Mekong kêu cứu
Do phải hoàn thành trước ngày 31/12/2005 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hầu như địa phương nào trong tám tỉnh đồng bằng Cửu Long đều bị chê chạy theo thành tích khiến bộ mặt nhiều tuyến dân cư vượt lũ nom rất hoang sơ trong lúc lũ đang lăm le đổ về.
Cạn kiệt và lũ bất thường
Những năm gần đây, Mekong bị khai thác nặng nề để sản xuất điện và tưới tiêu. Phần thượng lưu thuộc lãnh thổ Trung Quốc, hình thành một loạt công trình với đập cao, hồ chứa nước lớn.
Có thể kể đến nhà máy thủy điện Manwan có đập cao 126m, tương đương tòa nhà 42 tầng, công suất lắp máy 1.500MW hoàn thành và phát điện từ năm 1996, gấp đôi công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình của Việt Nam.
Phần hạ lưu của dòng sông chính chưa có công trình nào, nhưng nếu kể cả các sông nhánh của Mekong, Việt Nam cũng góp phần một công trình - Nhà máy thủy điện Yaly trên sông Sê San.
Chưa có nghiên cứu chính thức nào về giới hạn khai thác nước sông Mekong để đảm bảo an toàn cho các quốc gia ở hạ lưu.
Tuy nhiên, ước tính sơ bộ cho thấy, nếu các quốc gia ở thượng nguồn Mekong sử dụng một lưu lượng nước khoảng 1.200-1.500m3/s để tưới vào mùa khô hoặc nếu nước Biển Hồ (thông thủy với sông Mekong) được Campuchia khai thác nhiều hơn, đồng bằng Cửu Long gần 40.000km2 của Việt Nam sẽ rơi vào thảm họa thiếu nước trầm trọng, nạn xâm nhập mặn đe dọa toàn vùng.
Không những thế, khai thác và xây đập chắn nước nhiều trên thượng lưu, theo các nhà khoa học, là một trong những nguyên nhân khiến nước sông Mekong ngày càng “đói” phù sa và chúng chỉ còn cách ngoạm vào bờ hạ lưu trước khi đổ ra biển, gây ra những đợt xói lở lớn bờ các con sông trên lãnh thổ Việt Nam.
Với việc chỉ 11% lượng nước sông Mekong hình thành ở Việt Nam, hậu quả nữa mà Việt Nam phải gánh chịu là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng, nhất là vào mùa kiệt. Trên sông Vàm Cỏ Tây, mặn xâm nhập vào tận Mộc Hóa, cách biển 100 km.
Trên sông Tiền, một nhánh khác của Mekong, mặn lên tới Mỹ Tho, cách bờ biển 50-60 km. Trên sông Hàm Luông, Cổ Chiên, và sông Hậu, mặn vào sâu 45-50 km. Xu thế đó, theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, chưa thấy có dấu hiệu chững lại.
Đối lập với hiện tượng kiệt nước dẫn đến xâm nhập mặn là diễn biến lũ lụt trên sông ngày càng phức tạp khi các số liệu thống kê cho thấy lũ lụt xuất hiện trên sông Mekong có xu thế tăng về cường độ, quy mô, và tần số.
Về cường độ, lũ lịch sử, cả về đỉnh lẫn lượng, đều xuất hiện trong 10 năm gần đây là điều chưa từng xảy ra. Về quy mô, tổn thất do lũ ngày càng nặng nề. Lũ sông Mekong năm 1996 làm 217 người chết, thiệt hại hơn 2.100 tỷ đồng. Lũ năm 2000 làm 48 người chết, thiệt hại trên 3.900 tỷ đồng.
Về tần số, lũ lớn xuất hiện ngày một dày hơn. Thống kê 76 năm quan trắc (1926- 2002) tại Tân Châu trên sông Mekong, có 31 năm mực nước cực đại trên 4,5m.
Nói cách khác, tần suất xuất hiện mực nước trên 4,5m trong 76 năm là 41%. Trong khi đó, 12 năm gần đây (1991 - 2002), có 6 năm cho mức nước cực đại trên 4,5 m và như vậy, tần suất là 50%. Đặc biệt, ba năm liên tiếp (2000 - 2002), mực nước cực đại đều ở mức 4,5 - 5,2 m.
Tổng chất thải ô nhiễm cao nhất nước
Trong chuyến khảo sát đầu tiên đến đồng bằng Cửu Long tháng 5/2005, GS.TS Wanatabe, Chủ tịch ủy ban Quốc tế MeREM (dự án thí điểm mang tên Giám sát Hệ sinh thái sông Mekong) - cảnh báo vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất của sông Mekong chảy qua Việt Nam hiện nay là ô nhiễm không chỉ bởi nước thượng lưu, ảnh hưởng trực tiếp đến 17 triệu người, chiếm 20,2% dân số Việt Nam. Ông cho biết tình trạng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức cao chủ yếu do dân cư ven sông gây ra.
Một trong những nguồn ô nhiễm nặng nhất là ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, hướng mũi nhọn tăng trưởng kinh tế khu vực đồng bằng Cửu Long. Số liệu của Niên giám Thống kê năm 2003 cho thấy, lượng phân gia súc thải ra năm 2002 ước tính 13.000 tấn trong đó có hơn 1000 tấn phân trâu, hơn 2000 tấn phân bò, và hơn 10.000 tấn phân lợn.
Theo Chương trình Nghiên cứu biển cấp nhà nước KT 03.07, tổng thải một số chất gây ô nhiễm trên sông Mekong đổ ra biển được xem là ở mức cao nhất cả nước. Làm thế nào để đảm bảo nguồn tài nguyên nước sông Mekong không bị suy giảm và làm thế nào để tận dụng chúng một cách tối ưu, là điều không phụ thuộc vào riêng Việt Nam.
“MeREM đi vào hoạt động là bước đi đầu tiên giúp cải thiện đáng kể tình trạng suy thoái hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong, nhất là khu vực thuộc Việt Nam”, GS.TS Watanabe, đồng thời là Trưởng phòng Sinh học Môi trường thuộc Học viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản (NIES), hy vọng.
- Theo kế hoạch, cuối tháng 11 năm nay, các nhà khoa học sẽ nhóm họp ở miền Nam Việt Nam và khởi sự cuộc khảo sát phần hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam. “Sông Mekong đang hồi nguy cấp”, TS Wichien Yongmanitchai, Đại học Kasesart, Thailand, nói với phóng viên Tiền Phong, “Dù chưa qua Việt Nam, tôi tin Việt Nam hứng chịu nhiều nhất những biến đổi tiêu cực trên sông Mekong”. - Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE), mùa mưa, nước phù sa sông Mekong tràn ngập 2 triệu ha đồng bằng sông Cửu Long rửa phèn cho 1,8 triệu ha, cung cấp 48.000 tấn đạm nguyên chất, tương đương 10 vạn tấn ure hay 25 vạn tấn đạm sulphat cùng nhiều vi chất khác. - Sông Mekong là bằng chứng rõ rệt chứng tỏ nước ta không phải dồi dào về tài nguyên nước với tổng lượng 830 tỷ m3/năm hay 10.375 m3/người/năm như một số tính toán. Với thực trạng 2/3 tổng lượng nước mặt Việt Nam phụ thuộc nước ngoài, về lâu dài, lượng nước hình thành trên lãnh thổ Việt Nam mà ta có thể chủ động điều tiết được chỉ là 310 tỷ m3/năm mà thôi. Các nhà môi trường thừa nhận, với lượng nước đó, Việt Nam cũng chỉ thuộc loại tương đối phong phú về tài nguyên nước ngọt trên đầu người. |