Mở rộng tầm phủ sóng wifi và mạng LAN, không dùng cáp
Mặc dù không có cây anten bên ngoài như một số thiết bị phát sóng wifi khác nhưng trong quá trình sử dụng tôi thấy thiết bị wireless router hiệu TP-Link TL-WR720N có tầm phát sóng khá tốt, ở những khu vực không có vật cản chắn sóng wifi thì cách xa gần 100 mét vẫn dò thấy sóng. Hơn nữa, tôi thấy giá của nó tương đối rẻ (khoảng 250.000 đồng) và kết nối không dây được với nhiều loại thiết bị phát sóng wifi khác. Trước tiên, bạn cấp nguồn cho wifi nói trên và dùng cáp mạng LAN RJ45 kết nối nó với máy tính (hoặc nếu máy tính hay laptop có kết nối wifi thì có thể dùng kết nối wifi mà không cần cáp mạng LAN, tuy nhiên việc kết nối có thể khó hơn). Sau đó, bạn chạy trình duyệt web và gõ vào địa chỉ 192.168.0.1 rồi nhập chữ admin vào ô user và password.
Nếu đăng nhập thành công thì trang điều chỉnh thiết bị sẽ hiện ra. Khi đó, bạn bấm mục wireless setting; đặt tên mạng wifi sắp tạo ra vào ô SSID1, đánh dấu chọn trước hàng chữ Enable WDS và bấm nút Servey để thấy danh sách các mạng wifi . Sau đó, bạn bấm chuột vào chữ Connect ở mạng wifi tương ứng và ghi nhớ giá trị ở cột Channel của mạng wifi đó. Khi đó, thiết bị của bạn đã tự động kết nối và quay trở lại giao diện wireless setting, bạn hãy nhập giá trị ở cột Channel đã nhớ vào mục channel. Ngoài ra, bạn bấm vào mục Key type và chọn chế độ mật WPA-PSK/ WPA2-PSK để thiết lập password cho mạng wifi tạo ra, xong bấm nút Save và chọn lệnh khởi động lại thiết bị (hoặc tắt và mở lại thiết bị). Không chỉ dùng nó để thu sóng wifi cũ và phát sóng wifi mới (thường gọi là lặp sóng, hay nối sóng), bạn còn có thể dùng dây cáp mạng LAN để cắm vào các cổng LAN (màu vàng) trên TP-Link TL- WR720N và cắm vào các máy tính để bàn không hỗ trợ kết nối wifi rồi kết nối Internet như bình thường, hoặc cắm vào một switch nếu muốn chia sẻ đường truyền Internet cho nhiều máy tính khác.
Lưu ý: Để chắc chắn hai thiết bị phát sóng wifi kết nối không dây được với nhau qua tính năng repeater, bạn có thể hỏi trung tâm bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất xem model của thiết bị phát sóng wifi đang xài có kết nối repeater được với những model nào cùng hãng, hoặc khác hãng. Hoặc khi mua thêm thiết bị phát sóng wifi mới, bạn hỏi nơi bán xem có kết nối repeater được với thiết bị đang dùng không. Bởi thực tế, hai thiết bị phát sóng wifi phải dùng cùng loại chip thì mới kết nối repeater với nhau được.