Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 16/09/2006 14:30 (GMT+7)

Mô hình phòng thí nghiệm dùng chung

Kinh nghiệm thế giới cho thấy rằng ít khi nào Nhà nước hay các cơ quan nghiên cứu cấp kinh phí trực tiếp cho việc vận hành thiết bị mà thường là thông qua các dự án và nhiệm vụ khoa học công nghệ. Hiện nay, tại Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện cơ chế này, rất tiếc các nhà khoa học chúng ta vẫn chưa quen việc sử dụng thiết bị của đơn vị khác và thanh toán dịch vụ, dù có kinh phí rất lớn từ các đề tài và dự án! Và từ đây có thể hiểu ngay là vì sao chúng ta có ít bài báo đăng trên các tạp chí thế giới, và vì sao kết quả nghiên cứu của chúng ta ít khi được đưa vào ứng dụng!


Mô hình “Phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu dùng chung” (consortium) hiện nay ngày càng phổ biến trên thế giới, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ cao, nơi có các thiết bị thí nghiệm hiện đại và đắt tiền dẫn đến việc vận hành và bảo trì rất tốn kém. Việc nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu dùng chung thiết bị mang lại nhiều lợi ích: làm tăng tần suất sử dụng, giảm các chi phí vận hành, giảm giá thành sản phẩm nghiên cứu, tăng hiệu quả đầu tư, góp phần đổi mới nhanh thiết bị, điều rất quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu công nghệ cao (thiết bị hiện đại nhưng nhanh chóng bị lỗi thời).


Có nhiều mô hình phòng thí nghiệm (PTN) dùng chung trên thế giới, có thể được gọi dưới nhiều tên khác nhau, nhưng mục tiêu thì không khác nhau. Ví dụ, như ở Academia Sinica (Đài Loan) có “Core facilities for nanoscience and nanotechnology”; ở Pháp có “Consortium des moyens technologiques communs”. Các trường, viện, cơ quan nghiên cứu (thông thường cùng trú đóng trên một địa bàn) góp vốn đầu tư thành lập “consortium” với các trang thiết bị thí nghiệm để dùng chung. “Consortium” là một đơn vị có tư cách pháp nhân độc lập, có ban giám đốc và nhân sự cơ hữu. Các cổ đông góp vốn có quyền quyết định nhân sự ban giám đốc và định hướng hoạt động cho “consortium”. Về phía “consortium” có trách nhiệm phục vụ các hoạt động nghiên cứu cho các trường viện, cơ quan nghiên cứu trong “consortium” với giá nội bộ. Ngoài ra “consortium” cũng có quyền cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các đơn vị ngoài “consortium” với giá thị trường. Ban giám đốc “consortium” chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của đơn vị và thực hiện báo cáo định kỳ.


Phòng thí nghiệm công nghệ nano là PTN trọng điểm đầu tiên trực thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. HCM. Mô hình xây dựng PTN này có khác biệt với mô hình “consortium” của Pháp ở các điểm như sau: đơn vị cấp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị là ĐHQG TP.HCM (bằng nguồn vốn dự án và kinh phí nhà nuớc), chứ không phải các trường, viện “cổ đông”. Do vậy, ĐHQG giữ quyền bổ nhiệm ban giám đốc và chỉ đạo định hướng hoạt động của PTN công nghệ nano. Các đơn vị được hưởng dịch vụ khoa học công nghệ với giá nội bộ (ưu đãi) của PTN công nghệ nano là các trường, viện, đơn vị thành viên của ĐHQG. Ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ cho các đơn vị ngoài ĐHQG TP.HCM với giá thị trường, PTN công nghệ nano còn hợp tác với các trường, viện nghiên cứu trên thế giới thông qua thỏa thuận song phương với cơ chế tài chánh phù hợp với thông lệ quốc tế.


Nhằm bảo đảm tính khả thi trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng của PTN công nghệ nano được thực hiện thành nhiều giai đoạn. Trong thời gian đầu cần có mặt bằng tạm thời để khởi động dự án, PTN sử dụng 60 m 2văn phòng tại Nhà A - Khu công nghệ phần mềm. Sau khi dự án đã bắt đầu, các bộ phận chuyên môn được thành lập, PTN đã tăng diện tích mặt bằng sử dụng (240 m 2). Ngoài các phòng làm việc, môđun thiết kế và mô phỏng, phòng chuyên đề và phục vụ đào tạo cũng được đặt tại đây.


Nhà thí nghiệm công nghệ nano với diện tích 500 m 2, trong đó có 200 m 2phòng sạch (cấp độ sạch trung bình 10.000) cũng được thiết kế và xây dựng (bắt đầu từ cuối năm 2004 và kết thúc vào cuối năm 2005). Ngoài ra, theo chiến lược phát triển công nghệ nano của ĐHQG TP.HCM đến 2020, mô hình cũng dự kiến sẽ có khu công nghệ nano 3.000 m 2vào năm 2010 (mục tiêu trung hạn).


Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc mua sắm thiết bị từ nguồn vốn 4,3 triệu USD của dự án giáo dục đại học cũng được thực hiện. Các thiết bị này hiện đang được lắp đặt vào hai mặt bằng nêu trên. Để thiết bị tương thích tốt với cơ sở hạ tầng, PTN cũng đã tốn nhiều công sức hiệu chỉnh trong quá trình lắp đặt. Ngoài ra, nhằm hoàn thiện công nghệ và khả năng nghiên cứu của PTN, mô hình dự kiến nguồn vốn cần đầu tư thêm khoảng 3 triệu USD cho trang thiết bị. Số thiết bị bổ sung này dự kiến sẽ được lắp đặt vào năm 2010 tại nhà thí nghiệm công nghệ nano hiện có và khu công nghệ nano sẽ được xây dựng như đã nêu trên.


Để mô hình PTN dùng chung tại ĐHQG TP.HCM có hiệu quả cần phải “kích cầu”, nghĩa là phải có cơ chế để khuyến khích, đôi khi là “bắt buộc” các nhà khoa học làm nghiên cứu một cách thật sự.

Nguồn: Khoa học phổ thông 18/8/2006

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.