Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 10/03/2006 00:23 (GMT+7)

Một quãng đời ít người biết về Huỳnh Mẫn Đạt

Bài thơ này được ông Huỳnh Mẫn Đạt làm ra tại Kiên Giang (Rạch giá) vào ngày người anh hùng Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp đem ra chém đầu tại pháp trường. Năm đó quân Pháp mới chiếm cứ Hà Tiên được hơn một năm. Đó là ngày đau buồn nhất đời của cựu quan Tuần Phủ, người đã cùng nhân dân Hà Tiên quyết tâm phòng thủ bảo vệ quê hương đất nước, khi ông còn tại chức.

Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm Đinh Mão (1807) tại thôn Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định. Từ nhỏ theo Nho học, đậu Cử nhân (Thi Hương tại trường Gia Định năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mệnh. Năm này chấm đỗ 10 người, mặc dù trúng cách 19 người nhưng vì bộ duyệt giáng xuống còn cho đỗ Tú Tài 9 người. Ông Huỳnh Mẫn Đạt là thứ 3 trong số 10 người đỗ Cử nhân.

Năm Kỷ Hợi (1839) ông được thu dụng, cho nhận chức Thự Ngự Sử đạo Ninh Thái (tức Bắc Ninh và Thái Nguyên). Qua năm sau (1840) làm Giám sát Ngự Sử đạo Ninh Thái, được vua phong sung làm Khâm sứ, đem sắc văn đổi phong cho Ngọc Vân, là con gái vua Chân Lạp Nặc Chân. Người này đang sống tại Gia Định.

Tháng 9 năm Canh Tý, còn trong chức vụ Giám sát Ngự Sử ông Huỳnh Mẫn Đạt được cử đi Định Tường để xét hỏi vụ việc Bố chánh Định Tường là Nguyễn Đắc Trí đã điều binh trái lẽ nên bị thua trận đánh với bọn thổ phỉ, ở thôn Xướng Ca. Nguyễn Đắc Trí chịu nhận tội bị giáng làm binh. Huỳnh Mẫn Đạt được vua Minh Mạng chuẩn cho lưu lại quân thứ bàn giúp việc bắt giặc.

Cũng trong tháng 9 năm Canh Tý (1840) bọn thổ phỉ ở Hà Tiên vây đánh và chiếm được đồn Châu Nham. Nguyên đồn Châu Nham do Trần Chấn thiết lập năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) tại khu Bãi Ớt gần thôn Bình An (Nay thuộc xã Dương Hoà – Hoà Điền Cần Thăng), để lập Đồn Điền đầu tiên tại Hà Tiên. Đồn Châu Nham do 100 lính người Phiên (Khơme) lo việc vừa làm ruộng vừa luyện tập quân bị. Khi Thổ phỉ các nơi nổi lên, người Phiên chiếm lấy Đồn Châu Nham làm cứ điểm, chống lại quân triều đình. Trong tháng 10 năm Canh Tý quyền Tổng Đốc An Hà là Dương Văn Phong đánh phá bọn Thổ phỉ, thu lại đồn Châu Nham.

Huỳnh Mẫn Đạt được chỉ thị quyền Thư Án Sát Hà Tiên và quyền ấn Tuần Phủ quan phòng thay cho Trương Phước Cường bị tội mất chức. Nhưng Huỳnh Mẫn Đạt chưa kịp lên đường đi Hà Tiên thì xảy ra việc bọn Thổ phỉ bắt cầu liên lạc nhau tại sông nhánh Tân Trạch. Huỳnh Mẫn Đạt đốc suất binh dũng ra đánh. Nhiều tên giặc bị chết, giặc rút chạy. Nhưng ông cũng bị trúng đạn bị thương. Ông được vua thưởng 20 quan tiền và chuẩn cho vẫn ở Định Tường để điều dưỡng. Tháng sau ông được bình phục, liền lên đường đến Hà Tiên để giữ ấn và làm việc. Khi ông đến nơi nhiệm sở đầu mùa xuân năm Tân Sửu (1841), bọn Thổ phỉ lại vây đánh Đồn Châu Nham, quân giặc có đến hàng nghìn người. Sau khi chiếm cứ Đồn, cả bọn chúng tràn lên núi Tô Châu ý muốn dòm ngó Tỉnh lỵ Hà Tiên. Trong thành của tỉnh lúc đó quân ít, giặc vây quanh bốn mặt. Ông Huỳnh Mẫn Đạt bèn tổ chức lực lượng gồm quân và dân tráng dũng tại chỗ, giao cho viên lãnh binh cũ bị cách chức là Hà Văn Củ hết sức chống giữ các cửa thành. Vừa kịp có thự Tuần Phủ Lê Quang Huyên đem thêm quân từ Khai, Quảng (tức Khai Biên và Quảng Biên); nay là đất Kampot (Campuchia) về, giặc phải rút lui. Vua thưởng cho Huỳnh Mẫn Đạt được thực thụ án sát. (ĐNTLCB/Đệ III Kỷ/Tập XXIII (1841) – NXB –KHXH –HN. Trang 198 – 199).

Mùa Xuân năm Nhâm Dần (1842) quân Xiêm do Ô Thiệt Vương là tướng nước Xiêm vào cướp phá Hà Tiên. Sau khi binh tướng nước ta đánh lui được quân Xiêm, vua Thiệu Trị đã có lời khen.

Lần này Huỳnh Mẫn Đạt được hưởng thụ chức viên Ngoại Lang lại thưởng thêm một chiếc nhẫn vàng dát mặt thuỷ tinh, một đồng tiền vàng “Phú thọ Đa Nam” (ĐNTL/CB -Đệ III kỷ/Tập XXIV/ NXB /KTXH/HN/ 1971 –Trang 63 – 64 – 65). Vào mùa hạ năm đó (1842) ông Huỳnh Mẫn Đạt được thực thụ Án Sát Sứ tỉnh Hà Tiên (Sđd 115), và đến năm Giáp Thìn (1844) trong tháng sáu ông được thăng Thự Bố Chánh Sứ tỉnh Hà Tiên. Từ năm 1845 đến 1850 ông vẫn ở tại chức Bố Chánh Sứ, cho đến tháng giêng năm Tân Hợi (1851) thăng quyền chưởng Tuần phủ Hà Tiên. Trong năm 1852 xảy ra việc trong tỉnh có nhiều viên quan của tỉnh liên lụy vụ án chứa lậu thuốc phiện, ông Huỳnh Mẫn Đạt bị cách chức Tuần phủ. Sau được tha và chuyển đi làm Án Sát Định Tường năm 1860. Ngày 12 – 4 – 1861 quân Pháp tấn chiếm tỉnh Định Tường, ông Huỳnh Mẫn Đạt cùng nhiều quan tướng, vì súng đạn thô sơ không thể đối chiến với 4 chiến hạm và 18 khẩu đại bác của Pháp đành phải rút chạy. Định Tường bị thất thủ, vua Tự Đức ra lệnh bắt ngay Huỳnh Mẫn Đạt về kinh, trong tháng 5 năm Tân Dậu (1861). Vì áp lực quân đội gia tăng mạnh vào tháng 11 năm Tân Dậu, vua Tự Đức liền tha tội cho các viên chức có tham dự cuộc phòng thủ Định Tường bị thất bại, mọi người đều được điều động cho ông Nguyễn Tri Phương đưa trở lại Biên Hoà, tuỳ nghi sai phái theo khả năng, ra sức giết giặc để chuộc tội. Trong số này có ông Huỳnh Mẫn Đạt. Sự kiện này trùng hợp với “chiến thắng của quân dân ta trên sông Vàm Cỏ Đông, tại địa phận thôn Nhật Tảo” đốt cháy chiếc pháo hạm ESPÉRANCE của giặc Pháp, giết chết nhiều tên địch. Trận này do Quyền Quảng Binh Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực) chỉ huy (ngày 10 – 12 – 1961 tức mồng 9 – 11 – Tân Dậu). Không phải nhân chiến công Nhật Tảo thắng lợi mà vua Tự Đức có quyết định tha lỗi Huỳnh Mẫn Đạt để đánh giặc chuộc tội. Lệnh tha được ban ra khi chưa nhận được tin chiến thắng. (Sách ĐNTL/CBĐệ Tứ kỷ/Tập XXIX kể việc tha tội cho Huỳnh Mẫn Đạt ở trang 260 (Q.XXV - Tự Đức 14): trận Nhật Tảo ở trang 284 (Q.XXVI - Tự Đức 15). Việc tha tội cho Huỳnh Mẫn Đạt tiếp sau tin Biên Hoà bị thất thủ (18 – 12 – 1861). Huỳnh Mẫn Đạt theo tướng Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Cáp vào Nam kể để đánh Pháp dự trù ngày 29 – 12 – 1861 (Tân Dậu) khởi hành. Nhưng đoàn quân binh của Nguyễn Tri Phương chỉ vào đến Bình Thuận, sau đó ĐNTL/CB không có nhắc đến Huỳnh Mẫn Đạt nữa.

Nhưng nhờ vào những giai thoại văn chương, trên bối cảnh lịch sử bi hùng của đất Kiên Giang, chúng ta có thể viết tiếp phần cuối của tiểu sử đời ông.

Năm 1867, quân Pháp lấn chiếm 3 tỉnh Vĩnh Long (20 – 6 – 1867), An Giang (Châu Đốc) (22 – 6 – 1867) và Hà Tiên (24 – 6 – 1867). Năm sau, đêm 16 – 6 – 1868, Nghĩa quân do anh hùng Nguyễn Trung Trực chỉ huy tấn công thắng lợi tiêu diệt đồn binh của Pháp tại Rạch Giá (Kiên Giang). Nhưng rồi ông Nguyễn đã bị giặc bắt ở Phú Quốc và đem về chém đầu tại Rạch Giá ngày 27 – 10 – 1868, ông Hùnh Mẫn Đạt đã khóc, bằng bài thơ. Nay đối với người dân Kiên Giang, 2 câu

“Hoả hồng Nhật tảo oanh thiên địa,

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”

Là một danh nhân bất diệt, nói lên cái hào khí anh hùng bất khuất của nhân dân Kiên Giang quyết theo chân người dân chài.

Tâm sự của Huỳnh Mẫn Đạt bộc lộ trong 2 câu phá đề và 2 câu kết:

“Thua được ở chiến trường không cần bàn đến,

Chỉ nhớ người dân chài đã làm cột đá trong lúc sóng lở.

………………………………………………..

Anh hùng cứng cổ tiếng thơm dài lâu,

Làm cho bọn chưa chết chịu sống cúi đầu thẹn chết được”.

Vì thế đời sau rất thông cảm với họ Huỳnh trong bài thơ, chê chọc Tôn Thọ Tường tại bồn kèn Sài Gòn, thời kỳ Tôn Thọ Tường (2),(1825 - 1877) ra làm việc cho Pháp. Năm đó Pháp đã đánh chiếm toàn bộ các tỉnh Nam kỳ, còn đang sắp xếp việc cai trị ở Sài Gòn Gia Định: Tôn Thọ Tường thăng đến chức Đốc phủ Sứ, chiều chiều thường ngồi xe song mã đi dạo. Huỳnh Mẫn Đạt đứng tại bồn kèn nghe lính Pháp hoà tấu nhạc Tây cho công chúng xem. Tôn Thọ Tường đã biết Huỳnh Mẫn Đạt lúc còn làm quan cho vua Tự Đức, Huỳnh cũng là người Gia Định. Khí thấy dáng xe Tôn Thọ Tường đi tới, ông Huỳnh Mẫt Đạt liền núp sau gốc cây, ý không muốn cho Tôn tháy. Nhưng Tôn lanh mắt thấy được, liền kêu ngừng xe rồi nhảy xuống nắm tay Huỳnh ra vẻ mừng rỡ đã lâu không gặp mặt, có ý trách. Huỳnh đã có lời thơ chứng tỏ khí khái của ông, với lời châm chọc Tôn Thọ Tường:

Ngoài tai phải quấy vẫn nhàm nghe,

Cuộc lợi, đường danh ỏi giọng ve.

Hớn hở trẻ dung qua dậm liễu,

Thẩn thơ già núp dựa cây hoè.

Đã cam dấu mặt cùng non nước,

Đâu dám nghiêng mày với ngựa xe.

Chớ nói đổi đời sao cốt cách,

Xưa nay nát giỏ hãy còn tre.

Tác giả “Điếu Cổ Hạ Kim thi tập”là Nguyễn Liên Phong (1915) viết về ông như sau: “Ngài an phận dưỡng nhàn, không mang tiếng chi cả; hình trạng khôi ngô, ốm yếu, tánh nết hiền lành, hay làm thơ quốc âm tao nhã”.

Sự nghiệp văn chương của Huỳnh Mẫn Đạt quả không nhiều, chỉ còn lại khoảng mươi bài thơ Nôm. (Theo Nguyễn Thông cho là ông có hơn 100 bài, nhưng chưa biết đích xác). Nhưng mọi người hiểu rõ về ông, như “Từ điển thành phố Hồ Chí Minh” (3)đã viết: “Cùng với Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa… ông thuộc lớp Nhà nho khí tiết, nêu cao tinh thần bất khuất chống xâm lược Pháp trên mặt trận văn hoá.

Thơ văn Huỳnh Mẫn Đạt phản ánh một tâm hồn thanh cao, trong sạch không để “danh lợi mê hoặc”. Những năm cuối đời, ông về sống ở Rạch Giá và qua đời tại đây năm 1882, thọ 76 tuổi. Tại Văn Xương Các ở Vĩnh Long có bài vị thờ ông.

_________________________

(1) Năm 1992, trên Tạp chí Khoa học Xã hội số 13 -Quí III/92, (Viện KHXH/TP –HCM/V.KHXH VN) trang 165, bài viết: “Nhận xét về quyển Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam”khi nói về Huỳnh Mẫn Đạt, có một vài chi tiết nhỏ chưa thật chính xác: “Năm 1835 ra thi cùng với Bùi Hữu Nghĩa. Năm 1848 được bổ làm Án Sát Mỹ Tho, khoảng 1866 - 1867 ông mới làm Tuần phủ Hà Tiên”. Đó là những điều sai lầm do chỗ chưa đối chứng sách Đại Nam Thực Lục Chánh Biên(ĐNTLCB/Đệ II + III + IV kỷ) của Quốc sử quán triều Nguyễn. Nay chúng tôi kính mong quý vị thứ lỗi vì những điều bất cập ấy.

(2) Tôn Thọ Tường, người Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Thuở nhỏ học ở Huế, thi hương năm 1855 nhưng không đỗ. Ông được Tự Đức cử tham dự phái đoàn Phan Than Giản đi Pháp để chuộc 3 tỉnh miền Đông. Ra làm việc với Pháp tới chức Đốc Phủ sứ. Người bị Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa đả kích kịch liệt vì cam làm việc cho Pháp…

(3) “ Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh”Thạch Phương, Lê Trung Hoa (C/B)-NXB Trẻ -2001-Trang 159, cột 2, nhân vật “Huỳnh Mẫn Đạt” có một ý không đúng, cần sửa: “Huỳnh Mẫn Đạt là “học trò Võ Trường Toản” thì không thể được. Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm 1807, trong khi Võ Trường Toản chết năm 1792, là 15 năm trước. (Xin xem tr. 269 cùng quyển Từ điển này). Điều này chúng tôi đã vạch ra trong bài “Nhận xét về quyển “Từ điển Nhân vật lịch sử/ Việt Namcủa Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB/KHXH/1991-tr 247). Cả hai Từ điển cùng chép sai một cách về họ Huỳnh, vì đều lấy tư liệu của quyển “Huỳnh Mẫn Đạt”(NXB -Tân Việt/ SG / 1956/ trang 5/ của tác giả Nhất Tâm). Chính Nhất Tâm là cụ Nguyễn Bá Thế làm. (Sách của Nhất Tâm đã in sai năm và nơi sinh của Huỳnh Mẫn Đạt, nói “Sinh năm Đinh Vị (1847) ở Rạch Giá” là sai. Đúng ra là “Sinh năm Đinh Mão (1807) ở thôn Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định. (Theo Quốc Triều Hương Khoa Lụccủa Cao Xuân Dục/Trang 175/NXB-TP.HCM/1993 do Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu). Thời xưa học trò đi thi phải khai đúng nguyên quán, nhất là đời Minh Mệnh thứ 12 (1831).

Trên mộ ghi rõ, ông qua đời tháng 2 năm Nhâm Ngọ, tức tháng 3 năm 1882 như vậy ông hưởng thọ 76 tuổi.

Nguồn: Xưa và Nay, số 226 tháng 12/2004, trang 23-25

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.