Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 20/01/2005 22:59 (GMT+7)

Metchnikoff (1845-1916): Người tìm ra hiện tượng thực bào

Ít lâu sau, rời đảo, Ilya Ilich Metchnikoff lên đường đi về phía Nam nước Đức, vượt hơn 500 cây số đến Đại học thành phố Giessen theo học thầy Leuckart. Nhưng Ilya cũng không ở đây lâu, anh đến thànhphố Gottingen, nằm trên bờ sông Leine, tại đây có trường đại học nổi tiếng xây dựng từ năm 1734, Ilya tham dự các lớp về Động vật học. Ilya còn đến thành phố Munich làm việc tại Viện Hàn lâm dưới sựhướng dẫn của giáo sư Siebold.

Niềm say mê nghiên cứu các động vật biển thôi thúc Metchnikoff rời nước Đức để đến Napoli (Italia). Thời gian ở Napoli (1865) là thời gian Metchnikoff chuẩn bị luận án Tiến sĩ qua công trình nghiêncứu “Sự phát triển phôi của loài Sepolia và Nebaiia”. Sau 2 năm làm việc ở Napoli, nhà khoa học 22 tuổi Metchnikoff trở về quê hương và được cử làm giảng viên môn động vật học ở Đại học Odessa(Ukraina). Nhưng được ít lâu, anh lại rời đến thành phố Saint Petersburg và giảng dạy ở đó. Sau 3 năm, Metchnikoff trở lại Odessa nhận chức vụ giáo sư môn Giải phẫu học so sánh và Phôi học. Tình yêuthành phố cảng trên bờ biển Đen và niềm say mê với công việc nghiên cứu các động vật biển đã giúp Metchnikoff làm việc ở Odessa suốt 12 năm trời, cho tới năm 1882.

Sau vụ ám sát Sa hoàng Aleksandr Đệ Nhị (1855-1881), ở trường đại học xảy ra nhiều vụ rối loạn trong sinh viên kèm theo cách quản lý quan liêu bè phái, Metchnikoff cảm thấy buồn phiền và có nhiều khókhăn trong việc giảng dạy, nghiên cứu nên đã xin từ chức. Sau khi rời Odessa, ông đến Messina, một cảng biển ở Đông Bắc đảo Sicily để nghiên cứu những loài động vật biển và phôi học so sánh. Khi rảnhrỗi ông thường quan sát dưới kính hiển vi hoạt động của những con sao biển và ấu trùng. Vào một buổi chiều hè của năm 1884, khi thử nghiệm đặt một gai nhỏ của bông hồng vào trong bào tương của consao biển, Metchnikoff nhận thấy có nhiều biến đổi bất thường quanh vùng chứa dị vật. Làm đi thử lại nhiều lần, ông phát hiện thấy những gai thực vật nhỏ bị hủy hoại hoàn toàn ở bên trong bào tươngcủa con sao biển. Suốt nhiều ngày liền, khi mải mê ngắm nhìn hiện tượng sinh học kỳ lạ này, Metchnikoff luôn tự hỏi: phải chăng loài nguyên sinh động vật đã có khả năng chống đỡ và tiêu diệt vật lạ?Phải chăng sinh vật có thể “ăn” dị vật để tự bảo vệ mình?

Hai năm sau, Metchnikoff được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vi khuẩn học tại Odessa. Trung tâm này mới được thành lập với mục đích nhằm chuẩn bị sản xuất các loại vắc xin kiểu Pasteur chống bệnh dại và bệnh than. Công việc mới rất bận rộn nhưng Metchnikoff vẫn chú tâm suy nghĩ tìm hiểu khả năng tự bảo vệ của sinh vật. Vào thời gian này, ông vừa xuất bản một tập sách về Phôi học của loài sứa.Trong nhiều buổi hội thảo khoa học, hiện tượng tế bào “ăn” dị vật mà ông gọi là luận thuyết “thực tượng” luôn bị nhiều nhà khoa học phản đối, trong số đó có nhà khoa học nổi tiếng người Đức Robert Koch lên tiếng bác bỏ kịch liệt nhất. Metchnikoff phải mất 19 năm trời mới thuyết phục được Robert Koch công khai xác nhận tính đúng đắn của luận thuyết “thực tượng” trên các tạp chí khoa học.

Năm Metchnikoff 43 tuổi, ông nhận được lời mời đến Paris làm việc tại Viện Pasteur. Nhà vi khuẩn học hàng đầu của nước Pháp Louis Pasteur nồng nhiệt chào đón Metchnikoff và cử ông làm Trưởng khoa của Viện. Ba năm sau, ông được bầu làm Tiến sĩ khoa học danh dự của Đại học Cambridge.

Sau 8 năm nghiên cứu miệt mài, kể từ lần quan sát đầu tiên trên con sao biển rồi trên nhiều loài động vật khác, nay Metchnikoff có thể khẳng định rằng cơ thể sinh vật có khả năng tiêu diệt vật lạ để tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt, ông xác nhận nhiều loại tế bào trong cơ thể người (như tế bào một nhân trong máu, tế bào non của mô liên kết) đều có thể “ăn” các vi khuẩn, các dị vật, nghĩa là “ăn” tất cả các yếu tố gây nguy hại cho cơ thể. Ông đặt tên cho quá trình đó là hiện tượng “thực bào” (phagocytosis, gồm ba từ nguyên Hy Lạp - phagein: ăn - kytos: tế bào và osis: hiện tượng). Ông cũng phân biệt những “đại thực bào” (macrophage) là những tế bào có khả năng “ăn” rất mạnh với những “tiểu thực bào” (microphage) có khả năng “ăn” yếu hơn. Tất cả những kết quả nghiên cứu đó được Metchnikoff trình bày trong cuốn sách “Bệnh học so sánh về viêm” (viết bằng tiếng Pháp xuất bản năm 1892 rồi dịch sang tiếng Anh năm 1893). Trong cuốn sách, ông ghi nhận: “…Chống lại các yếu tố kích thích, gây bệnh, cơ thể có những phản ứng thực bào. Phản ứng đó biểu hiện không chỉ ở các thực bào di động mà ở cả các thực bào thuộc hệ mạch máu và hệ thần kinh… Tình trạng miễn nhiễm (immunity) đối với các bệnh nhiễm khuẩn chính là sự đề kháng của cơ thể chống lại các vi khuẩn đó…”. Sau đó đề tài này lại được ông trình bày đầy đủ hơn trong cuốn sách “Miễn nhiễm trong các bệnh nhiễm khuẩn” (1901). Metchnikoff cũng đã gây được bệnh giang mai thực nghiệm trên khỉ, bệnh lậu trên nhiều động vật giúp giới y học hiểu rõ hơn quá trình lây truyền bệnh. Cuốn sách “Bản chất con người” của ông viết năm 1903 cũng là một tác phẩm khoa học có giá trị cao. Danh vọng tràn đầy trong những năm tháng cuối đời Metchnikoff: ông được bầu làm Uỷ viên nước ngoài của Hội Hoàng gia London, Viện Hàn lâm Y học Paris, Uỷ viên danh dự Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Y học Saint Peterburg, Uỷ viên Hội Y học Thụy Điển Stockholm; ông cũng được tặng thưởng Huân chương Copley, Huy chương Viện Y học cộng đồng London, Huy chương Wilde.

Năm 1908, cùng với Ehrlich, ông nhận giải Nobel Y học. Sự kiện này khẳng định thêm công lao của Metchnikoff khi tìm ra hiện tượng thực bào và đặt nền tảng cho luận thuyết miễn nhiễm tế bào trong y học.

Trong lời chào mừng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà sinh học lỗi lạc Darwin và 50 năm ngày ra đời cuốn sách giới thiệu luận thuyết tiến hóa, Metchnikoff đã nói: “… Khoa học nghiên cứu các vi khuẩn cũng như mọi ngành khác của sinh học đã thụ hưởng được rất nhiều từ thuyết tiến hóa, và ngược lại cũng đóng góp vào luận thuyết này những điều khẳng định quan trọng đầy ý nghĩa… Lịch sử các bệnh nhiễm khuẩn cũng cho thấy vai trò của các sinh thái vô cùng nhỏ trong quá trình chọn lọc tự nhiên, phải chăng chính những sinh thái đó qua nhiều năm tháng đã làm biến mất một số loài thực vật, động vật không còn đầy đủ khả năng để chống đỡ và tồn tại…”.

Trước khi qua đời ở tuổi 71, Metchnikoff có tâm tư “…Tôi đã làm việc ở đây gần 30 năm, cuộc đời khoa học của tôi gắn liền với Viện Pasteur, sợi dây ràng buộc đó cần phải chặt chẽ hơn nữa; vì vậy, cũng như những con vật thử nghiệm đã được thiêu đốt ở đây, tôi mong muốn phần tro tàn của tôi sẽ được lưu giữ trong Viện nghiên cứu này…”. Và nguyện vọng cuối cùng của Metchnikoff đã được thực hiện.

Nguồn: Trần Phương Hạnh, 17 nhà khoa học lỗi lạc, NXB Trẻ, TP. HCM, 2003.

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).