Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 28/05/2008 23:59 (GMT+7)

Mạn bàn về Minh triết Việt

I. Ý tưởng tìm học Minh Triết Việt

Cách đây đã hơn 20 năm trong mấy bài viết: Ngàn năm Viên Chiếu một ánh Thiền(đã đăng ở Văn Nghệ và ở Tạp chí Nghiên cứu Phật học), Tưởng hoà bình của Nguyễn Trãi(đăng trên Tập san Văn hoá Phật giáo – Sài Gòn), tôi ngày nay càng chú ý tới những tư tưởng rất cô đọng của tiền nhân và nghiệm thấy đó là những chân lý có tính phổ quát. Như trong Tham đồ hiển quyếtcó một câu Thế nhân giai nhậm ốc, Lậu nhân hà sở tại(Người đời ai cũng đi thuê nhà để ở - giả sử nhà dột có thể che chắn ở tạm. Còn người dột (lậu nhân) thì Minhbiết trú vào đâu). Hoặc như câu nói về nhạc của Nguyễn Trãi: “ Hoà bình là gốc của nhạc. Thanh âm là văn của nhạc… Xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng muôn dân làm sao cho trong dân cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu. Thế mới không lỗi mất cái gốc rễ của nhã nhạc”. Đó là lý tưởng về nhạc mà cũng là lý tưởng về một cuộc sống hài hoà với mình, với xã hội và với thiên nhiên!

Gần đây khi nghiên cứu những bài học của Đông kinh nghĩa thục (ĐKNT) mà tôi mạo muội nâng lên thành những giá trị Minh triết, cái ý nghĩa cho rằng xã hội chưa áp đặt lên não trạng của những nhà cầm quyền đương đại cái hồn mạch của Chân - Thiện - Mỹ cổ truyền Việt Nam - những Minh triết của cha ông không được tiếp nhận nghiêm túc, chân thành khiến cho cái phương châm của ĐKNT:

Á Âu chung lại một lò

Đúc nên nhân cáchmới chongười

dễ biến thành dị hợm!

Cái “trọng lực” Việt Nam không rơi đúng “chân đế” thành ra “chân xiêu chân nam” (chân chiêu chân đăm).

Tôi nghĩ rằng trong khi thiên hạ nhấn vào cái bản sắc văn hoá Việt là ẩm thực, là áo dài, là vô vàn thứ khác nữa, tại sao ta không cùng nhau đi tìm cái “bản lai diện mục” của mình trong cái cốt tuỷ chiều sâu hơn như là cái chuỗi gen Việt, bên cạnh sự phác hoạ diện mạo, cái profil bề ngoài.

Có ba điều khiến tôi băn khoăn, trăn trở khi nghĩ tới cái nền chính trị của Dân tộc ta.

Một là cái tư tưởng “Vô vi cư điện các”. Đây không chỉ là tư tưởng lớn mà còn là một câu hỏi lớn cả ngàn năm sau. Tư tưởng ấy xuất hiện khi quốc gia Đại Cồ Việt ra đời với một mong ước, một ý chí Đại Hành. Con cháu ngàn năm có những gì vi phạm cái Vô vi? Và cái Vô vi hiện đại phải là gì? Phải chăng chúng ta đang bất chấp cái “Vô vi” của con người, của Dân, của xã hội (ở đây “Vô vi” phải hiểu làm theo quy luật khách quan của thiên nhiên và xã hội).

Hai là trong cái hình thức dân chủ của ta đã thật sự thấm đượm cái tinh thần Thiên học Thân Dâncủa đời Trần chưa?

- Trong núi không có Phật. Hãy làm Phật giữa lòng xã hội - Từ đó có Cư trần lạc đạo.

- Bậc nhân chủ (người cầm quyền) phải lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình, lấy ý của thiên hạ làm ý của mình. Cách nào để không đem cái ý riêng của một nhóm áp đặt vào cộng đồng, vào xã hội.

- Thứ ba là tư duy của Ngô Thì Sĩ đã được Phan Huy Chú tâm đắc dẫn lại (trong Lịch triều hiến chương loại chí): “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người”. Nhớ lần ấy khi đọc bài viết của tôi trên Tuổi trẻ,anh Ivo Vasiliev, nhân sang dự 100 sinh nhật Hồ Chí Minh, hỏi tôi: “Đạo thánh hiền thì tôi hiểu, còn đạo đời thường nghĩa là gì?”, Tôi bảo: “Đó là người nông dân cần có ruộng cày, phải trả lại ruộng cho nông dân. Người thợ thủ công cần xưởng thợ, phải trả xưởng thợ cho thợ thủ công. Nhà buôn cần cửa hàng, người trí thức cần tự do tư tưởng… Phải xử lý những vấn đề ấy theo đạo Đời thường”. Ivo gật gật bảo “Tôi hiểu, tôi hiểu”. Câu hỏi khôn nguôi của tôi là: Tại sao trong xã hội ta hiện nay người ta thích làm trái khoáy?

Phải chăng có một Đạo (quy luật) của các dân tộc Châu Á khi đi lên hiện đại là phải tổng hợp và tích hợp, cho đặng cái Văn hoá Á – Âu trong cái lò rèn đúc ấy mà đúc lên cái hiện đại của mình.

Thế kỷ 20, Việt Nam còn lo chiến tranh cứu nước và giữ nước nên chưa kịp làm cuộc rèn đúc nền văn hoá hiện đại của mình. Có phải đấy là cái gánh mà chúng ta, lũ “thất phu” phải hữu trách không?

Tự nhiên, tôi nhớ tới một cái chức, một cái phận mà Tao đàn thời Lê Thánh Tông đặt ra là chức Sái phu. Thất phu gọi Nôm là “bố cu mẹ đĩ” (thất - sất – phu, thất phu) nghe hơi chướng. Sái phu là tên phu phen quét dọn, hầu hạ, điếu đóm. Vì thế tôi tự nguyện làm kẻ điếu đóm liên lạc và giúp các bậc thức giả của chúng ta trong một công việc chỉ có thể là công quả của một tập thể mới nên như công việc Nghiên cứu và Truyền bá Minh triết Việt.

Còn có vô vàn lý do khác nữa đều đúng đắn, chí lý, chí tình để tìm tới công chuyện Nguyên cứu Minh triết Việt, trong đó tôi nghiệm thấy rằng triết lý hoặc triết học của Việt Nam không dày như của thiên hạ. Nhưng một dân tộc lập quốc cả ngàn năm đang đi vào hiện đại, chắc chắn nền Minh triết là sâu thẳm. Bởi không có tuỷ làm sao có hệ thần kinh cao cấp, để duy trì con người là con người. Việt Nam là một quốc gia – dân tộc Á Đông – Đông phương. Đông phương và Việt Nam không triển khai tư tưởng theo hướng từ “sophia” đến Duy lý - triết lý mà trước sau, phổ biến (cả Trung Hoa, Ấn Độ, cả Việt Nam…) đều khẳng định hướng Minh triết. Có phải vì thế mà nhà Đạo học Cao Xuân Huy đã sáng tạo ra thuật ngữ Chủ toàn và chủ biệtđể nói cái đặc biệt ấy.

Thật sự là một câu hỏi lớn xuyên thiên niên kỷ: “ Con người dột (mình) biết trú vào đâu?) Huy Cận từng nói: “Những câu hỏi lớn không lời đáp”. Không phải. Chỉ vì là những câu hỏi lớn về thân phận con người nếu chỉ dừng lại ở bình diện nhân sinh, nhân vi, rõ ràng là còn nhiều cái bí. Vào cuối thế kỷ XIX có một sĩ phu của ta là cụ Hồ Phi Huyền thử đưa ra một giải pháp – Nhân đạo quyền hành.

Nhưng công án giải đáp mà Thiền sư Viên Chiếu đưa ra là:

Mặt trăng kia với mặt trời,

Vần xoay, sáng tối, vơi đầy tính sao.

Ban đầu tôi nghĩ Viên Chiếu trả lời theo lối Thiền truyền thống. Khuyết tật của con người, tự nhiên thôi, mặt trăng mặt trời cũng có lúc vơi đầy, sáng tối nữa là. Nhưng càng nghiệm tôi càng thấy thú vị. Vì chỉ giải quyết trên bình diện nhân sinh không đủ. Phải đặt nó trong cảm quan vũ trụ luận. Đây là hướng mà nhiều học giả đương đại quan tâm kiếm tìm khi nói về con người.

Ở đây tôi cũng bắt chước các trí thức lớn của ta, chỉ đưa vài ý niệm như giả thiết để làm việc.

II. Minh triết - từ thuật ngữ đến khái niệm

1. Từ Minh triết xuất hiện trong tư duy Việt Nam , trong hệ thống ngữ vựng Việt được cấu tạo theo đúng quy luật của cấu tạo ngôn ngữ Việt. Nó gồm Minh nghĩa là sự sáng tỏ (như mặt trăng mặt trời), rõ ràng, đúng đắn, hiển nhiên. Ông bà ta đã kết hợp nó với những từ khác để phô diễn cái trạng thái sáng tỏ, đúng đắn của nhiều tố chất, phẩm chất khác của tư duy, của hành động. Minh đức, Minh chủ (minh chúa), Minh đạo, Minh chính, Minh trí, Minh biện, Minh tâm…

Cái triết sáng tỏ, rõ ràng, giản dị dễ nhận ra (kiểu như những định đề) lại phổ quát được gọi là Minh triết.

2. Nếu có sự tương đồng với ngôn ngữ thế giới thì Minh triết tương đồng hơn cả là với từ “sophia” (Hy – la), với những từ khác như Sagesse của Pháp, Wisdom của tiếng Anh, sự tương đồng không bằng được như với Sophia. Các học giả Âu Mỹ khi nói về những nền triết học Đông phương họ cũng khẳng định đó là Minh triết. Như Michael Jordan (Mỹ) trong tác phẩm Minh triết Đông phương, giới thiệu các nền Triết học và Thánh lễ của phương Đông (Nxb, 2004). F. Julien trong Minh triết phương Đông và Triết học phương Tây(Nxb, Đà Nẵng, 2004). Như thế họ khẳng định một điều: Cái triết học của phương Đông được gọi là Minh Triết.

F. Julien còn đi tới sự phân loại đặc trưng giữa Triết học (phương Tây) và Minh triết (phương Đông).

Riêng tôi từ quan sát những tư tưởng thành văn (trong ca dao tục ngữ - trong sách vở tiền nhân) có nhiều giá trị phổ quát nhưng phân tán ở nhiều “nhà”. Tôi cho rằng tư tưởng triết lý Việt Nam nên gọi Nó là Minh triết thì hợp lý hơn. Vả lại tránh bị rơi vào cái “khuôn” đã cứng nhắc về quan niệm thế nào là triết học. (Cũng vì cái khuôn này nên nhiều người cho rằng Việt Nam không có Triết học).

Tôi quan niệm Minh triết Việt có những tố chất như sau:

- Mềm mại – Nhu động (như nước). Vì thế không cứng nhắc.

- Mở - Khai phóng (mở ra cho nhiều lĩnh vực nhiều thời. Vì thế dễ hấp thụ, có sự bao dung rộng lớn).

- Ý nghĩa khái quát. Nó Minh như Định đề. Khỏi chứng minh.

Tôi đã áp dụng một số chuẩn như thế để suy nghĩ về những tư tưởng của thời xưa, của thời cận và hiện đại, tìm được ở đó cái lõi Minh triết. Ví dụ tư tưởng Đông kinh nghĩa thục 100 năm rồi càng thấy hay và đúng. Từ những định đề ấy bổn phận của ta là tìm những bài toán (cụ thể ứng dụng nó cả khi đi tìm bài toán, cả khi giải bài toán) của xã hội nhân sinh.

Vì thế Minh triết Việt được coi như chất tuỷ của Văn hoá, Văn hiến.Nó là cái gen chìm để kiếm tìm đúng cái “bản lai diện mục” của Việt.

Việt hôm nay là một quốc gia đa dân tộc (chủng). Nó là 54. Cho nên Minh triết Việt không duy chỉ có nội hàm Kinh mà phải có cả Chăm, Khmer, Mường, Hmông, Thái, Tày….

III. Thử bàn nội hàm Minh triết Việt

- Minh triết Việt là tên gọi tích hợp hệ thống tư tưởng, triết lý Việt.

- Vũ trụ luận - mọi dân tộc (chủng tộc) đều có vũ trụ luận của mình.

Nhưng Minh triết Việt không nhấn mạnh vũ trụ luận. Nó chỉ nêu cảm quan về những đặc trưng, tố chất của thiên nhiên đề điều tiết cái lõi nhân sinh, gợi ý cho quy chiếu lối ứng xử, để định hướng cho thế sinh (cuộc sống nhân thế mọi mặt. Chữ này Trần Văn Đoàn dùng rất đắt).

Ví dụ thú vị nhất là quan niệm nước. Từ một yếu tố quan trọng của sinh quyển, gắn liền với mạng sống của cộng đồng, có sông ngòi mới có cá mú, có ruộng nước… Nó trở thành cái thiêng liêng là địa bàn sinh tụ thành nước nhà, thành nong sông. Kể cả Trung Hoa mà phạm trù Thuỷ(nước là sâu thẳm) họ cũng không nâng lên được sự khái quát thành địa bàn sinh tụ của quốc gia dân tộc.

Còn trong ứng xử lối sống thì rất phong phú:

Uống nước nhớ nguồn;

Nước chảy chỗ trũng;

Ăn ở như bát nước đầy;

Còn nước còn tát.

- Minh triết về nhân sinh - vừa tổng hợp vừa tích hợp nhiều hệ thống con của xã hội. Tôi chú ý đến hai hệ thống Minh triết quan trọng:

+ Một là đạo đức ứng xử xã hội. Những Đạo Hoà, Đạo Trung, Đức Tín, Đức Hiếu, Đức Từ ái, Nhân Nghĩa…

+ Hai là Đạo trị nước. Rất nhiều những Minh triết trị nước qua các triều đại, các giai đoạn lịch sử. Người ta gọi đó là Trị đạo.

Gọi là Đạo trị nước rất hay. Vì đó không phải là phương thuật nhất thời. Nghiệm ra thì hồn mạch trị đạo của Minh triết Việt là xuyên suốt, là phổ quát luôn luôn kim nhật kim thì.

Tôi thường đặt câu hỏi: Tại sao khi bắt đầu thời kỳ độc lập, quy tụ các nhóm (sứ quân) thành quốc gia nước được đặt tên là Đại cồ. Vua được tôn hiệu Đại Hành, Chủ thuyết trị nước là “vô vi cư điện các”. Cái nước Việt lớn (Cồ) phải hành xử lớn (Đại Hành). Qua cả ngàn năm cái Minh triết ấy vẫn còn giá trị. Ý nguyện và năng lực Cồ ngày nay rất bức bách để đau tranh tồn tại và phát triển trong toàn cầu hoá. Có lúc lũ con cháu hiện đại đã không ứng xử Đại hành mà nhỏ nhen, đã không vô vi cho thuận lòng người, thuận quy luật, thuận thời thế nên đã dẫn đến khủng hoảng, ly tán,bất an…

Đời Lý mở đầu văn hiến Đại Việt, định đô mới, mở rộng tầm quản trị đất nước, xây dựng một quốc gia bề thế, Minh triết hàng đầu là chính trị từ ái, chăm lo cho con người, nên Viên Chiếu nêu một vấn đề cực kỳ lớn lao, xuyên suốt:

Lậu nhân hà sở tại?

Con người dột - biết trú vào đâu?

Đó là gợi ý, là giả thiết để làm việc, để nghiên cứu.

IV. Góp vào việc nghiên cứu Minh triết Việt

Thế kỷ XX đáng ra chúng ta có thể thực hiện trạng thái văn hoá phục hưng để tiến vào hiện đại. Nhưng bất hạnh là bị nô lệ, rồi chiến tranh tàn khốc, vừa là chống xâm lăng vừa là nội chiến. Còn bất hạnh nữa là chịu trận quá lâu tư tưởng giáo điều, biệt phái thực dụng hủ lậu.

Có ba quá trình đồng thời:

- Tổng kết (thống kê, hệ thống hoá, phân tích…) các giá trị của ông cha, của văn hiến cổ truyền.

- Thâu thái văn hoá, văn minh nhân loại.

- Tích hợp vào dân tộc để có tố chất và năng lực hiện đại.

Thiên hạ, nhiều dân tộc đã thực hiện được ba quá trình ấy trong thế kỷ XX. Ta đang phải nỗ lực làm trong vài chục năm đầu của thế kỷ XXI.

Mà khái niệm thời kỳ Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước là gì? Nếu như chỉ nhăm nhăm vào công nghệ, kỹ thuật và buôn bán thì còn thiếu một vế quan trọng là văn hoá, là nhân văn. Cái quan niệm kinh tế là “kinh bang tế thế” (xây dựng quốc gia, đất nước, chăm lo cho cuộc đời của con người) như Minh triết Việt liệu có thấm vào đầu óc, vào năng lực giới cầm quyền, giới kinh doanh, giới trí thức không?

Không có dân tộc nào đi vào được hiện đại bằng cái “ phi ngã”, bằng cái trống không về Văn hoá - Lịch sử. Tại sao một số quốc gia trong nhóm “con rồng”, “con hổ” đã thành công. Bài học của họ là tích hợp được vốn xã hội của con người, của cộng đồng, của dân tộc.

Trong Văn minh tân học sáchcó một khẩu hiệu: “ Chỉ phải đi nhanh lên mà thôi”. Chính vì sự “sống gấp” của các bậc Trí giả đương đại.

Xem Thêm

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Đề xuất giải pháp triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL
Ngày 18/4, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bạc Liêu (Liên hiệp hội) và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh tổ chức Hội thảo: Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” - Những vấn đề đặt ra.
Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
Tại hội thảo “Một số ý kiến của trí thức khoa học công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV” diễn ra sáng 9/4, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW...

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.