếp tục hoặc thôi, Thứ trưởng phải là người giúp Bộ trưởng, nhưng cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Phân biệt rõ cơ quan Bộ, cơ quan Cục quản lý chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý hành chính nhà nước của Bộ.
Cục thuộc Bộ, “Cục được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ” (Khoản 1 Điều 19 Nghị định 86/2002). “Đối tượng quản lý của cục là những tổ chức và cá nhân hoạt động liên quan đến chuyên ngành, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chuyên ngành đó” (Khoản 2 Điều 19 Nghị định 86/2002). “Cục được thành lập phòng và đơn vị trực thuộc, cục có con dấu và tài khoản riêng” (Khoản 3 Điều 19 Nghị Định 86/2002). Như vậy, Cục là một đơn vị thuộc Bộ, có tư cách pháp nhân riêng, là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cấp dưới của Bộ, thuộc phạm vi chi phối và quản lý hành chính của Bộ theo quy định của pháp luật về chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế có những nhận thức cho rằng Cục không phải là một cấp quản lý, mà nó nằm trong cơ cấu tổ chức quản lý hành chính Nhà nước của Bộ, do bộ phân công công việc như các vụ, không có phân cấp cho cục. Quan niệm như vậy là nhận thức chưa đúng về vai trò của cục trong một số bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Phân biệt rõ các đơn vị trực thuộc cơ quan bộ (vụ, thanh tra bộ, văn phòng bộ) với đơn vị thuộc bộ (cục) có một ý nghĩa rất quan trọng về thẩm quyền giải quyết công việc và ký thừa lệnh (TL), thừa uỷ quyền (TUQ) văn bản quản lý hành chính, đặc biệt các văn bản giao dịch với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là những vấn đề còn thiếu những văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể, vì thế cần được nghiên cứu và quy định thống nhất.
3. Về chế độ làm việc
Hiện tại trong các bộ, ngành đang tồn tại ba chế độ làm việc: Chế độ Thủ trưởng, chế độ tập thể và chế độ chuyên viên. Qua khảo sát và nghiên cứu cho thấy: Văn phòng bộ vừa làm việc theo chế độ thủ trưởng, vừa làm việc theo chế độ chuyên viên. Vụ làm việc theo chế độ chuyên viên là chủ yếu có kết hợp với chế độ trách nhiệm cá nhân Vụ trưởng - Tổng chuyên viên là có hiệu quả nhất. Vì, lực lượng cơ bản và có tính quyết định về chất lượng công việc tham mưu của các vụ chức năng và văn phòng bộ là đội ngũ chuyên viên. Đây là những nhà chuyên môn, chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn được đào tạo hoặc được phân công theo dõi, và các công việc được thủ trưởng đơn vị hoặc lãnh đạo Bộ giao theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.
Nếu chỉ làm việc theo chế độ Thủ trưởng thì số chuyên viên có trình độ và kiến thức như trên sẽ rất lãng phí và suốt đời thụ động trong cộng việc, và như thế chúng ta chỉ cần tuyển lực lượng lao động phổ thông, hoặc xong cấp III là làm được.
Cục là cơ quan thuộc Bộ, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành - thực thi pháp luật - thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, là một cấp quản lý chuyên ngành của Bộ, những ý kiến đề xuất ở cục lên Bộ trưởng phải thông qua Cục trưởng ký và đóng dấu của cục. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về lĩnh vực chuyên ngành do mình phụ trách. Cục trực tiếp quản lý các phòng và đơn vị trực thuộc, quản lý một đội ngũ chuyên viên được đào tạo chuyên môn, chuyên sâu, có nhiều trình độ và cấp học khác nhau. Do đó, bên cạnh làm việc theo chế độ thủ trưởng, cục còn thực hiện làm việc theo chế độ chuyên viên.
Trên đây là những vấn đề lớn, liên quan mật thiết đến việc thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, xin nêu lên để cùng trao đổi.