Một kỹ sư chế được hóa chất làm sạch nước sông Tô Lịch
Với nồng độ cặn, chỉ tiêu sinh hóa lý cao hơn mức cho phép hàng chục lần, nước cống và nước sông Tô Lịch qua lọc bằng C1, C2 đủ tiêu chuẩn là nước loại B có thể dùng xả ra sông ngòi, tưới rau, và hoàn toàn có thể xử lý tiếp thành nước ăn.
KS Lê Ngọc Khánh là tác giả của C1, C2 - hai loại hóa chất do ông đặt tên (C: clean - chất làm sạch). Cả hai đều được điều chế từ những nguyên liệu rẻ tiền sẵn có trong nước như đất sét, đá vôi, phèn, quặng nhôm.
Nước ao của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trước và sau khi xử lý. |
Chất lượng nước qua lọc bằng C1, C1 đã được Viện Kỹ thuật Nhiệt đới & Bảo vệ Môi trường, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Chia nhỏ để xử lý
Thao tác tiến hành “thau” kênh rạch, làm sạch dòng chảy bị ô nhiễm khá đơn giản. Khi hòa tan chất C1 vào nước, độ pH tăng cao lên 10-14 làm cho các kim loại nặng đang hòa tan sẽ chuyển sang kết tủa. Sau đó, chất C2 hòa vào sẽ chuyển nhanh thành chất keo tụ, làm các chất kết tủa đang lơ lửng lắng xuống, đồng thời sẽ khử lượng C1 còn dư cùng kết lắng.
Theo kỹ sư Lê Ngọc Khánh, điểm hấp dẫn của đề án này là giá thành rẻ, xử lý hiện trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch ngay lần đầu chỉ mất 8 tỷ đồng.
GS TS Trần Duy Quý, Viện phó Viện Di truyền nông nghiệp, khẳng định cần có chiến lược đầu tư bài bản, xử lý nước ngay từ đường dẫn ống cống trước khi đổ ra dòng Tô Lịch. Theo đó, từ hàng nghìn cống nhỏ đổ ra Tô Lịch hiện nay sẽ quy hoạch lại khoảng 100 cống lớn, phân bổ theo khu vực dân cư. Trên các cống sẽ lắp hệ thống hòa tan hóa chất, cuối đường cống trước khi chảy ra sông sẽ có hố ga thu gom các chất kết tủa.
Ao đục thành trong
Chị Vũ Diệu Linh, ngõ 325 Nguyễn Khang, Cầu Giấy cho rằng nếu sông Tô Lịch trở nên trong và hết mùi thì người dân quanh khu vực sông không ngại gì việc chung tay chia sẻ với thành phố. |
Ngày 4-4, các kỹ sư đã trình diễn khả năng của hóa chất xử lý nước trên một ao trước cổng Viện Khoa học nông nghiệp ViệtNam(xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội).
Ao dài 100m, rộng 10m, sâu 0,5m ban đầu được xây dựng làm ao cảnh cho viện. Nhưng sáu năm trở lại đây, ao bắt đầu trở thành “bãi đáp” của toàn bộ lượng chất thải của khu dân cư 810, xã Vĩnh Quỳnh và cả chất thải công nghiệp của một nhà máy liên doanh sản xuất hóa chất bình bọt chống cháy gần kề.
Anh Trần Dương Đảm, cán bộ của viện, cho hay hai chiếc ao trước cổng viện có đường ống dẫn chảy thẳng ra sông Tô Lịch, lại trở thành nguồn nước tưới cho... rau xanh quanh vùng. Trong ao, nước sánh lại đen quánh và bốc mùi kinh khủng. Phòng thường trực tuy cách ao gần chục mét nhưng sáng ra cứ phải ... đuổi muỗi đến 9-10 giờ mới vãn. Chưa kể mùa nắng nóng, sau những trận mưa rào, mùi hôi bốc lên không thể chịu nổi, cánh bảo vệ cũng phải chạy dạt vào trong để thường trực... từ xa!
Ngay sau khi hòa tan C1, C2 vào ao khoảng hai giờ, mùi hôi khó ngửi của ao không còn và nước ao bắt đầu trong dần.
Có thể ứng dụng tốt
Nước sông Tô Lịch bẩn và bốc mùi. |
Với lượng nước thải đổ ra sông Tô Lịch của Hà Nội mỗi ngày 300.000- 400.000m 3thì liệu pháp xử lý phải được cân nhắc thử nghiệm ở những qui mô nhỏ trước để chứng minh được hiệu quả kinh tế và tính bền vững cho môi trường. Ông Đặng Văn Lợi, Phó trưởng phòng công nghệ Cục Bảo vệ môi trường, cho rằng đây là giải pháp tốt. Tuy nhiên, thử nghiệm này mới dừng ở quy mô nhỏ. Nếu muốn xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, cần phải có hội đồng đánh giá kỹ lưỡng để tính toán hiệu quả.
Nguồn: Tuổi trẻ; nhandan.com.vn6/4/2006