Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 19/10/2006 22:56 (GMT+7)

Mô hình phát triển của kiến thức theo Michel Foucault

Foucault sinh năm 1926 tại thành phố Poitiers. Bố là một bác sĩ phẫu thuật, dòng dõi toàn bác sĩ, mẹ cũng là con một bác sĩ phẫu thuật. Tất cả chuẩn bị để ông trở thành một bác sĩ, và quả thật tuy được coi là triết gia lớn của Pháp nhưng gần như cả đời chức danh của ông tại các trường đại học đều là chân giảng dạy về tâm lý học. Những năm học ở trường Sư phạm phố Ulm của Foucault vừa chứng kiến những cơn khủng hoảng tâm lý, phần nhiều liên quan đến tình dục, thậm chí nhiều khi dẫn ông đến ý định tự tử, nhưng đồng thời cũng mở ra cho ông chân trời khoa học, với dấu ấn sâu đậm trước hết của triết gia Maurice Merleau-Ponty, khi đó vừa trở thành giảng viên tâm lý học. Những bài giảng của Merleau-Ponty về thống nhất thể giữa linh hồn và cơ thể ở Malebranche, Maine de Brian và Bergson giúp Foucault định hình được dự án nghiên cứu đầu tiên của mình, về sự ra đời của tâm lý học ở các nhà tư tưởng hậu Descartes.

Một góc ở bảo tàng Michel Foucault ở Berlin. Năm 22 tuổi, Foucault nhận bằng licence (tương đương cử nhân) triết học tại Đại học Sorbonne. Những tiếp xúc với Louis Althusser tại Ulm hướng Foucault đến chủ nghĩa cộng sản, tuy ông sẽ nhanh chóng tách ra; đó cũng là thời điểm tại trường Sư phạm, hai ý thức hệ tư sản và vô sản đụng độ ghê gớm, với đại diện của phái vô sản là hai triết gia Jean-Toussaint Desanti và Trần Đức Thảo, hai người mà Althusser đánh giá là “hai niềm hy vọng của thế hệ chúng tôi”. Năm 1949, ảnh hưởng lớn cuối cùng mà Foucault tiếp nhận trong quá trình học vấn là tư duy hình thức về ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure, được Merleau-Ponty truyền tải. Như vậy đã hình thành ở Foucault các nhóm kiến thức nền tảng: tâm lý học, triết học chính trị và cấu trúc luận. Cộng thêm vào đó là tâm tính và những xung năng tình dục phức tạp của con người ông, khiến cho tác phẩm lớn đầu tiên của Foucault sẽ là một lịch sử về bệnh điên. Sau này, nhất là từ cuối những năm 1960 và trong suốt thập niên 1970, Foucault trở thành tâm điểm của tư duy chính trị của Pháp, ông trở thành một nhà triết học dấn thân hàng đầu, vừa giảng ở trường Trung học Pháp quốc (Collège de France) vừa hăng hái chiến đấu cải thiện tình trạng nhà tù. Những hoạt động thực tế không chỉ có lúc đưa ông sát cánh cùng Jean-Paul Sartre, mà ông rất không ưa, mà còn khiến ông đưa ra những lý thuyết sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng sau này về xã hội kỷ cương. Cộng thêm những chuyến đi liên miên khắp thế giới, trong đó đặc biệt là Thụy Điển và Mỹ, Foucault  trở thành gương mặt triết học Pháp nổi bật nhất, được biết đến nhiều nhất; ngay cả hiện nay những tư tưởng của ông về chính trị, xã hội và nhà tù vẫn tiếp tục được nghiên cứu trên diện rộng. Bài viết của tôi sẽ chỉ tập trung vào giai đoạn trước khi Foucault trượt từ tâm lý học và triết học lịch sử sang triết học chính trị, mà đỉnh cao là Từ và Vật, được xuất bản cách đây đúng 40 năm.

Từ và Vật(Les Mots et les Choses) là cuốn sách quan trọng hơn cả của Foucault. Thứ nhất, xét về khía cạnh cá nhân, đó là nơi Foucault đúc kết lý thuyết của mình về quá trình phát triển của kiến thức trong lịch sử Tây phương, từ khởi thủy đến thời hiện đại. Đây là cuốn sách mang lại danh tiếng lớn cho triết gia, cho đến khi đó vẫn chỉ mới được coi là một nhà tâm lý học độc đáo với hai tác phẩm Lịch sử bệnh điên thời cổ điển(1961) và Sự ra đời của bệnh viện. Một khảo cổ học về cái nhìn y học(1963). Nhưng Từ và Vậtcòn là một trong những cuốn sách quan trọng của cấu trúc luận Pháp. Năm 1966 khi cuốn sách ra đời chính là năm cấu trúc luận trước đó còn phải lép vế trước hiện tượng luận và chủ nghĩa hiện sinh, một thứ triết học “hạng hai”, nay đột khởi với hàng loạt tác phẩm của Claude Lévi-Strauss, Émile Benveniste, Jacques Lacan, Roland Barthes, Gérard Genette hay Serge Doubrovsky.

Một góc ở bảo tàng Michel Foucault ở Berlin.
Foucault là người thật sự bị ám ảnh bởi ngôn ngữ.Nhẽ ra cuốn sách của Foucault phải có tên là L’Ordre des choses(Trật tự vật), nhưng vì trùng tên với một cuốn sách khác của Jacques Brosse vừa xuất bản nên buộc phải đổi tên. Quả thật, điều Foucault muốn giải quyết với cuốn sách là trật tự, hệ thống của vật, sau khi đã đề cập những chi tiết trong hai cuốn sách trước. Nhưng hơn hết, ông muốn vạch lại đường phát triển ngầm của lịch sử kiến thức phương Tây, những “tầng ngầm”, nói tóm lại là một “khảo cổ học”, đúng như tiêu đề cuốn sách đã chỉ ra: Một khảo cổ học về các khoa học nhân văn(Une archéologie des sciences humaines).
Để làm được điều đó, Foucault đi theo một con đường hết sức độc đáo. Trước ông đã nhiều người viết lịch sử tổng quát về tư tưởng và kiến thức phương Tây, nhưng phải đến ông mới có một bức tranh với những khối màu rõ ràng, những nét vẽ dứt khoát và chuyên chở được tối đa ý nghĩa. “Nền” của bức tranh đó là ba épistémè(từ Hy Lạp được Foucault sử dụng để diễn tả mô hình tổng quát của diễn ngôn): cho đến thế kỷ XVI, vai trò quan trọng nhất là sự tương tự (similitude), ngôn ngữ là tấm gương trung thành phản chiếu thế giới thật. Trong mô hình tương tự đó, Foucault xác lập bốn yếu tố: convenientia, aemulatio, analogiesympathie, đi từ sự đặt cạnh nhau đơn giản đến những mối quan hệ tương tự trừu tượng hơn rất nhiều. Nhưng hệ thống đó vẫn chưa đủ, vì “nó cần một dấu hiệu hữu hình cho những tương đồng vô hình” (tr. 41), nên cần thêm một yếu tố thứ năm, mà Foucault gọi là chữ ký (signature); kể từ đó, ngôn ngữ “trở thành thành phần của sự phân chia lớn các tương tự và chữ ký” (tr. 50).

Bước sang thời Phục Hưng, từ được cung cấp một quyền lực mới: quyền lực trình bày (représentatif). Khoảng cách giữa từ và vật được nới rộng, tuy “độ dày của thế giới” vẫn chưa đủ để che lấp toàn bộ từ. Xuất phát nhu cầu hệ thống hóa ngôn ngữ, và ra đời cái mà Foucault gọi là bộ môn “ngữ pháp chung”. Trong tính hệ thống mới được thiết lập đó, diễn ngôn cổ điển đặc biệt quan tâm đến vấn đề định danh (nomination); danh từ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi vì “Trong vòng hai thế kỷ, diễn ngôn phương Tây trở thành nơi trú ngụ của bản thể luận”. (tr. 133). Thời cổ điển đó, với nhu cầu nhìn mọi vật một cách sáng sủa hết mức có thể, sử dụng rộng rãi cách diễn đạt vật thông qua bảng (tableau), cách biểu đạt trong sáng nhất, nhưng ẩn đằng sau đó là cả một cấu trúc nhờ vào đó mà bất kỳ ai cũng có thể trình bày giống hệt nhau về cùng một chủ thể. Mô hình hóa (ở mức độ bảng biểu) đi kèm với các hệ thống phân loại, nhất là trong lịch sử tự nhiên, khi nhu cầu mô tả hệ thống động vật và thực vật một cách tường minh hết mức có thể vô cùng lớn, thao tác đặc biệt nổi bật của thời cổ điển, mà thời hiện đại sẽ kế thừa.

Épistémècuối cùng là của thời hiện đại (hình thành vào khoảng cuối thế kỷ VIII). Từ nay Diễn ngôn đã biến mất, tất cả đã xoay quanh một đối tượng kỹ thuật duy nhất: con người; cũng chính từ đó mà các bộ môn khoa học nhân văn thực sự tìm được chỗ đứng. Nhưng thời hiện đại không chỉ chứng kiến sự ra đời của các môn khoa học nhân văn, mà còn chứng kiến sự xuất hiện của văn học, với mối quan tâm thường trực đặt vào chính bản thân ngôn ngữ, coi ngôn ngữ là đối tượng của suy tư, chứ không chỉ là một thứ công cụ để biểu đạt ý tưởng. Đây chính là truyền thống văn học bắt nguồn từ tư tưởng về ngôn ngữ của nhà thơ Stéphane Mallarmé, người đầu tiên đặt ngôn ngữ ở tầm siêu hình học, và cũng là người đặt chủ trương viết Cuốn sách viết hoa, chứ không phải là những cuốn sách dùng ngôn ngữ để chuyên chở những cái bên ngoài.

Đặc biệt đáng chú ý là những suy nghĩ của Foucault đặt ở hai chương cuối Từ và Vật, khi ông đặt trọng tâm vào épistémèhiện đại và tình thế của con người. Theo Foucault, “con người không tồn tại” (tr. 355) ở thời cổ điển, vì khi đó con người bị chìm lấp phía sau diễn ngôn, nếu muốn nghiên cứu ba khía cạnh chính của hoạt động con người (ngữ pháp chung, lịch sử tự nhiên và phân tích sự giàu có – sau này ở thời hiện đại sẽ phát triển thành ngôn ngữ học, sinh học và kinh tế học), chỉ cần quan tâm đến diễn ngôn là đủ. Như vậy là con người thoát được khỏi gánh nặng ngôn từ để xuất hiện với ba chiều chính: sinh học, kinh tế và chủ thể ngôn ngữ. Con người sống, nói năng và làm việc, như một hữu thể hoàn thiện.

Thế nhưng (đây chính là điểm quan trọng nhất của Từ và Vật, và cũng gây tranh cãi nhiều nhất), con người vẫn phải sống trong thế bất hòa giữa bản thân mình và hệ thống ngôn ngữ. Những vấn đề cũ biến mất khi diễn ngôn mất đi sức mạnh, giờ lại sống dậy; con người khi đã phế bỏ sự thống trị của diễn ngôn, sẽ phải hứng chịu sự trả thù. Kiến thức hiện đại đến lúc cũng từ bỏ con người để quay sang một đối tượng duy nhất: ngôn ngữ. Toàn bộ sẽ trở thành ngôn ngữ, trừu tượng, cấu trúc, ký hiệu. Kể từ nay, hiểu biết không còn là khám phá một bản chất người, mà là giải mã ngôn ngữ. Con người, do đó, tất yếu bị diệt vong, bị nhấn chìm đằng sau ngôn ngữ. Câu kết của cuốn sách là một báo hiệu ghê gớm về tình thế bi thảm của con người, khi Foucault sử dụng ẩn dụ “chúng ta có thể cá cược rằng con người sẽ biến mất, giống như khuôn mặt vẽ trên bờ cát ở sát mép nước” (tr. 398).

Có thể thấy rất rõ rằng Foucault thật sự bị ám ảnh bởi vấn đề ngôn ngữ. Người ta buộc phải đi qua ngôn ngữ để có thể với tới vật. Mối quan hệ là như vậy: phải qua từ mới với tới được vật. Từ giống như một thứ màn ngăn cách, một thứ trung gian không mấy khi chịu hợp tác, nói tóm lại, một thứ trung gian quá nhiều sức mạnh. Có thể nói rằng lịch sử kiến thức mà Foucault trình bày trong Từ và Vậtlà lịch sử được nhìn qua lăng kính ngôn ngữ. Mặt khác, trong hệ thống của ông, ngôn ngữ còn đóng vai trò điều hòa, như một thứ mẫu hình chuẩn mà các yếu tố khác phải tuân theo: quả thật, theo Foucault, các mối quan hệ quan trọng giữa trình bày (représentation) và tư tưởng hay chức năng của giá trị trong kinh tế học cũng được so sánh với các yếu tố của ngôn ngữ. Chính sự biến đổi về tính chất của ngôn ngữ đã đóng vai trò chủ chốt trong sự biến mất của con người: “Kể từ thế kỷ XIX, ngôn ngữ tự thu mình vào trong chính nó, tự tạo ra độ dày của mình, trình bày một lịch sử, các quy luật và một tính khách quan chỉ thuộc về nó” (tr. 309). Kết quả là độ dày của từ dần che lấp khuôn mặt của con người.

Sau này Foucault sẽ viết thêm một cuốn sách nữa để bổ sung cho lý thuyết “khảo cổ” của mình: Khảo cổ học kiến thức ( L’Archéologie du savoir), năm 1969, trong đó ông quay trở lại với vấn đề “con người biến mất”, sau này sẽ được nhiều nhà cấu trúc luận tiếp nhận và tiếp nối, chẳng hạn như Roland Barthes khi khẳng định “tác giả đã chết”, một cách gián tiếp hơn, khi viết “ngày nay, lịch sử là thứ biến tài liệu(documents) thành công trình(monuments)” (tr. 15).
----------------
Les Mots et les Choses. Une archéologie des sciences humaines, Gallimard, collection "Tel", 1999
L"Archéologie du savoir, Gallimard/nrf/Bibliothèque des sciences humaines, 1989

Ảnh trên cùng: Michel Foucault, tranh của Jesse Bransford

Nguồn: Tia sáng, số19 , ngày 03/10/2006

Foucault là người thật sự bị ám ảnh bởi ngôn ngữ.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.