Một người Pháp say đá cổ Sa Pa
Thung lũng Mường Hoa (Sapa- Lào cai) nằm lọt thỏm giữa những khối đá dựng đứng, từ lâu đã là một kỳ quan hấp dẫn thu hút nhiều du khách. Trải rộng trên một diện tích hơn 8 km2, hàng trăm khối đá nằm lẩn khuất giữa những khu rừng hùng vĩ dưới chân núi Phan-xi-păng, một con suối nằm ở độ cao chừng 1.200 m trông xuống những cánh đồng trù phú.
Bí ẩn đá
Những khối đá trầm mặc đứng đó không biết tự bao giờ, tượng trưng cho cái gì. “Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi: Những khối đá đó do ai chạm khắc? Trong các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Giáy ở Sapa, dân tộc nào đã làm nên viện bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ này?” - nhà nghiên cứu sử học Philippe Le Failler (Viện nghiên cứu Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội) - người có đến hơn 10 năm gắn bó với ViệtNam, tự đặt câu hỏi.
Trong “rừng đá” là gần 300 phiến với những hình chạm trổ tinh xảo, công phu, thể hiện sức lao động bền bỉ của con người. Có phiến đá lớn đến 55 m2, có phiến chỉ nhỏ bằng cái bàn. Có phiến khắc hình bản đồ, la bàn, hình người. Có phiến khắc những hình họa trông giống một con đường có lối vào một ngôi nhà, xung quanh có cây cối. Có phiến chạm những vòng xoáy âm dương, thể hiện tín ngưỡng của người xưa. Một phiến đá duy nhất có khắc chữ viết, có thể là chữ của một dân tộc nào đó. Mỗi phiến đá là một câu chuyện bí mật về thế giới của người xưa, mang tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên về cuộc sống, thiên nhiên, con người quanh họ.
Phillippe kể, trong thời gian ở Sapa, ông đã phát hiện có những phiến đá nằm gần ngay nhà người Mông, chung quanh có suối và đồng ruộng bao bọc. Khi ông hỏi các già làng trong bản, họ đều nói đã nhìn thấy những phiến đá này từ khi còn bé, cũng như tổ tiên của họ. Theo suy đoán của nhiều nhà khoa học Pháp, những hình chạm khắc trên có thể do người H’Mông làm ra. Trẻ em H’Mông 7 tuổi cũng đeo dao bên mình nên có thể mỗi khi đi qua những phiến đá này chúng đã đẽo gọt lên những phiến đá quaczit trắng trong veo, trông đẹp như một bức tranh.
Năm 1925, giáo sư Pháp Victor Goloubev đã công bố công trình nghiên cứu của ông về “Những khối đá chạm khắc ở vùng Sapa”. Ông đã so sánh những hình chạm khắc với những mẫu thêu của người Mán, người Lào hay trên trống của người Mông Cổ để tìm hiểu xuất xứ của những hình chạm khắc Sapa. Nhưng những suy đoán của ông vẫn chỉ là giả thuyết. Tiếp tục công trình nghiên cứu của giáo sư Goloubev, được sự tài trợ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Phillippe đã cho tiến hành những phương pháp hiện đại hơn nhờ các phương tiện máy móc tinh xảo.
Dùng chuối in đá
Mục đích của chương trình bảo tồn những khối đá chạm khắc tại hai thung lũng thuộc huyện Sapa là đào tạo phương pháp bảo tồn khoa học cho cán bộ Sở VHTT tỉnh Lào Cai, đồng thời, cung cấp cho các nhà nghiên cứu những thông tin cần thiết được thực hiện công phu nghiên cứu các khối đá chạm khắc tương tự ở vùng biên giới. |
Từ tháng 10-2005, Phillippe đã cùng các đồng nghiệp trẻ của Sở VHTT Lào Cai làm việc cật lực để đánh số, làm bản rập và đưa lên máy vi tính những phiến đá vô tri vô giác. Công việc đòi hỏi nhiều công sức cũng như nỗ lực của từng người. Nhóm có khoảng 15 người, làm việc và ăn ngủ ngay trên những phiến đá. Nhiều ngày họ không biết đến “giường ấm nệm êm” cũng như những bữa ăn gia đình. Họ phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong vài ba ngày liền. Có khi cả nhóm treo lơ lửng trên những phiến đá ở độ cao hơn 1.250 m để làm bản rập cho từng phiến đá. Sau khi làm xong, tài liệu được đưa về Hà Nội xử lý bằng vi tính để định hình theo phương pháp thống kê khoa học. Phillippe cho biết, để làm được bản rập một cách chính xác, nhóm đã phải sử dụng phương pháp rập bia của người Việt cổ là dùng... chuối làm chất kết dính để in vào giấy dó.
Đến nay, nhóm của ông đã xác định được hơn 100 viên đá cổ, làm được 1.321 bản rập (tương đương 750 m2) và chụp 1.900 bức ảnh. Công việc bị gián đoạn do mùa mưa và vào vụ mùa. Sắp tới, ông sẽ quay lại Sapa để cố gắng hoàn thành nốt công việc nặng nhọc với hơn 100 phiến đá khác trong thung lũng Mường Hoa. Anh muốn công việc kết thúc nhanh chóng để có thể tổ chức một hội thảo vào cuối năm nay nhằm thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Giọng lo lắng, Phillippe bộc bạch: “Trên nhiều phiến đá nhan nhản những câu khắc nhảm nhí của du khách. Những hành động vô ý thức đó khiến công việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn”. Thêm vào đó những phiến đá cũng bị thời gian ăn mòn, những vết chạm khắc mờ dần rất khó xác định niên đại. Yêu mến văn hóa Việt cổ, Phillippe Le Failler muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhằm duy trì và bảo tồn “viện bảo tàng” đá có một không hai này.
Nguồn : Người lao động; nhandan.org.vn22/4/2006