Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 13/05/2011 18:55 (GMT+7)

Một số biện pháp kỹ thuật làm giàu rừng

Giải pháp này không huỷ diệt toàn bộ môi trường rừng tự nhiên vốn có nên ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế thì còn có tác dụng bảo vệ nguồn tài nguyên đất.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi nêu lên kỹ thuật làm giàu rừng của dự án: " Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” tại xã Thành Lâm, huyện Bá Thước do Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Thanh Hoá xây dựng.

Mô hình làm giàu rừng của Dự án được áp dụng cho các đối tượng rừng nghèo kiệt, ở trạng thái từ 1C đến IIB. Biện pháp kỹ thuật lâm sinh cho đối tượng này là trồng bổ sung theo rạch các loài cây bản địa có giá trị kinh tế (cả cây gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ). Có hai hình thức làm giàu rừng là làm giàu theo rạch và làm giàu theo đám. Đối với làm giàu theo rạch, bố trí rạch trồng cây phải cách đều, chiều rộng rạch từ 3-4 m. Phải căn cứ vào tính chịu bóng của cây trồng và chiều cao của băng chừa sau khi xử lý để xác định chiều rộng rạch. Phải phát sạch cây bụi thảm tươi, dây leo trong rạch, nhưng chu ý chừa lại những cây có giá trị kinh tế và giữ lại những cây tái sinh có triển vọng. Các biện pháp kỹ thuật làm giàu rừng của dự án sẽ được trình bày cụ thể như sau.

+ Mở rạch trồng cây: Các rạch được mở theo hướng song song với đường đồng mức để hạn chế xói mòn đất:Đối với các trạng thái rừng có chiều cao trung bình của tầng cây cao từ 8-10m thì chiều rộng của rạch mở là 2-3m, các trạng thái rừng có chiều cao trung bình của tầng cây cao trên 12m cần mở rạch rộng 3-4m. Trên các rạch mở phát toàn bộ cây bụi, thảm tươi, chiều cao gốc phát <20 cm và tuyệt đối không được đốt. Trong khi phát dọn thực bì trên các rạch, nếu gặp các cây gỗ lớn hoặc cây gỗ tái sinh có giá trị kinh tế thì phải chừa lại và coi đó là một cây trồng để tiến hành chăm sóc trong các năm tiếp theo. Rạch chừa rộng 8-10m, cứ một rạch mở rồi đến một rạch chừa, các rạch xen kẽ nhau trên toàn bộ diện tích của mô hình.

+ Chọn loài cây trồng:Chọn các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao như Re gừng, Lim xanh, Giổi xanh/Sồi phảng (Dẻ Cau). Ngoài ra có thể trồng các loài cây dược liệu (như sa nhân, ba kích, …) hoặc cây lâm sản ngoài gỗ (như mây nếp, song mật, …) trong các rạch mở trong các năm đầu khi rừng chưa khép tán. Tuy nhiên việc trồng xen này phải đảm bảo để không ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loài cây bản địa.

+ Thời vụ trồng: Có hai vụ trồng, vụ xuân trồng vào tháng 3-4 và vụ thu trồng vào tháng 7-8 dương lịch.

+ Phương thức và mật độ trồng: Trên mỗi rạch trồng hỗn giao các loài cây bản địa theo tỷ lệ 1:1 Cây cách cây trên rạch là 4m, nếu rạch cách rạch 8m, thì mật độ trồng là 315cây/ha, nếu các rạch cách nhau 10m thì mật độ trồng là 250 cây/ha. Xen giữa các cây bản địa trồng trên rạch hoặc ở 2 mép rạch có thể trồng xen các loài cây dược liệu hoặc cây lâm sản ngoài gỗ, các cây trồng xen phải cách cây trồng chính từ 1,5-2m tùy theo từng loài. Thời gian trồng cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp khi trồng cây chính hoặc vào vụ hè thu của năm đó.

+ Tiêu chuẩn cây con: Các loài cây bản địa phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

Tuổi cây: 18 - 24 tháng tuổi. Chiều cao từ 0,8-1,0m và đường kính gốc từ 0,7 - 1cm. Cây phát triển bình thường, không bị vỡ bầu, bộ rễ phát triển tốt, không sâu bệnh, không vàng úa hoặc cụt ngọn.

+ Làm đất:

Đào hố: Đào hố theo kích thước 40x40x40cm. Khi đào hố chú ý để riêng lớp đất mặt và đất tầng dưới, nhặt sạch đá cục, rễ cây trong hố.

Bón phân và lấp hố: Sau khi đào hố xong từ 1 - 2 tuần, tiến hành bón lót phân và lấp hố. Cuốc lớp đất mặt xuống khoảng 1/2 chiều sâu của hố, sau đó bón lót 0,5kg phân hữu cơ vinh sinh/hố . Công việc đào và lấp hố phải thực hiện xong trước khi trồng 1-2 tuần.

+ Vận chuyển cây con đem trồng:

Dùng khay, rổ xếp bầu cây và vận chuyển đến nơi trồng sao cho cây con không bị tổn thương. Nếu cây giống được vận chuyển từ xa về thì nên để cho cây con hồi lại rồi mới mang đi trồng, thời gian để lại cây khoảng 15-20 ngày kể từ khi lấy về. Nên để cây con ở nơi khu đất trống, hàng ngày tưới nước cho cây và bảo quản để không bị phá họai.

+ Trồng cây:Trồng bằng cây con có bầu.

Kỹ thuật trồng: Chọn những ngày thời tiết thuận lợi (dâm, mát hoặc mưa phùn) để trồng rừng, tốt nhất nên trồng vào buổi chiều để về đêm cây có khoảng không khí mát mẻ dài giúp cây nhanh hồi lại. Dùng cuốc moi đất ở giữa hố sâu 15 – 20 cm, rộng 15cm, dùng dao sắc, lưỡi lam xé bỏ vỏ bầu và gỡ nhẹ túi bầu ra khỏi bầu, tránh làm vở kết cấu ruột bầu. Đặt cây ngay ngắn vào giữa hố sao cho mặt bầu thấp hơn mặt đất tự nhiên quanh hố từ 1 - 2 cm, sau đó tiến hành lấp ngập 1/2 chiều cao bầu và ấn chặt, tiếp tục vun đất đầy cao hơn mặt bầu 3 - 4cm và ấn chặt đất xung quanh bầu cây theo hình mâm xôi để tránh nước mưa ứ đọng trong hố.

+ Trồng dặm: Sau khi trồng từ 10 - 15 ngày tiến hành kiểm tra tỷ lệ sống, chết. Việc kiểm tra được tiến hành 2 - 3 đợt sau khi trồng, mỗi đợt cách nhau 10-15 ngày, sau mỗi đợt kiểm tra phải xác định cụ thể số lượng cây chết của từng loài và tiến hành trồng dặm khi thời tiết thuận lợi. Cây con trồng dặm phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như trồng chính. Yêu cầu trong năm đầu tiên tỉ lệ sống phải đạt trên 90%.

+ Chăm sóc rừng trồng:Tiến hành chăm sóc ít nhất trong 3 năm (kể cả năm trồng mới) với tổng số lần chăm sóc ít nhất là 7-8 lần. Trong đó năm thứ nhất chăm sóc 1-2 lần tùy theo mùa vụ trồng, năm thứ 2 và thứ 3 mỗi năm chăm sóc 3 lần. Kỹ thuật chăm sóc cụ thể như sau:

Lần 1: Tiến hành vào tháng 3 - 4, gồm các công việc:

- Luỗng phát thực bì, chừa lại cây gỗ tái sinh có giá trị kinh tế và chăm sóc như cây trồng chính, cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng.

- Xới cỏ quanh gốc cây trồng và cây tái sinh có giá trị kinh tế với đường kính 0,5-0,6m. Bón thúc 0,5 kg phân hữu cơ vi sinh/cây. Cách bón: xới đất sâu khoảng 5-7cm quanh gốc cây theo hình chiếu tán, sau đó rắc phân xung quanh rãnh vừa xới và vun đất vào.

- Tỉa thân: Những cây có nhiều thân, chọn một thân chính và dùng Kéo cắt bỏ các thân khác.

- Tỉa cành: tỉa cành trên các cây có nhiều cành nhánh, tỉa tất cả các cành ở đoạn 1/3 chiều dài thân cây tính từ dưới mặt đất lên phía trên.

Lần 2: Chăm sóc vào tháng 6-7 và lần 3 chăm sóc vào tháng 9 -10. Các biện pháp kỹ thuật chăm sóc trong lần 2 và 3 gồm:Luỗng phát thực bì, chừa lại cây gỗ tái sinh có giá trị kinh tế và chăm sóc như cây trồng chính, cắt và gỡ dây leo quấn quanh cây trồng. Tiếp tục tỉa cành trên các cây có nhiều cành nhánh, tỉa tất cả các cành ở đoạn 1/3 chiều dài thân cây tính từ dưới mặt đất lên phía trên. Xới đất sâu 3-5 cm và vun quanh gốc cây trồng và cây tái sinh có giá trị kinh tế với đường kính xới từ 0,6-0,7m, tránh làm tổn hại đến rễ cây trồng.

+ Nuôi dưỡng rừng trồng:

- Tỉa cành: Sau khi kết thúc 3 năm chăm sóc chính, từ tuổi 4 tiếp tục tỉacành nhánh trên những cây phát sinh nhiều cành nhánh rậm rạp gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và các cây khác ở xung quanh bằng các dụng cụ chuyên dùng như Kéo cắt cành hoặc cưa để tránh làm toác cành hoặc tước vỏ vào thân cây.

- Tỉa thưa: Khi thấy các cây trong các rạch chừa cạnh tranh nhau về không gian dinh dưỡng với cây trồng trong rạch thì tiến hành tỉa thưa theo phương pháp tỉa chọn các cây trong rạch chừa.

Lấy toàn bộ sản phẩm tỉa thưa ra khỏi rừng, cành nhánh và lá để lại trong rừng để hoàn trả các chất dinh dưỡng cho đất.

+ Bảo vệ rừng trồng:

- Phòng chống mối: Sau khi trồng 20-30 ngày tiến hành kiểm tra định kỳ, nếu phát hiện có mối hại dưới 10% phải rắc thuốc mối cho số cây bị hại. Nếu tỉ lệ số cây bị nhiễm mối từ 10% trở lên phải rắc thuốc mối cho toàn bộ số cây trồng. Liều lượng 5 gam/hố; tiến hành rắc và trộn đều 1/3 đất đã lấp phần trên của hố. Thuốc mối được sử dụng phổ biến hiện nay là Diaphot – 10H dạng bột.

- Phòng trừ sâu bệnh hại:Sau khi trồng xong phải thường xuyên theo dõi tình hình sâu, bệnh hại của cây trồng. Khi phát hiện có sâu, bệnh hại phải kịp thời xử lý, tùy theo mức độ nhiễm bệnh mà có các biện pháp phòng, trừ thích hợp. Nếu nhiễm bệnh rải rác phải nhổ cây bị bệnh, gom thành đống nhỏ và đốt cháy sạch. Phun phòng trên toàn bộ diện tích. Nếu nhiễm sâu bệnh hại tập trung phải phun thuốc phòng trừ, đồng thời báo cho cán bộ khuyến lâm đề nghị giúp đỡ.

+ Khai thác:

Sau 20-30 năm trồng có thể tiến hành khai thác chọn các loài cây bản địa và trồng bổ sung theo lỗ trống trong các băng trồng cây. Lựa chọn những cây đường kính lớn có thể bán được gỗ xẻ để khai thác, sau đó trồng bổ sung vào lỗ trống đã khai thác. Ngoài ra trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng rừng nếu các cây gỗ lớn mọc tự nhiên trong các băng chừa đến tuổi cho khai thác thì có thể khai thác chọn để lấy sản phẩm.

+ Vệ sinh rừng sau khai thác:Sau khi khai thác, tiến hành dọn vệ sinh rừng bằng cách lấy toàn bộ các sản phẩm gỗ, cành to có thể sử dụng làm củi , cành nhánh và lá để lại nhằm hoàn trả lại cho đất chất hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.