Đàn ông mặc váy, nay thì cũng hiếm, nhưng không có gì lạ. Đàn ông Scotland bên Anh, xưa cũng mặc váy. Và điều đó còn để lại trước mắt mọi người trong quân đội hoàng gia Anh, các binh đoàn Scotland nay vẫn mặc váy để diễu hành. Ở Bungari thì phải, cũng có tộc người mà đồ che nửa dưới cho nam giới xưa kia là váy. Từ lâu họ đã mặc quần, nhưng vẫn phủ lên bên ngoài quần một cái váy ngắn. Người nam nông dân Miến, bên Miến Điện, cũng mặc váy. Nói đâu xa, ngay ở ta, trên đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ, chưa phải đã lâu la gì, công chức ở thành thị, ra đường thì mặc Tây, hoặc khăn đóng áo lương, nói tiếng Bắc là khăn xếp áo the, nhưng về đến nhà, nhất là trong mùa nóng, tại vội vã cởi tất cả ra, trên đánh trần, dưới thì cái “xa-rông”, cũng là cái váy. Nghe đâu người Việt tiếp thu cái “xa-rông” này từ người Khơme thì phải. Có điều là váy đàn ông, từ Scotland đến ta, là váy màu, đúng hơn là váy “rằn ri”, nói cho sát hơn nữa là váy “ca-rô” nhiều màu. Còn váy Chăm, như tôi thấy trên ảnh, là váy trắng. Tuyền trắng. Cái áo không có gì lạ lắm. Ảnh đủ rõ để tôi nhận ra kiểu áo mà ở Huế, quê tôi, người ta gọi là “áo năm vạt”. Kiểu áo này có thời cũng ít nhiều phổ biến trong đàn ông Việt, nhất là ở miền Trung: mùa hè, mà ở trong nhà, người khá giả đánh một bộ lụa mỡ gà, quần là quần thường, nhưng áo là “áo năm vạt”. Cũng không ai cấm mặc “áo năm vạt” ra đường, nhưng nó không chính thức, không thuộc lễ phục. Với lại, không ai mặc áo dài phủ ra ngoài “áo năm vạt”: bản thân nó đã là cái áo hoàn chỉnh. Về sau, có lần tôi còn gặp một cụ già Mường mặc “áo năm vạt”. Mà cũng màu trắng. Như vậy, “áo năm vạt” chẳng của riêng tộc người nào.
Cái khăn càng không lạ. Nó to bản, cao hơn trán, quấn quanh đầu với những nếp gấp tự nhiên, không cố định, buộc lại rồi mà vẫn để thừa một đoạn khá dài ở bên đầu. Người Việt miền Trung gọi nó là cái “khăn mỏ rìu”. Trước kia, tôi từng thấy nhiều người lao động quấn “khăn mỏ rìu”, nông dân thì không mấy, thường là những lao động khác, một bác thợ mộc chẳng hạn, hay một ngư dân, nhất là ngư dân… Mà không mấy khi “khăn mỏ rìu” được nhuộm màu, cứ để trắng, dù cho qua nhiều ngày nó đen đi vì bẩn. Mà đâu chỉ người Việt. Ngày tôi còn bé, ba tôi từng đưa từ Kôngtum về tấm ảnh chụp một người Bana đầu quấn “khăn mỏ rìu”. Mà cũng màu sáng. Cụ già Mường sau này tôi gặp mặc “áo năm vạt” cũng quấn “khăn mỏ rìu” trắng. Tôi tin rằng nhiều tộc người khác cũng thế.
“Khăn mở rìu”, “áo năm vạt”, váy đàn ông, từng cái tách riêng là nét chung cho nhiều cộng đồng. Mà không nhất thiết chỉ ở ta. Nhưng gộp cả ba lại thành trang phục cho nam giới, kể cũng hơi lạ. Lạ nhất là màu trắng: trắng toát từ khăn đến áo, đến váy. Chỉ khăn trắng, hay chỉ áo trắng, thậm chí chỉ váy trắng, không việc gì. Đằng này lại trắng cả khăn – áo – váy. Tôi không thể tượng mặc bộ áo váy ấy vào mà làm được bất cứ lao động gì. Lễ phục chăng?
Đó cũng là thắc mắc của tôi khi lần đầu tiên tôi thấy được trang phục nam giới Chăm qua một tấm ảnh. Tất nhiên, thắc mắc là thắc mắc để đấy. Vào những năm 59, 60, làm sao từ ngoài Bắc mà vào đến Phan Thiết được, để xem, để hỏi! Về sau khi đã quen anh Ma-mốt, có lần tôi sực nhớ, đem ra hỏi anh. Nhưng anh không trả lời cho được: anh là người Chăm, nhưng là người Chăm Châu Đốc, không phải Chăm Ninh – Bình Thuận, ở quê anh không có bộ váy trắng toát kia. Câu chuyện qua đi.
Sau năm 75, trên một chuyến xe đò vào Nam, tôi sực nhớ chuyện cũ, tự hẹn qua Phan Thiết sẽ cố nhìn bộ nam phục Chăm, nếu may mắn gặp một người Chăm đi bên đường. Không dừng lại được, thì có nhìn vậy. Nhìn thoáng qua thế thôi. Nhưng cố nhìn. Mà nhìn thực, nhìn nhiều người nữa, cả nam lẫn nữ. Chỉ tiếc chỗ tôi ngồi không sát bên cửa sổ, nắng bên ngoài chói chang, xe lại chạy nhanh quá, tôi nhìn mà chẳng thấy được gì. Cái còn lại trong con mắt là một màu trắng toát, điểm thêm vài mảng xanh chàm. Nhưng tôi không thấy “khăm mỏ rìu”, không thấy “áo năm vạt”, cũng không thấy váy đàn ông. Dù sao, cũng đã thấy màu trắng, nền trắng chứa mảng chàm. Anh Ma-mốt về Sài Gòn công tác, nhưng anh hay ra Hà Nội họp, lần nào cũng ghé tôi chơi. Chuyện Sài Gòn vui quá, tôi quên hỏi lại anh câu chuyện cũ, mà giờ anh hẳn biết rõ hơn xưa, vì anh đã chuyển qua làm dân tộc học Chăm. Thế là chuyện cũ lại qua đi. Gần đây, tôi có dịp lên Bắc Tây Nguyên. Lên hai lần. Đi xem hoa văn. Qua đó mà bất ngờ thấy được màu trắng của trang phục Giarai. Nhưng để tôi kể có đầu có đũa. Một anh bạn Hà Nội có cái chăn Thượng, mà anh chẳng cần biết là của tộc người nào, vì anh không làm dân tộc học. Nhưng anh quý cái chăn ấy lắm: xưa, anh có dịp ghé qua Đà Lạt, thấy chăn đẹp ngoài chợ, anh mua một chiếc về chơi. Kỷ niệm của một thời trai trẻ. Chăn một màu trắng toát, không…, nó cho đúng là trắng mỡ gà, chỉ có mấy dải hoa văn đỏ đen chạy theo hai biên dài, mà hẹp bản lắm. Tôi không nói ra nhưng cứ đồ chừng trong bụng rằng đấy là hàng du lịch, tức loại chăn vờ là chăn Thượng, được dệt ra để làm vừa long khách du lịch, không theo mẫu của tộc người nào. Quả vậy, trong kho của Bảo tàng Mỹ thuật, tôi thấy chăn – áo - khố - váy của người Thượng, do người Pháp đem về Hà Nội trước năm 40, đều được thửa trên vỉa nền đen thẫm, đen chàm. Đâu có nền trắng thế kia! Lên đến Tây Nguyên, càng thế: trong các làng Bana, các làng Giarai tôi đi qua, chăn – áo - khố - váy đều mang nền đen. Cho đến một tối…, tôi uống rượu đêm tại nhà nhạc sĩ Nay Quách, một người Giarai đã đứng tuổi. Chén rượu đưa hơi, tình bạn mới càng khuya càng thắm, chúng tôi kể cho nhau nghe đủ chuyện vui, buồn… Một câu chuyện tôi nghe đêm ấy, khiến đang say mà bỗng lắng lại, hơi chột dạ: ngày còn bé, Quách nghe mẹ nói trang phục của tộc anh, tộc Giarai vốn không đen nền như sau này, mà trắng. Tôi tự hẹn phải cố xác minh xem sao. Dù thế nào, mình cũng đang làm hoa văn Bana, Giarai. Phải chờ đến chuyến đi năm sau…
Mới đặt chân lên lối vào một làng Giarai rất xa làng anh Nay Quách, tôi đã thấy một chị trẻ tuổi đang ngồi dệt dưới gốc cây bên nhà. Áo váy chị mặc đen nền, như váy áo tôi từng thấy tại nhiều làng Giarai khác. Nhưng tấm chăn chị đang dệt lại trắng ngà, tất nhiên là với những dải hoa văn đen đỏ dọc các biên dài. Tôi hỏi, chị nói chị dệt như mẹ chị dạy cho, duy có chỉ màu là mới, mua từ phố về. Trong làng, đa số người vẫn áo váy hay áo khố nền đen, nhưng lẻ tẻ cũng có cái khố trắng, chiếc váy trắng. Đặc biệt có anh từ nhà chung bước xuống lại mặc toàn trắng. Anh còn trẻ, miệng ngậm tẩu như người già, và áo, khố, cả tấm chăn cuộn lại anh quàng chéo qua vai đều một mực trắng nền.
Các làng quanh đấy cũng thế: nền trắng còn xen kẽ với nền đen. Ở đây, nền trắng của trang phục Giarai không chỉ là ký ức mờ nhạt như tại vùng quê anh Quách: tuy đã bị nền đen đẩy lùi, nền trắng vẫn còn đấy, vẫn là dấu tích đến nay còn sơ mó được. Ở người Bana, tôi không hề thấy dấu tích này.
Về Hà Nội, tôi kể chuyện cho anh Chu Thái Sơn nghe. Anh Sơn làm về người Êđê, cứ hàng năm đi Đăk Lắc. Anh vừa nghe vừa gật gù, rồi bảo tôi: tại những làng Êđê anh đã đến, nền đen nhập vào trang phục cả rồi, nhưng thỉnh thoảng, ở làng này hay làng kia, nhà này hay nhà kia, có người vẫn đóng khố đi làm rẫy, trắng tuyền thế thôi, không hoa văn, và tất nhiên đen đi vì bẩn. Câu nói của anh Sơn càng làm cho tôi suy nghĩ lung hơn. Người Giarai và người Êđê đều là những tộc nói tiếng Mãlai Pôlynêdi, hẳn có thời nào đó họ cư trú ven biển. Họ cũng từng mặc trang phục trắng hay trên nền trắng. Cũng như người Chăm vậy thôi. Mà đồ mặc màu trắng, trái với điều tôi nghĩ trước đây, thực hợp với cuộc sống làm ăn ven biển và trên biển. Nó cưỡng lại ánh mặt trời, còn giúp người ngư dân lẫn vào biển, vào cát ven bờ, vào sóng. Cũng như màu thẫm của trang phục các tộc miền núi, dù là nền đen của chăn – áo - khố - váy Thượng, hay màu chàm của nhiều tộc ở miền Bắc, giúp cho người nông dân đốt rẫy hoà vào cây lá. Hay mầu nâu của người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giúp họ hoà làm một với bùn lầy ruộng nước. Nhưng một khi đã bị đẩy lùi lên cao nguyên, lấy làm rẫy thay đánh cá, họ phải thích ứng vào môi trường bao quanh, dần dần noi gương các tộc vốn ở từ lâu trong rừng mà thay nền trắng của trang phục bằng nền thẫm.
Nhưng nền trắng cũ ít nhiều vẫn còn lại như một chứng tích, ở những mức khác nhau tuỳ từng tộc người, tuỳ người Giarai hay người Êđê, tuỳ từng vùng Giarai… Hay như chút ít truyền thuyết về cá voi, cá mập, mà nghe đâu người Êđê còn kể, dù cho cao nguyên không có các loài cá ấy.
Là tôi nghĩ thế thôi… Nghĩ thế để chấp nhận màu trắng của bộ nam phục Chăm đã làm cho tôi thắc mắc. Càng nghĩ thế, khi gian phòng tỉnh Thuận Hải, vào dịp triển lãm văn hoá các tộc ít người trong công viên Lênin hồi 1986 gần đây, lại trình ra bộ lễ phục của người Chăm, mà tuyền trắng như tôi từng thấy trên ảnh năm xưa. Tuyền trắng, không một mảng chàm nào như các mảng chàm gặp trên đường qua Phan Thiết. Nhưng vẫn không hết thắc mắc. Phải chi các đồng chí Thuận Hải mang một bộ lễ phục ra, rồi treo lên đấy, ghi mấy chữ cho rõ, thì có lẽ hôm nay tôi cũng không xin phép nói ở đây. Đằng này, muốn cho đẹp, các đồng chí lại khoác lễ phục lên hai con nộm gỗ, một nam, một nữ, con nào cũng chỉ cao bằng hai bàn tay. Nói cách khác, đây không phải là lễ phục thật, mà chỉ là mô hình thu nhỏ, thu quá nhỏ, không còn các chi tiết nữa để nhìn vào mà có thể nói chắc là “khăn mỏ rìu”, là “áo năm vạt”, là váy đàn ông, đã thế, hôm tôi đến xem, chẳng có ai đứng đó cho tôi hỏi.
Đã hết đâu. Lên Lâm Đồng vì một chuyện khác, tôi được biết một số tộc Thượng ở đây cũng có chăn trắng, hay váy trắng: những ngành khác nhau của tộc Stiêng, tộc Mạ… Tôi sực nhớ, trước đây vài năm, có lần đến Sông Bé, tôi thấy người Stiêng ở đó có hai loại váy nữ: váy dài, với hoa văn nhiều màu trên nền đen, cho thanh nữ; và váy ngắn, với hoa văn đen trên nền trắng, cho các bà lớn tuổi. Được dành cho lớp già, nền trắng hẳn cổ hơn nền đen, bước đầu trở thành dấu tích. Nhưng người Stiêng và người Mạ không nói tiếng Mãlai Pôlynêdi như người Giarai hay người Êđê. Họ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme, như người Bana ở Bắc Tây Nguyên. Người Mạ và người Stiêng từng có thời cư trú ven biển, trên đất vương quốc Chămpa chăng? Một hai tài liệu lẻ tẻ do người Pháp viết, hồi họ mới chiếm miền Nam, chẳng nói đến một “vương quốc Mạ”, mà địa vưc lan rộng qua miền Tây Nam Bộ, đến tận biển đó sao? Hay là nền trắng của trang phục chỉ là một ảnh hưởng Chăm, vào giai đoạn cuối của vương quốc Chămpa, khi một số người ở đấy phải bỏ đất cũ, chạy lên cao nguyên? Thắc mắc vẫn còn đó.
Thế rồi có hôm tôi ngồi chuyện trò với một người bạn chuyên về sử Đông Nam Á. Máy miệng, tôi ngẫu nhiên nhắc đến thắc mắc của mình quanh màu trắng tuyền của trang phục Chăm. Anh bạn tôi thông cảm lắng nghe. Rồi anh nhắc nhẹ tôi: coi chừng đấy, coi chừng màu trắng của trang phục Hồi giáo. Nói một cách khác, màu trắng của bộ lễ phục Chăm biết đâu chỉ là màu trắng mà người Chăm đã tiếp thu từ Ấn Độ, cùng với đạo Hồi? Quả thế thực, biết đâu đấy! Tôi choáng cả người… Ừ, biết đâu đấy… Dù sao nghĩ lại, tôi cứ tin rằng cái màu trắng gọi là Hồi giáo ấy, thực ra chỉ là màu trắng của người A-rập, của người sống ven sa mạc, nhiều khi phải vượt qua sa mạc. Đức thánh Ma-hô-mét, ngày ông chưa nghĩ ra và lập nên đạo Hồi, chẳng có lúc làm nghề dắt lạc đà cho các đoàn hành hương vượt sa mạc đó sao. Mà để đương đầu với cái nóng và cái nắng của sa mạc, thì con người chỉ có thể viện đến một màu cho đồ mặc: trắng. Và màu trắng của trang phục A-rập phải có trước đạo Hồi. Còn như người Chăm, vốn là người sống ven biển, thì ắt họ đã biết mặc đồ trắng, từ khi họ chưa tiếp thu đạo Hồi. Mà người Chăm ở Thuận Hải có phải ai cũng theo đạo Hồi cả đâu, chỉ một số ít thôi, đa số vẫn trung thành với những dạng đã địa phương hoá của Ấn Độ giáo.
Tóm lại, thắc mắc kéo dài gần ba mươi năm rồi, mà kết cục đâu vẫn hoàn đấy. Kể lại câu chuyện cũ, tôi chỉ mong nó lọt được vào tai của bạn đồng nghiệp nào đó đang hay sắp đi vào tập quán của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận
Nếu rồi đây thắc mắc được giải, trên cơ sở những tài liệu thu thập được tại chỗ, thì đứng trên hàng đầu những kẻ nhiệt liệt hoan hô người giải đáp phải có tôi.
Nguồn: Xưa và Nay, số 115, tháng 5/2002, trang 15-17